Lược sử sở hữu đất đai

Chu Mộng Long

5-1-2023

Lịch sử của nhân loại gắn liền với lịch sử sở hữu đất đai. Các cuộc cách mạng suy cho cùng cũng vì chuyện sở hữu đất đai.

Tranh chấp từ trong gia đình, dòng tộc, cho đến chiến tranh giữa các quốc gia, dân tộc, chiến tranh thế giới cũng từ chuyện sở hữu đất đai mà ra.

Đất đai gốc là của tự nhiên. Con người khai thác đất đai để ăn ở, sinh tồn, từ săn bắn, hái lượm đến chăn nuôi, trồng trọt. Quyền sở hữu gắn liền với quyền khai thác khi các bộ tộc người hình thành. Quyền sở hữu khi ấy có thể được gọi là “sở hữu toàn dân”. Dân khai thác đất và có nghĩa vụ chiến đấu bảo vệ đất cho bộ tộc mình.

Chiến tranh giữa các bộ tộc hoang dã diễn ra khi có sự xâm phạm lãnh thổ do các bộ tộc cai quản. Sự bảo vệ lãnh thổ phải trả giá bằng xương máu. Trong điều kiện “sở hữu toàn dân” như vậy, người dân chiến đấu, hy sinh vì lãnh thổ của mình chứa đầy ý nghĩa và đất trở thành một phần máu thịt thiêng liêng của những người đã sống và chết vì đất.

Khi nhà nước chủ nô và phong kiến hình thành, khái niệm “sở hữu toàn dân” vẫn được duy trì trong sự bịp bợm của giới chủ nô và quý tộc phong kiến. Với cái gọi là “sở hữu toàn dân”, người nô lệ và tá điền phải đổ xương máu để khai thác, lao động, chiến đấu và hy sinh bảo vệ đất đai cho chủ nô và quý tộc.

Ở phương Đông, đất đai thuộc “sở hữu toàn dân, thống nhất do vua quản lý”, cụ thể là vua dùng đất để ban bổng lộc cho người có công, kéo dài đến cả ngàn năm phong kiến. Trước họa mất nước, thực chất là mất đất, gắn chặt quyền lợi chủ nô và nô lệ, giữa quý tộc phong kiến và nông dân, Trần Hưng Đạo viết trong Hịch tướng sĩ: “chẳng những là thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc của các ngươi cũng bị kẻ khác chiếm mất; chẳng những là gia quyến của ta phải đuổi, mà vợ con của các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc của tổ tông ta sẽ bị dày xéo, mà đến mồ mả của cha mẹ ngươi cũng sẽ bị kẻ khác đào lên, chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục, và trăm kiếp khác tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu vẫn còn, mà gia thanh của các ngươi cũng chẵng khỏi mang tiếng là nhà bại tướng“.

Vậy là các sĩ tốt phải chiến đấu đến cùng, thà làm nô lệ cho ta còn vinh hơn là làm nô lệ cho giặc.

Khi nhắc quan cai quản biên cương, vua Lê Thánh Tông dứt khoát quan điểm đất đai là của vua và thần dân có nghĩa vụ phải bảo vệ: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được, ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc bày tỏ rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di“. (Theo Đại Việt sử ký toàn thư). Họa tù tội, tru di là điều khiến thần dân sợ hãi mà sẵn sàng hy sinh vì đất đai… của vua.

Sự thực là vậy. Nếu có yêu nước thì phải nói lòng yêu nước gắn liền với yêu đất của vua. Ăn lộc vua, đền ơn vua. Chỉ có Nguyễn Trãi bất chấp họa tru di mới dám nói: “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”.

Ở phương Tây, các lãnh chúa phong kiến có lâu đài, biệt phủ gắn liền với lãnh thổ riêng. Sự xâm phạm lãnh thổ giữa các lãnh chúa diễn ra triền miên trong xương máu chất chồng của người dân. Cùng với đất đai, dân cũng thành miếng mồi tranh chấp, bởi dân là sức lao động, sức chiến đấu, đồng thời là tài sản như là đất đai.

Chiến tranh nồi da xáo thịt giữa các quốc gia lân bang, giữa các lãnh chúa phong kiến diễn ra suốt ngàn năm chỉ vì tranh chấp đất đai. Xét đến cùng, những cuộc tranh chấp đó, lợi ích không thuộc về dân mà thuộc kẻ thống trị. Đến lúc người dân thức tỉnh, rằng đó là những cuộc chiến vô nghĩa, chiến đấu để làm gì khi không làm nô lệ cho kẻ này thì cũng làm nô lệ cho kẻ khác.

Đây chính là nền tảng cho “sở hữu tư nhân về đất đai” trong các cuộc cách mạng tư sản sau đó. Mỗi người dân phải đảm bảo quyền sở hữu đất đai thì các cuộc chiến bảo vệ chủ quyền mới có ý nghĩa.

Đảm bảo quyền sở hữu tư nhân về đất đai cho người dân có ý nghĩa cực kỳ quan trọng như một bước nhảy vọt về văn minh của loài người. Nó trở thành động lực lao động, sản xuất và đấu tranh, không chỉ cho vấn đề nhà ở, đất chăn nuôi và trồng trọt, khai thác tài nguyên, mà còn là động lực cho các cuộc chiến đấu về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia. Thiết thực hơn, quyền sở hữu tư nhân về đất đai, khi đã luật hóa theo luật quốc tế, sẽ chống lại nạn thôn tính, chiếm đoạt đã từng diễn ra và từng nhân danh từ thời bộ tộc hoang dã.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Comments are closed.