Một số nhận thức nhầm về đảng và Mác – Lênin (Phần 2)

Nguyễn Đình Cống

29-12-2022

Tiếp theo phần 1

4. Đảng và dân tộc

Có ý cho rằng đảng từ dân tộc sinh ra. Nói điều này là dựa trên việc gần như toàn bộ đảng viên là người Việt. Đó là một nhận thức nhầm. Đảng Cộng sản là một tổ chức ngoại nhập. Trước nó đã có những tôn giáo và học thuyết ngoại nhập như Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa, Đạo Nho, Đạo Lão…

Khi ví dân tộc Việt như một cây chủ thì ĐCSVN như cành tầm gửi bám vào cây đó, và rồi từ vị thế sống dựa, tầm gửi dần dần biến thành thống trị nhờ việc chiếm được ngọn cây và cắm chặt được các nốt hút vào thân cây, khống chế toàn bộ cành và lá cây.

Sau 80 năm bị đô hộ, nhiều người Việt yêu nước khát khao được đấu tranh giành độc lập. Những người truyền bá CS đã biết lợi dụng điều đó. Họ tuyên bố sẽ đi đầu và lãnh đạo cuộc đấu tranh này, vì thế lôi kéo được nhiều người ưu tú vào tổ chức.

Thực ra đấu tranh giành độc lập và sau này là thống nhất đất nước chỉ là mục tiêu trước mắt, tạm thời của CSVN. Mục đích chính, lâu dài của CS (CS thế giới, cũng như CSVN) là nắm được chính quyền trong tất cả các nước (trước mắt là trong một số nước) nhằm thiết lập chế độ vô sản chuyên chính để thực hiện chủ thuyết do Mác vạch ra về thế giới đại đồng, do vô sản làm chủ. Độc lập và thống nhất là cho đảng chứ không phải cho dân.

Khi chưa có chính quyền họ vận động nhân dân đóng góp tài sản, sức lực, xương máu để giúp họ giành cho được chính quyền. Ngoài mồm họ nói vì độc lập, thống nhất, nhưng sâu xa họ nghĩ đến sự thống trị trên toàn cõi. Khi đã ở vị trí thống trị, họ vẫn nói chính quyền của dân, nhưng trong đầu họ kiên định chính quyền là của đảng.

Họ tạo ra Quốc hội đảng cử dân bầu. Họ kiên quyết bảo vệ sự thống trị bằng mọi cách, sẵn sàng kết tội những ai dám phê phán, phản biện việc làm sai trái của chính quyền, họ trừng phạt người ta bằng việc vu cho những người đó là ‘thế lực thù địch’, chống chế độ rồi bắt bỏ tù hoặc đuổi sang nước khác. Họ tạo ra những nhóm lợi ích để chia chác quyền và lợi chiếm được. Họ tuyên truyền rằng, ngoài lợi ích của dân tộc họ không còn lợi ích nào khác. Đó là lời nói dối trắng trợn mà chỉ những người quá ngu muội mới bị họ lừa.

Tại các đại hội đảng họ đặt ra những chỉ tiêu về phát triển kinh tế. Đặt như vậy chỉ là trò hình thức, duy ý chí còn sót lại từ nền kinh tế theo kế hoạch chứ thực tế chẳng có ý nghĩa gì trong nền kinh tế thị trường. Đề ra các chỉ tiêu chủ yếu để chứng tỏ đảng quan tâm đến phát triển kinh tế. Nhiều người nhận nhầm rằng, như thế là đảng thực sự chăm lo đến đời sống nhân dân. Thực ra thì không phải. Nói đảng chăm lo đến dân chỉ là cái che đậy. Đảng sống và hoạt động chủ yếu dựa vào ngân sách, nghĩa là dựa vào tiền thuế của dân. Dân có phát triển, đóng thuế thì đảng mới có nhiều tiền để tiêu xài, quan chức mới có của để tham nhũng. Hình như tiền ngân sách chi cho đảng là bí mật quốc gia mà Quốc hội và chủ tịch nước cũng không được biết.

Người ta ra sức tuyên truyền, tẩy não để mọi người cho rằng đảng đứng trên cả dân tộc. Thà chịu mất nước chứ không để mất đảng.

Nghe đồn rằng, tổng bí thư đảng Nguyễn Văn Linh từng nói, Việt Nam theo Trung cộng có thể mất nước nhưng giữ được đảng. Sẽ là quá ngu khi một người dân nghĩ như vậy.

Nhiều người nghĩ rằng, mặc dù Chủ nghĩa Mác – Lê nin (CNML) phạm sai lầm cơ bản, nhưng dù sao dân tộc Việt Nam cũng đã nhờ nó mà có những thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh (chống Pháp và nội chiến). Chưa bàn đến bản chất của chiến tranh, lợi và hại của nó, có thể tránh được hay không và tránh bằng cách nào. Cứ tạm xem rằng chiến tranh là tất yếu và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thắng lợi. Suy luận như sau: VNDCCH do ĐCS vận dụng CNML để lãnh đạo, đạt thắng lợi. Vậy rõ ràng có thắng lợi là nhờ CNML. Suy luận như vậy tưởng là chặt chẽ, nhưng thật ra nó ẩn chứa ngụy biện tinh vi. Cho rằng nhờ CNML thì cụ thể nhờ vào cái gì của nó và vận dụng như thế nào.

Hỡi những người có lương tri! Hãy dẹp bỏ mọi lời truyên truyền một chiều, dẹp bỏ mọi điều đã bị nhồi sọ. Hãy suy nghĩ bằng đầu óc tỉnh táo của mình, không bị chi phối bởi bất kỳ ai, bất kỳ cái gì, rồi trả lời câu hỏi rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thắng trong chiến tranh vừa qua nhờ cái gì của CNML?

Tôi đã suy nghĩ nhiều và rút ra kết luận là không nhờ cái gì trực tiếp của CNML cả. Thế nhờ vào cái gì? Trong kháng chiến chống Pháp chủ yếu là nhờ vào lòng yêu nước, đức hy sinh của đại bộ phận nhân dân, nhờ khả năng chỉ đạo tài tình, khôn khéo của các tướng lĩnh quân đội, mà khả năng đó là từ truyền thống chống ngoại xâm của ông cha, từ phẩm chất tự có của họ chứ không liên quan gì đến CS và CNML. Từ đó nhân dân có được lòng tin vào chiến thắng. Ngoài ra là nhờ vào sự giúp đỡ của bè bạn năm châu, đặc biệt là Liên xô, Trung quốc và phe XHCN.

Riêng trong cuộc nội chiến Bắc – Nam mà quân Mỹ vào giúp Việt Nam Cộng Hòa nhằm ngăn chặn họa cộng sản thì ĐCSVN nhờ kích động tinh thần dân tộc, khi tuyên truyền rằng Mỹ xâm lược nước ta, bắt dân ta làm nô lệ, nên kêu gọi mọi người đứng lên “chống Mỹ cứu nước”. Toàn dân đã  được tuyên truyền sai lạc và nhầm mà nghe theo.

Có ý kiến cho rằng Liên Xô, Trung Quốc, phe XHCN giúp VNDCCH vì theo CNML, cùng ý thức hệ. Điều này đúng một phần nhỏ và là gián tiếp. Các nước giúp VNDCCH chủ yếu vì nhân đạo. Riêng Trung Quốc, họ giúp VN rất nhiều nhưng không phải với chân tình trong sáng mà với nhiều mưu mô, lợi dụng. Liên Xô giúp cũng không phải là VN theo CNML mà chủ yếu là để VN làm xung kích cho phe XHCN.

Thế trong lúc tiến hành chiến tranh, VNDCCH có thực hiện những điều gì của CNML hay không. Có thực hiện một số điều vì chịu áp lực của Nga Xô và Trung Cộng. Lãnh đạo VNDCCH phải nghe theo họ, chịu sự chi phối của họ để nhận viện trợ mà tiếp tục chiến tranh. Nhưng thực hiện CNML thì càng đẩy dân tộc vào tai họa. Đó là cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư nhân, lập các tập đoàn kinh tế nhà nước. Rồi vì để thực hiện CNML, cần kiên trì ý thức hệ và ghi sâu thù hận giai cấp mà giam cầm oan trái hàng trăm vạn người của bên thua cuộc, mà đẩy hàng triệu người bỏ nước ra đi trong những điều kiện éo le, khắc nghiệt, tạo ra vết thương lớn của dân tộc, rất khó hàn gắn.

Một điều nhầm từ truyền thông lan rộng ra toàn quốc là gán cho đảng việc mà họ không làm bao giờ. Đó là khen tặng. Mỗi lần đưa tin các đơn vị, cá nhân được tặng huân chương, danh hiệu cao quý, giải thưởng lớn, thông tin đại chúng thường trình bày là được Đảng và Nhà nước trao tặng. Tôi đã tìm hiểu và tin rằng trong việc này, về pháp lý, về văn bản chính thức thì Đảng không tham dự. Thí dụ trong quyết định của chủ tịch nước về khen tặng không có một căn cứ nào từ phía Đảng.

Thế thì kể Đảng vào cùng Nhà nước để làm gì? Phải chăng là để cho oai, cho người nhận và toàn dân phải ghi nhớ công ơn Đảng? Có người phản biện, cho rằng Đảng lãnh đạo toàn diện nên thực tế việc khen thưởng cũng phải được lãnh đạo của Đảng xét duyệt. Đó có thể là sự thật, nhưng thiếu thuyết phục. Nếu việc xét khen thưởng phải được sự đồng ý của Đảng thì trong quyết định nên ghi thêm câu “Được sự đồng ý của ông/ bà X Y bên Đảng”. Nhưng không thể viết, vì như vậy sẽ lộ rõ bộ mặt của chủ tịch nước là không có thực quyền. Đây là một nghịch lý khó khắc phục. Đã thế thì tốt nhất là đừng nhắc đến.

5. Nhầm của lãnh đạo

Những việc sau đây, lãnh đạo cấp cao vẫn truyền dạy cho cấp dưới, vì vậy xem là họ nhầm. Có khá nhiều, chỉ xin tạm trình bày năm việc.

Đầu tiên là vai trò và tổ chức đảng. Về điều này, đã viết một đoạn ở mục 1, đó là nhầm của nhiều người, mục này viết về nhầm của lãnh đạo.

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: Đảng là nhóm người kết với nhau để hoạt động đối lập với những người hoặc nhóm người có quan điểm hoặc mục đích khác với mình.

Có thể chia đảng là một tổ chức xã hội dân sự ra hai loại: đảng chính trị và đảng cách mạng. Nhóm người được nói đến cần có chung quan điểm, cùng mục đích là chủ yếu. Tùy vào đặc điểm của từng đảng mà có thể thêm vào vài tiêu chuẩn nào đó.

ĐCS nói chung là đảng cách mạng kiểu mới của vô sản theo tiêu chuẩn do Lênin vạch ra. Tuy vậy trong quá trình tồn tại và phát triển nhiều ĐCS đã có những thay đổi cơ bản về tổ chức và đường lối, một số không ít chuyển thành đảng chính trị, tham gia vào hệ thống đa đảng.

Điều lệ ĐCS Liên Xô trước năm 1956 viết rằng, Đảng CS là của giai cấp công nhân. Khi Khrushchev (TBT từ năm 1956) sửa rằng, ĐCS Liên Xô là đảng của toàn dân thì bị phản đối, bị chửi rủa, cho là tên xét lại nguy hiểm. Càng ngày càng rõ rằng ĐCSVN thực chất không phải là đảng của giai cấp công nhân mà chỉ là theo mô hình đó, nhưng trong điều lệ cứ cố giữ và đưa ra định nghĩa: “Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn thể dân tộc Viêt Nam”.

Định nghĩa như vậy đã tách công nhân ra khỏi nhân dân lao động, tách cả công nhân và nhân dân lao động ra khỏi toàn thể dân tộc. Định nghĩa như vậy là ngụy biện, không đúng thực tế, nhưng lãnh đạo ĐCSVN vẫn cố giữ và bắt toàn đảng công nhận. Chỗ này, nếu cho như thế là đúng thì phải chăng đã phạm lỗi vô minh. Khi tự biết là sai mà cố giữ thì phải chăng là dối trá. Hình như giữ như vậy chỉ để làm hài lòng một vài người cố chấp, bảo thủ, mê muội.

Trong khi ĐCSVN cố giữ cho bằng được “đội tiên phong của giai cấp” thì Trung Cộng, từ năm 2002 đã vứt bỏ nó và thay bằng thuyết ba đại diện. ĐCS Trung quốc là đại diện cho: Lực lượng sản xuất tiên tiến, Nền văn hóa tiên tiến và Lợi ích của nhân dân Trung Quốc.

Thứ hai là nguyên tắc tập trung dân chủ. Văn kiện của đảng viết rằng, Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của đảng, là nguyên tắc thống nhất, không tách rời, không có sự đối lập giữa tập trung và dân chủ.

Thực hiện nguyên tắc này như sau: Ở cuộc họp tổ chức đảng cơ sở đảng viên có quyền phát biểu, đề đạt ý kiến. Đó là dân chủ. Các ý kiến được gửi lên cấp trên, cấp trên nữa cho đến Bộ Chính trị và Tổng Bí thư. Đó là tập trung. Nguyên tắc rõ ràng, nhưng cách làm linh động. Mỗi một lần tập trung là một lần sàng lọc, chỉ giữ lại những thứ trên sàng, mà càng lên cao thì lỗ sàng càng rộng, chỉ còn lại những điều mà cấp trên thích nghe chứ không được để sót lại thứ không thích nghe, mặc dầu rất cần nghe. Như thế phải chăng không có đối lập giữa tập trung và dân chủ. Thực chất dùng nguyên tắc này để loại bỏ hết mọi ý kiến của đảng viên không vừa ý cấp trên. Và nếu lãnh đạo hiểu đúng như vậy thì không phải họ bị nhầm mà cố tình lừa dối.

Thứ ba là dùng vũ khí phê bình và tự phê bình. Một thứ vũ khí không biết ban đầu sắc bén đến đâu, hiệu quả cỡ nào, nhưng bây giờ đã bị mẻ, bị cùn, thế mà vẫn được ca ngợi hết lời là rất tốt, vẫn được đưa ra để doạ nhau.

Tự phê bình khác với tự tu dưỡng. Rất nên đề cao việc tự tu dưỡng và tự do ngôn luận với những phản biện, phê phán của công luận.

Thứ tư là tổ chức thi đua. Phong trào thi đua yêu nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động năm 1948 với mục đích diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Phong trào đã có tác dụng rất to lớn bằng việc động viên tinh thần mọi người, mọi nhà, mọi ngành. Từ phong trào đã bình bầu và khen thưởng nhiều cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc, phong tặng danh hiệu anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc. Tuy vậy, càng về sau trong phong trào càng xuất hiện một số tiêu cực mà nhiều người thấy rõ, đặc biệt là để được khen thưởng mà sinh ra việc chạy theo thành tích dỏm với nhiều thủ đoạn dối trá. Nhà nước tạo ra danh hiệu gì thì người ta cố “chạy” cho được danh hiệu đó. Mặt trái của thi đua thể hiện rõ nhất, gây ra tai họa nhiều nhất trong các trường học phổ thông.

Trong khi kinh tế còn khó khăn, thi đua là biện pháp có hiệu quả động viên tinh thần để người ta làm tốt công việc. Để đánh giá cần dựa vào sự bình bầu của tập thể và xét duyệt của các Ban Thi đua. Nhưng thi đua không phải là biện pháp tốt nhất. Khi nền kinh tế đã phát triển thì biện pháp chủ yếu để kích thích người lao động bình thường là trả công xứng đáng theo kết quả công việc. Nhưng để làm được việc này cần có người đánh giá có trình độ, có lương tâm. Trong các cơ sở tư nhân, đó là các ông chủ giỏi. Trong các cơ sở nhà nước, đó phải là các thủ trưởng giỏi và có quyền. Nhưng gặp vấn nạn là thủ trưởng như vậy quá hiếm.

Xét về hiệu quả thì thi đua ngày nay lợi ít hại nhiều, đáng dẹp bỏ từ lâu, nhưng lãnh đạo đảng lại tìm cách mở rộng, không những là phong trào mà trở thành thường xuyên, có luật đàng hoàng. Phải chăng trong các tổ chức nhà nước, không có ai đánh giá được kết quả công việc của cán bộ, công nhân viên, không ai có thể trả lương hoặc thưởng dựa vào kết quả công việc nên buộc phải duy trì thi đua để dùng tập thể bình bầu.

Đây là một giải pháp kém trí tuệ, vì rằng còn duy trì thi đua thì có thể không cần tìm và vận dụng biện pháp khác hiệu quả cao hơn, (thậm chí còn cản trở các việc đó). Các lãnh đạo cao cấp không thể nghĩ ra được cái gì hay hơn thi đua, đành ôm lấy nó. Họ không chịu nhìn ra thế giới. Nhưng phải chăng đang có một số người cố duy trì thi đua vì lợi ích cá nhân. Còn phần lớn các cơ sở tổ chức thi đua là phải làm theo chỉ thị của cấp trên, dù có nghĩ ra cách hay hơn cũng không dám làm.

Trước khi tìm ra cách có thể thực hiện trả lương theo kết quả công việc thì nên tạm để cho các đơn vị cơ sở tự chọn hình thức động viên mà không bắt buộc phải thi đua. Rất nhiều nước chẳng có thi đua mà xã hội vẫn ổn định và phát triển tốt, đặc biệt về văn hóa, giáo dục, đạo đức.

Thứ năm là lồng nhốt quyền lực. Đây lại là một nhận thức ngô nghê, non kém. Ở đoạn trên đã viết sơ qua. Cái cần nhốt, cần hạn chế không phải là quyền lực mà là sự lạm dụng nó. Lạm dụng quyền để tham nhũng, để thực hiện ‘cửa quyền’. Đó là những tật xấu, là tội ác của những tên cơ hội đã được thế lực trên cao lựa chọn, nâng đỡ, bằng quy hoạch, chống lưng, chia chác của phi nghĩa chiếm được. Với những người trung thực, liêm chính, tài năng, sáng tạo thì tại sao phải nhốt quyền của họ, trái lại cần tạo cho họ mở rộng quyền lực. Đó là sự ủy quyền, sự phân quyền trong những tổ chức mạnh.

Người ta nghĩ ra “Lồng nhốt quyền lực” và cho rằng đó là sản phẩm của một đầu óc sáng tạo, rồi thi nhau ca ngợi, tâng bốc, họ cố tình không chịu nghe, không chịu học để biết rằng thế giới đã tìm ra biện pháp ngăn chặn, hạn chế sự lạm dụng quyền lực đã trên hai trăm năm nay và bây giờ gần khắp thế giới vẫn dùng có hiệu quả. Đó là cơ chế Tam quyền phân lập.

Viết đến đây, tôi bỗng liên hệ tới Định luật về Entropy của Nhiệt động học. Entropy là sự rối loạn, sự mất trật tự. Định luật nói rằng: “Trong một hệ vật lý khép kín thì Entropy tăng theo thời gian”. Định luật nói rõ là Hệ Vật lý, nhưng tôi liên tưởng đến tổ chức chính trị-xã hội. Một tổ chức chính trị mà khép kín (không nhận sự phản biện từ ngoài) thì Entropy cũng tăng theo thời gian. Điều này nếu đúng thì chắc rằng các lãnh đạo của đảng không thể dự đoán, không thể biết trước. Mà có biết chắc cũng không chịu từ bỏ sự khép kín để níu giữ độc quyền.

Riêng chủ tịch Hồ Chí Minh có chỗ nhầm về vai trò của mình và của ĐCSVN khi viết trong di chúc, mong muốn ĐCSVN giúp ĐCS Liên Xô và Trung quốc giải quyết mâu thuẫn, củng cố đoàn kết phe XHCN. Phải chăng đây là ảo tưởng.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “nhờ vào sự giúp đỡ của bè bạn năm châu”

    you mean châu Phi ? Chúng giúp được gì nói nghe coi, ngoại trừ hồ hởi phấn khởi khi Chủ tịch Hồ Chí Minh hạ cố tới thăm .

    Toàn dân đã được tuyên truyền sai lạc và nhầm mà nghe theo”

    “Toàn dân” nào ? Nên nhớ quân đội Ngụy -hổng phải Quân Đội Nhân Dân Việt Nam- mặc cho đám luật khoa của Trịnh Hữu Long nói bậy, đã chiến đấu khá kiên cường . Sự hy sinh của các bác có xây vài chục ngàn cái tượng đài nữa cũng không đủ ghi công . Ngụy đấy . Bao nhiêu gương hy sinh anh dũng của dân tộc các bác, Mỹ đấy . Bao nhiêu người đã trở thành anh hùng sau khi được Trung Quốc đào tạo . Ngụy đấy . Tất nhiên, “Toàn dân” của Nguyễn Đình Cống ở đây chỉ là biểu hiện của phép tính Phạm Đình Trọng, 5 ngàn dân Ngụy bằng 1 lão kềnh đảng viên .

    Về tư tưởng Hồ Chí Minh, cho phép tớ nghi ngờ khả năng đọc hiểu của ố Cống . Trích thẳng lời ố C “Hồ Chí Minh nghĩ như thế nào không ai biết”. Có nghĩa không biết ai biết, nhưng chắc chắn ố C không biết . Tất nhiên, đó là lúc duy nhất ô C thú nhận . Những lần khác thì ô C cứ phăng tê di bừa phứa ra thui . Him aint the one doin the cleaning up, tội gì hổng bừa phứa, rite? Chuyện đoàn kết ghi trong di chúc, rất doable, còn dễ hơn hòa giải hòa hợp với dân Ngụy nữa . Nhưng ĐM 1 phát, nó đã có thời trở thành ảo tưởng . Đang có những cố gắng, những tín hiệu của mùa xuân & hy vọng . Chỉ mong kỳ này Đảng sẽ không phụ lòng mong đợi của nhân dân trong việc thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh .

    Phút giây thiêng Nguyễn Văn Trỗi gọi tên Bác 3 lần . So far, Nguyễn Đình Cống giống tông đồ Pierre ngày Chúa bị bắt, trời chưa sáng đã chối Chúa đến 3 chục lần .

    Về Entropy của Thermodynamics, muốn loại trừ entropy không khó . Có 1 thứ không được đề cập tới, gọi là trạng thái ổn định, stasis. Get yr head outta the gutter, will ya. Nghiên cứu về nó sẽ loại entropy khỏi mối quan tâm tới sự sinh tồn của Đảng .

    Bác Cống nên stick to phong thủy . Đừng có đụng tới mấy thứ khoa học khoa hiếc phương Tây, it aint your forte. Stay the Phúc away from things you dont know

  2. Và tới phần này thì ố Cống bỏ hẳn ngụy biện để bước sang lãnh vực quỷ biện

    “Tôi đã suy nghĩ nhiều”

    Nature vs Nurture, tài năng do tự nhiên hay dưỡng dục . Ở ố Cống, tớ thiên về Nature. Ổng tự nói sằng rằng mình thuộc loại tinh hoa vì có tiên thiên, nên nhận thức được ra nhiều điều . Nhưng nhờ ngậm miệng ăn tiền tới giờ này nên trở thành tấm gương cho lớp trẻ noi theo . Lets say this “suy nghĩ nhiều” dont mean jack ở ố Cống . Không nhờ gì vào chủ nghĩa Mác-Lê, nhà văn Phạm Đình Trọng, với tất cả sự mẫn cảm của 1 nhà văn đã viết những giòng thống khoái về tiếng thét từ trái tim người Cộng Sản Phạm Quế Dương . Trái tim người Cộng Sản đâu phải chỉ xuất phát từ lòng yêu nước . Ngụy không yêu nước à ? Nhưng chúng không có 1 yếu tố quyết định làm lệch cán cân, đó là “trái tim người Cộng Sản”. Và yếu tố này chỉ có thể tạo được bởi lòng căm thù giặc sâu sắc, tinh thần yêu nước nồng nàn, tất cả những thứ đó được nâng lên tầm cao mới bởi chủ nghĩa Mác-Lê . Yêu nước chung chung như Ngụy thì phản chiến, yêu hòa bình … dẫn đến đâm sau lưng chiến sĩ, rùi sau giải phóng đưa họ đi cải tạo . Yêu nước + chủ nghĩa Mác-Lê sẽ cụ thể thành yêu Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa như Lê Học Lãnh Vân mong muốn . Chỉ có như vậy, dân xã hội chủ nghĩa mới đánh thắng Mỹ & bè lũ tay sai để thiết lập nền dân chủ của riêng mình cho cả nước . Thấy Nga không, đã phải lùi bước trước vũ khí của Đế quốc Mỹ trong tay lính Ngụy U cà . What’s missing nếu không phải là chủ nghĩa Mác-Lê ?

    “Khrushchev (TBT từ năm 1956) sửa rằng, ĐCS Liên Xô là đảng của toàn dân thì bị phản đối, bị chửi rủa, cho là tên xét lại nguy hiểm”

    Và khi “Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn thể dân tộc Viêt Nam” cũng lại bị chính ố Cống chửi rủa . Ố Cống rất chính xác khi phê bình Đảng của mình ở đây . Toàn Đảng đã tự biến mình thành “tên xét lại nguy hiểm”.

    VỌA đã đăng lại nhận định của 1 số học giả quốc tế, cũng trùng với nhận xét rất xác đáng của Ts Nguyễn Quang A, là cải cách ruộng đất đã tạo ra được 1 niềm tin không gì lay chuyển được của dân các bác với Đảng, là tiền đề cho công cuộc chống Mỹ-Ngụy sau này . Chỉ có những kẻ thoái hóa mới xem đó là tai họa thui .

    Ố Cống thuộc loại chỉ biết Đảng thui, đek (cần) biết gì . Nên nhớ, đã có 1 thời cùng tồn tại với Đảng Cộng Sản thân yêu của bác & những nhân sĩ là những đảng phái khác . Heck, có cả 1 chính phủ Trần Trọng Kim, và tất cả họ đều yêu nước 1 cách thuần túy, không xem Đảng là đất nước cũng không gắn “xã hội chủ nghĩa” vào yêu nước . Ố Cống có bao giờ hỏi tại sao chỉ có Đảng Cộng Sản mới có thể, theo lời chính ông, “lôi kéo được nhiều người ưu tú vào tổ chức”? Những tổ chức phi-Cộng Sản thiếu đau thiếu đớn 1 điều duy nhất có thể “lôi kéo được nhiều người ưu tú vào tổ chức”, đó là chủ nghĩa Mác-Lê . Chủ nghĩa Mác-Lê không đơn thuần chỉ là chủ nghĩa Mác-Lê, mà bao gồm cả sự hỗ trợ của khối Xã hội chủ nghĩa to lớn, đứng đầu là Liên Sô & Trung Quốc . Chính chủ nghĩa Mác-Lê đã, như lời Lê Học Lãnh Vân, gột rửa tư duy phong kiến của các bác để các bác có thể sánh vai với giải phóng quân Trung Hoa, aka Tàu Mao -Nhớ, Tàu Tưởng thì cút mịa mày đi- trong suốt 2 cuộc kháng chiến .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây