Các vấn đề về Starlink của Ukraine cho thấy sự nguy hiểm của sự phụ thuộc vào kỹ thuật số

Financial Times

Cù Tuấn, dịch

14-10-2022

Tóm tắt: Công nghệ của Musk đặt ra câu hỏi về mức độ mà một tỷ phú thất thường có thể tham gia vào quốc phòng.

Tuần này, Chris Bryant, một chính trị gia người Anh, đã đưa ra một ý tưởng không thể tưởng tượng được tại quốc hội nước này: “Có thời điểm nào mà chúng ta có thể phải xem xét trừng phạt Elon Musk [tỷ phú người Mỹ] không?” Nguyên nhân? Tỷ phú này “dường như đang đi hai hàng” trong cuộc chiến Ukraine.

Bộ trưởng quốc phòng Anh đã phủ nhận điều này. Nhưng Bryant nêu ra ý tưởng trên vì hai lý do. Đầu tiên, Musk đã đăng các dòng tweet có vẻ như lặp lại một số yếu tố trong ý tưởng của Vladimir Putin về Ukraine (chẳng hạn như yêu sách của Moscow đối với bán đảo Crimea).

Thứ hai, một trục trặc kỳ lạ đã nổ ra xung quanh Starlink, hệ thống internet vệ tinh di động do công ty SpaceX của Musk tạo ra. Và trong khi điều này vẫn còn chưa rõ ràng trong sương mù của cuộc chiến, các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách nên chú ý, vì nó có những tác động vượt ra ngoài lãnh thổ Ukraine.

Để hiểu tại sao, chúng ta cần xem lại lịch sử. Khi Nga xâm lược Ukraine, Musk đồng ý chuyển các thiết bị đầu cuối của Starlink vào nước này, để cung cấp Internet cho dân thường và quân đội. Những thiết bị nhỏ này, ban đầu được thiết kế dành cho thị trường tiêu dùng, hoạt động thông qua liên kết với các vệ tinh của SpaceX.

Theo quan điểm của tôi, Musk xứng đáng nhận được lời khen ngợi về điều này. Như tôi đã viết trước đây, một điểm hấp dẫn quan trọng của Starlink là nó tạo ra một hệ thống “phân tán” – tức là một hệ thống được đặt cách xa nhau. Hệ thống này trở nên khó bị tiêu diệt bằng tên lửa hơn nhiều so với hệ thống tập trung vào các tháp internet di động.

Và với khoảng 25.000 Starlinks hiện đang hoạt động ở Ukraine, theo Musk, mạng lưới này đã duy trì hoạt động của các chức năng dân sự và nhân đạo quan trọng, từ bệnh viện đến ngân hàng. Starlinks cũng đã được quân đội Ukraine sử dụng rộng rãi khi tổ chức các chiến dịch rất hiệu quả của họ.

Nhưng những sự kiện gần đây có vẻ trở nên kỳ quặc. Tháng trước, Musk bất ngờ tweet rằng “Starlink chỉ dành cho mục đích hòa bình” (mặc dù các quan chức Mỹ nói với tôi rằng SpaceX đang bán hàng nghìn chiếc cho các nhóm NATO với giá ngày càng tăng). Ian Bremmer, người đứng đầu công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group, đã cáo buộc trong một ghi chú được gửi hôm thứ Hai rằng Musk nói với ông rằng Musk đã từ chối yêu cầu của Ukraine để bật Starlink ở vùng Crimea, vì lo ngại sự trả đũa của Nga. Musk phản pháo lại rằng “không ai nên tin tưởng Bremmer”. Các quan chức khác đã chứng thực quan điểm của Bremmer.

Sau đó, vào cuối tháng 9, các thiết bị đầu cuối Starlink đã ngừng hoạt động ở các khu vực phía đông và nam Ukraine mà Putin tuyên bố đã sáp nhập, nhưng đã bị quân đội Ukraine chiếm lại. Các quan chức Kyiv nói rằng việc mất tín hiệu này đã tạo ra một số tình huống “thảm khốc”.

Trùng hợp ngẫu nhiên chăng? Có lẽ. Hoặc có thể là trục trặc kỹ thuật hoặc do quân Nga làm nhiễu sóng. Nhưng các nhà quan sát có năng lực của Ukraine tự hỏi, liệu các quan chức SpaceX có đang cố gắng làm chậm bước tiến quân sự của Ukraine hay không. Để thêm mắm muối vào tin đồn, Vladimir Solovyov, nhân vật truyền hình Nga, cho biết, tuần này rằng Musk đang có lập trường thân Nga, nhằm tránh việc châm ngòi cho các cuộc tấn công vào dàn vệ tinh của Musk.

Tôi và những người khác đã hỏi nhóm của Musk về điều này nhưng không có phản hồi. (Musk trước đó đã tweet rằng vấn đề quy mô phủ sóng Internet là “tuyệt mật”. SpaceX đã cung cấp khoản viện trợ 80 triệu đô la cho Ukraine và Musk thực sự mong muốn hòa bình). Nhưng kể từ khi trục trặc Internet được báo cáo lần đầu tiên vào tuần trước, phạm vi phủ sóng Internet dường như đã được phục hồi gần hết. Và khi Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng chuyển đổi kỹ thuật số của Ukraine, đăng lời khen ngợi dành cho Starlinks trong tuần này, Musk đã tweet trả lời rằng ông ấy “Rất vui khi được hỗ trợ Ukraine”.

Nhưng trong khi vẫn chưa rõ chính xác điều gì đã (hoặc chưa) thực sự xảy ra, câu chuyện đặt ra một câu hỏi đáng lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư phương Tây. Các chính trị gia Hoa Kỳ sẽ cho phép một tỷ phú tính tình thất thường gây ảnh hưởng ở mức độ nào trong các lĩnh vực từ mạng xã hội đến chiến tranh ở nước ngoài? Các nhà đầu tư nên đánh giá rủi ro chính sách như thế nào khi các công ty tư nhân cung cấp dịch vụ cho các cơ quan quân sự, hoặc đầu tư vào không gian? Liệu chính phủ Hoa Kỳ có thể viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng đối với SpaceX không? Liệu Musk có thể đã đàm phán với chính phủ Nga, như Eurasia gợi ý rằng ông đã làm?

Tiếp theo, có một bài học lớn về sự phụ thuộc vào các tiện ích – và đa dạng hóa. Ukraine đã trở nên lệ thuộc vào việc sử dụng Starlink trong việc truy cập internet trong năm nay vì quân đội của nước này cần phải hoạt động nhanh chóng và hệ thống Internet này tốt hơn nhiều so với các lựa chọn thay thế và ban đầu khá rẻ. Như ông Fedorov đã chỉ ra, hệ thống này đã mang lại những lợi ích to lớn. Nhưng sự phụ thuộc này cũng tạo ra một lỗ hổng tiềm ẩn (không khác với việc Đức sử dụng nhiều khí đốt của Nga trước đây, hay sự phụ thuộc của Mỹ vào các chip điện tử của Đài Loan).

Tôi không nghi ngờ rằng nếu Ukraine cần bớt lệ thuộc vào một vị tỷ phú trong tương lai, thì cuối cùng họ sẽ tìm ra cách nào đó. Nhưng trong thời gian chờ đợi, các sự kiện đã xảy ra sẽ được các quốc gia nhỏ khác nghiên cứu kỹ lưỡng – như Đài Loan hay Estonia – những quốc gia luôn lo ngại một ngày nào đó họ cũng có thể cần phải tự vệ và cần hệ thống internet phân tán.

Và trên quy mô lớn hơn, câu chuyện sẽ là một lời cảnh tỉnh lớn cho bất kỳ nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách nào. Cuộc chiến ở Ukraine cho thấy mức độ lệ thuộc khắc nghiệt mà chúng ta đang sống trong một thế giới kỹ thuật số, nơi các nền tảng số là mạch máu của nền kinh tế và nhiều thứ khác. Do đó, câu hỏi ai là người kiểm soát chúng, và liệu chúng ta có tin tưởng vào độ tin cậy của chúng hay không, sẽ có ý nghĩa sâu sắc trong những thời điểm bất ổn này. Niềm tin khi đã mất đi thì khó có thể khôi phục lại được. Cần phải đa dạng hóa nguồn cung.

Hy vọng rằng Musk sẽ chứng minh rằng ông ấy là người đáng tin cậy – và Starlink sẽ tiếp tục mang đến những điều kỳ diệu cho Ukraine. Nhưng nếu có thêm nhiều trục trặc kỳ lạ tiếp tục xảy ra, câu hỏi của Bryant sẽ có vẻ khá thiết thực. Và bây giờ thì tất cả chúng ta nên tự xem xét sự lệ thuộc vào các công nghệ kỹ thuật số của bản thân.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Vâng, trong bất cứ lãnh vực nào khi phu thuộc vào nước ngoài hay không thể
    tự lực chủ động được thì cuối cùng tất phải chuốc lấy thất bại, nếu kéo dài !
    Bởi vì người ngoài không thể quảng đại mãi được, lòng nhân có gìới hạn và tuỳ
    thuốc vào tình hình nước họ có ổn định hay không. Hơn nữa, họ cần phải có lợi
    thì họ mới tiếp tục giúp. chứ không ai làm không công bao giờ cả ?
    Mong sao Elon Musk giúp Ukraine đến cùng !

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây