26-9-2022
Ca sĩ Quang Thành, người đại diện cho ca sĩ Khánh Ly im lặng một chút khi nghe yêu cầu về cuộc phỏng vấn nhanh vào tối 25 Tháng Chín, sau đó anh nói “mọi chuyện rất rối, và cô Khánh Ly chỉ có thể nói về chuyện này sau ngày 28 Tháng Chín”. Đó là ngày mà bà Khánh Ly đi về Mỹ và nghỉ ngơi, chuẩn bị cho tour diễn ở Châu Âu. Ngày 28 là ngày mà bà rời khỏi hẳn Việt Nam, không biết khi nào quay lại.
Chương trình của ca sĩ Khánh Ly có tên là Nhớ mùa thu Hà Nội, ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được viết vào năm 1985. Nhưng số phận ca khúc đó cũng long đong không kém show diễn tổ chức tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Một vài năm sau khi ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội được đón nhận rầm rộ trên mặt truyền thông, như là một sáng tác góp vào nền văn hóa mới của chế độ mới, nhưng bài hát cũng bắt đầu bị soi chiếu và thậm chí bị phản ứng khi đưa vào các chương trình truyền hình. Đến năm 2017, nhạc sĩ Đoàn Bổng, trưởng phòng ca nhạc Đài Truyền hình Việt Nam từng tiết lộ là bài Nhớ mùa thu Hà Nội Tân luôn bị dằn xuống bàn, soi chiếu từng câu chữ.
“Không ít có ý kiến cho rằng ca khúc có những ca từ nhạy cảm: “…Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người, lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai, sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi, sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi… Mùa thu Hà Nội tượng trưng cho mùa thu cách mạng. Vậy nói mùa thu Hà Nội trả lời là trả lời cái gì? Nếu một số ca khúc trước đây bị cấm vì có ca từ nhạy cảm, thì sao ca khúc này không bị cấm?”, ông Đoàn Bổng tiết lộ.
Bài hát hay con người của một nền văn hóa của miền Nam trước 1975, vẫn luôn bị xét lại như vậy vào bất kỳ lúc nào. Có thể là công khai, hoặc thầm lặng trong nội bộ của những người có quyền.
Chương trình Nhớ Mùa Thu Hà Nội của Ca sĩ Khánh Ly đã hoàn toàn không thể cất tiếng ở giữa lòng thủ đô nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong cuộc đối thoại với bà Hoài Oanh, người tổ chức chương trình đêm nhạc bị cắt điện, không có một thông điệp nào cho thấy rằng cuộc dàn dựng tốn kém đến 1,6 tỷ đồng này sẽ tổ chức lại vào một tháng nào đó, thậm chí là làm lại chương trình Nhớ Mùa Thu Hà Nội vào mùa thu năm sau.
Cũng trong cuộc trò chuyện này, tất cả những bất cập được nhận ra không chỉ có một lần cúp điện, mà khởi sự từ rất nhiều vụ, quanh cái tên Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. Bà Hoài Oanh nói vào buổi tối, trước ngày diễn, bà nhận được một tin nhắn qua zalo của các nhân vật của nhà hát, đơn giản nói là ngừng vì “cúp điện” và hứa lát nữa sẽ có văn bản gửi chính thức. Vào lúc 19g10 phút, một văn bản ngắn gọn gửi tới, nói về chuyện “khó khăn chung” của việc cúp điện lúc 21g – ngay vào ngày đã có lịch diễn. Sau khi đọc thấy câu đề nghị “lùi lịch diễn sang thời gian phù hợp”, những người trong ban tổ chức đã thay phiên nhau gọi cho tất cả các quan chức của Nhà hát lớn, cũng như những người có trách nhiệm trong Sở văn hóa tại Hà Nội, nhưng điều kỳ lạ là điện thoại của tất cả những nhân vật có trách nhiệm, như đều bị cùng cúp điện.
“Em rất sốc, nếu như thực sự chương trình của chị Khánh Ly có vấn đề gì thì từ đầu đừng cấp phép. Đằng này mọi thứ diễn ra êm thắm, nhưng rồi lại có chuyện xảy ra, mà em phải nói là lãng xẹt”, bà Hoài Oanh nói.
Báo chí ngay trong đêm 23 Tháng Chín cũng biết chuyện và các phóng viên đổ xô đến để ghi lại câu chuyện quái đản này. Có thể thấy rõ là trên văn phong, nhiều phóng viên cũng bất bình thay cho ban tổ chức và đặt những câu hỏi như “ai sẽ chịu trách nhiệm cho chuyện này?”. Nhưng chỉ trong một ngày, qua đến sáng ngày 25, thì toàn bộ tất cả những nội dung liên quan đến chương trình Nhớ Mùa Thu Hà Nội bị lột sạch trên tất cả các trang web báo chí Nhà Nước. Cuối cùng chỉ còn là những lời chỉ trích kịch liệt trên các trang mạng của những người Việt bình thường, nơi không có các vị tổng biên tập.
Đây có thể gọi là lần thứ cúp điện thứ ba, liên quan show diễn, vì đường dây tin tức của toàn bộ báo chí cũng bị cúp điện theo. Không còn một tín hiệu nào cho thấy họ có thêm ý kiến gì. Mọi thứ tối đen như căn nhà tranh của Ngô Tất Tố.
Thật ra, hành trình để gặp khán giả xuyên Việt Nam của Ca sĩ Khánh Ly đã không trơn tru từ lúc bắt đầu. khởi đầu với bài Gia Tài Của Mẹ ở Đà Lạt và sau đó lần lượt là những show bị hủy đều có những trục trặc mơ hồ, tương tự như câu kết trong công văn “những trường hợp bất khả kháng mà chúng ta đều không mong muốn”.
Dĩ nhiên, nếu vì lý do đột ngột “kiểm tra thiết bị điện cao thế” của Nhà hát lớn, những người quản lý nhà hát vẫn có thể du di được thêm 24 tiếng đồng hồ; nhưng bất khả kháng lệnh của ai đó, thì lại là chuyện khác. Với câu hỏi trực tiếp “Liệu đây là tình trạng của hệ thống hay là của một cá nhân không ưa thích ca sĩ Khánh Ly?”, bà Hoài Oanh trả lời rằng “Em tin rằng chỉ là một vài người, một vài cá nhân tác động vào thôi ạ”.
Những người tổ chức chương trình cho ca sĩ Khánh Ly, là những người lớn lên trong nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam hôm nay. Họ hoàn toàn ý thức được lằn ranh mong manh của họ, giữa việc làm nghệ thuật và xung quanh là một bầu không khí chính trị với những ánh mắt sát thương nhìn từ bóng tối. Thế nhưng với niềm tin là cứ làm đúng theo pháp luật, thì họ có thể vững bước và làm được những điều mình muốn. Theo suy nghĩ của ban tổ chức, là khán giả Hà Nội hôm nay sẽ có dịp thưởng thức tiếng hát của một ca sĩ nổi tiếng của miền Nam bằng xương bằng thịt, chứ không phải qua những ký ức về cassette tape mở khe khẽ trong thời chiến tranh. Vì vậy trong số khách mời của show diễn, có nhiều quan chức ở phía Bắc cũng hẹn đến tham dự. Đùng một cái, suốt cả đêm 23 qua đến 24 Tháng Chín, các thành viên ban tổ chức đã phải thay nhau hối hả gọi điện cáo lỗi với tất cả những người đã có vé, trong đó có những quan chức – mà có không ít người đã bày tỏ sự sửng sốt vì thủ đoạn “cúp điện” rất trẻ con này.
Thế nhưng từ miền Nam, không phải ai cũng tin rằng đây là chuyện của một vài cá nhân đối với bà Khánh Ly. Từ khi về Việt Nam biểu diễn từ năm 2014, ca sĩ Khánh Ly chưa lần nào được chính thức vào trung tâm Sài Gòn để trình diễn, vì những lời thề “quyết tâm” đầy tính tập thể, giữ không cho Khánh Ly được hội ngộ với vùng đất lịch sử và con người mà bà đã thành danh.
Có thể có những người đầy quyền lực không thích bà Khánh Ly, không mệt mỏi tác động hết nơi này nơi nọ để ngăn cản hay làm khó chương trình biểu diễn của bà, nhưng chắc chắn sẽ phải là một tập thể mới có thể tác động một cách đồng bộ từ nhiều tỉnh thành và “cúp điện” luôn cả báo chí như trong trường hợp ở Nhà hát lớn Hà Nội. Tư tưởng chống việc trở lại của Khánh Ly – hay của bất kỳ văn nghệ sĩ miền Nam nào đã từng ra đi sau tháng Tư năm 75 – vẫn âm ỉ và tiếp diễn. Và đó cũng là mâu thuẫn giằng xé trong các chính sách gọi là mở cửa, hòa hợp dân tộc đã bị lợn cợn khó ăn với những “món nợ cũ” của phía chính trị cực đoan.
Nhiều người cho rằng bà Khánh Ly bị gây khó bởi bài hát Gia tài của mẹ hay phản ứng với phim Em và Trịnh, thực ra đó chỉ là một tiểu tiết trong một chuỗi hệ thống cầm quyền nhìn nhận về bà, xuyên suốt lâu nay.
Ít ai biết được chuyện, trước đây mỗi lần cất lời hát cùng khán giả bài Nối Vòng Tay Lớn, là ca sĩ Khánh Ly đều đã vi phạm việc trình diễn ca khúc không được cấp phép lưu hành. Đến năm 2017, khi việc trình diễn bài Nối Vòng Tay Lớn đã trở thành chuyện quá phổ biến ở các trường đại học và những sinh hoạt tập thể thì Cục Biểu diễn Nghệ thuật đành phải cấp phép cho bài hát này lưu hành chính thức ở Việt Nam vào ngày 11 tháng Tư, 2017. Nhiều năm trước, đã có người nhắc bà Khánh Ly về chuyện bài Nối Vòng Tay Lớn “coi vậy mà vẫn chưa có giấy phép biểu diễn”, bà đã trả lời rằng “thì họ không nói gì, mình cứ hát thôi”. Và chuyện “mình cứ hát thôi”, đã khiến bà gặp không ít những khó khăn với chính sách kiểm duyệt văn hóa nhưng đong nước bằng miệng.
Trong những lần phỏng vấn hiếm hoi và lắng nghe sự trả lời chân thành từ bà, ca sĩ Khánh Ly đã nói về chuyện không ít những lời đơm đặt ác ý trên báo chí nhà Nước về bà, kể cả chuyện bà ra đi khỏi Việt Nam vì bị ép buộc, chứ không phải tự mình. Ca sĩ Khánh Ly cũng là ca sĩ duy nhất của người Việt hải ngoại được nhà nước cấp phép năm 2012 để về phối hợp trình diễn, nhưng bà từ chối mà chỉ về làm show riêng của mình vào năm 2014.
“Một quan chức của TP.HCM nói rằng chị đã ký tên lên những quả bom mà máy bay Mỹ chở ra thả ở ngoài Hà Nội, điều này có không?”, bà bật cười đến chảy nước mắt, “Nếu chuyện đó có thật, nó đã là một sự kiện và báo chí có đủ những hình ảnh ghi lại hết rồi, chứ đâu phải nằm trong một lời nói đơn giản gán tội cho tôi như vậy”.
“Mình già rồi, và chỉ còn mong cất tiếng hát cho hết đời thôi chứ. Ai làm gì mình cũng phải đành chịu thôi”, bà lắc đầu, cười.
Tôi có hẹn là khi ca sĩ Khánh Ly rời khỏi Việt Nam, thì sẽ gọi nói chuyện về chuyện đã qua. Thế nhưng, lúc này thì tôi nghĩ không cần phải nói gì thêm nữa. Nếu có, thì chắc chỉ nhắn rằng: rõ là bà muốn kỷ niệm, dừng cuộc đời ca hát ngay tại quê hương của mình, tại ở Hà Nội. Nhưng rốt cuộc lại không xong. Và như vậy, biết đâu cuộc đời nghệ thuật của bà lại phải tiếp tục cho đến khi lòng tự trọng của những người có quyền ở Việt Nam có được lúc sáng đèn.
Ban tổ chức cho chương trình và cả Khánh ly còn mơ hồ về chinhs quyền cs VN. Không phải một vài người mà là đường lối, là chủ trương của Đảng đấy!
Cắt điện, một thủ đoạn ấu trĩ, rẻ tiền . Nó đen tối, hèn hạ cũng như sự hèn hạ của ai đó mà không dám ra mặt nhưng lại có quyền lực trong tay. Cứ yêu cầu sở 4T.HN ra công văn cấm hẳn bà KL hát, có phải đường đường, chính chính hay không ? Sao lại phải dở trò trẻ con thế , một trò ném đá giấu tay mà ai cũng có thể suy ra .
Khi lũ chăn trâu nhảy phóc lên bàn làm quan thì cả một xã hội sẽ bị xáo trộn, người dân sẽ phải khổ sở hơn với những tư duy rất ngây ngô và vô lý của đám quan chức ngu xuẩn.