Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ (Phần 69)

Hồ Bạch Thảo

8-3-2022

Xem lại phần 1-68

69. Thời Giản Định Đế, Trần Quý Khoáng khởi nghĩa [1407-1413] (tiếp theo).

Tháng 3 năm Hưng Khánh thứ 3 [4/1409] Nguyễn Cảnh Dị và Đặng Dung rước Trần Quý Khoáng đến Nghệ An, lập lên làm vua, đổi niên hiệu Trùng Quang năm thứ nhất:

Quý Khoáng là con Mẫn vương Ngạc và là cháu Nghệ Tông, trước kia Quý Khoáng làm quan Nhập nội thị trung. Cảnh Dị, con Nguyễn Cảnh Chân; Đặng Dung, con Đặng Tất; hai người này bực tức về việc cha họ không có tội gì mà bị giết, nên đem binh lính Thuận Hóa về Thanh Hóa, rước Quý Khoáng đến Nghệ An lập làm vua. Quý Khoáng lên ngôi vua ở Chi La [huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh], đổi niên hiệu là Trùng Quang, dùng Nguyễn Súy làm Thái phó, Cảnh Dị làm Thái bảo, Dung làm Đồng bình chương sự, Nguyễn Chương làm Tư mã”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 12.

Bấy giờ bọn Nguyễn Súy đánh úp, bắt được Giản Định đế, bèn đưa đến gặp vua Trùng Quang; Trùng Quang bèn tôn Giản Định làm Thái thượng hoàng, cùng lo việc nước:

Bấy giờ Đế Ngỗi ở thành Ngự Thiên (1), chống cự với quân nhà Minh; bọn Nguyễn Súy ngầm họp quân đến đánh úp, bắt được Đế Ngỗi. Mẹ Đế Ngỗi và bầy tôi là bọn Lê Tiệt, Lê Nguyên Đỉnh bàn nhau khởi binh đánh úp lại Đế Quý Khoáng. Việc bị tiết lộ. Đế Quý Khoáng bắt giết bọn Tiệt và Nguyên Đỉnh, còn thì tha cả. Gặp khi ấy Nguyễn Súy đưa Đế Ngỗi đến Nghệ An, Đế Quý Khoáng thay mặc mũ áo thường ra đón tiếp. Lúc ấy trời u ám đã lâu, bỗng quang đãng, ở trên không bốn mặt đầy sắc mây vàng, mọi người đều kinh ngạc. Đế Quý Khoáng bèn tôn Đế Ngỗi làm thượng hoàng, cùng nhau mưu tính việc khôi phục”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 12.

Riêng Mộc Thạnh sau khi thoát thân, vội tâu về triều việc quân bị bại, vua nhà Minh bèn điều Trương Phụ sang đánh dẹp:

“Ngày 27 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 7 [11/2/1409]

Quan Tổng binh Giao Chỉ Kiềm Quốc công Mộc Thạnh tâu xuất sư bị bại. Mệnh bộ Binh điều thêm quân, cùng mệnh Anh Quốc công Trương Phụ tổng chỉ huy dẹp giặc”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 320).

Lần này điều động quân 13 vệ, thuộc 10 đô ty, cùng quân tại Sở, Liêu Ninh, Tam Phủ Hộ vệ. Theo biên chế thời Minh mỗi vệ 5600 quân, vậy tổng số 13 vệ là 72.800, nhưng văn bản dưới đây ghi 4 vạn, phải chăng sử Trung Quốc cố tình bớt quân số tham chiến:

“Ngày 28 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 7 [12/2/1409]

Sắc dụ các Đô chỉ huy sứ ty Quảng Tây, Quảng Đông, Hồ Quảng, Tứ Xuyên, Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Tây, Quí Châu, Vân Nam, Trấn Giang gồm 13 vệ, tổng cộng phát binh 4 vạn. Sở, Liêu Ninh, Tam Phủ hộ vệ phát binh 7000. Tất cả theo Anh quốc công chinh tiễu giặc tại Giao Chỉ”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 321).

Sắc mệnh về cuộc hành quân, vua nhà Minh giao Trương Phụ lãnh chức Tổng binh, Vương Hữu lãnh chức Phó Tổng binh, phối hợp với Mộc Thạnh thi hành việc đánh dẹp:

“Ngày 9 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [23/2/1409]

Mệnh Anh quốc công Trương Phụ cầm ấn Chinh lỗ Phó tướng quân sung chức Tổng binh, Thanh viễn hầu Vương Hữu phó Tổng binh, mang quân đánh bọn giặc nỗi loạn tại Giao Chỉ. Phối hợp với Chinh di Tướng quân Kiềm Quốc công Mộc Thạnh hiệp lực thi hành phận sự”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 323)

Trước khi ra quân, vua Minh Thái Tông cảnh cáo lực lượng tăng viện và trú phòng phải củng cố tinh thần, đánh mạnh, lập mưu sâu; đừng để cho dân bản xứ khinh thường:

“Ngày 19 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [5/3/1409]

Sắc dụ bọn quan Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ: ‘Từ khi Kiềm quốc công Mộc Thạnh ra quân thất luật, bọn giặc trở nên giảo hoạt. Nay nghe rằng tên Đặng Tất thuộc đảng giặc đã chết; mà bọn Lão Qua, Bát Bách (2) vẫn còn cung cấp lương thực, vậy cung cấp cho ai? Nghe giặc rêu rao rằng có đến 50.000 con voi, và bảo tướng soái ta dễ đánh; đó là do tướng soái ta trước đây thiếu mưu kế, để cho man di khinh lờn. Các ngươi phải lấy đó làm răn, cùng đồng tâm hiệp lực dẹp đám giặc này, để được yên một phương”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 323).

Về mối chia rẽ cùng nội bộ tình hình quân ta, thám báo của Trương Phụ đã nắm rõ; nên y cho đóng thuyền bè để chuẩn bị thuỷ chiến tại vùng hạ lưu sông Hồng:

“Ngày 22 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [5/7/1409]

Quan Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ tâu rằng bọn giặc Giản Ðịnh giết hại lẫn nhau. Giặc Nguyễn Súy ôm hai lòng, nay suy tôn Giản Ðịnh làm Thượng hoàng Ngụy, riêng lập Trần Quý Khoáng làm vua ngụy, kỷ nguyên Trùng Quang. Bọn chúng ra vào nơi sông nước, gây mối lo; nên phải dùng thủy quân mới thành công. Nay trú quân tại huyện Tiên Du, phủ Bắc Giang, tìm gỗ trong rừng Sất Lãm để đóng thuyền; chiêu dụ dân trốn giặc tại các phủ Lạng Giang, Bắc Giang, Thái Nguyên trở về với nghề nghiệp cũ”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 325)

Trong khi chờ đợi quân Trương Phụ sẵn sàng tham chiến, cùng âm mưu giải đãi lòng quân ta; Mộc Thạnh sai sứ đến gặp vua Trùng Quang tại Thanh Hoá:

Tháng 7, Tổng binh nhà Minh là Mộc Thạnh sai Hoàng La tới. Vua sai người đến tiếp hắn tại Nỗ Giang (3), Thanh Hóa”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển , trang 13b.

Thượng tuần tháng 9/1909 xẩy ra trận giao tranh đầu tiên giữa quân Trương Phụ và quân của vua Trùng Quang do tướng Nguyễn Cảnh Dị chỉ huy, tại Bình Than [Bắc Ninh] (4); trận này quân Minh thua, Ðô chỉ huy Từ Chính tử trận:

“Ngày 2 tháng 8 năm Vĩnh Lạc 7 [10/9/1409]

Giặc Giao Chỉ, bọn Đặng Cảnh Dị [Nguyễn Cảnh Dị] đánh Bàn Than [Bình Than], viên quan phòng thủ Từ Chính tử trận.

Chính người đất Nghi Chân, trước kia làm Phó Thiên hộ vệ Dương Châu. Lúc vua [Minh Thành Tổ] cử binh tĩnh nạn, Chính mang quân toàn thành theo, được thăng Đô Chỉ huy Đồng tri. Tòng chinh Giao Chỉ đoạt được thuyền giặc tại sông Tam Đái, chở quân đánh Tây Đô, ải Hàm Tử, lập được công. Trần Quý Khoáng làm phản, Bình Than là nơi yếu địa, Anh quốc công Trương Phụ sai Chính đến đóng. Cảnh Dị mang quân vây đánh, Chính xua quân tận lực chống trả, bị đạn xuyên qua sườn, Chính vẫn tiếp tục tử chiến. Rồi giặc rút, Chính bị vỡ bụng mà chết”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 326).

Hạ tuần tháng 9/1409 lại có cuộc giao tranh lớn tại cửa ải Hàm Tử [tỉnh Hưng Yên]. Lần này quân của vua Trùng Quang do Nguyễn Thế Mỗi chỉ huy bị thua to:

“Ngày 21 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [29/9/1409]

Ngày hôm nay quan Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ đánh bại đảng giặc Nguyễn Thế Mỗi tại ải Hàm Tử. Lúc này Đặng Cảnh Dị đóng tại các xứ châu Nam Sách, sông Lô Độ, cầu Thái Bình; Trương Phụ xuất quân hướng ải Hàm Tử tiến quân. Kim ngô Tướng quân nguỵ lập trại phòng thủ đối diện bờ sông, cho hơn 600 chiếc thuyền bày trận trên sông, lại đóng cọc gỗ phía bờ đông nam để ngăn cản. Lúc bấy giờ gió tây bắc thổi mạnh, Phụ sai Vân dương bá Trần Húc, Đô đốc Chu Quảng; Đô chỉ huy Du Nhượng, Phương Chính dùng thuyền lớn, thuyền nhỏ cùng tiến, hoả khí xé trời, tên bắn như mưa, giặc không đương nổi bị chém hơn 3000 thủ cấp, số chết chìm tính không hết, Bắt sống bọn Giám môn nguỵ, Vệ tướng quân Phan Đê 200 tên, tịch thu 400 chiếc thuyền, kỳ dư giặc bỏ chạy”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 327).

Toàn Thư xác nhận trận Bình Than do vua Trùng Quang chỉ huy; riêng trận Hàm Tử do Đặng Dung chia quân đi thu hoạch lúa, nên bị địch đánh bại:

Tháng 8, Trùng Quang Đế cầm cự nhau với Trương Phụ ở Bình Than. Vua lệnh cho Bình chương Đặng Dung giữ cửa Hàm Tử. Bấy giờ lương thực rất thiếu thốn, Dung chia quân đi gặt lúa sớm để cấp cho quân. Quân Minh dò biết, dùng thủy quân đánh cửa Hàm Tử, quân của DungToàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9, trang 14a.

Trương Phụ tiếp tục xua quân xuống tận phía nam lưu vực sông Hồng Hà, Thái Bình; tính từ phía bắc kiểm soát đến các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương ngày nay:

“Ngày 25 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [3/10/1409]

Ngày hôm nay bọn quan Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ đem quân đến sông Lô Ðộ, cầu Thái Bình. Ðảng giặc Ðặng Cảnh Dị, bỏ doanh trại trốn trước; bèn chiêu dụ các tên nghịch tặc trở về với nghiệp cũ. Nên các phủ như Giao Châu, Bắc Giang, Lạng Giang, Tân An, Kiến Xương, Trấn Di; các vệ sở Xương Giang, Thị Cầu đều được chiêu tập yên ổn”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 328).

Rồi một trận đánh quan trọng xảy ra tại cửa biển Thái Bình, quân Nguyễn Cảnh Dị thua to, quân Minh hầu như kiểm soát được miền bắc nước ta:

“Ngày 1 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [9/10/1409]

Ngày hôm nay quan Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ đánh bại đảng giặc, bọn Đặng Cảnh Dị, tại cửa biển Thái Bình. Lúc này bọn Cảnh Dị thường qua lại cướp bóc tại cửa biển, Phụ tiến binh tiễu trừ. Khởi đầu gặp thuyền thám thính của giặc, bèn truy kích giết hết. Sau đó tiến thẳng, thấy đằng xa hơn 300 thuyền giặc đậu bờ phía nam cửa biển. Ngay lúc bọn Đô đốc Phương Chính, Lý Long công kích, giặc phân chia lực lượng, một nửa nghênh địch. Quan quân la hét tiến, tên đá cùng bắn; rồi hăng hái tiến thẳng đánh giáp vào binh thuyền giặc, bọn chúng đại bại chém hơn 500 đầu giặc, chết trôi không kể, bắt sống hơn 300 tên. Số thuyền còn lại không đánh mà tan, bắt Ninh Vệ đại Tướng quân ngụy Phạm Tất Lật, riêng Cảnh Dị trốn thoát”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 328)

Tuy vậy tại vùng biển huyện Vạn Ninh [tỉnh Quảng Ninh], vẫn còn quân nổi dậy mang thuyền sang đánh phá tại châu Khâm, Trung Quốc; quan lại Minh tại Quảng Đông phải dùng thuỷ quân truy kích:

“Ngày 22 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [30/10/1409]

Tuần biển Quảng Ðông Phó Tổng binh Chỉ huy Lý Khuê tâu:

Thuyền giặc đến thôn Ngư Hồng, châu Khâm [Quảng Ðông] cướp phá trăm họ, thiêu huỷ phòng ốc. Quan quân truy kích đến vùng biển huyện Vạn Ninh, Giao Chỉ. Gặp hơn 20 chiếc thuyền giặc, quan quân đánh hăng; giặc bị giết cùng chết trôi không kể hết. Tịch thu 20 chiếc thuyền Ðằng Bộ, bêu đầu giặc trên biển, giải tống đầu sỏ giặc bọn Phạm Nha, Nguyễn Biên cùng người nhà trai gái về kinh đô.

Mệnh pháp ty trị theo luật”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 329).

Lúc này trên đà chiến thắng, quân Minh lộ rõ bộ mặt gian ác. Mới 3 tháng trước Mộc Thạnh cho Sứ giả đến tiếp xúc với vua Trùng Quang tại Thanh Hoá, nay nhà vua cho Sứ giả Ðoàn Tự Thuỷ đến gặp thì Trương Phụ trở mặt, giết Sứ giả rồi tiến quân:

Ngày 3 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [9/11/1409]. Ngày hôm nay quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ trú binh tại Thanh Hoá. Lúc này tên cầm đầu giặc Trần Quý Khoáng xưng càn là cháu Vương trước, sai nguỵ quan Đoàn Tự Thuỷ mang thư đến quan Tổng binh xin phong tước. Phụ nói rằng con cháu nhà Trần trước đây đã bị giặc họ Lê giết hết rồi, đã cho tìm hỏi khắp nhưng không còn ai. Nay chỉ phụng mệnh dẹp giặc, không biết điều gì khác; bèn đem Đoàn Tự Thuỷ giết, rồi xua binh tiến thẳng. Sai Đô đốc Chu Vinh, Thái Phúc mang bộ binh và kỵ binh đi trước, phụ mang quân đi thuyền tiếp tục. Trước đây tại các cửa sông, cửa biển giặc đều đóng cọc ngăn, lại dùng đất đá làm chướng ngại. Do đó Phụ điều quân từ sông Hoàng Giang [phần cuối sông Hồng], A Giang, cửa bể Đại An [cửa sông Đáy, Ninh Bình] đến Phúc Thành rồi từ sông đến cửa biển Thần Đầu, di chuyển đến đâu đều phá chướng ngại vật tắc nghẽn, phải mất trên 10 ngày mới đến Thanh Hoá. Quân bộ và thuỷ họp lại, bọn Giản Định phải chạy về Diễn Châu, Trần Quí Khoách đến Nghệ An; bọn giặc như Nguyễn Suý, Hồ Cụ, Đặng Cảnh Dị đều chạy trốn; bèn đóng quân tại Thanh Hoá để diệt hết tay chân đảng giặc”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 330).

Ðại Việt Sử ký Toàn Thư còn ghi thêm hành động dã man của Trương Phụ như sau:

“Phụ đi đến đâu, giết chóc rất nhiều, có nơi thây chất thành núi, có chỗ moi ruột quấn vào cây, hoặc rán thịt lấy mỡ, hoặc nướng đốt làm trò, thậm chí có đứa mổ bụng lấy thai, cắt lấy hai tai để nộp theo lệnh. Kinh lộ các nơi lần lượt đầu hàng. Những dân còn sót lại bị bắt hết làm nô tỳ và bị đem bán, tan tác khắp bốn phương cả”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9 trang 14b.

Vua Giản Định tuy được vua mới Trùng Quang [Trần Quý Khoáng] tôn làm Thái Thượng hoàng, nhưng cũng không có thực quyền, rồi chẳng bao lâu bị đạo quân của Trương Phụ tăng viện cho Mộc Thạnh, truy kích và bắt sống. Sự việc được chép trong Minh Thực Lục như sau:

“Ngày 10 tháng 11 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [16/12/1409]

Quan Tổng binh Giao Chỉ Anh Quốc công Trương Phụ, chinh di Tướng quân Kiềm quốc công Mộc Thạnh bắt được bọn giặc Giản Định. Lúc bấy giờ Định tới sách Cự Lặc, rồi từ sách Địa đến trấn Thiên Quan [huyện Nho Quan, Ninh Bình] tụ tập chống trả. Thạnh mang binh từ Lỗi Giang [huyện Nga Sơn, Thanh Hóa] hướng về sách Cự Lặc; bọn Đô đốc Chu Vinh, Đô Chỉ huy La Văn dùng lính đi thuyền theo sông Lỗi Giang lên Ngưu Tỵ quan ; Trương Phụ điều bọn Đô đốc Chu Quảng, Đô Chỉ huy Trần Hoài dùng bộ binh và kỵ binh từ Lỗi Giang lên sách Địa để kịp đến trấn Thiên Quan. Giản Định lại từ sách Đông Hoàng hướng đến sách Đa Bôi, quan quân đuổi tới huyện Mỹ Lương [huyện Chương Mỹ, Hà Tây] (5), sách Cát Lợi. Giản Định vừa mới trú tại nhà dân, nhìn đằng xa thấy quan quân đến, bèn bỏ các vật như ngựa, ấn tín, chạy trốn vào rừng. Quan quân lục soát không bắt được, bèn vây chặt rừng, rồi bắt sống được Giản Định cùng các tướng giặc Trần Hy Cát, Nguyễn Nhữ Lệ, Nguyễn Yến”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 331).

Xét về sự thất bại của Giản Ðịnh Ðế, nguyên do bởi sự nghi kỵ và chia rẽ. Ðối với Nguyễn Cảnh Chân và Ðặng Tất là những bậc công thần lập nhiều công lao, lại nghi ngờ nghe lời viên Hoạn quan Nguyễn Quỹ mật tâu rằng “Nguyễn Cảnh Chân và Ðặng Tất chuyên quyền bổ nhiệm quan và cách chức, nếu không tính sớm thì sau khó kiềm chế”. Vua cho gọi hai người đến, bóp cổ giết Tất. Chân chạy lên bờ, lực sĩ đuổi theo chém chết. Việc làm của vua Giản Ðịnh đã kéo dài thời gian hy sinh xương máu của đất nước gần 20 năm, mãi đến năm 1428 Bình định vương Lê Lợi mới quét sạch được quân Minh ra khỏi bờ cõi. Bàn về sự kiện này Sử thần Ngô Sĩ Liên có lời nói như sau:

Vua may thoát khỏi vòng vây hãm nguy hiểm, cầu người cứu giúp nạn nước, được cha con Ðặng Tất có tài làm tướng, cha con Cảnh Chân giỏi bày mưu lược, đủ để lập công khôi phục, dựng được nghiệp trung hưng. Với trận thắng Bồ Cô, thế nước đã nổi. Thế mà nghe lời gièm pha ly gián của bọn Hoạn quan, một lúc giết hại hai người bầy tôi phò tá, tự mình chặt bỏ chân tay vây cánh của mình, thì làm sao nên việc được!… ” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9 trang 12b.

Sau khi bắt được vua Giản Ðịnh, Tổng binh Trương Phụ cùng Phó Tổng binh Vương Hữu được lệnh mang quan quân trở về Bắc Kinh:

“Ngày 28 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [1/2/1410]

Triệu các quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ, Phó tổng binh Thanh viễn hầu Vương Hữu điều lãnh Đô đốc Chu Vinh, Thái Phúc, Lâm Thiếp Mộc Nhi, cùng các quan quân đã đưa đi trở về Bắc Kinh”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 332)

Vào đầu năm Trùng Quang thứ 2 [1410]Trước khi rút quân về, Trương Phụ làm một trận càn lớn, đánh dẹp lực lượng nổi dậy của Nguyễn Sư Cối tại châu Ðông Triều [Hải Phòng], chém giết hơn 2000 tù binh. Phụ làm một việc tàn bạo mà văn minh con người không cho phép, hành động này được sử Trung Quốc gọi là kinh quán [京 觀, quan đọc là quán], tức chồng chất thây người thành đống lớn như gò núi, rồi lấy đất bùn phủ lên, để khoe khoang vũ công, cùng răn đe quần chúng:

“Ngày 9 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 8 [12/2/1410]

Ngày hôm nay quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ đánh bại dư đảng giặc Nguyễn Sư Cối tại châu Đông Triều. Trước đây Sư Cối nguỵ xưng Vương cùng với bọn nguỵ Kim Ngô Thượng Tướng quân Đỗ Nguyên Thố đóng binh hơn 2 vạn tại xã Nghi Dương, huyện An Lão, châu Đông Triều; thường đến sông Hoàng Giang, Ma Lao, cùng cửa biển Đại Toàn cướp phá để hưởng ứng theo Giản Định. Đến ngày hôm nay Trương Phụ cho vây xã Nghi Dương, bọn giặc chống cự, quan quân phấn khởi bắn tên đá như mưa, khiến giặc thua to. Chém hơn 4500 thủ cấp, chết trôi nhiều; bắt sống nguỵ Giám Môn Tướng quân Phạm Chi, nguỵ Vũ Lâm Vệ Tướng quân Trần Nguyên Khanh, nguỵ Trấn Phủ sứ Nguyễn Nhân Trụ hơn 2000 tên bèn chém, chồng chất xác thành bãi tha ma tập thể để thị chúng”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 333).

Lúc chuẩn bị rời khỏi nước ta, Trương Phụ và Vương Hữu tâu về triều rằng thực lực của vua Trùng Quang [Trần Quý Khoáng] hiện đóng từ Nghệ An trở về Nam, riêng tướng Ðặng Dung lãnh quân tiền tiêu kiểm soát các đường huyết mạch tại Thanh Hoá cùng các cửa sông tại vùng hạ lưu sông Hồng. Bởi vậy Trương Phụ xin lưu lại một số quân lớn cho Mộc Thạnh sử dụng:

“Ngày 28 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 8 [3/3/1410]

Quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ, Phó Tổng binh Thanh viễn bá Vương Hữu tâu:

Nhận được sắc chỉ mang quân trở về nước, bọn thần tuân mệnh lên đường. Nay đầu sỏ giặc là Trần Quý Khoáng, bọn đồ đảng Nguyễn Súy, Hồ Kỳ, Đặng Cảnh Dị vẫn đóng tại Diễn Châu, Nghệ An, sát Thanh Hoá. Đặng Dung lãnh quân ngăn chặn cửa sông Thần Đầu, Phúc Thành ; chiếm cứ đường huyết mạch Thanh Hoá, ra vào vùng cửa biển Đại An cướp phá. Nếu điều động hết số quân trước đây trở về, sợ Kiềm quốc công Mộc Thạnh binh ít không địch nổi, khiến công sắp thành phải bỏ lỡ. Nay muốn lưu lại Đô đốc Giang Hạo, Đô Chỉ Huy sứ Du Nhượng, Hoa Anh, Sư Hữu lãnh 4 Đô ty Vân Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông, Giang Tây; 2 hành Đô ty Tứ Xuyên, Phúc Kiến; các binh đoàn Hộ vệ cùng các đơn vị lập công chuộc tội thuộc các xứ Kinh Châu, Nam Xương, Vũ Xương, Quảng Tây dưới quyền điều động của Thạnh. Riêng thần suất lãnh quan quân tuỳ tòng, đơn vị Hổ bôn (6), quan quân tại kinh Trực Lệ, cùng 4 Đô ty Hồ Quảng, Quí Châu, Tứ Xuyên, Chiết Giang trở về. Ngoài ra Thạnh nắm giữ đại quân một mình, xin cho Vân Dương bá Trần Húc giữ chức Phó, để cùng bàn bạc việc quân”. Thiên tử xem tờ tấu, ban chỉ dụ cho bọn Phụ, chấp nhận lời xin”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 333).

_________

Chú thích:

1. Ngự Thiên: Tên huyện, tức làng Đa Cương xưa, mộ tổ nhà Trần ở đấy, cho nên gọi là Ngự Thiên; nhà Lê gọi tên ấy; nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

2. Bát bách: Tên nước xưa Bát Bách Tức Phụ, nay thuộc phần đất Tiêm La. Tục truyền Tù trưởng nước này có 800 vợ nên có tên này.

3. Nỗ Giang: Khúc sông Mã chảy qua huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa; còn gọi là sông Nguyệt Thường.

4. Bình Than: thuộc tỉnh Bắc Ninh, nằm cuối sông Đuống.

5. Mỹ Lương: Tên huyện, nay thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây; thời Minh thuộc châu Quảng Oai.

6. Hổ Bôn: Đội quân đặc biệt thiện chiến.

Bình Luận từ Facebook