Con đường dẫn đến chiến thắng của Ukraine (Phần 2)

Foreign Affairs

Cù Tuấn, dịch

Tiếp theo Phần 1

16-10-2022

Tóm tắt: Làm thế nào để Ukraine có thể lấy lại toàn bộ lãnh thổ?

GIẢI CỨU THẾ GIỚI

Tổng thống Nga Putin nhận thức được rằng Nga đang thua trên chiến trường và những lời đe dọa không giấu giếm của ông về việc sử dụng vũ khí hạt nhân là một nỗ lực rõ ràng nhằm ngăn chặn sự trợ giúp của phương Tây cho Ukraine. Ông Putin có thể biết rằng những lời đe dọa này sẽ không ngăn được Ukraine. Nhưng nếu Putin thực sự dùng vũ khí hạt nhân, điều đó sẽ vừa để ngăn cản phương Tây giúp Ukraine vừa khiến Kyiv phải đầu hàng.

Tuy nhiên, việc phá bỏ điều cấm kỵ về hạt nhân sẽ tàn phá Điện Kremlin theo những cách mà việc thua trận không thể. Vũ khí hạt nhân chiến thuật rất khó nhắm mục tiêu và bụi phóng xạ có thể tỏa ra theo những hướng không thể đoán trước, có nghĩa là một cuộc tấn công có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho quân đội và vùng lãnh thổ của Nga. Người Ukraine cũng sẽ chiến đấu ngay cả khi bị tấn công hạt nhân – đối với người Ukraine, không có kịch bản nào tồi tệ hơn sự chiếm đóng của Nga – vì vậy một cuộc tấn công như vậy sẽ không dẫn đến việc Kyiv đầu hàng. Và nếu Nga dùng vũ khí hạt nhân, nước này sẽ phải đối mặt với nhiều biện pháp trả đũa nghiêm khắc, một số biện pháp trong số đó có thể gây ra hậu quả vượt ra ngoài chiến trường. Trung Quốc và Ấn Độ cho đến nay vẫn tránh ủng hộ Ukraine hoặc trừng phạt Nga, nhưng nếu Điện Kremlin tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân, Bắc Kinh và Delhi có thể tham gia liên minh chống Nga của phương Tây, bao gồm cả việc thực hiện các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc và hạn chế quan hệ với Nga. Hai nước này thậm chí có thể cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Đối với Nga, khi đó, kết quả của việc sử dụng hạt nhân sẽ không chỉ là thất bại mà còn là sự cô lập trên trường quốc tế.

Tất nhiên, Putin có khả năng đưa ra những lựa chọn khủng khiếp, trong bối cảnh ông ấy đang tuyệt vọng. Cả Ukraine và phương Tây đều không thể coi thường khả năng Putin ra lệnh tấn công hạt nhân. Nhưng phương Tây có thể răn đe ông ta bằng cách nói rõ rằng, nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công như vậy, thì phương Tây sẽ trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột. Việc né tránh sự can dự của NATO là một trong những lý do chính khiến Putin tiếp tục đe dọa tấn công hạt nhân – Putin biết rằng nếu Nga không thể thắng Ukraine, thì Nga không có cơ hội nào nếu chống lại NATO – và do đó, ông khó có thể làm điều gì đó khiến khối quân sự này phải vào cuộc. Điều này là đặc biệt đúng nếu bàn về tốc độ mà NATO sẽ giành chiến thắng. Cuộc phản công của Ukraine đang diễn ra tương đối chậm, tạo điều kiện cho Putin sử dụng bộ máy tuyên truyền của mình để quản lý nhận thức của công chúng về các sự kiện xảy ra. Một khi NATO gia nhập cuộc chiến, Putin sẽ không có thời gian để che chắn danh tiếng của mình trước sự tan vỡ kinh hoàng của quân đội Nga.

NATO không thiếu cách đe dọa Nga một cách nghiêm túc mà không cần sử dụng vũ khí hạt nhân. NATO thậm chí có thể không cần một hoạt động quân sự trên đất liền. Liên minh phương Tây có thể nói một cách đáng tin cậy với Điện Kremlin rằng họ sẽ đánh trúng quân Nga bằng các cuộc không kích và tên lửa trực tiếp, phá hủy các cơ sở quân sự và vô hiệu hóa Hạm đội Biển Đen. NATO có thể đe dọa cắt tất cả các liên lạc trong nội bộ quân Nga bằng chiến tranh điện tử và sắp xếp một cuộc tấn công mạng chống lại toàn bộ quân Nga. Phương Tây cũng có thể đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đầy đủ (không có ngoại lệ đối với việc mua năng lượng), điều này sẽ khiến Nga nhanh chóng phá sản. Đặc biệt nếu được thực hiện cùng nhau, các biện pháp này sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng không thể khắc phục được cho các lực lượng vũ trang Nga.

Những gì phương Tây không nên và không thể làm là bị Nga lừa với trò tống tiền hạt nhân. Nếu phương Tây ngừng hỗ trợ Ukraine vì lo ngại hậu quả, các quốc gia hạt nhân sẽ tha hồ áp đặt ý chí của họ đối với các quốc gia phi hạt nhân trong tương lai. Nếu Nga ra lệnh tấn công hạt nhân và sau đó không bị trừng phạt, các quốc gia hạt nhân sẽ gần như tự động được phép xâm lược các quốc gia nhỏ hơn. Trong cả hai trường hợp, kết quả sẽ là các quốc gia sẽ đe dọa chơi hạt nhân với nhau từ sáng tới tối. Ngay cả những nước nghèo hơn cũng sẽ dồn nguồn lực của họ vào các chương trình hạt nhân, và vì một lý do dễ hiểu: Đó sẽ là cách chắc chắn duy nhất để đảm bảo chủ quyền của họ.

TỘI ÁC VA HÌNH PHẠT

Với số lượng đầy đủ vũ khí của phương Tây, Ukraine sẽ tiếp tục xuyên thủng hàng phòng ngự của Nga. Ukraine sẽ sử dụng các tên lửa tầm xa để phá hủy các sở chỉ huy, kho chứa và đường tiếp tế, khiến Nga không thể tăng quân tiếp viện một cách hợp lý cho những binh sĩ bị tấn công. Ukraine sẽ bắn hạ máy bay Nga, ngăn không quân Nga bảo vệ các điểm cao. Ukraine sẽ tiếp tục đánh chìm tàu ​​hải quân Nga. Và Ukraine sẽ được giúp đỡ trong suốt quá trình này do nhiều khiếm khuyết của quân đội Nga: quản lý quá tập trung, chú trọng trừng phạt quân lính của mình khi mắc sai lầm hơn là học hỏi từ chúng, và phong cách chiến đấu kém hiệu quả của toàn quân. Đối mặt với những thất bại ngày càng tăng, tinh thần của người Nga cuối cùng sẽ sụp đổ. Những người lính Nga sẽ bị buộc phải chạy trở về.

Việc Ukraine giải phóng Crimea và các phần của Donbas mà lực lượng ủy nhiệm của Nga chiếm giữ vào năm 2014 sẽ diễn ra sau đó. Và sau những chiến thắng của Ukraine ở những nơi khác, những hoạt động quân sự này không đến mức quá khó khăn. Vào thời điểm các lực lượng Ukraine tiến đến những khu vực đó, quân đội Nga rất có thể sẽ quá kiệt sức để có thể dồn lực bảo vệ chúng. Nhiều nam cư dân của Donbas do Nga kiểm soát đã bị giết trên tiền tuyến. Những người sống sót (có thể sẽ bao gồm hầu hết dân số nam giới còn lại của khu vực) không có khả năng trung thành với Điện Kremlin, với những gì Putin đã bắt họ phải trải qua. Một số nhà quan sát phương Tây có thể coi Crimea là một trường hợp đặc biệt và khuyến khích Ukraine không nên tiến tới đó, nhưng mặc dù nó đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga lâu hơn, việc sáp nhập Crimea vẫn là bất hợp pháp vào năm 2022, như đã là bất hợp pháp vào năm 2014. Luật pháp quốc tế không nên có thỏa hiệp, hoặc tiêu chuẩn kép.

Tuy nhiên, việc giải phóng Crimea và Donbas nên bao gồm một chiến dịch tái hòa nhập. Do thời kỳ chiếm đóng của Nga, với sự tuyên truyền tích cực của những người ủng hộ họ, đã kéo dài quá lâu, nên người dân sẽ cần nhận được hỗ trợ xã hội, pháp lý và kinh tế từ Ukraine như một phần của nỗ lực hòa giải. Những nỗ lực này sẽ làm cho hoạt động quân sự trở nên tinh vi hơn. Khi chính phủ Ukraine khôi phục lại việc quản trị vùng này, họ sẽ cần phải cho người dân thấy rằng, không giống như Matxcơva, Kyiv có thể mang lại sự ổn định và pháp quyền.

Trong khi đó, thế giới phải chuẩn bị cho những gì Ukraine giành được ở những khu vực bị chiếm đóng lâu đời này sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với Putin. Sáp nhập Crimea và tạo ra các quốc gia bù nhìn ở Donbas là hai thành tựu tiêu biểu của ông, và chế độ của ông có thể không tồn tại nếu mất chúng. Thế giới có thể sẽ phải chuẩn bị sãn sàng ngay cả trước khi Ukraine tiến vào Crimea; Chế độ của Putin sẽ gặp nguy hiểm nếu Ukraine chỉ chiếm lại những khu vực mà Nga chiếm giữ sau ngày 24 tháng 2. Mất gần như toàn bộ đất đai mà Nga vừa sáp nhập sẽ là một thất bại nhục nhã đối với Matxcơva, một điều có thể khiến giới tinh hoa của Nga cuối cùng nhận ra rằng nỗi ám ảnh chiến tranh của Tổng thống của họ là rất không hiệu quả và nổi lên chống lại Putin. Đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử Nga có một nhà lãnh đạo bị đẩy ra khỏi vị trí quyền lực.

Một khi Putin ra đi, thế giới phải tập trung vào việc khiến Nga phải bồi thường chiến tranh. Matxcơva phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những thiệt hại mà họ đã gây ra cho Ukraine, cung cấp các khoản bồi thường cho Ukraine và cho người dân Ukraine. Lý tưởng nhất là sau khi thay đổi chế độ, Nga sẽ tự giác thực hiện điều này. Nhưng nếu không, phương Tây có thể chuyển hàng trăm tỷ đô la tài sản bị đóng băng của Nga sang Ukraine làm tài sản thế chấp. Nga phải trả tự do cho tất cả các tù nhân chiến tranh và tất cả thường dân Ukraine mà nước này đã giam giữ hoặc bị buộc phải chuyển đến Nga. Đặc biệt Nga cần phải trả lại hàng ngàn trẻ em mà Nga đã bắt cóc trong cuộc xâm lược và thời gian chiếm đóng. Cuối cùng, Ukraine và các nước ủng hộ phải yêu cầu Matxcơva giao nộp Putin, các nhà lãnh đạo cấp cao khác của Nga và bất kỳ nhân vật nào liên quan đến các hành động tàn bạo thời chiến cho một tòa án hình sự được công nhận trên toàn cầu. Phương Tây nên từ chối dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Matxcơva cho đến khi những yêu cầu này được đáp ứng. Họ phải chứng minh rằng hành vi gây hấn, diệt chủng và khủng bố dã man là không thể chấp nhận được.

Quá trình bồi thường và xét xử này có vẻ khiến các nhà lãnh đạo quốc tế lo sợ, những người tin rằng việc này có thể gây ra bất ổn ở Nga. Một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng Liên bang Nga có thể tan rã, dẫn đến hậu quả thảm khốc cho phần còn lại của thế giới. Nhiều nhà lãnh đạo quốc tế cũng từng lo ngại tương tự khi Liên Xô tan rã, trong đó có cựu Tổng thống Mỹ George H. W. Bush, người đã đến Ukraine vào năm 1991 để cố gắng ngăn nước này ly khai khỏi Nga. Nhưng những nhà lãnh đạo này đã sai lầm. Bất chấp chiến tranh, Ukraine đã trở thành biểu tượng của nền dân chủ trên khắp thế giới. Nhiều quốc gia hậu Xô Viết khác đã trở nên giàu có và tự do hơn rất nhiều kể từ năm 1991. Nếu ngày nay Nga bị suy yếu, kết quả chung cuộc cũng sẽ là tích cực tương tự. Nội lực bị suy kiệt sẽ khiến Matxcơva khó đe dọa nhiều quốc gia như hiện nay. Đơn giản là không công bằng khi cố gắng giữ các cư dân của Nga dưới quyền của một kẻ độc tài diệt chủng hoang tưởng.

Thật sự là Ukraine cần một nước Nga yếu ớt hơn thì mới có thể bảo vệ chiến thắng của mình. Ở mức tối thiểu, Ukraine sẽ cần Nga thay đổi chế độ một cách đáng kể để cảm thấy an toàn. Cam kết của Putin trong việc xóa sổ Ukraine và buộc nước này trở lại đế chế Nga là cực đoan đến mức không thể nào đảm bảo chiến thắng ở Ukraine chừng nào Putin còn nắm quyền. Và nước Nga đầy rẫy những nhà lãnh đạo tàn nhẫn với một kiểu đạo đức cũng bị bóp méo tương tự và một thế giới quan chủ nghĩa đế quốc y hệt. Cho đến khi Ukraine được phép gia nhập NATO, nước này sẽ phải xây dựng một quân đội hùng mạnh, trở thành – như Zelensky đã nói – một “Israel rất lớn”. Điều này không phải là lý tưởng, và thực hiện nó sẽ rất tốn kém. Nhưng ít nhất trong thời gian tới, đó sẽ là cách duy nhất mà một Ukraine chiến thắng có thể đảm bảo một nền hòa bình lâu dài.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây