Tin tặc đánh giặc cứu Ukraine

Guardian

Đinh Từ Thức, chuyển ngữ

18-3-2022

LGT: Ngày 15-3-2022, hai tác giả Chris Stokel-Walker và Dan Milmo có bài viết đăng trên báo Guardian có tựa đề: ‘It’s the right thing to do’: the 300,000 volunteer hackers coming together to fight Russia. (Đó là việc làm chính đáng: 300.000 tin tặc tình nguyện họp lại để đánh Nga). Sau đây là nội dung bài dịch:

Ukraine kêu gọi một đạo quân toàn cầu gồm các chuyên viên IT giúp chống lại Putin – và rất nhiều người đã đáp lời kêu gọi.

Kali đã học cách sử dụng công nghệ thông tin nhờ chơi với điện thoại của ông mình. Bây giờ, là một thiếu niên Thuỵ Sĩ, cậu cố gắng làm tê liệt hệ thống điện tử điều hành hoạt động của chính quyền Nga và xe lửa của Belarus.

Kali – và nhiều người khác cộng tác với bài viết này – từ chối cho biết tên thật vì việc làm của họ không hợp pháp và họ sợ bị Nga trả thù. Kali là một trong khoảng 300.000 người đã gia nhập vào một nhóm trên mạng điện tử Telegram, có tên là “IT Army of Ukraine” (Đạo quân Công Nghệ Thông Tin của Ukraine), qua đó, những người tham dự được cắt cử nhiệm vụ tìm cách chống lại Vladimir Putin. Làm như vậy, họ cố gắng thăng bằng cuộc chiến giữa một bên thuộc hàng siêu cường trên thế giới và một bên là Ukraine đang phải đối phó với oanh tạc và xâm lấn.

Đạo quân tin tặc đông đảo đã thành công trong việc gây trở ngại cho hệ thống mạng điện tử của Nga, theo NetBlocks, một công ty theo dõi hoạt động internet toàn cầu. Họ nói sự khả dụng các websites của Kremlin (văn phòng Tổng Thống Putin) và Duma (Hạ Viện Nga) đã bị “chập chờn”, lúc được lúc không. Kể từ khi cuộc xâm lăng bắt đầu, các sites thông tin của nhà nước, nhiều ngân hàng, và hãng năng lượng khổng lồ Gazprom cũng từng là mục tiêu.

Giám đốc NetBlocks, Alp Toker, nói: “Cuộc tấn công tập thể đã thành công trong việc làm trở ngại chính quyền Nga và các kênh thông tin được chính quyền hỗ trợ”. Ông nói thêm rằng, Nga đã cố giới hạn các cuộc tấn công này bằng cách thanh lọc xâm nhập của tin tặc vào các websites của chính quyền, và điều này đã gây thêm xáo trộn.

Mykhailo Fedorov, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ Trưởng Dịch chuyển Số hoá của Ukraine. Nguồn: Ukrinform/Rex/ Shutterstock

Giống như nhiều người cùng trang lứa, Kali đã được hướng dẫn tới nhóm Telegram, có cả phiên bản tiếng Ukraine và tiếng Anh, bởi Mykhailo Fedorov, Phó Thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Dịch chuyển Số hoá (Digital Transformation) của Ukraine. Fedorov, 31 tuổi, đã sử dụng tài khoản Twitter ngày càng được nhiều người theo dõi, thuyết phục lãnh đạo các xí nghiệp công nghệ lớn nhất thế giới để họ cắt đứt liên hệ với Nga. Ngày 26 tháng 2, ông đã đăng một đường dẫn cho nhóm Telegram, được thiết kế bởi cơ quan của mình. Ông nói rằng: “Chúng tôi đang tạo ra một đội quân IT. Chúng tôi cần những nhân tài kỹ thuật số… Sẽ có nhiệm vụ cho mọi người”.

Ảnh chụp màn hình nội dung tweet của Fedorov hôm 26/2/2022

Trong khi đất nước Thuỵ Sĩ của mình từ lâu vẫn giữ chính sách trung lập về quân sự, Kali đã quyết định hành động khi cậu thấy thông tin của Fedorov. “Tôi muốn hỗ trợ Ukraine bằng khả năng tấn công của mình”, cậu lên tiếng trên Telegram. “Tôi là người Thuỵ Sĩ, nhưng tôi khá về tấn công mạng và tôi rất buồn cho người dân Ukraine. Tôi làm điều này để sát cánh với Ukraine và tôi cũng muốn giúp phần nào. Tôi nghĩ nếu chúng tôi tấn công các thiết bị cơ bản của Nga thì có thể họ sẽ phải ngừng, vì không còn gì hoạt động nữa”.

Kali nói, cha mẹ cậu không nhiệt liệt cổ võ về những gì cậu đang làm, mặc dù cậu không nói nhiều với họ về chuyện này. Và không phải chỉ có mình cậu trong trường hợp này.

Caroline, tuổi khoảng đôi mươi, sống tại khu vực đô thị New York, nói với cha mẹ mình rằng cô đã gia nhập đạo quân IT chỉ mấy giờ trước khi nói với họ trên điện thoại. Cô nói: “Bố mẹ tôi bắt đầu lo sợ cho tôi”. Theo dõi trong kinh hoàng qua video trên Twitter và Instagram, phơi bầy những thảm cảnh gây ra cho thường dân ở Ukraine, Caroline cảm thấy được thôi thúc hành động khi cô đọc tweet của Fedorov. Cô đã trải nghiệm thiệt hại như thế nào về sự lan tràn của tin tức thất thiệt vào thời vận động tranh cử của Donald Trump. “Cuộc bầu cử 2016 là dịp cho mọi người thức tỉnh trước ảnh hưởng tệ hại về những chuyện này, và nó đã có ảnh hưởng tới một vài liên hệ của chúng tôi với thế giới thực bên ngoài”.

Chỉ có một điều băn khoăn: Cô không biết rõ về nhóm Telegram. Không giống Kali, cựu cô giáo vườn trẻ không phải là một chuyên gia tin tặc. Khởi đầu, cô quan tâm về chức năng Telegram – đã được thiết lập bởi hai tỷ phú Pavel và Nikolai Durov – [sợ đó] là một cạm bẫy. Nhưng sau khi tìm hiểu, cô đã tải xuống và tham dự nhóm.

Nhưng cô thấy mình chưa hội đủ khả năng IT khi cô thấy các quản trị viên của nhóm yêu cầu các tin tặc oanh tạc các trang mạng của nhà nước Nga qua cách “tấn công từ chối dịch vụ” (distributed denial of service – DDoS). với cách này, đường lưu thông của các mạng Nga bị nghẽn mạch, khiến chúng không thể truy cập. Đây là điều tại sao nhiều trang mạng của chính quyền Nga đã không còn hoạt động từ khi Putin khởi sự cuộc xâm lăng Ukraine.

Tuy không đủ khả năng chuyên môn về IT, Caroline nhận ra nhiều khiếm khuyết trong dòng chảy thông tin. Chẳng hạn, nhiều thông điệp bằng tiếng Ukraine của nhóm, có thể tạo ra hàng trăm phản ứng trong khoảng thời gian không đầy một giờ, làm những tin quan trọng có nguy cơ không được phát hiện kịp thời, do bị chìm ngộp trong biển cả mênh mông của bình luận. Vì thế, cô đã giúp nhóm tiếng Anh bằng cách thu thập và gạn lọc thông tin cho một trang mạng muốn hỗ trợ Ukraine và chống lại chiến dịch loan tin thất thiệt của Nga. Cô nói: “Tôi vui mừng khi đóng vai trò gạn lọc – như gió đẩy buồm đi đúng hướng”.

Cô để ra hàng giờ mỗi ngày phân phối thông tin trên Telegram chat hầu giúp những người tham dự. Cô nói: “Tôi không cắt nghĩa được. Đây như phản ứng tự nhiên từ tình người đã tạo cảm hứng cho tôi khi tôi càng can dự. Tôi nhận thấy rằng, tuy tôi không xuất chúng, những gì tôi đang làm là góp nhặt tất cả thông tin để cố gắng loại bỏ những gì trong chiến dịch thông tin lạc hướng đang diễn ra”.

Enrique là một chuyên viên IT, khoảng trung tuần 30, người Lithuania. Anh cảm thấy gia nhập nhóm Telegram là “một việc chính đáng”. Anh nói: “Từ nhỏ đến lớn nghe cha mẹ kể chuyện hai người đã bị lưu đầy tại Siberia như thế nào. Những chuyện này mình nhớ cả đời. Sợ rằng thế hệ chúng tôi sẽ là những người kế tiếp”.

Anh hầu như đã bỏ qua chuyện Nga chiếm Donbas, một vùng ở phía đông Ukraine mà quân của Putin đã xâm chiếm vào năm 2014 và nói rằng đó là lãnh thổ của Nga. Nhưng khi tin tức trở nên khẩn cấp trên truyền hình Lithuania, anh không thể bỏ qua được nữa. Anh ít để ý vào dự án phá huỷ mạng điện tử của Nga, mà quan tâm nhiều tới việc cộng tác với thường dân Nga để nổi dậy chống độc tài.

Anh nói: “Tôi hy vọng thế giới có thể tạo áp lực với người dân Nga, cho tới mức họ sẽ phải xét lại việc họ đã được giáo huấn, để hiểu rằng công chúng đang yêu cầu họ trợ giúp, đồng thời chứng kiến những gì đang thực sự diễn ra và cũng mong họ sẽ nổi dậy theo chiều hướng đó”.

Enrique cảm phục sự can đảm của người dân Ukraine. Gồm những người đã xuống đường bảo vệ đất nước họ – và cả những người đã làm việc này bằng bàn phím đánh chữ của họ. Ukraine có 290.000 người làm việc trong lãnh vực IT và được coi là khu “thuê ngoài” (outsourcing) của thế giới. Trong khi rất nhiều người đã bỏ việc để chiến đấu trong quân ngũ, những người khác đã gia nhập đạo quân IT.

Kể cả Sam, người làm việc cho công ty công nghệ quảng cáo toàn cầu. Anh đã dùng khả năng chuyên môn của mình để gửi đi điều anh gọi là “chống tuyên truyền” (counter – propaganda) cho người Nga qua bình diện quảng cáo. Anh nói: “Chúng tôi cùng lúc đã ở trong một cuộc chiến đa phương và cuộc chiến trực tiếp với Nga từ năm 2014. Cả hai không khác nhau, nhưng một đằng có lẽ ở tầm mức tập trung hơn. Chúng tôi hiểu Nga hành động như thế nào: họ tuyên truyền ở đây, rồi hướng về người trong nước họ, rồi họ phổ biến quan điểm của họ với cộng đồng thế giới”.

Kỹ nghệ quảng cáo của Ukraine đã gửi đi những gì Sam gọi là video “động viên”, trong đó chiếu cảnh những tù binh Nga cố gắng thuyết phục các bà mẹ về những thực trạng trong chiến tranh ở Ukraine. Những cảnh khác nhấn mạnh về ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt đối với Nga và sức mạnh của quân đội Ukraine. Sam nói: “Những chuyện này sẽ thúc giục mọi người hành động”.

Có khoảng 100 chuyên viên quảng cáo từ 50 cơ sở phác thảo và phân phối rộng rãi những thông điệp hầu nâng cao nhận thức trong nước Nga và Belarus về những gì Nga đang làm, đồng thời tránh né những quy luật quảng cáo không được làm và có nguy cơ bị ngăn chặn.

Enrique cũng cảm phục cách làm việc quy củ của đạo quân IT tình nguyện. Anh nói: “Cả đời tôi chưa bao giờ được chứng kiến nhiều người như vậy cùng muốn làm một điều gì. Bạn yêu cầu những người tham dự phá hư hay tạo tác một điều gì, và bạn lập tức được toại nguyện”. Tính tức thì của mạng truyền thông xã hội – và sự phấn khởi được thấy ngay kết quả – đã trở thành thứ dễ làm say mê. Anh nói: “Tất cả đều diễn ra trực tiếp. Tất cả đều được phát trực tuyến đến mọi người. Tất cả đều trên mạng và có khả năng gây hậu quả tai hại”.

Alex, một kỹ sư phần mềm người Ukraine, nói rằng, nhóm Telegram phần lớn chỉ dùng để tấn công từ chối dịch vụ. “Tôi ước gì mình có thêm tài nguyên để hỗ trợ khía cạnh công nghệ thông tin trong chiến tranh”. Anh không muốn loại Nga khỏi Internet, nhưng tốt hơn là tìm cách để phơi bầy trung thực trước người dân Nga về những hình ảnh của chiến tranh.

Đây chính là điều mà nhóm Anonymous (Nặc Danh), một tập thể tin tặc, nhận họ đã tạo ra trên các kênh của truyền hình Nga trong tháng này. Alex nói: “Điều lý tưởng là làm những gì có thể lột trần sự thật trước mắt người dân Nga”. Dầu sao, những dự án tấn công từ chối dịch vụ đã được hăng hái thực hiện. Khi những đường dẫn của các websites bị coi là mục tiêu được gửi tới nhóm Telegram, anh nói, “tất cả đã vô hiệu lực” trong vòng nửa giờ.

Một số chuyên gia an ninh mạng lo ngại. Theo Alan Woodward, giáo sư an ninh mạng tại Đại Học Surrey, nói: “Có những nguy cơ khi dùng đạo quân tình nguyện này”. Ông quan tâm về sự thiếu trách nhiệm giải trình ở khía cạnh lãnh đạo cuộc chiến thông tin cũng như toàn bộ chiến lược. Ông nói: “Những gì họ đang làm, nhiều lắm chỉ gây ra trở ngại nhất thời. Nó có thể gây bực bội cho chính quyền Nga, nhưng những cuộc tấn công như chúng ta thấy cho đến nay chưa thực sự ảnh hưởng tới khả năng chiến đấu của Nga ở bất cứ mức đáng kể nào”.

Woodward cho rằng, một đạo quân với 300.000 tin tặc sẽ không tránh khỏi một số phần tử xấu. Ông nói: “Những người tình nguyện này có thể khởi sự tấn công những mục tiêu chính quyền Ukraine không thực sự muốn. Việc này có thể là một tai nạn hay sự sơ suất. Đã bao lần phần mềm độc hại (ransomware) lan tràn và ô nhiễm kho thông tin của [nơi cần được bảo vệ] chẳng hạn như một bệnh viện? Tôi nghĩ không ai muốn chuyện này xẩy ra”.

Còn một nguy cơ nữa là lời kêu gọi rộng mở, có thể tạo điều kiện dễ dàng cho [gián diệp] Nga xâm nhập và gây tiếng xấu. Ông nói: “Bạn không thể biết rõ ai với ai trong một nhóm tình nguyện. Không những họ có thể làm những điều ngoài ý muốn trên danh nghĩa Ukraine, nhưng họ cũng có thể làm những chuyện giúp Nga dựa vào đó để lớn tiếng tuyên truyền”.

Lo sợ bị xâm nhập cũng là chuyện khiến Agnes Venema, một học giả về an ninh quốc gia và tình báo tại Đại Học Malta, quan tâm. Bà nói: “[Nhóm tin tặc] có ích tới mức nào cũng tuỳ thuộc vào việc bạn biết về họ được bao nhiêu, bạn có thể cộng tác với họ đến đâu và năng khiếu của họ tới mức nào. Đặt tên khác cho du thuyền của Putin là chuyện cười chốc lát, nhưng cướp kênh TV Nga để phát đi bản quốc ca Ukraine có giúp người Ukraine đạt được các mục tiêu chiến lược?

Mặc dù bày tỏ những nghi ngại, bà Venema công nhận sự quy tụ của lực lượng tình nguyện rất đáng kể. Bà phát biểu: “Tôi không phải là người hay nói quá lời, nhưng tôi dám nói cam kết dân sự tới mức này là chưa bao giờ có”. Nhưng bà nói thêm: “Dù sao thì, nó có thể mau chóng phản tác dụng. Ngay khi các tin tặc khởi sự nhận lệnh từ quân đội Ukraine, họ từ bỏ tư cách thường dân và có thể bị coi là chiến binh. Có nghĩa là những người này chính thức là mục tiêu quân sự”.

Liệu những người đang bảo vệ quyền tồn tại của Ukraine có biết, hay lo nghĩ về chuyện này không, là một câu hỏi khác. Kali, vào lúc nói chuyện với chúng tôi, là người đang cố gây trở ngại cho một mạng thông tin của Nga đã bị những người điều hành đạo quân IT Ukraine liệt vào loại loan tin thất thiệt, trả lời rằng: “Tôi không cần để ý tới chuyện này. Tôi không bao giờ lo ngại về điều đó”.

________

Ghi chú: Người dịch đặt tựa tiếng Việt cho bài này. 

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Nhóm Anonymous là một nhóm tin tặc khá đặc biệt và có cách thức hoạt động độc lập nhưng lại hiệu quả . Nhóm không do sự tài trợ mà tự kiếm nguồn tài chính . Theo một phóng viên Đức, thì các hắc cờ của Anonymous không biết nhau, tất cả đều ẩn danh. Nhưng tại sao họ vẫn hoạt động được như một tổ chức ??? Có lẽ, đó là do nhóm Anonymous gồm những người rất xuất sắc trong Công nghệ IT, nên có thể “hành sự trên mạng” một cách độc lập ???

    • Một thí dụ về Anonymous không biết nhau, nhưng lại là “thành viên của nhóm”, là hầu như không một hắc cờ nào có thể tự nhận là thành viên của nhóm . Nhưng dù sao thì nhóm Anonymous cũng là nhóm “hoạt động ngoài vòng pháp luật”.
      Sau khi đài truyền hình quốc gia Nga bị tấn công, một nhân viên FBI “liên lạc được với một thành viên của Anonymous .
      FBI : Các anh đã hắc Đài truyền hình Nga ?
      Hắc cờ : Đúng vậy ! Thì sao ???
      F
      FBI : Good Job !

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây