15-11-2022
Một nạn nhân vụ lừa đảo trái phiếu của tập đoàn Vạn Thịnh Phát nói với VOA rằng, ông đã bị ngân hàng SCB dẫn dắt vào con đường mua trái phiếu và ông mua là do ông ‘tin tưởng vào ngân hàng’ chứ bản thân ông ‘không biết gì về trái phiếu’.
Vụ việc trái phiếu của tập đoàn Vạn Thịnh Phát đổ bể có nguy cơ gây hỗn loạn cho xã hội Việt Nam với hơn 40.000 nạn nhân từ khắp mọi nơi trên cả nước với số tiền thiệt hại lên đến 25.000 tỷ đồng, tức hơn 1 tỷ đô la Mỹ. Nhiều gia đình đã lâm vào thảm cảnh với số tiền họ làm lụng, tích cóp cả đời có nguy cơ mất trắng.
Hôm thứ Bảy ngày 12/11, hàng trăm nạn nhân đến trước các chi nhánh ngân hàng SCB ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác trên cả nước để biểu tình. Hình ảnh lan truyền cho mạng xã hội cho thấy người biểu tình mang theo biểu ngữ và hô vang các khẩu hiệu lên án SCB lừa đảo, đòi ngân hàng trả tiền và kêu gọi chính phủ vào cuộc để ‘cứu dân’.
Công ty cổ phần đầu tư An Đông, một thành viên của tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan, đã phát hành lượng trái phiếu lớn có kỳ hạn 5 năm. Công ty chứng khoán Tân Việt là nhà phát hành, lưu ký trái phiếu trong khi ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn, tức SCB, là bên môi giới bán trái phiếu cho người dân.
Bà Lan và một số thành viên cao cấp của Vạn Thịnh Phát đã bị bắt hôm 8/10 để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà cụ thể là gian dối trong việc phát hành trái phiếu để lừa tiền của người dân.
‘Không hề muốn mua trái phiếu’
Từ thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, nơi có 300 nạn nhân với số tiền bị lừa đảo là 500 tỷ đồng, ông Nguyễn Đình Thịnh, 50 tuổi, nói ông cùng với các nạn nhân khác đều đã làm đơn gửi lên công an tỉnh tố cáo ngân hàng SCB lừa đảo.
Ông Thịnh đã mua 2 gói trái phiếu của An Đông với tổng trị giá 400 triệu đồng, một gói cố định và một gói linh hoạt, ông cho biết.
Khi được hỏi về lý do mua trái phiếu, ông Thịnh giãi bày: “Thực ra tôi cũng như tất cả mọi người dân khác đến SCB với mục đích ban đầu chỉ là để gửi tiết kiệm chứ đâu có biết mua trái phiếu gì đâu.”
“Nhưng tôi bị nhân viên ngân hàng lèo lái sang mua trái phiếu. Họ nói anh nên mua cái này với lãi suất cao hơn từ 1 đến 1,5%, thay vì gửi tiết kiệm,” ông kể và cho biết lãi suất gửi tiết kiệm ở SCB là 7,5%, trong khi lãi suất trái phiếu là từ 8,5 đến 9% tùy gói.
Có hai gói trái phiếu là gói linh hoạt và gói cố định. Gói cố định có kỳ hạn một năm còn gói linh hoạt có thể được bán, hay chuyển nhượng bất cứ lúc nào, ông Thịnh thuật lại những gì ông được ngân hàng tư vấn.
“Tôi hỏi có rủi ro gì không, cô nhân viên tên Thủy ở chi nhánh SCB ở số 2 đường Sương Nguyệt Ánh, thành phố Vinh, nói trái phiếu này qua ngân hàng bán ra nên không có rủi ro gì đâu,” ông kể.
Thậm chí ngân hàng còn không nói trái phiếu đó là của ai. “Họ chỉ đưa một tập hồ sơ cho mình ký và nói 10 ngày sau đến lấy trái phiếu,” ông nói thêm và cho biết đến khi nhận trái phiếu ông mới biết đó là trái phiếu của công ty An Đông.
Theo lời ông giãi bày thì ông đặt bút ký vì ông ‘yên tâm ngân hàng sẽ không lừa ông’ vì ông là ‘khách hàng thân thiết của ngân hàng’.
“Thực ra tất cả những người bị SCB lừa đều có niềm tin vào ngân hàng,” ông khẳng định.
Ông cho biết ông mua hai gói trái phiếu vào các năm 2021 và 2022. Số trái phiếu này được phát hành vào ngày 10/9 năm 2018 và sẽ đáo hạn vào ngày 11/9 năm 2023.
Trái chủ này khẳng định nếu biết mức độ rủi ro cao như vậy thì ‘dù lãi suất 30% cũng không mua chứ đừng nói chỉ cao hơn lãi suất tiết kiệm có 1%’.
“Họ nói anh phải đầu tư cái này dù lúc đầu tôi từ chối. Họ tìm cách dụ mình mua cho bằng được,” ông nói và cho biết sau này ông mới biết các nhân viên ngân hàng tư vấn cho ông đã được cấp trên giao chỉ tiêu và đối với mỗi giao dịch trái phiếu thành công, họ được hưởng 0,25% tiền hoa hồng.
“Nếu họ bán được gói trái phiếu 200 triệu họ kiếm được 500 ngàn đồng, nếu bán được một tỷ họ được 2,5 triệu. Một ngày nếu kiếm được 3, 4 khách thì họ có được vài triệu bỏ túi,” ông giải thích.
Ông nói bản thân ông không biết gì về trái phiếu, cổ phiếu hay tiền ảo. Bản thân ông sợ ‘phập phồng lo sợ’ nếu giá lên xuống thất thường nên ‘muốn tìm nơi đầu tư an tâm là gửi tiết kiệm để kiếm lời vài phần trăm mỗi tháng’.
“Ngân hàng hoàn toàn giấu diếm những rủi ro của trái phiếu. Họ lợi dụng niềm tin vào ngân hàng để lừa đảo khách hàng. Khi tư vấn họ toàn nói những điều tốt đẹp,” ông Thịnh bức xúc.
‘Hiện rất khổ sở’
Khi được hỏi về lập luận của phía ngân hàng là ‘họ chỉ là bên môi giới nên không chịu trách nhiệm về trái phiếu của An Đông, ông Thịnh phản bác: “Họ là bên bán sản phẩm họ phải chịu trách nhiệm về sản phẩm đó chứ. Chẳng hạn như tiệm thuốc bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng, họ không thể chỉ nói thuốc đó là của doanh nghiệp sản xuất, họ không biết.”
Khi được hỏi về hậu quả đối với ông và gia đình, ông Thịnh òa khóc nức nở và nói đó là số tiền ông ‘tích cóp trong 20 năm định dàm dụm đủ thì xây nhà’. Ông cho biết ông sợ gia đình ông đau lòng nên đến giờ vẫn giấu kín.
Ông còn kể trường hợp một bà cụ bán nhà được hai tỷ, đem ra ngân hàng định gửi tiết kiệm tạm thời trong vài tháng để chờ mua một mảnh đất khác làm nhà nhưng lại bị nhân viên ngân hàng dụ mua gói trái phiếu linh hoạt.
“Bà cụ khóc hết nước mắt. Bà nói nếu không lấy được tiền chắc bà chết. Nhiều người hiện rất khổ sở,” ông thuật lại.
Ông cho biết sau khi vụ việc đổ bể, ban đầu ngân hàng cũng trấn an nhưng bây giờ ông thấy khả năng ông lấy lại được tiền ‘chỉ là 50-50’.
“Họ có cuộc họp với trái chủ và nói là ngân hàng sẽ đồng hành với người dân để bảo đảm quyền lợi của họ nhưng đến giờ họ cũng không có hành động gì,” ông nói. “Những câu hỏi khó như ‘ngân hàng có bao nhiêu phần trăm trách nhiệm trong việc này’ thì họ không trả lời.”
“Họ chỉ nói là bây giờ tình hình chung cả nước là như thế, phải chờ cơ quan điều tra làm việc xong thì mới xử lý,” ông nói thêm.
Về cô nhân viên tên Thủy đã dụ ông mua trái phiếu, ông nói hầu hết những nhân viên ngân hàng dụ người dân mua trái phiếu ‘đều đã nghỉ việc cách nay 2-3 tháng rồi’.
Trong tình hình này, ông nói ông hy vọng chính phủ sẽ có biện pháp cứu người dân, ‘chẳng hạn như thanh lý tài sản Vạn Thịnh Phát để đồng tiền xương máu của người dân trở về với họ’.
Người chịu trách nhiệm bị bắt nhốt thì ai trả lời đều vô nghĩa. Vậy thì tại sao người chịu trách nhiệm không được chịu trách nhiệm ?
SCB hay gì đó cũng chỉ là công cụ mà thôi, kẻ chủ mưu mới là kẻ phải chịu sự trừng phạt. Cứ chờ xem.
Trừng phạt tử hình kẻ chủ mưu chăng nữa mà người bị lừa mua trái phiếu có lấy lại được phần lớn số tiền đã mua trái phiếu hay không ? Đó mới chính là vấn đề cần quan tâm
Thanh lý tất cả bất động sản của Vạn Thịnh Phát thì dư sức trả nợ, 1 công đôi việc, diệt trừ mầm mống hán gian ở Vn và mở mắt cho những người dân bị lừa và cũng nên lôi cổ đám nhân viên nhân hàng hám lợi ra xét xử, bọn này khốn nạn hết thuốc chữa.