Diễn viên nào, vở diễn nấy!

Lê Huyền Ái Mỹ

7-11-2022

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo TN

Sáng 2.11, tại phiên thảo luận tổ, Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn nói: “Tôi thấy văn nghệ sĩ yếu đuối lắm, ai cũng bị bệnh cả, đi quảng cáo bán thuốc suốt ngày, đau lưng, đau gối, đau đầu, cả yếu sinh lý nữa”.

Ông nghị Sơn liệt kê còn thiếu một món là “tăng kích cỡ vòng 1” mà cả một mớ “nghệ sĩ” thi nhau quảng cáo. Trên Facebook, hiển thị dòng “được tài trợ”, ngày 15.10, chạy quảng cáo viên sủi tăng kích cỡ vòng 1 mang nhãn L., được diễn viên T.K.C nhiệt tình giới thiệu công năng. Vẫn chất giọng hiền, đều, không phân biệt rõ S và X, kèm theo động tác khiêm tốn để nhằm tăng độ tin cậy cho sản phẩm viên sủi.

Tôi nói khiêm tốn là vì chỉ cần chuyển qua cô diễn viên hài T.N thì ôi thôi, cổ đẩy lên tới cỡ… bigsize. Nào là “nó cứ tăng dần lên, to lên, bự lên… Mặc áo, nó cứ tràn lên cái cổ”, kèm minh họa hình thể. Sang tới cô diễn viên đứng tuổi P.D thì eo ơi, vũ đạo cũng nhiệt tình nốt và sau cú chuyển mạch “viên sủi C.T” thì chính chủ viên sủi lộ diện. Ồ ạt. Ầm ĩ.

Đại biểu Sơn đề nghị: “Thực ra đó là câu chuyện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vì họ là nhân vật nổi tiếng, ảnh hưởng, chi phối nhận thức hành vi người tiêu dùng, nên cần phải chấn chỉnh”.

***

Từ tháng 5 năm ngoái, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã ra văn bản chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ, Bộ Văn hóa cũng ban hành Bộ quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ. Chưa nói về độ chính xác, mức độ đảm bảo thông tin khoa học đối với những lời quảng cáo cho sản phẩm viên sủi tăng kích cỡ vòng 1, ngăn ngừa ung thư vú, ung thư cổ tử cung… thông qua phát ngôn của chính họ; thì riêng hình ảnh người của công chúng, người diễn viên với những động tác minh họa, nhấn nhá cho lời giới thiệu sản phẩm để phục vụ “vở diễn” viên sủi tăng vòng 1 đủ để thấy “tâm huyết” và “sự cống hiến” cho nghệ thuật nước nhà như thế nào!

Nghệ sĩ, diễn viên cũng cần kiếm tiền ngoài hoạt động biểu diễn. Nhưng giới hạn của nó đủ để “giới thiệu” cho người tiêu dùng, còn ra sức quảng bá, đảm bảo chất lượng “đột-phá” mà thiếu căn cứ khoa học – thực nghiệm thì hậu quả của hành vi được xem là “tiếp tay” cần phải có công cụ chế tài. Còn đòi hỏi một sự “giữ mình” cho nhân vật, “giữ nghề” cho Tổ nghiệp, với một số người được xem là “nghệ sĩ”, đôi khi lại trở nên xa lạ, xa xỉ.

Hồi trước dịch, tình cờ tôi gặp một nữ nghệ sĩ – bà hiện sống ở Viện dưỡng lão nghệ sĩ. Trong câu chuyện xôn xao, có người hỏi về hiện tượng nghệ sĩ đua nhau quảng cáo, bà cười kể, hôm bữa có người mời cô quảng cáo viên thuốc gì đó, tiền thì mình cũng cần nhưng cô nghĩ, lỡ như ai đó nghe mình nói, họ mua uống, đã không khỏi mà còn bị gì thì người ta sẽ nói, bà già nghệ sĩ nói xạo. Nên cô không dám.

Tôi nhớ, trong số những “nghệ sĩ” quảng cáo vòng 1 nói trên, có người đã đến viện dưỡng lão và trao quà cho bà.

Báo Tuổi trẻ vừa nêu “Virus cuồng loạn” chỉ thu được 90 triệu: Báo động phim Việt thảm họa. Chả đợi đến phim này, cái virus mang tên “thảm họa phim Việt” đã lây lan và gần như không có vaccine ngăn ngừa. Bởi đơn giản: người thực tài thì hiếm, người thực học – hành cũng hiếm nốt, thảng hoặc mới có một hai bộ phim ra dáng điện ảnh, cùng so vai với người ta (chủ yếu là dàn đạo diễn Việt kiều hoặc có dính dáng đến xứ người); còn lại, ngay cả Bố già 400 tỷ thì, cốt truyện dễ coi, bối cảnh dễ cảm, nhưng riêng quả hóa trang thôi, “bố già” Trấn Thành chẳng khác gì diễn viên sân khấu.

Nhiều, thậm chí đa phần phim Việt ra rạp, như Kiều – “một bộ phim của Mai Thu Huyền” đấy – tôi vừa coi vừa… ngượng. Ngượng vì nhỡ ai nhìn đấy bảo là người Việt xem phim Việt thì tội tình cho dân Việt.

Cứ nhìn những khuôn mặt quảng cáo ấy, họ tự nhận là danh hài, là nghệ sĩ, lại là nghệ sĩ ưu tú, mai này là nghệ sĩ nhân dân; thì có cố lết vào rạp mà ngồi để chứng tận thảm họa phim ảnh nước nhà, âu cũng là chuyện nó phải thế, diễn viên nào thì ra vở diễn nấy!

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Ông đại biểu Bùi Hoài Sơn này đang diễn hài ở QH hay sao ấy nhỉ . Ông tài tình cỡ nào mà biết cả chuyện nghệ sĩ bị “yếu sinh lý” ?! Đó là chuyện ở chốn phòng the, đôi khi chính đương sự lỡ có bị còn ngại nói ra. Ông chứng kiến bao giờ mà biết ???
    Thứ hai, là chuyện phim Việt . Sau một hai lần xem thì không bao giờ dám xem phim Việt nữa, vì cứ nổi da gà, ớn lạnh khắp thân thể vì mắc cỡ cho cái sự diễn tệ hại của nó .

  2. Người thực tài thì hiếm.
    Người thực học cũng hiếm.
    Người thực hài lại nhiều : Xuân Phúc, Xuân Hinh, Xuân Bắc, Xuân Tóc Đỏ…

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây