20-5-2022
Hôm rồi (ngày 19.5), cách nay đúng một tuần, mạng xã hội dày đặc thông tin về một người đầy vết tích lịch sử, cụ Trần Đĩnh – nhà văn, nhà báo, dịch giả, người chấp bút cuốn hồi ký nổi tiếng “Bất khuất” ghi lại những ngày tháng lao tù của nhà cách mạng Nguyễn Đức Thuận. Chỉ có điều, gần như không hé một chữ nào trên báo chí truyền thông chính thống, trên hơn 800 tờ báo và tạp chí, trên gần trăm đài truyền hình, mà người ta quen gọi là báo chí tivi quốc doanh, mậu dịch.
Tôi cũng không biên về sự cụ Đĩnh khuất núi ngay, bởi muốn tránh cái tiếng “đu trent”, chẳng hạn ai đó chê đã biết về cụ được bao nhiêu mà khoe…
Cụ Trần Đĩnh mất ngày 12.5.2022, thọ 92 tuổi tây tròn (thực ra dư vài ngày, bởi theo tiểu sử ghi trên cuốn “Đèn cù” thì cụ sinh ngày 9.5.1930). Thế hệ tôi, ra đời giữa thập niên 50, sống ở miền Bắc, đều ít nhiều biết đến cái tên rất danh tiếng Trần Đĩnh. Cả trên kênh công khai lẫn kênh thì thào.
Cụ Đĩnh là nhà báo nổi tiếng, lại làm ở tờ báo Nhân Dân chúa trùm, thuộc lớp làm báo cộng sản tiên phong từ thời kháng chiến chống Pháp, khi đã được “vua biết mặt, chúa biết tên” thì những hậu sinh như Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ, Hồng Vinh, Đinh Thế Huynh… chưa là gì. Có chăng, chỉ những đấng bậc Hoàng Tùng, Thép Mới, Lưu Quý Kỳ, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Phan Quang… thì xem như Trần Đĩnh bằng vai phải lứa, sàn sàn nhau.
Phải nói khách quan rằng, báo Nhân Dân thời ấy lắm người tài, nhưng số cứng cỏi khí tiết, không chịu khuất phục cường quyền, không ngoan ngoãn cúi đầu trước cấp trên như cụ Đĩnh rất hiếm. Có lẽ ông chịu ảnh hưởng một phần từ người anh trai là nhà báo Trần Châu, một yếu nhân của Thông tấn xã Việt Nam, từng bị cầm tù nhiều năm do chính quyền Hà Nội quy tội tham gia nhóm xét lại chống đảng. Những năm ấy, dù có là ông giời đi chăng nữa, mà bị gắn mác xét lại, kể như lên đoạn đầu đài. Biết bao người tốt, tài giỏi, tử tế đã bị nhốt lao tù, đày đọa, tước đoạt quyền sống chỉ bởi thứ “tội” xét lại ấy.
Lứa chúng tôi lúc đầu nghe danh Trần Đĩnh qua sự phổ biến cuốn sách gối đầu giường bấy giờ, cuốn “Bất khuất”, Nguyễn Đức Thuận kể, Trần Đĩnh ghi. Còn 2 cuốn “gối đầu giường” hàng nội nữa cùng thời, là “Sống như anh” của nhà báo Trần Đình Vân và “Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi. Nói “hàng nội”, bởi hàng ngoại có “Thép đã tôi thế đấy”, “Nhật ký Lôi Phong”, “Ruồi trâu”. Ba cuốn nội vừa nhắc đều là tác phẩm thể loại ký, ghi người thực việc thực. Tất nhiên thực đến đâu thì chỉ có người trong cuộc (người kể và người chấp bút) mới biết. Trong 3 cuốn, “Bất khuất” là cuốn tày tặn, công phu, văn phong đĩnh đạc nhất.
Đó là nhờ cái tài của cụ Trần Đĩnh. Những ai học cấp 2, cấp 3 ở miền Bắc những năm 60 chắc chẳng thể quên bài học “Trong xà lim án chém” ghi về cuộc đời ông Phạm Hùng (sau này làm tới Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, tức thủ tướng), và hai bài trích trong cuốn “Bất khuất”, đều do Trần Đĩnh chấp bút. Một lối viết cực kỳ cuốn hút. Sau này người ta (cố ý) chỉ nói tác phẩm “Bất khuất” là của tác giả Nguyễn Đức Thuận mà lờ Trần Đĩnh đi. Phải thẳng thắn thế này: Cụ Nguyễn Đức Thuận là nhà cách mạng nổi tiếng, nhưng để được “phong tặng” thành tác giả cuốn sách đầy chất văn như “Bất khuất” thì quả thực chưa đủ tầm.
Không có một cây bút lão luyện như Trần Đĩnh, đảm bảo sẽ không có “Bất khuất” mà ta đã biết, còn nếu người kể không nhờ Trần Đĩnh ghi/chấp bút, mà nhờ người khác, tất nhiên cũng sẽ có “Bất khuất” nhưng chất lượng nó thế nào, chả ai dám chắc.
Cuốn “Bất khuất” khi mới ra đời được lăng xê khiếp lắm. Tôi khi ấy còn bé, mới học cấp 2 nhưng được đọc từ tủ sách (chưa có thư viện mà chỉ khiêm tốn ở dạng tủ sách) của trường. Còn nhớ như in cuốn sách xuất bản lần đầu không phải chỉ cụt lủn cái tên sách “Bất khuất” như sau này, mà dài thoòng: “Bất khuất – Từ những trận chiến đấu ác liệt, thắng lợi trở về”, hai chữ đầu do ông Tố Hữu đặt, bổ sung, những chữ sau do Trần Đĩnh đặt, là tên gốc của tác phẩm. Và rất rõ ràng, như mọi cuốn hồi ký thời bấy giờ, luôn có tên người kể và người ghi. Bản in cuốn “Bất khuất” đề rõ ở trang trong: Nguyễn Đức Thuận kể, Trần Đĩnh ghi.
Vậy mà sau này người ta cố lập lờ, kiểu như “trong cuốn Đèn cù, Trần Đĩnh tự nhận là người chấp bút cuốn hồi ký “Bất khuất”, giống như bảo cụ Trần Đĩnh nhận vơ, tranh công. Cái thói xấu của tuyên giáo xứ này là khi đã ghét thì “đào đất đổ đi” (ngay cả cái vết chân của kẻ mà mình ghét, mình cũng không chịu được, phải đào vứt đi cho khuất mắt), phủ nhận sạch sành sanh. Lâu nay, đâu phải chỉ riêng cụ Trần Đĩnh thọ nạn tuyên giáo.
(Còn tiếp)