Đỗ Ngà
30-5-2022
Ngành nghề của ngân hàng là vay và cho vay. Nếu nói công ty thương mại bán được nhiều hàng thì càng lời thì ngân hàng thương mại cũng vậy, họ cần cho vay càng nhiều càng tốt.
Nếu nói công ty thương mại tăng doanh số là tín hiệu vui thì ngân hàng thương mại nếu tăng trưởng tín dụng khá cũng là một điều tốt. Tuy nhiên, với ngân hàng, nếu tăng trưởng tín dụng quá cao thì có thể gánh rủi ro lớn, vì tăng trưởng tín dụng thường kèm theo khối nợ xấu cũng tăng trong khi đó vốn chủ sở hữu ngân hàng không tăng tương ứng. Vì thế, ngân hàng sẽ đối diện với nguy cơ phá sản. Mà ngân hàng phá sản thì hậu quả rất nghiêm trọng cho nền kinh tế vì tính lan tỏa của nó.
Đó chính là nguyên nhân mà Ngân hàng Nhà nước cần phải hạn chế mức tăng trưởng tín dụng cho mỗi ngân hàng thương mại. Nghĩa là mỗi anh ngân hàng thương mại chỉ được đẩy tăng trưởng tín dụng không được vượt quá mức mà Ngân hàng Nhà nước quy định, nếu không nghe thì Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng biện pháp chế tài. Hạn mức tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng nhà nước áp cho mỗi ngân hành thương mại như thế được gọi là “room tín dụng”. Áp room tín dụng cho ngân hàng thương mại là một phần trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, mục đích là để kiểm soát rủi ro cho hệ thống ngân hàng và điều tiết nguồn cung tiền.
Thực tế, các ngân hàng thương mại Việt Nam đang tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp khá lớn, trong đó phần lớn là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, với tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, cổ phần của chính doanh nghiệp phát hành. Đây là thị trường đầy rủi ro.
Với hàng loạt đại gia bất động sản và chứng khoán bị bắt, kèm theo đó là hàng loạt quan chức nhà nước ngành chứng khoán bị kỷ luật cách chức. Từ đó phơi bày ra một thực tế xám xịt, thị trường chứng khoán và cả thị trường bất động sản hiện nay đang bị thành phần thiểu số trong liên minh Quyền – Tiền thao túng trục lợi. Thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản được ví như là một con cá rán, trong đó nhóm lợi ích gặm hết phần nạc, đẩy phần xương xẩu cho những người còn lại. Chính vì thế, những gói vay của các ngân hàng thương mại đổ vào đây rất rủi ro, khả năng biến thành nợ xấu rất cao.
Hiện nay đồng tiền USD đang mạnh đẩy đồng tiền Việt Nam tụt giá. Đấy là áp lực từ bên ngoài. Còn trong nước, giá xăng cao chót vót làm mọi thứ hàng hóa đều tăng giá mạnh. Lúc này nhà nước CS Việt Nam cần phải ra chính sách kìm lạm phát, đó là yêu cầu cấp bách. Trước mắt cần giảm lượng cung tiền ra thị trường.
Việc thắt chặt tăng trưởng tín dụng mục đích là để hạn chế lượng cung tiền. “Room” tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước áp cho mỗi Ngân hàng thương mại có thể được như “cái hộp” giới hạn việc cho vay. Nếu anh ngân hàng nào lỡ cho vay quá nhiều làm đầy “room” thì sẽ không còn khoản trống để cho vay tiếp. Hiện nay các ngân hàng thương mại Việt Nam đã “lỡ tay” cho bất động sản và chứng khoán vay quá nhiều làm room tín dụng sắp đầy nên gói vay hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp sản xuất không thể triển khai được. Vì vậy, các ngân hàng thương mại đang khóc lóc năn nỉ Ngân hàng Nhà nước nới rộng “room” tín dụng cho họ. Ngân hàng hành nghề “cho vay” để “kiếm sống” mà hạn chế họ cho vay thì khác nào làm khó họ?!
Ngân hàng Nhà nước đang bị đẩy vào thế kẹt. Nếu nới “room” cho các ngân hàng thương mại thì điều đó đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước đang xả tiền ra thị trường trong lúc lạm phát đang tăng. Còn nếu thắt chặt room thì các anh ngân hàng đang cảm thấy “khó thở”, đồng thời các doanh nghiệp sản xuất cũng mất cơ hội tiếp cận một gói vay rẻ để phục hồi sản xuất. Mà sản xuất có phục hồi thì mới đẩy phần tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế chứ? Ngân hàng Nhà nước làm cách nào cũng vướng.
Thực ra là, Nhà nước CS đưa thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản vào tầm kiểm soát ngay từ đầu thì bây giờ không vướng như thế. Chế độ này đang tạo điều kiện cho nhóm lợi ích trong thị trường tài chính trục lợi thì đằng nào nó cũng để lại hậu quả. Hậu quả nhãn tiền là giờ đây, Ngân hàng Nhà nước không còn dư địa để đối phó với khó khăn, muốn gỡ nút thắt này thì phải hy sinh nút thắt khác chứ không có chọn lựa. Mà khi chính sách bị hạn chế thì dân chịu chứ không ai khác.