Tính vi phạm nhân quyền trong hiến pháp và luật hình sự tại Việt Nam liên hệ đến thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra

Đào Tăng Dực

20-12-2022

Trong tương quan giữa công dân cá thể và nhà nước hoặc chính quyền, thì khi người công dân cá thể bị nhà nước cáo buộc về tội hình sự là lúc nhân quyền của họ cần được hiến pháp và luật pháp bảo vệ nhiều nhất.

Tuy nhiên, trên bình diện này thì Hiến Pháp CHXHCNVN và Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự Việt Nam (BLTTHS) không những không bảo vệ được các công dân cá thể mà còn là những công cụ dung túng cho nhà nước vi phạm nhân quyền và đối xử dã man với công dân cá thể.

Thật vậy, Hiến pháp 2013 quy định: Điều 31 (2). “Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai”.

Nên nhớ cụm từ “tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định” không quy định thời hạn là bao lâu.

Trong khi đó, theo Điều 173, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra như sau:

+ Tội ít nghiêm trọng: không quá hai tháng và được gia hạn, tổng thời gian không quá ba tháng;

+ Tội phạm nghiêm trọng: không quá ba tháng và được gia hạn, tổng thời gian không quá năm tháng;

+ Tội phạm rất nghiêm trọng: không quá bốn tháng và được gia hạn, tổng thời gian không quá bảy tháng;

+ Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: không quá bốn tháng, được gia hạn, tổng thời gian không quá mười hai tháng.

Đối với những tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội thì thời hạn tạm giam có thể được gia hạn thêm cho đến khi kết thúc điều tra

Thời gian tạm giam như vậy quá dài, thực sự là không tưởng tượng được và đi đến bất công khi so sánh với các quốc gia dân chủ chân chính.

Chúng ta cũng có thể kết luận rằng điều 173 BLTTHS vi phạm khái niệm “công bằng” của điều 31 hiến pháp vì rõ ràng không công bằng với công dân cá thể khi bị tạm giam quá lâu.

Như vậy dưới BLTTHS (Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự), thì những tội nhà nước cho là rất nghiêm trọng, Công An đại diện cho nhà nước có thể giam giữ kẻ tình nghi đến 12 tháng và trong trường hợp nhà nước cho là đặt biệt nghiêm trọng thì có thể giam giữ cho đến lúc nào điều tra xong, có nghĩa là không giới hạn thời gian.

Sự tàn ác của nhà nước và công an CSVN càng lộ rõ khi so sánh với các quốc gia dân chủ chân chính trên thế giới.

Chúng ta hãy thử so sánh với các quốc gia sau đây:

1. Tại New South Wales Úc, thì hình luật là thẩm quyền của tiểu bang. Theo luật NSW thì cảnh sát chỉ có quyền tạm giam một nghi can 6 tiếng đồng hồ. Nếu cảnh sát xin được lệnh tòa án thì có thể kéo dài thêm 6 tiếng nữa. Sau đó phải truy tố hoặc trả tự do cho nghi can.

2. Tại Tiểu bang California Hoa Kỳ thì cảnh sát chỉ được quyền tạm giam nghi can tối đa là 48 tiếng là phải trả tự do hoặc truy tố ra tòa nếu đủ chứng cớ.

3. Tại Pháp thì cảnh sát được quyền tạm giam 48 tiếng, sau đó nếu được sự cho phép của một Công Tố Viên cấp Quận có thể thêm 48 tiếng nữa và trong những trường hợp tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như khủng bố, thì với sự cho phép của một vị quan tòa đặc nhiệm, có thể lên đến 6 ngày.

Tóm lại, tại các quốc gia dân chủ thì thời gian tạm giam tính bằng giờ hay vài ngày; còn tại VN, đưới pháp chế xã hội chủ nghĩa, thì tính bằng tháng, năm, và có thể kéo dài cho tới khi kết thúc điều tra, hầu như vô giới hạn cho công an.

Khi so sánh như thế, chúng ta mới nhận thấy tính hung ác của pháp chế xã hội chủ nghĩa đối với công dân cá thể, vào thời điểm hung hiểm nhất khi họ phải đối diện với công an hình sự và khi so sánh với công dân các nước dân chủ chân chính.

Câu hỏi nhân dân phải đặt ra là: Tại sao hệ thống luật hình sự lại có tính đàn áp nặng nề như thế đối với công dân cá thể tại Việt Nam khi so sánh với các quốc gia dân chủ?

Lý do thì có thể phức tạp nhưng tựu trung như sau:

1. Môt lý do quan trọng là vì Điều 31 hiến pháp không quy định một thời gian giới hạn nào đối với cái gọi là “trình tự luật định” và BLTTHS sau đó hầu như cho phép nhà nước quyền tạm giam công dân cá thể trong thời gian điều tra hầu như vô hạn định đối với những cáo buộc mà nhà nước có thể đơn phương quy định chủ quan mức độ nguy hiểm. Chính vì thế có nhiều Tù Nhân Lương Tâm và Chính Trị tại VN bị giam cầm năm này qua tháng nọ mới ra tòa hoặc thậm chí chưa ra tòa.

2. Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà CSVN lẫn các quốc gia dân chủ nêu trên đã long trọng ký kết ghi rõ: “Điều 9: Không ai có thể bị bắt bớ, giam giữ hay lưu đày một cách độc đoán”.

Ghi chú: Độc đoán có nghĩa là bất chấp công bằng và lẽ phải. Tuy nhiên khi các quốc gia dân chủ ký kết một công ước quốc tế thì luật pháp của họ buộc họ phải tôn trọng, trong khi CSVN không hề có sự ràng buộc của luật pháp, trong một trật tự đảng trị. Tóm lại, đảng hành động bất chấp công bằng và lẽ phải. Chỉ theo luật rừng xanh của kẻ mạnh.

3. Các quốc gia dân chủ luôn có hiến pháp dân chủ, các sắc luật dân chủ và chính quyền cũng chịu sự giám sát của những tòa án độc lập thực sự bảo vệ nhân quyền. Chế độ CSVN là độc tài đảng trị nên không có những yếu tố đó và tòa án chỉ là công cụ đảng.

4. Hiến Pháp 2013 hoàn toàn không quy định một định chế tư pháp độc lập (như Tối Cao Pháp Viện Tại Hoa Kỳ, hay Tòa Án hoặc Hội Đồng Hiến Pháp tại một vài quốc gia khác) để phán quyết về tính hợp hiến hay vi hiến của một sắc luật như BLTTHS và điều này cho phép quốc hội CSVN thông qua những điều khoản có thể vi hiến như điều 173.

Câu hỏi tiếp theo sẽ là: Thời gian tạm giam quá lâu như thế ảnh hưởng gì đến nhân quyền của công dân cá thể?

Dĩ nhiên số phận của công dân cá thể trong cái gọi là “Thiên đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam” rất thê thảm vì các yếu tố sau đây:

1. Trước hết giam giữ lâu như thế trong nhà tù, mặc dầu chưa bị kết án, là một hình thức khủng bố tinh thần hiệu năng nhất mà CSVN, vốn là một nhà nước khủng bố (a terrorist state) áp đặt trên toàn dân.

2. Câu châm ngôn muôn đời vô cùng chính xác của một chính khách Anh Quốc William Gladstone là “Justice delayed is justice denied” tức là, công lý bị trì hoãn là công lý bị khước từ. Hình luật tại VN vì vậy minh thị khước từ công lý cho công dân cá thể.

3. Thời gian bị tạm giam trong một nhà tù do nhà nước qua công an cai quản là một cuộc tương tranh không cân sức giữa một công dân cá thể nhỏ bé bên này và nhà nước như một định chế quyền lực với sức mạnh và tài nguyên vô giới hạn, bên kia. Càng kéo dài thì công dân cá thể càng bị nghiền nát và đây chính là thâm ý của mọi nhà nước khủng bố.

4. Đặc biệt trong chế độ cộng sản, họ chủ trương vô sản hóa nhân dân tức công dân cá thể. Hậu quả là mọi tài sản đều do nhà nước quản lý và sở hữu trên thực tế. Chính vì thế trong nhà tù CS thì chúng ta có những công dân cá thể vô sản, đối diện với một định chế công an với tài sản và phương tiện vô giới hạn. Các công dân cá thể hầu như tuyệt vọng nếu thời gian kéo dài.

Trong tình trạng hiến pháp và luật pháp tồi tệ như thế, chúng ta phải làm gì?

Câu trả lời tất yếu phải như sau:

Trật tự chính trị Mác Lê là một trong những chế độ độc tài khó lật đổ nhất của nhân loại, qua sự kiểm soát quân độc và công an.

Tuy nhiên, họ không hề bất bại và đã bị lật đổ tại Nga Sô và Đông Âu.

Có 3 yếu tố họ không kiểm soát được, đã và đang hủy diệt chế độ:

1. Họ không cần và chưa hề có được lòng dân.

2. Họ không thể khống chế toàn diện cuộc cách mạng tin học toàn cầu gieo rắt tư tưởng dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên.

3. Họ không thể ngăn chặn hiện tượng “tự diễn tiến, tự chuyển hóa” trong hàng ngũ đảng viên cấp tiến.

Đã đến lúc, mỗi công dân VN cá thể, kể luôn những người đang nằm trong hàng ngũ cán bộ CSVN, ý thức trách nhiệm của mình với đất nước và với nhân loại, lên tiếng, góp phần thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa VN.

Một khi hoàn tất, chúng ta sẽ xây dựng một trật tự chính tri trên nền tảng dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên cho đất nước được thăng hoa.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây