Yên Bái: Chính trị địa phương và vụ án có nhiều uẩn khúc

Huy Đức

14-11-2022

Cuộc gặp tình cờ tại quán cà phê Đồng Tâm với người bạn học cấp III, “không chơi thân” và chỉ “trong vòng 15 phút” để “nói những câu xã giao” [Theo Đinh Tiến Hùng] bị diễn đạt trong Kết luận điều tra: “Đinh Tiến Hùng chủ động đặt vấn đề: Các ông có mỏ, tôi có quan hệ, bây giờ đang tiện việc làm đường thì cứ khai thác đi… Bán được quặng, sau khi trừ chi phí… tôi sẽ lấy 1/3…”

Kết luận Điều tra căn cứ lời khai trong trại giam của hai bị can, Nguyễn Văn Hậu và Nguyễn Trọng Tuấn. Tại buổi đối chất, khi Hậu nói, “Có thể lâu tôi không nhớ nội dung ăn chia, tìm người… có gì hỏi lại ông Tuấn”; điều tra viên liền nhắc, “Hôm trước khai như thế nào thì bây giờ khai như vậy”. Và, sau khi được điều tra viên gợi ý, Hậu đã giữ nguyên lời khai trong trại giam. Khi đối chất, Tuấn nói, “Không nghe được việc Hậu bàn nội dung…” cũng không được điều tra viên ghi vào biên bản như yêu cầu của bị can [Theo Đơn Kêu Oan của Đinh Tiến Hùng gửi các báo].

Nguyên tắc tố tụng của ta là “trọng chứng hơn trọng cung”, nhưng không có bằng chứng nào liên quan đến những lời khai này và theo bị can Đinh Tiến Hùng, “Nội dung cuộc gặp tại quán cà phê Đồng Tâm – theo Kết luận Điều tra – là được dàn dựng, dựng chuyện, vu khống tôi.”

[Cho dù, ngay cả khi nội dung đó là có thật thì cũng không đủ dấu hiệu coi Đinh Tiến Hùng có hành vi phạm tội. Kết luận Điều tra vài lần nhắc đến lời khai, “Đinh Tiến Hùng còn nói với Lăng Đức Hân (một bị can) là sau khi Tuyên Huy có giấy phép khai thác khoáng sản sẽ giới thiệu cho Hân được quyền khai thác quặng thuê cho Tuyên Huy”. Nếu lời khai này được công nhận như lời khai chống lại Hùng trên đây thì nó cho thấy thái độ của Đinh Tiến Hùng là phải tôn trọng pháp luật, chỉ “khi Tuyên Huy có giấy phép” mới giới thiệu Hân khai thác; thái độ đó mâu thuẫn với lời khai và lập luận buộc tội anh].

Khi bị khởi tố, Đinh Tiến Hùng đang là Phó bí thư thường trực Tỉnh Đoàn Yên Bái. Anh “không có bất cứ liên quan nào đến công ty Tuyên Huy của Hậu, chưa từng biết đến mỏ Núi Ngàng”. Và Kết luận Điều tra đã không đưa ra được bằng chứng và ngay cả lời khai nào cho thấy Hùng có hành vi có thể bị coi là vi phạm pháp luật.

Do bị đình chỉ công tác để điều tra, Đại hội Đoàn vừa rồi của tỉnh, Hùng đã không còn được cơ cấu.

Theo dõi “nội chính” hơn 30 năm, tôi hiếm khi thấy vụ án nào cẩu thả về chính trị, khiên cưỡng về tố tụng như vụ án này và có cảm giác, những điều tra viên hiểu pháp luật, có nghiệp vụ đã không được giao nhiệm vụ.

Vụ án có rất nhiều dấu hiệu đã bị hình sự hóa.

Hành vi liên quan trực tiếp đến bị can Đinh Tiến Hùng, “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”, không phải là những hành động đơn lẻ của dân “thổ phỉ”. Nó nằm trong chuỗi hoạt động liên tục từ năm 2003 của công ty Tuyên Huy.

Tuyên Huy được cấp phép “khai thác tận thu khoáng sản tại mỏ chì – kẽm Núi Ngàng thuộc xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình từ năm 2003”. Tháng 10-2009, khi hết hạn, Tuyên Huy đã được gia hạn khai thác cho đến năm 2018. Năm 2018, khi hết hạn Tuyên Huy lại, lần thứ ba, được UBND tỉnh Yên Bái chấp thuận tiếp tục khai thác mỏ chì – kẽm Núi Ngàng. Tuy nhiên thủ tục còn phải chờ Bộ Tài Nguyên – Môi Trường cấp phép.

Trong thời gian đó, UBND huyện Yên Bình đã chấp thuận cho Tuyên Huy được đầu tư “sửa chữa, nâng cấp đường vào mỏ Núi Ngàng” [để khi có phép khai thác thuận lợi hơn]. Khi nổ mìn, phá đá trong khu mỏ của mình để làm đường, vì đá ở đây lẫn với quặng nên đơn vị thi công đã tách phần quặng ra khỏi đá [được gần 1,1 tấn, trị giá hơn 2 tỷ]. Số quặng này vẫn được giữ tại hiện trường chưa được đưa ra thị trường để trở thành hàng hóa.

Tuyên Huy hoàn toàn có thể lựa chọn cách làm không mất công tách quặng, coi chúng như đá làm đường, phí phạm tài nguyên quốc gia. Nhưng, như trên đã nói, quặng đấy lấy từ mỏ chì – thiếc mà họ đã khai thác gần 20 năm và vấn đề còn lại chỉ là thời gian chờ một thủ tục hoàn toàn hành chánh.

Không phải tự nhiên Viện Kiểm sát ND Tỉnh đã hai lần trả lại hồ sơ. Các cơ quan tố tụng rõ ràng đã nhận thấy nhiều yếu tố trong vụ án này đã bị hình sự hóa.

Trong gần 20 năm qua, Yên Bái vẫn công nhận đóng góp của Tuyên Huy và đã lần thứ Hai gia hạn cho công ty này quyền khai thác mỏ Núi Ngàng. Nếu như, Luật cho Tuyên Huy quyền được tiếp tục khai thác và thủ tục gia hạn là đương nhiên [nếu không có vi phạm gì] thay vì phải xin cấp phép lại thì không những doanh nghiệp không phải tiêu tốn rất nhiều tiền bạc, phải mất rất nhiều thời gian mà đã tránh được quá nhiều rủi ro pháp lý.

Cũng không nên bỏ qua yếu tố “chính trị hóa” [Tôi sẽ có bài phân tích kỹ hơn về chính trị địa phương trong quan hệ giữa đội ngũ lãnh đạo luân chuyển và lãnh đạo tại chỗ trong một bài khác].

Đọc kỹ hai lần kết luận điều tra, thấy rằng, quyết định đúng đắn nhất của các cơ quan tố tụng Yên Bái không phải là “trả hồ sơ” mà nên đình chỉ điều tra. Tôn trọng chứng cứ khách quan, suy đoán vô tội, không những là cách duy nhất để bảo vệ uy tín các cơ quan pháp luật mà còn là cách làm chính trị nhất.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Lạy cụ Nguyễn Du (về tội nhại thơ Cụ)
    – Một ngày lạ thói Công An
    Tiếng kêu rậy Đất, nỗi oan thấu Trời

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây