Bài phát biểu của Việt Nam ở Liên Hiệp quốc, cùng mối tình sâu đậm với nước Nga

Jackhammer Nguyễn

7-3-2022

Tại phiên họp bất thường của Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc, bàn về việc lên án Nga xâm lược Ukraine, ngày 1/3/2022 giờ miền Đông nước Mỹ, Việt Nam cùng 34 quốc gia khác bỏ phiếu trắng, trong khi đa số các nước bỏ phiếu thuận. Riêng 5 nước bỏ phiếu chống là Nga, Belarus, Bắc Hàn, Syria và Eritrea.

Đa số những người theo dõi tình hình Việt Nam trong những năm gần đây có lẽ không ngạc nhiên về lá phiếu trắng này. Bỏ ra ngoài những phát biểu mang tính cảm xúc, hai lý do rất thực tế cho lá phiếu trắng, là kinh tế và quốc phòng của nước Việt Nam cộng sản phụ thuộc nhiều vào Nga, từ các thiết bị giàn khoan dầu, cho đến những con ốc trên các phản lực cơ Sukhoi.

Nhưng bên cạnh lá phiếu trắng là lời phát biểu của ông Đặng Hoàng Giang, đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp quốc, có những điều thú vị, đáng chú ý. Ông Giang nói như sau:

“Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi hứng chịu các cuộc chiến tranh đã nhiều lần chỉ ra rằng các cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Một số xung đột vẫn còn gắn liền với những yếu tố lịch sử, ngộ nhận và hiểu lầm”.

Tiếp theo, ông Giang nêu lên các nguyên tắc của Liên Hiệp quốc về “bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”.

Tất cả những điều này có bản chất mô tả hành động xâm lược của Nga ở Ukraine, tuy ông Giang không nêu tên nước nào, cũng như cá nhân nào trong toàn bộ bài diễn văn.

Dường như lần cuối cùng nhà nước cộng sản Việt Nam lên án một quốc gia, hay một cá nhân quốc tế nào đó, là vào thời kỳ trước khi họ và Bắc Kinh ký hiệp định Thành Đô, bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Trước khi hệ thống cộng sản sụp đổ năm 1989, không ít lần các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam, khi nói về các quan hệ quốc tế, nêu ra học thuyết cộng sản, với mong ước là nó sẽ thắng lợi trên phạm vi toàn thế giới (chính tai tôi nghe ông Võ Nguyên Giáp nói như thế trên truyền hình Việt Nam trong thập niên 1970).

Mặc dù cụm từ “học thuyết lỗi thời” của ông Giang cũng có thể được hiểu là chủ nghĩa McCarthy, làm nền tảng cho sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam trước đây, nhưng trong bối cảnh hiện nay, với sự hùng hổ nhà lãnh đạo độc tài Putin của Nga, người ta dễ liên tưởng đến chủ nghĩa Đại Nga của đám dân tộc chủ nghĩa ở nước Nga hơn, cũng như chủ nghĩa cộng sản mà một thời nước Nga tự hào là cái nôi của nó.

Lời nói đó lại thoát ra từ miệng một viên chức cao cấp của một đảng có tên là đảng Cộng sản Việt Nam.

Khi so sánh lời phát biểu của ông Đặng Hoàng Giang với những phát biểu ngoại giao trước đây của Việt Nam, thấy nó lạ hơn, khác hơn những phát biểu cũ, thường chỉ gồm những quan ngại, quan ngại và quan ngại.

Thú vị hơn nữa, nếu ta so sánh phát biểu này trong bức tranh toàn cảnh, với cách thức đưa tin của báo chí Việt Nam về cuộc chiến ở Ukraine, những bình luận và phân tích về cuộc chiến trên các cơ quan báo chí này. Một mặt cơ quan tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam cho phép tự do đưa tin, nhưng lại răm rắp theo khuyến cáo của ông Putin là không dùng từ… chiến tranh. Một số nhà báo trong nước xác định với tôi chuyện này. Có hai viên tướng Việt Nam đăng đàn lên tiếng bênh vực cho cuộc xâm lược của Moscow, rồi sau đó, ông Nguyễn Chí Vịnh, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng lại nói rằng, nguyên nhân chiến tranh sâu xa là của cả hai bên.

Đoạn trích dẫn lời đại sứ Đặng Hoàng Giang ở đầu bài được lấy từ bản dịch của báo Pháp Luật, trong khi nhiều tờ báo lớn khác lại không dịch. Cũng chính báo Pháp Luật này đã thực hiện một cuộc phỏng vấn bà đại biện lâm thời của Ukraine tại Hà Nội.

Quan sát mạng xã hội Việt Nam, chúng ta có thể phát hiện ra một số khá đông người Việt Nam, đa số gốc miền Bắc, lên tiếng ủng hộ cuộc xâm lược của Putin. Trong khi đó, một số nhà hoạt động xã hội thẳng thắn quyên góp tiền bạc ủng hộ Ukraine.

Người giàu nhất Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng, vốn đi lên từ công cuộc làm ăn ở Ukraine, đã thắp sáng tòa nhà cao nhất Việt Nam ở Sài Gòn, hai màu vàng và xanh dương, màu của quốc kỳ Ukraine, dù ông không nói gì, và việc làm này chậm đến mấy ngày, sau khi màu cờ này rực sáng trên rất nhiều thành phố trên thế giới.

Quan sát bức tranh có sự đối lập khá rõ đó của dư luận xã hội, cũng như hành động của giới chức Việt Nam, tầng lớp tinh hoa Việt Nam, có thể rút ra vài kết luận sau đây:

Gần 40 năm sau khi chuyển đổi nền kinh tế theo hướng thị trường, giao hảo nhiều với thế giới tư bản phương Tây, nhiều người Việt vẫn nghĩ rằng Liên Xô là một cái gì đó vĩ đại, và nước Nga mang hình bóng vĩ đại đó đến ngày hôm nay. Những người Việt Nam này vẫn thần phục sự vĩ đại ấy, bất chấp lý lẽ luật pháp, bất chấp thực tế phũ phàng là nước Nga không hề vĩ đại, có chăng chỉ là một cái trạm bơm xăng vĩ đại.

Nhưng có một thế hệ khác, trong đó có các nhà ngoại giao trẻ, không còn tâm lý thần phục sự vĩ đại ấy. Điều này cũng trùng với quan sát của một nhà nghiên cứu người Việt ở Mỹ, nói với tôi cách đây vài năm, rằng ảnh hưởng phương Tây ngày càng mạnh trong các thế hệ trẻ, và điều này không thể đảo ngược lại được.

Điều thứ ba rút ra là, nhà nước Việt Nam, nếu được thì họ sẽ tránh đi tất cả các cuộc xung đột trên thế giới, để khỏi phải nát óc mà lựa lời phát biểu.

Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không biết Mỹ và phương Tây có lợi cho Việt Nam hơn trong tương lai, thay vì Nga hay Trung Quốc. Những quan hệ quá sâu sắc về kinh tế và chính trị thời mồ ma Liên Xô không làm Hà Nội nhanh chóng rút khỏi ảnh hưởng của nước Nga, và cũng có thể do họ hy vọng rằng có thể lợi dụng quan hệ với Moscow để tạo sự cân bằng với Trung Quốc ở biển Đông.

Bài phát biểu của ông Đặng Hoàng Giang có thể là một sự thức tỉnh khi nhận thấy sự tấn công trả đũa tổng lực của phương Tây nhằm vào nước Nga, do vậy, giao du với một nước thuộc loại nặc nô (pariah) như thế, là lợi bất cập hại đủ điều.

Phản ứng của Việt Nam, bao gồm lời buộc tội chiến tranh, và lá phiếu trắng, không đến nỗi làm phật lòng phương Tây, vì phương Tây cần Việt Nam hơn lúc nào hết, trong cái chốt chặn Trung Quốc ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Điều đáng ngại của Việt Nam hiện nay, không phải là rút ra khỏi cái bóng kinh tế quốc phòng của nước Nga trễ tràng, mà là sự gần gũi của “mô hình” tư bản bồ bịch (crony capitalism) của hai nước.

Đã có những ý kiến cho rằng sự bê bối của quân đội Nga trong những ngày đầu xâm lược Ukraine, là kết quả của sự nhũng lạm của các tướng lĩnh Nga. Sự nhũng lạm như vậy không hề nhỏ trong quân đội Việt Nam, mà gần đây nhất là vụ cáo buộc tham nhũng rất lớn ở binh chủng hải quân, cũng như sự dính líu của Học viện Quân y trong vụ lừa đảo của công ty Việt Á.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tôi không cho rằng, phần lớn người Miền Bắc “thích Nga” và hoài niệm về một “Liên Xô vĩ đại”, cho dù miền Bắc ai cũng nhớ sự viện trợ khủng của Liên bang Sô viết trong thời kỳ “chống Mỹ kíu lước”. Một trong đánh giá ấy là “Các Chú Cứ Phá” (CCCP-tên viết tắt tiếng Nga của Liên bang Sô viết), ngay từ ngày ấy, người ta đã vừa hài lòng về sự viện trợ này, nhưng cũng lại vừa mỉa mai, châm biếm nó .
    Hay thậm chí như Xuân Sách, cũng không hẳn đồng tình với cách đối xử của Chính quyền với đại bộ phận dân chúng. Ông ấy có kể lại một chuyện , rằng một cậu thanh niên được đi nước ngoài , khi chờ xuất cảnh tại Nội bài, đã vươn vai lẩm bẩm “thế là sắp được làm người” . Đen đủi cho cu cậu, có đứa nào đã nghe thấy và chỉ điểm, nên ngay lập tức sau đó, cậu bị tóm và thế là…tan biến giấc mơ làm người !
    Hay trong cuộc “Vượt trường sơn vào Nam”, những người lính Bắc Việt không hẳn “vì miền Bắc XHCN”, mà chỉ đơn giản là họ không có đường lựa chọn nào khác . Một anh lính trường sơn khi lái xe vào mặt trận, từng chửi toáng :”ĐM , thằng Bắc làm, thằng Bắc ăn, thằng Nam làm, thằng Nam ăn, đánh nhau làm cái đ*o gì làm khổ chúng ông !”.
    Thực tế , khi hai bên lao vào đánh nhau, thì cả hai bên, người lính thường thực tế chẳng hiểu cái gì đang xảy ra cho dân chúng phía ngược lại .
    Thí dụ nhà văn Lưu Quang Vũ, từng “tuột xích” khi phải vào Nam (gọi là đi B), và cuộc sống của nhà viết kịch tài ba ấy đã bị khốn khổ khốn nạn hàng chục năm trời . Người tài năng như thế, mà còn khó sống sót khi “cãi lệnh Đảng”, thì những người nông dân Bắc bộ chân chất, không tổ chức , không người cầm đầu, làm sao dám một mình đương đầu với cả một bộ máy chiến tranh đang chạy hết Công suất ???
    Chế độ độc tài toàn trị tại Việt, chắc chắn sẽ không thể sụp đổ, nếu như nó không gặp phải một lực cản lớn tương đương như nó . CHƯA CÓ MỘT CHẾ ĐỘ TOÀN TRỊ nào tự sụp đổ, chỉ vì nó “trở nên kiệt quệ vì KT”, mà nó chỉ có thể sụp đổ, khi bị một “cú hích” từ bên ngoài .
    Hãy thật bình tĩnh nhìn nhận xem , từ Tiệp, Ba lan, cho tới Ucraine hiện tại, có thể giữ được thể chế dân chủ tự do hay không, nếu chính những người dân của nó không luôn giữ tinh thần phản kháng, và chỉ chờ dịp bùng nổ ???
    Còn nếu không, thì sẽ chỉ như Nga hay Trung cộng, thay thế chế độ độc tài này bằng chế độ độc tài khác mà thôi !

Comments are closed.