Ba Lan muốn chuyển giao máy bay MiG-29 cho Mỹ, để Mỹ cung cấp cho Ukraine

Hiếu Bá Linh, tổng hợp

9-3-2022

Hai máy bay MiG-29 do Nga sản xuất của Không quân Ba Lan bay ở trên và ở dưới hai máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất của Không quân Ba Lan. Nguồn: Alliance/ dpa/ AP

Chính phủ Warsaw cho biết trong một tuyên bố ngắn tối 8/3 rằng, Ba Lan sẵn sàng bàn giao tất cả các máy bay chiến đấu MiG-29 của họ cho Hoa Kỳ “miễn phí và ngay lập tức“. Đổi lại, Ba Lan yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp cho họ những chiếc máy bay đã qua sử dụng với khả năng hoạt động tương đương.

Đây là sự đoàn kết của chúng tôi và sự đóng góp của chúng tôi“, Jakub Kumoch, Quốc vụ khanh Văn phòng Tổng thống Ba Lan và chịu trách nhiệm về chính trị quốc tế, viết trên Twitter.

Các máy bay phản lực sẽ được bàn giao cho Hoa Kỳ thông qua Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức.

Với lời đề nghị này, chính phủ của quốc gia thành viên NATO đang đáp lại những tuyên bố gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ông Blinken nói trong chuyến công du tới châu Âu: “Chúng tôi hiện đang tích cực xem xét vấn đề những chiếc máy bay mà Ba Lan có thể chuyển giao cho Ukraine“.

Trên thực tế, rõ ràng đã có những cuộc đàm phán khẩn phía sau hậu trường trong vài ngày qua về việc chuyển giao các máy bay MiG, vì áp lực gia tăng rất lớn, đặc biệt là ở Mỹ, để giúp Ukraine bù đắp ưu thế trên không của Nga. Họ đã nhiều lần khẩn thiết yêu cầu phương Tây thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine để hạn chế việc Nga liên tục không kích vào các thành phố Ukraine gây ra nhiều cái chết cho thường dân. Tuy nhiên, vùng cấm bay sẽ kéo theo nguy cơ xảy ra các cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga, điều mà NATO chưa sẵn sàng.

Do không có phi công nào trong Không quân Ukraine có thể lái máy bay chiến đấu do phương Tây sản xuất, chính phủ Mỹ đã nghĩ ra một cách trao đổi: Các nước Đông Âu nằm trong NATO có thể chuyển giao cho Ukraine một số máy bay MiG-29 của họ, loại máy bay mà họ vẫn còn từ khi ở trong Khối Warsaw. Bù lại, Hoa Kỳ sẽ cung cấp máy bay F-16 cho các nước này.

Hồi thời Liên Xô, MiG 29 là máy bay quân sự hiện đại nhất của Khối phía Đông và các phi công Ukraine ngày nay cũng đã được đào tạo lái máy bay này.

Ba Lan vẫn còn 28 máy bay phản lực MiG-29 sắp bị loại bỏ. Nước này đã nhận được máy bay này từ CHLB Đức vào đầu những năm 2000 với giá tượng trưng là một Euro.

Warsaw loại trừ việc chuyển giao trực tiếp máy bay MIG-29 cho quốc gia láng giềng Ukraine. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết: “Các quyết định về việc chuyển giao vũ khí tấn công phải được đưa ra nhất trí ở bình diện toàn thể NATO. Ba Lan không thể thực hiện bất kỳ bước đi riêng biệt nào vì nước này không tham gia vào cuộc chiến này“.

Warsaw và Washington dường như đã đồng ý về một thủ thuật nhằm tránh cho Ba Lan lọt vào tầm ngắm của Nga. Nó đáp ứng hai mối quan tâm cơ bản của Ba Lan. Một mặt, Warsaw không muốn trở thành mục tiêu trực tiếp của Moscow với vụ chuyển nhượng này. Bây giờ họ có thể nói rằng, họ chỉ bàn giao máy bay phản lực cho Hoa Kỳ. Và những gì Hoa Kỳ làm với máy bay sau đó là tùy thuộc vào Hoa Kỳ.

Mặt khác, Warsaw lo ngại rằng, trong một tình huống căng thẳng tột độ như hiện nay, lực lượng không quân của chính mình sẽ bị hở ngay trước ngưỡng cửa của mình, số máy bay này rất cần thiết để bảo vệ Ba Lan. Giờ đây, Hoa Kỳ đồng ý đền bù cho Warsaw bằng các máy bay phản lực F-16 đang hoạt động từ nguồn dự trữ của họ.

Theo ông Kumoch, Mỹ và Ba Lan đã đồng ý về mức giá cho các máy bay phản lực thay thế. Warsaw cũng kêu gọi các nước NATO khác noi gương Ba Lan. Ngoài 28 chiếc MiG-29 của Ba Lan, các nước Bulgaria, Romania và Slovakia cũng có máy bay do Nga sản xuất, có thể được vận hành bởi các phi công Ukraine, gồm:

– 12 chiếc MiG-29 của Slovakia,

– 16 chiếc MiG-29 cộng với 14 chiếc Su-25 của Bulgaria.

Từ góc độ luật pháp quốc tế, thỏa thuận này không có vấn đề gì đối với Ba Lan hay Mỹ, bởi vì việc cung cấp vũ khí cho một quốc gia bị tấn công một cách bất hợp pháp không có nghĩa là các quốc gia cung cấp vũ khí tham gia vào cuộc chiến.

Hiện không rõ liệu Đức có bị ảnh hưởng về mặt pháp lý bởi thỏa thuận này theo bất kỳ cách thức nào hay không, vì căn cứ không quân ở Ramstein thuộc chủ quyền của Đức.

Nga đã cảnh báo rằng, việc hỗ trợ lực lượng không quân của Ukraine có thể bị Moscow coi là tham gia vào cuộc xung đột và có nguy cơ bị trả đũa. “Việc sử dụng mạng lưới sân bay của các nước này (NATO) làm căn cứ cho máy bay quân sự Ukraine và các máy bay này sau đó chống lại lực lượng Nga có thể được coi là sự tham gia của các nước này (NATO) vào cuộc xung đột vũ trang“, Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo.

________

Tham khảo:

https://www.welt.de/politik/article237388275/Ukraine-News-im-Liveticker-Sorge-um-Lage-im-AKW-Tschernobyl.html

https://www.n-tv.de/politik/Polen-will-seine-Mig-Kampfjets-den-USA-ueberlassen-article23182042.html

https://www.focus.de/politik/ausland/28-flieger-vom-typ-mig-29-einst-fuer-1-euro-aus-deutschland-gekauft-sollen-polens-kampfjets-jetzt-die-ukraine-retten_id_65051779.html

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Xem ra, cuộc chiến tranh này có dấu hiệu bi quan, chứ không lạc quan gì lắm vì
    một bên có điều kiện thuận lợi khi trực tiếp nhảy vào chiến trường để giải quyết
    chiến tranh còn bên kia có đồng minh thì chỉ đứng ngoài hô hào, cổ vũ các kiểu
    mà không dám đối đầu với Nga vì chế độ dân chủ của các nước phương Tây đều
    ngán ngại việc đánh nhau, nếu người dân không đồng ý vì họ sợ chết hay không
    muốn chết cho bất cứ ai ? “Ăn no rững mỡ”, chứ ai dại đi vào chổ…dễ chết ?
    Việc chuyển giao này của Ba Lan đã khó khăn rồi, nói gì việc khác ! Ba Lan không
    muốn một mình mình chuyển giao mà phải lấy danh nghĩa NATO nhưng Mỹ thì từ
    chối “em chả” với lý do “việc đó chính phủ Ba Lan phải làm lấy” !
    Đánh đấm kiểu này chỉ có chuốc lấy thất bại mà thôi, nếu “cù cưa” kéo dài !

  2. Việc Ba Lan muốn chuyển giao máy bay MiG-29 cho Mỹ, để Mỹ cung cấp cho Ukraine là một mơ tưởng, không khả thi, vì các lí do sau:
    1. bộ Quốc phòng Mỹ đã từ chối rõ ràng: x.x. https://www.zdf.de/nachrichten/politik/polen-usa-mig-29-ukraine-krieg-russland-100.html
    2. Ba Lan biết rất rõ là “Các quyết định về việc chuyển giao vũ khí tấn công phải được đưa ra nhất trí ở bình diện toàn thể NATO. Ba Lan không thể thực hiện bất kỳ bước đi riêng biệt nào vì nước này không tham gia vào cuộc chiến này“. Mà Nato không thể chấp thuận đề nghị của Ba Lan, vì đó có thể là cái cớ để Nga lôi kéo Nato vào cuộc xung đột, điều mà ngay từ đầu Nato (đặc biệt là Mỹ) không muốn.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây