Hồ Bạch Thảo
31-5-2022
Xem lại phần 1-72
73. Bình Định vương Lê Lợi: Thời khởi nghĩa (2) [1418-1427]
Tình hình nước ta lúc bấy giờ, các cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược nổi lên khắp nơi từ Bắc Trung phần cho đến Lạng Sơn. Vào đầu năm Bình Định vương thứ 3 [1920], nhận thấy đạo quân dưới quyền Lý Bân không đương đầu nổi; vua Minh Thái Tông bèn điều quân từ Tứ Xuyên, Vân Nam đến tăng viện:
“Ngày 18 tháng Giêng nhuần năm Vĩnh Lạc thứ 18 [4/3/1420]
Sắc dụ quan Tổng binh Giao Chỉ Phong Thành hầu Lý Bân rằng:
‘Trẫm ra lệnh người cai trị một phương, muốn cho quân dân được yên chỗ; nay để cho giặc giã nổi lên rầm rộ, làm sao ngươi từ chối trách nhiệm được. Nay điều quân từ các xứ Vân Nam, Tứ Xuyên; quan quân nhiều ngươi phải hết sức trù tính sớm diệt bọn giặc. Nếu lần lữa ngày tháng, khiến bọn giặc ngày một lớn, thì căn cứ vào quốc điển khó mà khoan thứ được”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 79).
Ngoài ra còn điều Vinh dương bá Trần Trí đến, giữ chức phụ tá cho Lý Bân:
“Ngày 21 tháng 3 năm Vĩnh Lạc thứ 18 [3/5/1420].
Mệnh Vinh dương bá Trần Trí giữ chức Tả tham tướng phụ tá Tổng binh Phong thành hầu Lý Bân trong việc đánh dẹp man di phản loạn”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 79).
Đối với những võ quan bại trận, lệnh nghiêm khắc trừng phạt; bắt cùm chân áp giải về kinh đô:
“Ngày 22 tháng Giêng nhuần năm Vĩnh Lạc thứ 18 [6/3/1420]
Quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân tấu trình Đô Chỉ huy Lưu Chấn, Vu Toản, Ngô Hưng bị bại trận trước đây; cùng kẻ có lỗi Đô Chỉ huy Trần Tuấn lập được thành tích ngự giặc. Thiên tử mệnh cùm bọn Chấn 3 người giải về kinh; riêng tha cho Tuấn tội, được phục chức”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 79).
Sau khi đã tăng cường binh lực và tướng lãnh; mệnh Lý Bân đánh bắt cho được 4 đầu đảng Phan Liêu, Lê Lợi, Xa Tam, Nông Văn Lịch:
“Ngày 10 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 18 [20/6/1420].
Sắc dụ quan Tổng binh Phong thành hầu Lý Bân rằng bọn phản loạn Phan Liêu, Lê Lợi, Xa Tam, Nông Văn Lịch đến nay vẫn chưa bắt được, không biết việc binh đến khi nào mới hết, dân đến lúc nào mới được yên; nên ngày đêm hết lòng trù hoạch phương lược, sớm diệt bọn giặc này, để khỏi phụ sự ủy nhiệm của Trẫm”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 79)
Về cuộc khởi nghĩa của vua Lê Lợi, sử Trung Quốc chép, vào tháng Giêng, Đô chỉ huy Từ Nguyên đánh đuổi quân khởi nghĩa tại huyện Cẩm Thủy, Thanh Hoá:
“Ngày 4 tháng Giêng năm Vĩnh Lạc thứ 18 [18/1/1420]
…Giặc Lê Lợi tại Thanh Hóa tụ tập quân đóng trại tại Lỗi Giang [huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa], bị Đô chỉ huy Từ Nguyên mang quân công phá, Lợi chạy trốn”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 78).
Tuy nhiên, thế lực nghĩa quân lớn mạnh, hoạt động ra đến miền bắc, giết những tên quan lại đắc lực của nhà Minh như Hữu Tham chính Hầu Bảo. Trong văn bản này còn ghi Tả Tham chính Phùng Quí cũng đánh giặc tử trận, nhưng không chép lúc nào và tử trận bởi quân Lê Lợi trong trường hợp nào. Riêng sử Việt ghi Phùng Quí tử trận trong trận giao tranh tại sách Khôi, Thanh Hóa, vào tháng Chạp năm Bình Định vương thứ 5:
“Ngày 23 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 18 [3/7/1420].
Giao chỉ Hữu Tham chính Hầu Bảo, suất dân binh chống giặc tử trận. Tả Tham chính Phùng Quí cũng đánh giặc tử trận.
Bảo người đất Tán Hoàng, Chân Định; từ Sinh viên Quốc Tử bổ dụng làm Tri huyện 3 huyện Cổn Thành, Cống Du, Đôn Hưng; rành việc hành chính. Lúc mới lập Giao Chỉ, chọn người cai trị phủ huyện, bèn thăng Bảo làm Tri phủ Giao Châu, rồi được thăng chức Hữu Tham chính Giao Chỉ. Bấy giờ giặc Lê Lợi cướp phá các quận, huyện tại vùng Hoàng Giang [Nam Định], Bảo đôn đốc dân binh xây đồn tại các nơi quan trọng để chống cự. Giặc đến đánh, bọn Bảo đánh không thắng, bị chết.
Quí người đất Vũ Lăng, Hồ Quảng; trúng Tiến sĩ giữ chức Binh khoa Cấp sĩ. Lúc Anh quốc công Trương Phụ giữ chức Tổng binh chinh phạt Giao Chỉ, Quí đôn đốc lương thực, cần lao gắng sức. Được tâu công việc hoàn thành xứng chức, chiếu chỉ thăng chức Giao Chỉ Hữu Tham nghị; rồi giữ chức Đề đốc các hầm mỏ vàng bạc, thăng chức Tả Tham chính. Biết cách chiêu tập dân lưu vong qui phụ, có một đội thổ binh hơn 2000 người, đều dõng cảm chịu chiến đấu; mỗi lần ra quân đánh nhau đều lập công. Sau bị Trung quan Mã kỳ ghen tỵ, đoạt hết thổ binh; đến lúc Lê Lợi làm phản quân mạnh, Quí chỉ có vài trăm lính đến đánh. Binh ít gặp quân giặc đông, Quí ra sức đánh rồi tử trận. Bảo tham chính thanh liêm khoan thứ, Quí có tài, tử trận mọi người đều tiếc”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 82).
Sự kiện xãy ra vào tháng 10, sử Trung Quốc chép Phương Chính đánh bại quân vua Lê Lợi tại sông Mường Tâm, Ai Lao:
“Ngày 25 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 18 [30/11/1420]
Quan Tổng binh Giao Chỉ Phong Thành hầu Lý Bân sai Hậu vệ Giao Châu Chỉ huy sứ Phương Chính truy kích Lê Lợi, đánh bại giặc tại sông Mường Tâm, Lão Qua; Lợi bỏ trốn”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 84).
Tuy nhiên cũng vào thời điểm này, sử Việt chép vua Lê phục kích tại vùng Mường Thôi, giáp Ai Lao; bọn Lý Bân, Phương Chính thua to, chỉ thoát được lấy thân. Đến tháng Chạp quân nhà vua lại chiến thắng tại huyện Cẩm Thủy, Thanh Hoá:
“Mùa đông, tháng 10, vua nghe tin quân Minh sắp đến, đặt mai phục ở bến Bổng (1) chờ giặc, chém giết quân giặc nhiều vô kể, bắt được hơn trăm con ngựa. Vua cho nghỉ quân ở Mường Nanh (2), rồi lại dời đến đóng quân ở Mường Thôi [giáp Ai Lao]. Tên Đồng tri châu Quỳ Châu là Cầm Lạn dẫn bọn Lý Bân, Phương Chính đem hơn 10 vạn quân, theo đường Quỳ Châu đến thẳng Mường Thôi. Vua phục kích chúng ở Thi Lang. Bân và Chính chỉ chạy thoát được thân mình.
Tháng 12, vua tiến quân đóng ở sách Ba Lẫm (3) thuộc huyện Lỗi Giang [Cẩm Thủy, Thanh Hóa], khiêu khích cho giặc ra đánh. Tướng giặc là bọn Đô ty Tạ Phương, Hoành Thành bỏ đồn Nga Lạc, về giữ trại Quan Du [huyện Quan Hóa, Thanh Hóa] để phòng bị cho thành Tây Đô, cố giữ không ra đánh. Vua ngày đêm dùng nhiều cách tiến công uy hiếp để giặc mỏi mệt, rối loạn. Lại sai Lê Sát, Lê Hào chia nhau tiến đánh, cả phá bọn giặc, chém được hơn nghìn thủ cấp, thu được rất nhiều chiến cụ, từ đó thế giặc ngày một suy. Vua bèn chiêu tập nhân dân các xứ. Các huyện bên cạnh đều sôi nổi hưởng ứng, cùng nhau tiến đánh và uy hiếp các đồn giặc”. Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 10, trang 6b.
Ngoài vua Lê Lợi, bấy giờ có Cấn Sư Lỗ, Phạm Công Trịch, Trịnh Công Chứng hoạt động tại các tỉnh Sơn Tây, Vĩnh Phú; Lý Bân bèn sai thuộc hạ đánh dẹp:
“Ngày 4 tháng Giêng năm Vĩnh Lạc thứ 18 [18/1/1420]
Giặc Giao Chỉ Cấn Sư Lỗ, Phạm Công Trịch tụ dân làm loạn. Quan Tổng binh Lý Bân sai người đến huyện Thạch Thất [Sơn Tây] giao chiến. Sư Lỗ thua chạy, chém được bọn Dực vệ tướng quân Cấn Hoạch hơn 150 người. Lúc bấy giờ Công Chứng tại châu Oai Man [Vĩnh Phú] nghe tin đưa quân về Khoái Châu [Hưng Yên]. Nhưng bị Đô chỉ huy Giao Chỉ Tôn Lâm đánh tại huyện Thiện Tài, châu Gia Lâm [Bắc Ninh], giết bọn tướng giặc Phạm Trầm, bắt sống đầu đảng giặc Lê Hành”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 78)
Lý Bân đích thân mang quân truy kích Lê Điệt tại vùng Thái Bình, Nam Định; bắt sống, áp giải về kinh:
“Ngày 4 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 18 [16/5/1420]
Quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân sai Đô Chỉ huy Trương Quý đánh giặc Lê Điệt tại huyện Đình Hà, phủ Trấn Man [Thái Bình, Nam Định], bắt sống ngụy Long Hổ Đại Tướng quân Đinh Thung, riêng tên Điệt mang dư đảng trốn. Bân tự suất binh đánh bắt, do đó ngụy Long Hổ Tướng quân Phan Dương, Phạm Canh đều hàng. Quân của Bân truy kích đến cùng, bắt sống Điệt, vợ y, cùng tướng giặc Nguyễn Thừ, Đỗ Đức Lăng, Nguyễn Như Lôi, giết trên 600 người, cùm giải bọn Điệt về kinh sư”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 80)
Năm ngoái [1419], Lý Bân mang quân đánh dẹp cuộc nỗi dậy của sư cụ Phạm Ngọc trụ trì chùa Đồ Sơn; nhưng chưa diệt xong tận gốc; nay đánh bắt được Phạm Ngọc tại Đông Triều [Quảng Ninh], áp giải về kinh:
“Ngày 20 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 18 [1/6/1420]
Quan Tổng binh Giao Chỉ Phong Thành hầu Lý Bân bắt cựu thủ lãnh giặc ngụy La Bình vương Phạm Ngọc. Trước đây Ngọc thua bỏ chạy, lại trở về châu Đông Triều tụ tập đám đông cướp phá; cuối cùng bị bắt, cùm giải về kinh sư”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 80)
Lộ Văn Luật. từng theo Phan Liêu, mang quân đến Thạch Thất [Sơn Tây]; bị đánh thua phải chạy sang Ai Lao:
“Mùa, hạ, tháng 4, Lộ Văn Luật dấy binh ở Thạch Thất, Lý Bân đánh phá được. Lộ Văn Luật chạy sang Ai Lao, dân chúng thì trốn vào hang núi Phật Tích và An Sầm Thạch Thất [Sơn Tây]. Quân Minh dỡ nhà hun động, người trong động bị khói lửa hun đều chết, người nào ra hàng cũng bị giết cả, vợ con bị bắt làm nô tỳ”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 5a.
Vào tháng 5, Lý Bân sai Đô chỉ huy Chu Quảng đánh bắt các lãnh tụ nỗi dậy gồm Khai thánh vương Nguyễn Đa, Chiêu Tín hầu Bình chương Quân quốc trọng sự Đàm Dữ Bang, Nhập Nội Kiểm hiệu Bình chương Tư đồ Nguyễn Gia, Thái sư Trung liệt công Vi Ngũ; áp giải tất cả về kinh sư:
“Ngày 15 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 18 [25/6/1420]
Quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân sai Đô Chỉ huy Chu Quảng đánh bắt được bọn ngụy Khai thánh vương Nguyễn Đa, ngụy Chiêu Tín hầu Bình chương Quân quốc trọng sự Đàm Dữ Bang, ngụy Nhập Nội Kiểm hiệu Bình chương Tư đồ Nguyễn Gia, ngụy Thái sư Trung liệt công Vi Ngũ; lại bắt vợ con, cùng ấn ngụy; đem tất cả đến kinh sư”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 81)
Lê Ngã, nỗi dậy tại điạ bàn 3 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, từng mang quân đánh phá thành Xương Giang; Lý Bân mang đại quân đánh, Ngã bị thua:
“Tháng 6, người làng Tràng Kênh, huyện Thủy Đường [huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng] là Lê Ngã đổi họ tên thành Dương Cung, tự xưng là Thiên Thượng Hoàng Đế, đăt niên hiệu là Vĩnh Thiên. Ngã vốn là gia nô của Trần Thiên Lại, tướng mạo rất đẹp, đã từng đi khắp bốn phương, đến đâu cũng được mọi người cung dưỡng. Ngã lại trá xưng là lính hầu của Mã Kỳ, đi doạ nạt các châu huyện làm kế nuôi thân. Thấy Công Chứng, Phạm Ngọc, Phạm Thiện đua nhau nổi dậy, Ngã bảo những người quen biết:
‘Các anh có muốn giàu sang không? Ai muốn thì hãy theo ta!’.
Đến huyện Đan Ba [huyện Đình Lập, Lạng Sơn], Ngã trá xưng là cháu bốn đời của Trần Duệ Tông, từ nước Lão Qua trở về. Phụ đạo Đan Bá là Bế Thuấn đem con gái gả cho và lập làm vua. Trong khoảng mấy tuần một tháng, đã có vài vạn quân, hắn ra An Bang [Quảng Ninh] chiếm trại Hồng Doanh. Sau khi Công Chứng, Phạm Ngọc bị thất bại, thì dư đảng của họ theo về với Ngã, số quân được đến mấy vạn người. Ngã tiếm xưng tôn hiệu, dựng niên hiệu, đặt quan chức, đúc tiền, đốt thành Xương Giang [Bắc Giang], cướp trại Bình Than. Có người biết hắn là Ngã cũng không dám nói. Thiên Lại đi gặp hắn, trở ra nói rằng:
‘Nó là gia nô của ta, việc gì phải lạy nó’.
Rồi dời thuyền trốn đi. Ngã đuổi theo nhưng không kịp. Thiên Lại gởi hịch cho các huyện gần đó, tự xưng là Hưng Vận quốc thượng hầu, đem quân đánh nhau với Ngã, bị Ngã giết chết, Lý Bân đem đại quân thủy bộ đến đánh. Ngã và Thuấn đang đêm bỏ trốn cả, không biết là đi đâu”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 6a.
Theo thông lệ hàng năm, vào tháng Chạp Giao Chỉ phải nạp đồ tiến cống cho triều Minh:
“Tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 18 [2/1421]
Giao Chỉ dâng lên triều đình 2.265 tấm lụa quyên (4) , 5000 cân tô mộc (5) , 3000 chim thúy vũ, 1 vạn quạt”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 85)
Thời Bình Định vương năm thứ 4, tức năm Vĩnh Lạc thứ 19 [1421], vua Lê Lợi rút quân sang Lão Qua; Lý Bân định mang quân sang đánh, nhưng Lão Qua xin đừng sang, hứa sẽ lục soát đánh đuổi:
“Ngày 11 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 19 [7/10/1421]
Quan Tổng binh Giao Chỉ Phong Thành hầu Lý Bân tâu:
‘Phản tặc Lê Lợi chạy trốn sang Lão Qua, ra lệnh cho quân truy bắt. Nhưng Lão Qua sai Đầu mục Lãm Kỳ Tức Cốc xin quan quân đừng vào biên cảnh, sẽ cho quân lính đi lục soát, nếu có Lê Lợi sẽ đem đến cửa quân. Từ đó đến nay đã lâu, không thấy tung tích Lê Lợi.’
Thiên tử xem tấu, nghi Lão Qua dấu giặc nên sắc dụ Bân đưa bọn Lãm Kỳ Tức Cốc đến Bắc Kinh để cật vấn”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 87)
Việc Sứ giả Lão Qua sang Trung Quốc gây ảnh hưởng rất lớn, sau đó Lão Qua hùa theo nhà Minh, mang quân tập kích vua Lê Lợi:
“Mùa đông, tháng 11, ngày 20, tham tướng nhà Minh là Trần Trí đem quân các vệ Giao Châu cùng ngụy binh, gồm hơn 10 vạn tên đánh sát đến ải Kính Lộng [huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa], sách Ba Lẫm. Vua họp các tướng bàn rằng:
‘Quân giặc nhiều, quân ta ít, nhưng quân giặc mệt, quân ta nhàn. Binh pháp có nói được hay thua là ở tướng chứ không phải ở quân nhiều hay ít, nay quân giặc tuy nhiều, nhưng ta đem quân nhàn đợi đánh quân mệt mỏi, chắc chắn sẽ đánh bại chúng’.
Đến đêm, vua chia quân đánh úp doanh trại giặc. Quân ta đánh trống reo hò xông tới, phá được bốn doanh trại giặc, chém được hơn ngàn thủ cấp. Sau Trí khinh vua ít quân, lại phá núi mở đường để tiến đánh. Vua ngầm phục kích ở đèo Ống [huyện Cẩm Thủy] để đợi giặc. Đến trưa, Trí quả nhiên đem quân đi theo đường núi đến. Quân phục hai bên xông ra, đánh bại giặc. Quân Trí phải rút.
Nhưng đúng lúc ấy. Ai Lao đem 3 vạn quân và 100 thớt voi thình lình tới doanh trại của vua phao tin là cùng hợp sức với vua để đánh giặc. Vua tin lời họ, không phòng bị. Đến nửa đêm, bị họ đánh úp. Vua phải đích thân đốc chiến, suốt từ giờ Tý đến giờ Mão, đánh tan bọn Ai Lao, chém hơn 1 vạn thủ cấp, bắt được 14 con voi, thừa thắng truy kích liền 4 ngày đêm, đuổi đến tận sào huyệt của bọn chúng rồi về. Tháng 12, vua tiến ra đóng quân ở Sách Thủy. Tù trưởng Ai Lao Là Mãn Sát đã cùng quẫn, muốn vua hoãn đánh để đợi viện binh, mới giả vờ xin hòa. Vua biềt đó là mưu kế xảo quyệt, không cho. Các tướng cố xin cho hoà, nói là quân lính khó nhọc đã lâu, nên cho nghỉ ngơi môt chút. Chỉ có Bình chương Lê Thạch cho là không thể cho giặc giải hòa, liền tự mình hăng hái xông lên trước, chẳng may trúng phải chông ngầm mà chết. Thạch là con người anh của vua; thuở ấu thơ, được vua nuôi nấng nên ngài yêu Thạch hơn cả con mình. Thạch tính người nhân ái, ham đọc sách, khoẻ mạnh, dũng cảm, yêu mến quân sĩ, vua từng sai chỉ huy quân tiên phong, đánh đâu thắng đấy. Đáng tiếc Thạch dũng cảm nhưng kém mưu. Đến đây chết, vua rất thương xót.
Trước đây, vua vốn hòa hiếu với Ai Lao, chưa từng có hấn khích gì. Khi vua cầm cự với giặc tại sách Lư Sơn, Ai Lao từng cho quân sang cứu viện. Đến khi tên ngụy quan Lộ Văn Luật trốn giặc sang Ai Lao, sợ uy danh vua, thêu dệt gây nên hiềm khích, nên mới đến nỗi thế”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 8b.
Sử nước ta không nêu được bằng chứng việc Lộ Văn Luật nói xấu nhà vua với Ai Lao gây nên hiềm khích; nhưng sử Trung Quốc, Minh Thực Lục, chép việc Lão Qua tức Ai Lao sai sứ sang cống, và việc Đầu Mục Lãm Kỳ Tức Cốc đến Bắc Kinh ; chứng tỏ Trung Quốc và Lão Qua có nhiều dịp thương lượng ngầm với nhau:
“Ngày 27 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 19 [28/5/1921].
Tuyên ủy sứ Lão Qua Đao Tuyến Phản sai bọn Đầu mục Côn Điển 15 người, cống vàng, bạc; ban cho tiền giấy, lụa màu có phân biệt”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 85)
Ngoài việc giao tranh với vua Lê Lợi, Lý Bân còn sai Đô chỉ huy Sư Hữu mang quân sang Lão Qua truy kích bọn Phan Liêu, nhưng không diệt được đầu đảng:
“Ngày 6 tháng Giêng năm Vĩnh Lạc thứ 19 [7/2/1421]
Tháng này quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân sai Đô Chỉ huy Sư Hữu truy kích bọn giặc Phan Liêu, Cầm Trách. Khi đến Ngọc Ma [phủ Trấn Định, Ai Lao] thì Liêu đến Lão Qua xin viện binh; riêng Trách dùng voi xung kích đánh trả tại rừng Nông Ba. Bọn Chỉ huy Trương Minh, Thiên Hộ Trương Bản xông vào trận giặc bắn lính cữi voi, lại dùng hỏa khí bắn vào khiến voi phải chạy lùi; giặc tan rã. Chém hơn 100 tên, bắt sống hơn 30 tên. Em Trách là Kết mang 200 quân dưới quyền đầu hàng. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 85)
Trước đây Lê Ngã đổi tên thành Dương Cung, tự xưng là Thiên Thượng Hoàng Đế, đánh phá tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương; Lý Bân ra lệnh ráo riết truy lùng. Nay Bân sai Đô chỉ huy Vương Trung bắt được Dương Cung tại huyện Giáp Sơn, bèn cho giải về kinh:
“Ngày 19 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 19 [15/10/1421]
Quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân sai Đô Chỉ huy Vương Trung bắt được đầu đảng giặc Dương Cung. Trước đây Cung tiếm xưng Vương, tụ tập đám đông làm loạn, quan quân truy đánh, Cung chạy trốn không bắt được. Đến nay bắt người cậu là Đỗ Cô, sai chỉ đường truy tới huyện Giáp Sơn [huyện Kinh Môn, Hải Dương], phủ Tân An thì bắt được; bèn cùm giải đến Bắc Kinh”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 88)
Sử Việt bác bỏ chuyện Dương Cung bị bắt. Căn cứ lời xác nhận của Tri huyện Dặc Khiêm rằng Lý Bân muốn vừa lòng chiếu thư đòi hỏi bắt cho kỳ được Dương Cung; bèn gian dối bắt Sinh viên Phạm Luận, buộc nhận là Dương Cung, rồi tống giải về kinh:
“Tổng binh Lý Bân và nội quan Lý Lượng của nhà Minh bắt Phạm Luận là sinh viên huyện Giáp Sơn [phủ Kinh Môn, Hải Dương], buộc Luận mạo nhận là Dương Cung để cho qua chiếu lệnh lùng bắt, bắt đến cả gia thuộc Luận là bọn Phạm Xã giải về Yên Kinh. Tri huyện Dặc Khiêm nhận thực không phải là tên Cung. Bân không nghe. Khiêm lấy bao vàng dâng đại cáo, tâu thẳng về Yên Kinh. Bân sai người chặn đường bắt về. Hoàng Phúc khuyên Khiêm rằng:
‘Mọi người đều cho là đúng, chỉ riêng ngươi bảo không phải là làm sao?’.
Khiêm nói:
‘Ai ra ngoài mà chẳng phải ra cửa ngõ?”(6) .
Bân cho giải cả Khiêm và Luận về Yên Kinh, giao xuống cho pháp ty xét hỏi. Khiêm suýt nữa bị tội, vì có người anh đánh trống đăng văn (7) khiếu oan nên được miễn tội. Sau thăng dần đến chức Hữu bố chính sứ nước ta. Gia thuộc của Luận cuối cùng bị chết trong ngục”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 7b.
Về vấn đề kinh tế, với chủ trương dùng tài nguyên thuộc địa nuôi quan quân cai trị; Lý Bân tâu xin lập đồn điền cung cấp lương thực; y lưu ý lính bản xứ phần lớn lưỡng lự hai lòng, nên bắt làm đồn điền ít tham gia chiến đấu:
“Ngày 29 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 19 [28/6/1421].
Quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân tâu rằng đất nội phụ Giao chỉ xa xôi, không dễ dàng vận chuyển lương thực; xin cho các ty, vệ, sở chia lính lập đồn điền để cung cấp. Hoạch định một phần căn cứ vào đất đai hiểm hay dễ, tình thế gấp hay hoãn để dùng quân đồn điền hoặc chinh điều nhiều hay ít. Quân lính người bản xứ tuy được liệt vào sổ binh, nhưng lúc đánh nhau còn lưỡng lự hai lòng, thường không liều chết; nay bàn định tỷ số đồn điền phần nhiều là lính bản xứ, quan quân ít.
Trong 7 vệ gồm Giao Châu tả, Hữu, trung, tiền, cùng Trấn Di, Xương Giang, Thanh Hóa; hoạch định quan quân 1 phần đồn điền, 9 phần chinh thủ; quân lính người bản xứ 7 phần đồn điền, 3 phần chinh điều. Hậu vệ Giao Châu, vệ Tam Giang, Thiên hộ sở Thị Cầu; quan quân 2 phần đồn điền, 8 phần chinh thủ; lính bản xứ 8 phần đồn điền, 2 phần chinh điều. Mỗi người làm đồn điền hàng năm trưng thu 35 thạch lúa.
Ba vệ Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa quan quân đồn điền 3 phần, 7 phần chinh thủ; lính bản xứ 6 phần đồn điền , 4 phần bị chinh điều. 3 Thiên Hộ sở tại Diễn Châu, Nam Tĩnh, Tân An; tất cả quan quân không phụ trách đồn điền, quân bản xứ 3 phần đồn điền, 7 phần chinh điều. Quân đồn điền hằng năm trưng thu 18 thạch lúa mỗi người. Lời tâu được chấp nhận”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 86)
Ty Bố chánh Giao Chỉ còn xin triệu tập thương gia đổi muối lấy gạo; với mức đổi chác, tại miền Bắc cao hơn miền Trung:
“Ngày 13 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 19 [6/1/1422]
Ty Bố chánh Giao Chỉ tâu rằng lương thực dự trử không đủ, xin chuẩn cho quan phụ trách kho muối triệu thương gia đến, đổi muối lấy thực phẩm. Theo thường lệ đổi muối lấy vàng, nay tạm cho đổi lấy thực phẩm, chờ đến lúc có đủ lương thực thì đình chỉ. Bọn Thượng thư Quách Tư bàn định như sau: Tại 4 phủ Giao Châu, Bắc Giang, Lạng Giang, Tân An đổi 1 dẫn (8) muối lấy 4 đấu (9) gạo, hoặc 1 thạch (10) thóc. Tại 2 phủ Kiến Bình, Thanh Hóa đổi 1 dẫn lấy 3 đấu 5 thăng gạo, hoặc 8 đấu 7 thăng lúa. Tại 2 phủ Tân Bình và Nghệ An đổi 1 dẫn lấy 3 đấu gạo, hoặc 7 đấu 5 thăng thóc. Tại phủ Thuận Hóa đổi mỗi dẫn 2 đấu 5 thăng gạo, qui ra lúa là 6 đấu 2 thăng. Được trên chấp thuận”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 88).
Vẫn theo thông lệ hàng năm, vào cuối năm Bình Định vương thứ 4, tức Vĩnh Lạc thứ 19 1921; Giao Chỉ phải dâng nạp lụa quyên, sơn, cây thuốc tô mộc, chim thúy vũ, quạt:
“Tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 19 [1- 2/ 1922].
Giao Chỉ dâng lên triều đình 1535 tấm lụa quyên, 2500 cân sơn, 4520 cân tô mộc, 2725 chim thúy vũ, 7535 quạt”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 89).
________
Chú thích:
1. Bến Bổng: Có lẽ nằm trên thượng lưu sông Chu.
2. Mường Nanh: nay còn địa danh Mường Nang, tức là xã Thịnh Nang, huyện Lang Chánh. Mường Nanh có lẽ là đất ấy.
3. Ba Lẫm: tên sách, có lẽ là vùng Chiềng Lâm ở xã Điền Lư, thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
4. Quyên: Lụa mộc, lụa sống.
5. Tô mộc: Cây dùng làm thuốc Bắc
6. Ý chỉ mọi người đều bị ngăn tại cửa ngõ, không cho tin tức lan ra.
7. Trống đăng văn: trống để ở điện đình, ai có việc oan khuất thì đánh lên, trình bày nỗi oan để được xét lại.
8. Dẫn: quy định đo lường của Trung Quốc, dẫn không có trọng lượng nhất định, thông thường 1 dẫn bằng 200 cân; 1 cân Khố Bình bằng 0.596kg;
9. Ðấu: bằng 10 thăng.
10. Thạch: tức 10 đấu, hoặc 100 thăng, tương đương 103.55 lít.