Tác giả: Marco Wenzel
Vũ Ngọc Chi, chuyển ngữ
3-1-2022
Tiếp theo Phần 1
Sau Cách mạng Văn hóa và cái chết của Mao Trạch Đông, sau một nhiệm kỳ ngắn ngủi của Hoa Quốc Phong, Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền lãnh đạo Đảng CSTQ. Theo lý thuyết của Đặng, ông ta không quan trọng mèo trắng hay đen, cái chính là nó bắt được chuột, ý thức hệ cộng sản đã lùi bước để ủng hộ chính sách kinh tế thực dụng. Đặng muốn “trước hết để một số ít làm giàu” và tăng cường sự chủ động của tư nhân trong nền kinh tế bằng cách cho phép tư nhân sở hữu tư liệu sản xuất.
Đầu thập niên 1980, giới lãnh đạo Trung Quốc đã thiết lập các liên hệ chính thức với chính quyền ở Miến Điện. Đồng thời, Bắc Kinh cắt các khoản viện trợ trực tiếp cho CPB (Đảng Cộng sản Miến Điện). CPB, hoạt động ngầm từ năm 1949 và chống lại chính quyền trung ương, đã nhận được sự hỗ trợ về tư tưởng, trang thiết bị và vũ khí từ Đảng CSTQ cho đến cuối thập niên 1970. Khoảng một phần tư doanh thu của CPB đến trực tiếp từ Trung Quốc và một nửa tổng doanh thu của nó đến từ thuế quan mà họ thu được từ thương mại biên giới đen với Trung Quốc. Khoản thu nhập này giờ đã bị mất do chính Trung Quốc hiện đã mở cửa khẩu chính thức với Miến Điện và tự đánh thuế. CPB đột nhiên phải tự lực cánh sinh.
Khoảng 80% đồn điền trồng cây thuốc phiện ở đông bắc Miến Điện nằm trong các khu vực do CPB kiểm soát. Cho đến nay, CPB luôn có xu hướng ngăn chặn việc trồng cây thuốc phiện và hỗ trợ việc trồng ngũ cốc thay thế, giờ đây đã tự mình tham gia buôn bán thuốc phiện, một cách phi chính thống để kiếm tiền cho một đảng cộng sản. Giờ đây, họ đòi 20% số thuốc phiện thu hoạch được từ nông dân và cũng đánh thuế việc buôn bán thuốc phiện tại các chợ trong khu vực họ kiểm soát và việc bán thuốc phiện ra bên ngoài. Chẳng bao lâu, hàng tấn thuốc phiện đã chất thành đống trong các kho chứa CPB. Từ đó, nó được đưa, ban đầu chủ yếu là trong các đoàn lữ hành qua địa hình không thể vượt qua, đến các phòng thí nghiệm heroin ở Tam Giác Vàng nằm về phía nam và bán cho họ. Các đoàn lữ hành thường có hàng chục con vật và được canh gác cẩn mật.
Các phòng thí nghiệm heroin lại được điều hành bởi những ông trùm ma túy địa phương, những người đã kinh doanh lâu năm ở Tam Giác Vàng và những người đã đưa các nhà hóa học nước ngoài đến để sản xuất heroin. Heroin từ Tam Giác Vàng được những người nghiện coi là đặc biệt tinh khiết và chất lượng cao. Công đoạn cuối cùng của quá trình sản xuất heroin IV đặc biệt khắt khe và nếu thực hiện không đúng cách, toàn bộ phòng thí nghiệm sẽ bị nổ tung. Không phải công việc cho các nhà hóa học nghiệp dư.
Để đơn giản hóa việc vận chuyển gian khổ và nguy hiểm, CPB sớm cho phép các ông trùm ma túy điều hành các phòng thí nghiệm riêng trong khu vực của họ và đòi “tiền bảo vệ” cho việc này. Vì cần khoảng 10 kg thuốc phiện để sản xuất 1 kg heroin, trọng lượng của hàng hóa phải vận chuyển đã giảm xuống. Kinh doanh phát triển mạnh ở biên giới với Trung Quốc, nơi CPB đặt trụ sở chính. Những ngôi làng nhỏ trước đây đã trở thành những thành phố cỡ trung bình với các nhà máy điện và cơ sở hạ tầng của riêng họ. Có những sòng bạc và nhà thổ khổng lồ ở những thành phố này. Từ đó, đạo đức của các cấp lãnh đạo của CPB trở nên xấu đi, và thay vì theo đuổi những ý tưởng của Mao Trạch Đông, họ chuyển sang làm kinh doanh mờ ám. Năm 1989, những người lính cấp dưới của đảng đã nổi loạn và CPB chia thành bốn nhóm nhỏ, nhanh chóng được các dân tộc trong khu vực tiếp thu. Ban lãnh đạo đến Trung Quốc, nơi Đảng CSTQ cho họ lưu vong và một khoản tiền trợ cấp nhỏ với điều kiện họ ngừng tham gia chính trị.
Tuy nhiên, việc trồng và buôn bán thuốc phiện vẫn tiếp tục không suy giảm, và các băng đảng xã hội đen địa phương hiện đã hoàn toàn tiếp quản công việc kinh doanh này. Ngoài ra, những người cộng sản còn để lại những kho vũ khí, đạn dược và xe cộ đủ loại mà họ đã nhận được từ Trung Cộng trong thời gian qua. Các tổ chức xã hội đen Trung Quốc đã tiếp nhận những gì còn lại của CPB chỉ trong vài tháng và trở thành tổ chức ma túy có vũ trang nhất trên thế giới. Chính quyền quân sự hiện đã ký kết các thỏa thuận với những lãnh chúa này, hứa cho phép họ được tự do hoạt động và cho phép họ sử dụng các đường phố của Miến Điện để vận chuyển ma túy nếu họ kiềm chế được phiến quân.
Bằng cách này, chế độ độc tài quân sự ở Rangoon đã loại bỏ các đối thủ của mình ở phía đông bắc, những vùng lãnh thổ mà họ chưa từng kiểm soát, nhưng từ đó họ liên tục bị tấn công quân sự. Và sau khi phe đối lập năm 1988 ở Rangoon bị sát hại hoặc phải ngồi tù, NLD suy yếu và Suu Kyi bị quản thúc tại gia, chính quyền có thể củng cố quyền cai trị của mình đối với miền nam Miến Điện, đồng bằng Irrawaddy và khu vực miền trung và theo đuổi công việc kinh doanh của riêng mình mà họ kiểm soát thông qua các công ty MEHL và MEC của họ. Và từ trước tới ngay cả bây giờ không phải là ít. Hoạt động kinh doanh của quân đội bao gồm khai thác mỏ, công trình dân dụng, công ty vận tải, nhà máy bia, nhà máy sản xuất thuốc lá, ngân hàng riêng, hãng tàu riêng, ngành du lịch, v.v… Không có nhánh kinh tế nào mà quân đội không tham gia thông qua các công ty của chính họ, và không có nhà đầu tư nào từ nước ngoài có thể kinh doanh qua mặt chính quyền.
Hiến pháp mới và lộ trình tiến tới dân chủ
Sau cuộc cách mạng 88, chế độ ở Miến Điện thường xuyên chịu áp lực từ phương Tây để thực hiện các cải cách dân chủ như một điều kiện tiên quyết cho các mối quan hệ thương mại và kinh tế cũng như sự công nhận về mặt chính trị. Chế độ mà Trung Quốc và Nga vẫn là “những người bạn” duy nhất, không muốn giao phó quá nhiều cho một mình Trung Quốc và do đó trở nên dễ bị tống tiền. Chế độ quyết định tạo cho mình một diện mạo dân chủ.
Vào ngày 9 tháng 1 năm 1993, một đại hội quốc gia đã được triệu tập để vạch ra những nét chính của một hiến pháp mới. Ủy ban triệu tập Công ước Quốc gia chủ yếu bao gồm các sĩ quan quân đội và các quan chức chính phủ được chọn lọc kỹ lưỡng. NLD đã bị khai trừ khỏi Quốc hội vào năm 1995. Vào tháng 5 năm 1996, chính quyền bắt giữ hơn 500 nhà hoạt động, chính trị gia và những người ủng hộ NLD. Sau đó, đại hội quốc gia bị đình chỉ tạm thời. Aung Suu Kyi được trả tự do và bị cầm tù trở lại nhiều lần trong 21 năm, từ năm 1989 đến 2010. Bà ấy không bao giờ có thể lãnh đạo Đảng một cách bình thường vào thời điểm đó. Năm 1997, Miến Điện trở thành thành viên của ASEAN, chỉ để được quốc tế công nhận. Myanmar chưa bao giờ có đóng góp cho ASEAN và luôn là vấn đề cho khối này lo lắng.
Năm 2003, chính quyền, vốn ngày càng bị cô lập trên bình diện quốc tế, đã đưa ra “lộ trình bảy bước tiến tới dân chủ”. Đại hội toàn quốc lại được triệu tập, nhưng nhiều lần bị đình chỉ. Một hiến pháp cuối cùng cũng nên được soạn thảo, sau đó, “ngay khi luật pháp và trật tự được khôi phục”, các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức và trao quyền cho kẻ chiến thắng, một thông báo đầy gian xảo và mưu mẹo, bởi vì hiến pháp được viết theo cách để bảo đảm quyền tối cao của Quân đội, bất kể ai thắng cử.
Vào tháng 11 năm 2005, chính quyền bắt đầu chuyển trụ sở đến thủ đô mới, Naypyidaw. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 11 năm 2005, Myanmar được yêu cầu đẩy nhanh quá trình dân chủ hóa và trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị.
Cuộc cách mạng nghệ tây và cơn bão Nargis
Vào ngày 15 tháng 8 năm 2007, chính quyền cắt giảm trợ cấp nhiên liệu trong nước, khiến giá cả tăng gấp 5 lần. Từ tháng 9, đã có các cuộc biểu tình, ban đầu là chống lại việc tăng giá. Các cuộc biểu tình sớm hướng tới chống lại chế độ như vậy. Các cuộc biểu tình lần này do các nhà sư Phật giáo lãnh đạo, do đó có tên là Cách mạng nghệ tây.
Cuối tháng 9, chế độ bắt đầu đàn áp những người biểu tình. Quân đội ập vào các tu viện và bắt giữ các nhà sư. Có hàng trăm vụ bắt giữ và tùy thuộc vào thông tin, có tới 200 người chết. Các nhà lãnh đạo dân sự đối lập cũng bị bắt. Internet đã bị cắt. Vào ngày 29 tháng 9, cuộc cách mạng bị dập tắt. Bà Suu Kyi bị quản thúc tại gia trong suốt thời gian đó, và các nhà lãnh đạo NLD hầu hết đã bị bắt trước đó. Vào cuối năm 2007, một ủy ban mới được thành lập để soạn thảo hiến pháp mới, đã bắt đầu công việc của mình. Một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp sẽ được tổ chức vào tháng 5 năm 2008 và cuộc bầu cử cuối cùng sẽ diễn ra vào năm 2010.
Ngày 2 tháng 5 năm 2008, xoáy thuận Nargis, một xoáy thuận nhiệt đới, đã đổ vào Myanmar. Tình trạng khẩn cấp được ban bố tại 5 tỉnh với tổng số 24 triệu dân. Toàn bộ đồng bằng Irrawaddy, bao gồm Rangoon, bị ảnh hưởng, toàn bộ khu vực bị ngập lụt, hàng chục ngàn người chết và hàng trăm ngàn người vô gia cư bị tàn phá nhà cửa. Khu vực này đã được tuyên bố là khu vực thiên tai. Thiếu lương thực. Tuy nhiên, chế độ không cho phép bất kỳ người giúp đỡ hoặc cứu trợ từ nước ngoài nào vào nước.
Thay vì hoãn cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp ngày 10 tháng 5, chính quyền để người dân bỏ phiếu trong bối cảnh hỗn loạn sau Nargis. Bất kỳ hành động nào để thất bại cuộc trưng cầu dân ý có thể bị phạt tù lên đến ba năm hoặc phạt tiền nặng. Chế độ kêu gọi trên các phương tiện truyền thông toàn quốc hãy đồng ý với hiến pháp. Với tỷ lệ cử tri đi bầu hơn 99%, hiến pháp này sau đó đã được thông qua với 92,4% số phiếu đồng ý. Hầu như không ai trong khu vực bầu cử có điều kiện đọc tài liệu về hiến pháp này. Tuy nhiên, nếu không đồng ý với hiến pháp, sẽ không có bầu cử, người dân bị đe dọa như vậy, một cơ quan truyền thông cũng được sử dụng ở Thái Lan để thực thi một hiến pháp phi dân chủ do quân đội viết ra.
Theo hiến pháp, quân đội Miến Điện được dành 25% số ghế trong quốc hội cho các ứng cử viên do tổng chỉ huy quân đội chỉ định. Một sửa đổi hiến pháp chỉ có thể được thông qua với 3/4 đa số, vì vậy quân đội luôn có quyền phủ quyết trong quốc hội khi cần sửa đổi hiến pháp. Ngoài ra, các chức vụ của Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Biên phòng tự động thuộc về các thành viên của quân đội. Bằng cách này, quân đội bảo đảm quyền kiểm soát đối với các bộ quan trọng nhất và sự quản lý của nhà nước, bất kể ai là người chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Bất chấp mọi lời hứa cải cách, chính quyền quân đội Miến Điện không bao giờ có ý định từ bỏ quyền kiểm soát đất nước.
Là nhân vật có sức lôi cuốn nhất trong phong trào dân chủ, bà Aung Suu Kyi ngay từ đầu đã là một cái gai trước mắt đối với phe quân đội. Để ngăn việc bà, là người đã kết hôn với một người Anh và có hai con trai với ông (chồng bà mất năm 1999), có thể trở thành Tổng thống, hiến pháp quy định rằng không ai có thành viên gia đình nước ngoài được giữ chức vụ này. Do đó, sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015, NLD đã tạo ra chức vụ Ủy viên Quốc vụ đặc biệt cho bà. Tại cơ quan này, sau đó bà vẫn trở thành người đứng đầu chính phủ trên thực tế.
Trong điều kiện này, các cuộc bầu cử đầu tiên kể từ năm 1990 đã diễn ra vào năm 2010. NLD tẩy chay các cuộc bầu cử và bà Suu Kyi vẫn bị quản thúc tại gia. Lệnh quản thúc tại gia chỉ được dỡ bỏ vào tháng 11 năm 2010. Trong các cuộc bầu cử phụ hồi tháng 4 năm 2012, bà Suu Kyi đã tranh cử một ghế trong quốc hội lần đầu tiên.
Phản ứng với những điều mà nước ngoài coi là một quá trình cải cách dân chủ, Nhật Bản và EU đã nối lại viện trợ phát triển và đình chỉ các lệnh trừng phạt của họ, và Ngân hàng Thế giới đã cấp cho Miến Điện một khoản vay viện trợ. Mỹ cũng hủy bỏ các lệnh trừng phạt của mình. Mọi người đều nhiệt tình và cuối cùng đã nhìn thấy Myanmar trên con đường tiến tới dân chủ. Chuyện này quá đẹp, bạn chỉ muốn tin mà cố tình bỏ qua rằng dù muốn vặn vẹo thế nào đi nữa thì quốc hội Myanmar cũng chỉ là quốc hội trên hình thức và quyền lực vẫn thuộc về quân đội, chỉ bị che đậy một cách đáng xấu hổ dưới áo choàng chế độ dân chủ. Vẻ mặt xấu xí thật sự của quân đội đã thể hiện lại với khuôn mặt tàn nhẫn của nó chưa đầy mười năm sau đó, sẽ được nói nhiều hơn trong phần thứ ba.
Suy ngẫm về nhân cách của Daw Aung Suu Kyi và tương lai của Myanmar
Ngay từ đầu, chính sách NLD dựa trên các nguyên tắc bất bạo động như Mahatma Gandhi đã thực hiện ở Ấn Độ. Suu Kyi là một người có phong cách lôi cuốn với sức hút mạnh mẽ và biết cách truyền cảm hứng cho mọi người. Nhưng bà không phải là một nhà lý luận chính trị như Lenin, Mao, Fidel Castro hay Hồ Chí Minh, những người có tư tưởng đã chín mùi, cũng không phải là một nhà cách mạng có lộ trình thay đổi hệ thống ở Miến Điện. Bà ấy chưa bao giờ giải quyết những ý tưởng về tự do và dân chủ của mình về mặt lý thuyết và cũng chưa bao giờ chỉ ra những ý tưởng của bà nên được thực hiện như thế nào. Nó luôn mơ hồ, nhưng mọi thứ nên luôn được thực hiện thông qua phản kháng bất bạo động. Và vì vậy về cơ bản nó chỉ là một giấc mơ mà bà muốn biến thành hiện thực. Theo nghĩa này, bà ấy thậm chí còn phi chính trị hơn Martin Luther King. Đối với họ, dân chủ nên được thực hiện thông qua hòa giải và đối thoại dân tộc, nhưng Tatmadaw rõ ràng không quan tâm đến việc đối thoại với bà ấy.
Bà Suu Kyi luôn mong muốn một thế giới không có bạo lực và từ chối đáp trả bạo lực bằng bạo lực đối lại. Nhưng những ý tưởng theo chủ nghĩa hòa bình đều đẹp và tốt, và khi đối mặt với một đối thủ tàn nhẫn như Tatmadaw được trang bị tận răng, chúng đều vô hiệu. Tatmadaw tự coi mình là tầng lớp ưu tú của xã hội Miến Điện, nếu không có, người Miến Điện sẽ bị diệt vong, và ít nhất những người lính bình thường, những người sống trong một thế giới song song được che chắn khỏi phần còn lại của xã hội, tin vào điều đó. Họ được truyền bá kỹ lưỡng và họ tin rằng họ đang bảo vệ hệ thống vì lợi ích của cả đất nước. Những thuyết phục tốt đều không có hiệu quả, Tatmadaw đánh đập và giết những người trong mắt họ chỉ là những kẻ thù của Miến Điện, những kẻ muốn hủy diệt đất nước. Và họ đang làm tốt cho Miến Điện trong quá trình này.
Suu Kyi luôn sẵn sàng thỏa hiệp, ngay cả sau nhiều năm bị quản thúc tại gia, bà không có ác cảm với quân đội và nói rằng bà luôn được đối xử tốt. Khi được hỏi về thái độ của mình đối với các vị tướng, bà ấy thậm chí còn nói rằng, họ “thật sự khá tốt”. Ngay sau khi đàn áp các cuộc biểu tình vào tháng 9 năm 1988 và cuộc tắm máu tiếp theo bởi Tatmadaw, có những hành động trả thù của người dân đối với những kẻ được cho là thủ phạm. Một số trong nhóm này đã bị người dân địa phương bắt và giết ngay tại chỗ. Sau đó, khi Suu Kyi biết tin dân chúng bắt giữ các lực lượng đàn áp, bà thường xuyên cử người của mình, thường cũng là các nhà sư, đến đó để cứu sống những người Tatmadaw bị bắt. Chính quyền đã cảm ơn bà ấy ngay sau đó bằng việc bắt giữ bà ấy và quản thúc tại gia. Một chút về chủ nghĩa hòa bình và bất bạo động, người đọc nên tự suy nghĩ riêng cho mình.
Suu Kyi là một Phật tử rất sùng đạo. Bà ấy dậy sớm vào buổi sáng, thiền định và đã đặt ra một kỷ luật nghiêm ngặt cho bản thân khi nói đến thời khóa biểu hàng ngày của bà. Bà là một phụ nữ chăm chỉ với những tính cách hơi thần bí. Quyền lãnh đạo của NLD rơi vào tay bà Suu Kyi vì không ai khác có sức hút mạnh mẽ tương tự và vì bà là con gái của cha bà, anh hùng dân tộc Aung San, vẫn là một thần tượng đối với tất cả người dân Miến Điện. NLD luôn là một phong trào hơn là một đảng. Phần lớn được phát triển một cách tự phát hơn là được lên kế hoạch và chuẩn bị về mặt tư tưởng.
Ngay cả khi bị quản thúc tại gia và che chắn trước công chúng, Suu Kyi vẫn là một biểu tượng cho những người theo bà. Bà là một phụ nữ trẻ dũng cảm, dám thách thức chế độ độc tài quân sự. Dũng cảm Suu Kyi luôn có, bạn phải công nhận bà ấy điều đó. Hình ảnh đã lan truyền khắp thế giới khi bà dũng cảm bước tới gần những người lính đang chĩa súng vào bà. Ngoài việc bất bạo động, lòng dũng cảm và lòng tin tưởng là một trong những chủ đề trọng tâm trong cách giảng dạy của bà, mà bà truyền lại cho những người theo mình. Một trong những cuốn sách của bà có tựa đề “Thoát khỏi sợ hãi”. Người phụ nữ trẻ trung, hấp dẫn và can đảm này là hiện thân của một câu chuyện khơi dậy lòng nhiệt thành không chỉ ở Miến Điện mà trên toàn thế giới. Ngoài giải Nobel Hòa bình, Suu Kyi còn nhận được vô số giải thưởng lớn nhỏ khác, từ các tổ chức công đoàn, tổ chức phi chính phủ đến các trường đại học, những giải thưởng này đã trao cho bà bằng tiến sĩ danh dự. Đó là câu chuyện của David đấu với Goliath, chỉ có Goliath là chưa bị đánh bại trong câu chuyện này. Và cũng như thế giới hướng về Aung Suu Kyi một cách nhiệt tình vì bà thể hiện một câu chuyện mà thế giới rất thích, thì cộng đồng thế giới cũng quay lưng lại với bà một cách đột ngột khi người ta tin rằng bà Suu Kyi không phản đối kịch liệt việc đàn áp người Rohingya và rằng bà không còn tương ứng với lý tưởng mà chính họ đã gán cho Suu Kyi.
Tuy nhiên, Suu Kyi cũng là một người thuộc dân tộc Bamar và vấn đề hòa nhập dân tộc thiểu số chưa bao giờ là một vấn đề gần gũi với trái tim bà. Đối với bà, Myanmar được coi là một quốc gia, các dân tộc thiểu số nên phục tùng lợi ích của quốc gia, nhưng quốc gia đó sẽ như thế nào, đất nước tương lai sẽ được xây dựng dựa trên những tầng lớp nào, liệu nó nên trở thành một Myanmar tư bản chủ nghĩa hay một nước xã hội chủ nghĩa. hoặc một cái gì đó ở giữa, “Con đường thứ ba”, chẳng hạn, luôn là một bí ẩn. Câu hỏi này đến câu hỏi khác, một chương trình đảng sẽ phải làm rõ điều đó. Và điều này giải thích lập trường của bà ấy về câu hỏi Rohingya, một vấn đề mà bà ấy làm mất uy tín của bản thân trên trường quốc tế, nhưng lại đại diện cho một quan điểm khá phổ biến ở Myanmar, ngoại trừ những người bị ảnh hưởng.
Sau khi NLD lãnh đạo chính phủ vào năm 2016, người ta nhanh chóng thấy rõ rằng các nhà lãnh đạo của nó có cùng quan điểm với những người tiền nhiệm của họ khi đề cập đến các vấn đề liên quan đến người dân bản địa Myanmar. Hòa bình và thịnh vượng cho tất cả mọi người chỉ có thể đạt được ở Myanmar nếu quyền của các dân tộc bản địa đã cư trú ở đó trong nhiều thế kỷ và những người không thể bị cai trị ngay cả bởi quyền lực thuộc địa Anh thời đó và phần lớn vẫn giữ được quyền tự trị của họ, cũng nên được ghi trong hiến pháp liên bang mới. Các nhóm bản địa thường hầu như không có bất kỳ giấy chứng nhận quyền sở hữu nào cho đất đai của họ; các thửa đất đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Họ cũng có các nhà lãnh đạo, chính phủ, chính quyền và quân đội của riêng họ.
Khi biên giới quốc gia được vạch ra, bổng dưng chỉ một ngày sau, chúng thuộc về Miến Điện, nhưng chúng không có mối liên hệ nào với chính quyền trung ương của Bamar và hầu như vẫn chưa có được điều đó cho đến ngày nay. Cũng không thể chấp nhận được việc một chính phủ do Bamar lãnh đạo, nhưng cho đến nay, quy định mà không có sự tham vấn, phải tuân theo luật nào, sống như thế nào, phải nộp thuế cho ai, nói ngôn ngữ nào và hơn thế nữa, ai sở hữu đất mà họ đã sống qua nhiều thế hệ. Việc công nhận các quyền về đất đai theo tập quán của người bản địa phải trở thành một phần không thể thiếu của một nước cộng hòa liên bang mới, chưa được thành lập của Myanmar mà không có Tatmadaw.
Chính phủ mới, trên thực tế giống như chính phủ của đảng đối lập, đang nỗ lực hướng tới một nước cộng hòa liên bang sau khi nội chiến kết thúc, đã nhận ra điều này và bắt đầu các cuộc đàm phán với những người thiểu số để giải quyết vấn đề. Bởi vì sự hỗ trợ của các nhóm dân tộc thiểu số và quân đội của họ để lật đổ chính quyền quân sự hiện tại cũng phụ thuộc vào đó. Chỉ khi các nhóm dân tộc bị loại trừ trước đây cảm thấy rằng, cuộc sống của họ sẽ là một cuộc sống tốt hơn trong một quốc gia tương lai, họ mới sẵn sàng đưa binh lính của mình phục vụ cho chính phủ NUG (National Unity Government) để đánh bại Tatmadaw. Nhưng nếu sau này mọi thứ vẫn giữ nguyên như vậy, thì tại sao họ phải chiến đấu ngày hôm nay?
(Còn tiếp)
Gìới chính trị gia Tây phương hình như không thấy được cái thế yếu hay khó khăn
của bà trong cuộc đấu tranh dân chủ hoá Miến Điện ?
Dù cha là anh hùng dân tộc nhưng bản thân bà có chồng người Anh, vì thế đó là
cái trở ngại chính và cũng là “chính nghĩa” cho giới quân phiệt tìm cách hạn chế
vai trò của bà. Nói cách khác, bà không có quyền làm theo ý bà ,do đó bà phải đi
” nước đôi” : vừa thoả hiêp vừa đấu tranh. Đó là việc cực kỳ khó khăn mà chỉ có
người giảo hoạt hay đa mưu túc kế mới làm được ?