Nguyễn Đình Cống
10-5-2022
Ngày 8-5-2022, tác giả Nguyễn Đức Đại Vương công bố bài “Việt Nam và những trí thức ‘vỗ bụng’ nghe tiếng nói của dạ dày”, trên BBC. Nội dung không có gì thật mới, nhưng cũng gây cho nhiều độc giả tâm trạng xót xa.
Tôi tán thành, hoan nghênh thiện chí của tác giả khi cho rằng: “Nếu mang danh là trí thức, mà chẳng quan tâm đến ‘việc chung’, chẳng bảo vệ sự tử tế, chẳng tôn sùng sự tiến bộ và tìm cách mở đường cho nó phát triển, chẳng dám dấn thân và chấp nhận sự cô đơn thì cũng chỉ là dạng ‘giá áo túi cơm’.”
Tác giả đã nêu ra và phân tích thái độ hèn kém, sợ hãi của một số người mang danh trí thức bậc cao, rồi viết: “Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thái độ này là tiếng gọi của ‘dạ dày’, của việc bảo vệ vị trí cá nhân đã mạnh hơn tất cả, kể cả là việc phải vứt bỏ lương tâm”.
Nhưng rồi ở chỗ khác tác giả lại viết: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xa rời trách nhiệm đối với đời sống công cộng, tức ‘việc chung’ của tầng lớp trí thức Việt Nam thì có nhiều, và chúng ta không có ý định đi sâu vào điều này ở bài viết”.
Tôi đồng ý rằng “Nguyên nhân… thì có nhiều” nhưng muốn trao đổi về đoạn cuối, “và chúng ta không có ý định đi sâu vào điều này ở bài viết”.
Tác giả không có ý định đi sâu vào nguyên nhân trong một bài viết này là chấp nhận được, nhưng cho rằng “chúng ta” thì không nên. Chúng ta mà tác giả đề cập là những ai? Nếu chúng ta bao gồm nhiều trí thức thì không đúng. Một số trí thức khác và ngay cả đối với tác giả, trong một bài viết cụ thể mà không đi sâu vào nguyên nhân thì được, nhưng trong suy nghĩ, trong mọi bài viết mà không có ý định đi sâu thì cũng chưa hoàn chỉnh.
Vạch ra được thực trạng đã tốt, mà tìm ra nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân cơ bản, có gốc rễ sâu xa sẽ tốt hơn, mới có điều kiện để thay đổi, và có như thế mới thể hiện được phần nào sự “dấn thân”.
Cho rằng trí thức Việt nghe tiếng nói của dạ dày là không sai, nhưng chưa thật đúng. Ngoài tiếng nói của dạ dày còn có tiếng nói ghê rợn hơn. Đó là sự bắt bớ, truy đuổi, cô lập, tù tội, bị sát hại. Tác giả dẫn ra trường hợp triết gia Trần Đức Thảo. Hình như với ông Thảo, nguyên nhân không phải là tiếng nói của dạ dày.
Theo tôi, việc số đông trí thức Việt trở thành những người hèn kém là do sự kết hợp và cộng hưởng của một số nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất là truyền thống văn hóa của dân tộc. Truyền thống đó có nhiều điểm tốt, hào hùng, đặc biệt là tinh thần chống ngoại xâm, nhưng có những điểm yếu kém. Yếu nhất có lẽ là tính ích kỷ và dân sợ chính quyền. Ở các nước đã từng có nhiều trí thức dũng cảm , dám dùng cái chết của mình để can ngăn vua chúa, còn ở ta, dũng cảm của trí thức được cho là rất cao khi Chu Văn An dâng sớ xin vua chém nịnh thần, hay của Nguyễn Bỉnh Khiêm từ quan về ở ẩn. Dũng cảm của người Việt có nhiều, nhưng là trong chiến tranh và cách mạng. Trí thức Việt không có truyền thống dũng cảm trong việc phản biện cấp trên.
Thứ hai là tầm thấp kém về trí thức của một số người lãnh đạo cao nhất của đất nước. Họ cũng đề cao việc xây dựng đội ngũ trí thức, nhưng phải là trí thức tuyệt đối trung thành với họ. Mà trí thức chân chính lại hay bị thiếu lòng trung thành đó. Chính đường lối của lãnh đạo tạo ra rất đông những người mang danh trí thức, nhưng phần lớn là đồ dỏm, hữu danh vô thực. Khi trong dân hoặc trong tổ chức có xuất hiện một vài người dám phản biện thì họ dễ bị quy là “thế lực thù địch” hoặc ít ra cũng bị quy là “phần tử thoái hóa”, “tự chuyển biến”.
Sự kém trí tuệ của lãnh đạo còn dẫn đến một hệ lụy là bị thao túng bởi những kẻ thâm hiểm từ nước ngoài và những lý thuyết đã lỗi thời.
Thứ ba là âm mưu thâm hiểm của Đại Hán. Người Trung Hoa, một mặt họ chăm lo phát triển trí thức của họ đạt tầm rất cao, mặt khác tìm cách triệt hạ trí thức Việt. Dưới chiêu bài chống lại những người bất đồng chính kiến, Trung Cộng đã nghĩ ra và dạy bảo cho lãnh đạo Việt Nam những thủ đoạn nhằm triệt hạ cho bằng hết tinh hoa của dân Việt. Có như thế Trung Cộng mới thực hiện được dã tâm thôn tính.
Nhân đọc bài của tác giả Nguyễn Đức Đại Vương, xin có vài lời trao đổi, mong được rộng đường thảo luận.
Mới nghe qua tên thì tưởng “đại ngôn” nhưng bài viết cũng hơi OK, có đièu chưa
được chính xác vì thiếu yếu tố “sợ hãi” cường quyền hay nói thẳng thừng là hèn
nhát do bị cường quyền khủng bố thời Nhân Văn Giai phẩm nên đại đa số “lạnh
cẳng” không còn nhuệ khí, tức là dân khí qúa kém dưới thời CS.thống trị.
Đó là chủ trương có bài bản, bất di dịch của bất cứ nhà nước CS. nào !!
Những “trí thức” hèn mạt (nói trong bài này) là sản phẩm của nền giáo dục do ĐCS xgi phối.
ĐCS cai trị miền Bắc đã 80 năm, cai trị cả nước đã nửa thế kỷ.
Ngu dân trong ngần ấy năm, nhất định thu được kết quả to lớn
Đọc trên mạng “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” có nghĩa giàu sang mà không hoang dâm, nghèo hèn mà không đổi chí khí, gặp uy vũ không chịu khuất phục. Gặp trí thức xã hội chủ nghĩa nước mình thì lỗi thằng đánh máy, phải đổi lại thành “Phú quý rất năng dâm, bần tiện rất năng di -Đổi Mới-, uy vũ rất năng khuất”, có nghĩa giàu sang chắc chắn hoang dâm, nghèo hèn là Đổi Mới, dẹp chí khí cách mạng, gặp uy vũ thì 1 điều nhịn, chín điều nhục, lộn, còn để được phản biện, đóng góp cho Đảng trường tồn cùng dân tộc . Hoàn toàn không biết “nhục” là gì .
Trí thức kiểu này thì chỉ nộp dân cho công an vì tin vào công lý là giỏi thui