Tóm lược các diễn biến chính trên thế giới trong năm 2022

Đỗ Kim Thêm

29-12-2022

Ngày 30 tháng 1: Đảng Dân chủ Xã hội Bồ Đào Nha thắng cử Quốc hội

Ảnh: Antonio Costa, Thủ tướng Bồ Đào Nha và là Chủ tịch Đảng Xã hội sau cuộc bầu cử. Ảnh: Tân Hoa Xã/ Pedro Fiuza

Đảng Dân chủ Xã hội (Partido Socialista, PS) đã giành được 42% số phiếu bầu với 117 trong số 230 ghế tại quốc hội. Do đó, Đảng PS đạt đa số tuyệt đối. Từ năm 2015 đến năm 2022, dưới thời Thủ tướng António Costa, đảng PS nắm quyền điều hành đất nước với một chính phủ thiểu số đôi khi do các đảng thuộc cánh tả ủng hộ.

Ngày 13 tháng 2:  Steinmeier tái đắc cử chức vụ Tổng thống Cộng hoà Liên bang Đức 

Tổng thống Frank-Walter Steinmeier chào mừng sau khi tái đắc cử. Ảnh: DPA/ Bernd Von Jut

Với 1.045 trên 1.437 phiếu bầu trong vòng đầu tiên, Quốc hội Liên bang Đức đã tái tín nhiệm Tổng thống Frank-Walter Steinmeier trong chức vụ nguyên thủ quốc gia. Quốc hội Liên bang bao gồm 736 thành viên của Hạ viện Đức và nhiều đại biểu do các cơ quan đại diện của 16 tiểu bang chỉ định. Steinmeier là Tổng thống thứ 12 và nhiệm kỳ sẽ kết thúc vào tháng 3 năm 2027.

Ngày 24 tháng 2: Nga tấn công Ukraine

Cảnh hoang tàn trong một khu vực gần thủ đô Kyiv, Ukraine. Nguồn: ZUMAPRESS.com | Carol Guzy

Ngày 24 tháng 2 năm 2022, lực lượng Nga tấn công vào nội địa Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố tình trạng thiết quân luật. Dù việc chiếm giữ thủ đô Kyiv bị ngăn chặn, nhưng Nga chiếm được phần lớn lãnh thổ phía đông và nam Ukraine.

Vào tháng 9, Nga đã ngụy tạo tổ chức 4 cuộc trưng cầu dân ý ở khu vực do Nga đang kiểm soát. Đến cuối năm 2022, quân đội Ukraine đã tái chiếm một phần các khu vực do Nga chiếm đóng. Tuy nhiên, khi mùa đông bắt đầu, quân đội Nga nhắm đánh phá các nguồn cung cấp điện và nước của Ukraine. Liên Hiệp Quốc phát hiện ra nhiều tội ác chiến tranh do Nga gây ra. Theo Cao uỷ Liên Hiệp quốc về Người tị nạn (UNHCR), tính đến tháng 12 năm 2022, có hơn 7,8 triệu người đã tỵ nạn đến các nước châu Âu và hơn 6,5 triệu người đã phải di dời trong nước.

Ngày 16 tháng 3: Đức lập Quỹ tân trang Quân đội 

Sau khi Nga xâm lăng Ukraine, trong buổi họp Quốc hội ngày 27-2-2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đưa ra các biện pháp giải quyết. Ảnh: AP/ Michael Sohn

Sau khi Nga tấn công Ukraine, Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố, Quân đội Đức (Bundeswehr) cần những năng lực và trang thiết bị mới. Vào ngày 16 tháng 3, chính phủ Đức thông qua dự thảo luật tăng công chi quốc phòng. Tháng 6, với đa số 2/3 Quốc hội đồng thuận việc tu chỉnh hiến pháp, lập Quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro để tân trang cho Quân đội.

Ngày 24 tháng 4: Macron tái đắc cử tổng thống Pháp

Tổng thống Emmanuel Macron vui mừng sau khi tái đắc cử. Ảnh: AP/ Christophe Ena

Ngày 24 tháng 4 năm 2022, Pháp tổ chức cuộc bầu cử vòng hai cho chức vụ tổng thống. Tổng thống Emmanuel Macron, nhậm chức từ năm 2017, đã thắng cử với 59% số phiếu khi tranh cử với Marine Le Pen, một đối thủ thuộc phe cánh hữu. Với gần 28%, Macron nhận được nhiều phiếu bầu nhất trong vòng đầu vào ngày 10 tháng 4.

Le Pen là nhà lãnh đạo Phong trào Rassemblement National thuộc cực hữu trong khi Macron, người sáng lập La République en Marche, được coi là thân châu Âu.

Ngày 18 tháng 5: Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập khối NATO

Cờ Phần Lan, Thụy Điển và khối NATO. Ảnh: CHROMORANGE | Christian Ohde

Ngày 18 tháng 5 năm 2022, Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập, làm thành viên của khối NATO. Trong một thời gian dài, Thụy Điển và Phần Lan theo chính sách đối ngoại trung lập. Sau khi Nga tấn công Ukraine, hai nước thay đổi mô hình hợp tác.

Tuy nhiên, việc gia nhập vẫn chưa hoàn tất vì tất cả các thành viên của khối NATO phải đồng thuận. Riêng Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu tỏ ra từ chối và cáo buộc là hai nước đều thiếu thiện chí hợp tác trong việc chống khủng bố. Cụ thể là Tổng thống Erdogan nhiều lần yêu cầu dẫn độ các thành viên của các nhóm người Kurd mà Thổ coi là khủng bố, nhưng không có kết qủa  Vào cuối tháng 6, sau khi Helsinki và Stockholm nhượng bộ, một thỏa thuận về nguyên tắc đã đạt được. Cho đến nay, Thổ vẫn chưa phê chuẩn việc gia nhập.

Mùa hè: Pakistan lâm cảnh thiên tai 

Cảnh ngập lụt tại khu chợ Lahore, phía Đông Pakistan. Ảnh: Pacific Press | Rana Sajid Hussain

Từ giữa tháng 6 đến tháng 9, khi gió mùa bắt đầu, Pakistan gặp phải một lượng mưa cực lớn. Tại nhiều địa phương, lượng mưa lớn gấp bốn lần so với những năm trước. Thảm họa lũ lụt tăng cao vì còn nhiều lý do khác, thí dụ như sự tan chảy của các sông ngòi bị đóng băng. Kết quả là một phần ba lãnh thổ chìm trong sóng nước. Lũ lụt và sạt lở đất hoành hành khắp nơi cho đến hết mùa thu. Dịch bệnh lây lan nghiêm trọng làm cho ít nhất là 1.300 người chết. Nguyên nhân chính là thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu.

Ngày 8 tháng 9: Nữ hoàng Elizabeth II băng hà, Sunak trở thành Thủ tướng

Gia bảo của Nữ hoàng được đặt trên linh cữu lúc di quan đến Buckingham Palace vào ngày 18.09. 2022 để cử hành quốc táng. Ảnh: Photoshot

Nữ hoàng Elizabeth II của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland băng hà vào ngày 8 tháng 9, thọ 96 tuổi. Đăng quang từ năm 1952, Nữ hoàng là vị nguyên thủ quốc gia tại vị lâu nhất trên thế giới. Hoàng tử Charles III kế vị trong khi Vương quốc có nhiều biến động nghiêm trọng.

Sau khi Thủ tướng Boris Johnson từ chức vào đầu tháng 7,  bà Liz Truss, người kế nhiệm cũng từ chức vài tuần sau đó. Rishi Sunak, Thủ tướng mới là đối thủ của bà Truss. Trong lịch sử nước Anh, ông là vị Thủ tướng đầu tiên không phải người da trắng.

Ngày 13 tháng 9: Biểu tình toàn Iran

Phụ nữ Iran biểu tình phong toả đường phố Iran. Ảnh: ZUMAPRESS.com | Social Media

Vào ngày 13 tháng 9, cô Jina Masha Amini, 22 tuổi, người Kurd đã bị cảnh sát bắt giữ và cáo buộc là đội khăn trùm đầu không đúng quy cách đạo đức. Khi bị giam giữ, nghi can hôn mê và chết trong bệnh viện vào ngày 16 tháng 9.

Nhiều cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra trước bệnh viện. Sau đó, các cuộc biểu tình ôn hoà chống bạo lực của cảnh sát đã lan rộng và hiện nay bạo loạn chống các chính sách của chế độ Iran nổ ra trên khắp đất nước.

Tính đến cuối tháng 11, có 448 người, trong đó có 60 trẻ em và 29 phụ nữ, đã bị lực lượng an ninh Iran giết chết. Trên khắp thế giới có những cuộc biểu tình tỏ tình đoàn kết với nhân dân Iran và cho đến nay đang còn tiếp tục. Cả chính giới Mỹ và Liên minh châu Âu cũng đáp trả Iran bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Ngày 5 tháng 9: Liên minh cánh hữu Ý thắng c

Giorgia Meloni tuyên bố thắng cử với lời cám ơn nước Ý. Ảnh: AA | Riccardo De Luca

Đảng Fratelli d’Italia theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu đã dẫn đầu trong cuộc bầu cử quốc hội ở Ý với khoảng 26%. Khối bảo thủ cánh hữu bao gồm Fratelli d’Italia, Lega của Matteo Salvini và Forza Italia của Silvio Berlusconi, tất cả đạt được tổng cộng khoảng 43%. Kết quả này đủ để có được đa số tuyệt đối tại Hạ viện và Thượng viện.

Ngược lại, Đảng Dân chủ Xã hội Partito (19,3%) đã không lập được một liên minh với các chính đảng. Vào ngày 22 tháng 10, lãnh đạo Đảng Fratelli, Giorgia Meloni tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng và là phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ này trong lịch sử nước Ý.

Ngày 30 tháng 10: Lula da Silva thắng cử ở Brazil

Lula da Silva mừng thắng cử tại Sao Paulo, Brasilien. Ảnh: AP | Andre Penner

Lula da Silva thắng cử trong vòng hai cho chức vụ Tổng thống Brazil. Là ứng cử viên thuộc Đảng Công nhân cánh tả (“Partido dos Trabalhadores”), ông đã thắng với 50,9% số phiếu so với Jair Messia Bolsonaro là người đương nhiệm theo cực hữu và đạt được 49,1% phiếu.

Lula đã từng là Tổng thống Brazil từ năm 2003 đến 2010. Năm 2018, Lula bị kết án tù vì tội tham nhũng và rửa tiền. Sau khi kháng án, các bản án bị hủy bỏ vào năm 2021. Brazil là quốc gia đông dân nhất ở Nam Mỹ. Trong nhiệm kỳ của Bolsonaro, nạn phá rừng nhiệt đới Amazon đã gia tăng liên tục. Các nhà hoạt động về bảo vệ khí hậu hy vọng, Lula sẽ sớm có biện pháp cải thiện tình thế. Tuy nhiên, thách thức cho Lula là Đảng cánh tả không chiếm được đa số tại quốc hội.

Ngày 1 tháng 11: Khối cánh hữu thắng cử ở Israel  

Benjamin Netanjahu trước Quốc hội sau khi cuộc kiểm phiếu kết thúc. Ảnh: DPA| Ilia Yefimovich.

Khối các chính đảng thuộc cánh hữu, cực hữu và tôn giáo thắng phiếu trong bầu cử quốc hội vào ngày 1 tháng 11. Đây là cuộc bầu cử lần thứ năm kể từ năm 2019. Thủ tướng đương nhiệm Yair Lapid thất bại trong cuộc bầu cử này. Người thắng cử là cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu, lãnh đạo phe đối lập.

Đảng Likud của Netanyahu nắm giữ 64 trong số 120 ghế trong Quốc hội Israel (Knesset). Kể từ khi Israel thành lập năm 1948, khối cánh hữu mới được thành lập lẩn đầu tiên. Một trong những lo âu chính của các chuyên gia là tư pháp không còn hoạt động độc lập. Sau khi liên minh chính trị của Thủ tướng Lapid tan rã vào tháng Tư, các cuộc bầu cử quốc hội mới trở nên cần thiết.

Ngày 8 tháng 11: Bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống Mỹ

Các vận động viên của Đảng Dân chủ mừng chiến thắng của Nghị sĩ Raphael Warnock, ngày 6-12-2022, Atlanta. Ảnh: AP | John Bazemore

Cứ hai năm một lần, cử tri Mỹ bầu lại 435 dân biểu và 1/3 nghị sĩ. Lần bầu này, đã có nhiều dự đoán cho rằng đảng Cộng hòa sẽ thắng phiếu đáng kể, vì đảng của tổng thống đương nhiệm thường mất sự ủng hộ trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Vì tình trạng lạm phát, Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden mất nhiều uy tín và suýt mất thế đa số tại Hạ viện.

Nhưng sau cuộc bầu cử vòng hai ở bang Georgia vào ngày 6 tháng 12, Đảng Dân chủ đã giành được 51 trên 100 ghế tại Thượng viện, nhiều hơn trước đó 1 ghế. Đa số đảng viên Cộng hòa đổ lỗi sự thất bại cho cựu Tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, Donald Trump muốn tái tranh cử vào năm 2024.

COP27 lập qũy khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu

Trước tiền đình Hội nghị COP 27 Ảnh: photothek | Thomas Imo

Từ ngày 6 đến ngày 20 tháng 11 năm 2022, đại diện của 196 quốc gia nhóm họp tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập, trong khuôn khổ Hội nghị Khí hậu Thế giới lần thứ 27 của Liên Hiệp Quốc (COP27).

Tại cuộc họp này, các đại biểu thống nhất về việc thành lập một qũy đền bù thiệt hại liên quan đến việc biền đổi khí hậu. Các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng sẽ được hỗ trợ tài chính. Các hình thức hỗ trợ cụ thể vẫn chưa được chung quyết  Mặt khác, các đại biểu cũng không đồng ý đưa ra các biện pháp hiệu quả hơn trong bảo vệ khí hậu, chẳng hạn như loại bỏ dần sản xuất dầu khí.

Ngày 18 tháng 12: World Cup kết thúc tại Qatar

Lion Messi tạo chiến thắng cho Argentina tại Qatar 2022. Ảnh: David Pamoa/ FIFA/ Getty/Images

Từ ngày 20-11 đến 18-12, giải bóng đá thế giới diễn ra tại Qatar. Theo ước tính, Qatar đã chi khoảng 220 tỷ đô la cho việc tổ chức. Tinh thần thi đua thể thao của giải bị lu mờ bởi những cáo buộc chống lại FIFA và nước chủ nhà.

Qatar là một quốc gia độc tài và hạn chế bảo vệ nhân quyền. Theo các nhà phê bình, lẽ ra Qatar không nên được trao cho việc tổ chức giải. FIFA cũng cấm một số đội tuyển quốc gia đeo băng “One Love”, được coi là dấu hiệu của nhân quyền. Cuối cùng, đội bóng Argentina chiến thắng và trở thành vô địch bóng đá thế giới năm 2023. 

Bình Luận từ Facebook