Tất cả chúng ta sắp bị bắt rồi!

Phạm Đình Trọng

18-12-2021

Ngày 14.12.2021 tòa án Hà Nội xử nhà báo Phạm Đoan Trang 9 năm tù.

Ngày 15.12.2021 tòa án Hà Nội xử hai nông dân ngoại thành Hà Nội, ông Trịnh Bá Phương 10 năm tù. Bà Nguyễn Thị Tâm 6 năm tù.

Ngày 16.12.2021 tòa án tỉnh Nam Định xử người thợ Đỗ Nam Trung 10 năm tù.

Ngày 24.12.2021 tòa án cấp cao sẽ xử phúc thẩm hai mẹ con nông dân Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư. Án sơ thẩm đã xử bà mẹ nông dân Cấn Thị Thêu 8 năm tù và con trai Trịnh Bá Tư 8 năm tù.

Ngày 31.12.2021 chính quyền Hà Nội sẽ dẫn giải thầy giáo Lê Trọng Hùng ra toà xử.

Tất cả những công dân phải nhận những án tù đằng đẵng từ sáu đến mười năm trời đều là người dân lương thiện, không hề có bất kì tội hình sự cỏn con nào.

Không có tội với dân. Họ chỉ nói những mong muốn, những đòi hỏi chính đáng, khẩn thiết của người dân. Tự do, Dân chủ đang là khát khao của cả trăm triệu người dân Việt Nam. Nói tiếng nói chính đáng của cả xã hội đòi tự do dân chủ thì không có tội. Mảnh đất sống của người dân, tài sản thiêng liêng thấm đẫm mồ hôi và cả máu của dân bị quyền lực đồng tiền núp bóng quyền lực chính quyền cướp đoạt trắng trợn. Người dân phải phẫn nộ gào thét, tập hợp đấu tranh, sẵn sàng đổ máu để bảo vệ tài sản chính đáng, bảo vệ cả lẽ phải, bảo vệ cả đạo lí xã hội thì không có tội. Pháp luật nghiêm minh phải trị tội bạo quyền, bảo vệ tài sản chính đáng của dân chứ không thể buộc tội dân.

Không có tội với nước. Không chỉ sẵn sàng mang cả tính mạng ra bảo vệ Tổ quốc, công dân còn phải có trách nhiệm bảo vệ những giá trị của nhân phẩm con người, những giá trị của xã hội công bằng, văn minh. Những giá trị làm nên vẻ đẹp, làm nên sự giầu có đời sống văn hoá, tinh thần của đất nước cũng làm nên sức sống vững bền của dân tộc của quốc gia. Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách là vậy. Nói tiếng nói trách nhiệm công dân thì không có tội.

Không có tội với pháp luật. Người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp bảo đảm thì không thể bị buộc tội. Hiến pháp là văn bản pháp luật cơ bản của nhà nước, là bộ luật nền móng để từ đó dựng lên những tầng lầu, xây lên những gian phòng là các bộ luật chuyên biệt của từng lĩnh vực đời sống xã hội, tạo lên toà nhà pháp luật nghiêm minh và bền vững của đất nước.

Luật pháp của bất kì nước nào, của bất kì thể chế chính trị nào cũng phải tuân theo nguyên tắc tối cao, bất di bất dịch là: Các bộ luật chuyên biệt không được trái Hiến pháp. Bộ luật nào, điều luật nào trái Hiến pháp đều vi Hiến, đều không có giá trị pháp lí, đều phản bội ý chí nhà nước và nhân dân. Luật vi Hiến gây tổn hại, mất mát, đau khổ cho dân, gây bất ồn xã hội còn là tội ác.

Hiến pháp không những là những lời vàng danh dự, trang nghiêm của một nhà nước, một thể chế chính trị mà Hiến pháp còn là tiếng nói lịch sử khắc vào thời gian, là tiếng nói long trọng của một quốc gia với thế giới. Bằng điều 25, Hiến pháp 2013, Nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nói lời vàng danh dự với dân, nói lời long trọng với thế giới rằng: Người dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin là: Người dân có quyền phát biểu, trao đổi, trả lời phỏng vấn truyền thông trong nước và thế giới, có quyền viết trên mạng xã hội, viết báo, viết sách, tạo ra, lưu giữ và phổ biến các văn bản, tài liệu bộc lộ tư tưởng, chính kiến về mọi vấn đề chính trị, xã hội của đất nước, của thời đại. Chỉ khi tuyên truyền lối sống đồi truỵ, chỉ những tư tưởng, chính kiến kích động hận thù, bạo lực, chiến tranh mới không được phép.

Dân trao quyền lực cho chính quyền. Dân đóng thuế nuôi chính quyền và dành cho chính quyền những ưu đãi cao nhất để chính quyền phục vụ dân và lo việc nước. Dân là chủ thể đất nước và chính quyền là công bộc của dân. Với tư thế chủ thể đất nước, với quyền tự do ngôn luận, đương nhiên người dân có quyền nhận định, đánh giá, phê phán đường lối chính sách hiện hành của nhà nước, có quyền khen chê, thậm chí chế giễu, lên án những công bộc mà người dân phiền lòng về năng lực và đạo đức. Đó là điều phổ quát ở mọi xã hội dân chủ trên thế giới. Không quyền lực nào được phép coi sự đánh giá, phê phán của những chủ thể đất nước với chính quyền là “tuyên truyền xuyên tạc đường lối chính sách, chống nhà nước, phỉ báng chính quyền, gây hoang mang trong nhân dân” để hình sự hoá quyền tự do ngôn luận của công dân.

Bộ Luật Hình sự 2015 có hai điều vi Hiến vô hiệu điều 25 Hiến pháp vu tội người dân khi người dân thực hiện quyền tư do ngôn luận là:

Điều 117. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a. Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b. Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

c. Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.

Điều 331. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Điều 117 và điều 331 Bộ Luật Hình sự 2015 đã ngang nhiên vô hiệu điều 25 Hiến pháp 2013.

Nhà báo Phạm Đoan Trang, những nông dân Cấn thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, người thợ Đỗ Nam Trung, thầy giáo Lê Trọng Hùng và hàng trăm công dân trung thực có ý thức trách nhiệm công dân như thầy giáo Đinh Đăng Định, thầy giáo Đào Quang Thực, nhà văn Phạm Thành, nhà báo Phạm Chí Dũng, nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ, kĩ sư tin học Lê Hữu Minh Tuấn, sinh viên Trần Hoàng Phúc, Kĩ sư thuỷ sản Nguyễn Ngọc Ánh,… đều phải nhận những bản án tù cả chục năm trời vì điều luật vi Hiến 117 của bộ Luật hình sự 2015.

Những chữ vàng chói lọi của điều 25 Hiến pháp 2013 nghiêm trang xác nhận quyền tư do ngôn luận của người dân Việt Nam. Nhưng bộ Luật Hình sự 2015 với điều 117 và điều 331 vi Hiến đã chống lại điều 25 Hiến pháp, hình sự hoá quyền tự do ngôn luận.

Hình ảnh nhà báo Phạm Đoan Trang bị công an bắt dẫn giải đi trong đêm vắng như đêm Trung cổ, trên đường phố hun hút là hình ảnh tội ác của những điều luật vi Hiến 117 và 331 bộ Luật Hình sự năm 2015 đang được khắc ghi vào thời gian, đang được khắc ghi vào lịch sử.

Phạm Đoan Trang lúc bị bắt. Ảnh trên mạng

Hình ảnh nhà báo Phạm Đoan Trang hai tay bị còng vẫn phải cầm cây bút viết trong đồn công an là hình ảnh nhức nhối của quyền tự do ngôn luận bị còng bởi điều luật vi Hiến 117 và 331 trong bộ Luật Hình sự năm 2015.

Phạm Đoan Trang ký biên bản làm việc nhưng vẫn bị còng tay. Ảnh trên mạng

Tự do ngôn luận với con người như không khí với sự sống. Sự sống không thể thiếu không khí. Con người không thể thiếu quyền tự do ngôn luận. Điều 117 và điều 331 vi Hiến trong bộ Luật Hình sự 2015, hình sự hoá quyền tự do ngôn luận đã biến cả trăm triệu dân Việt Nam đều trở thành người có tội, đều là những người tù dự bị, có thể bị bắt bất cứ lúc nào.

Điều 117 và điều 331 vi Hiến trong bộ Luật Hình sự 2015 đã biến quyền tự do ngôn luận không thể thiếu của con người thành bóng trăng ảo ảnh xa lắc trên trời cao và người dân Việt Nam chỉ là bấy chó đói hóng bóng trăng tự do ngôn luận vời vợi trên cao xanh như nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm với tâm hồn nhạy cảm nghệ sĩ đã thảng thốt kêu lên:

“Tất cả chúng ta đều bị theo dõi
Tất cả chúng ta sắp bị bắt rồi
Tất cả chúng ta như bầy chó đói
Ngửa mặt lên trời hóng bóng trăng rơi!”

Những ngày đen tối của tháng mười hai, 2021, dồn dập những phiên Toà vi Hiến tuyên án tù Quyền Tự do Ngôn luận.

Bình Luận từ Facebook

9 BÌNH LUẬN

  1. Ông Béo, Thái Bá Tân.

    Sao lại là phản động,
    Khi chúng tôi, những người
    Không rút ruột ngân sách,
    Để phè phỡn ăn chơi?

    Chúng tôi không cướp đất,
    Không đẩy ai ra đường,
    Phải ăn mày, làm điếm.
    Những cảnh đời đáng thương.

    Chúng tôi không cấp phép
    Cho doanh nghiệp nước ngoài
    Làm sông chết, biển chết,
    Gây hậu quả lâu dài.

    Chúng tôi không đứng núp
    Đâu đó trong bụi cây,
    Chặn xe đòi mãi lộ.
    Cả đêm và cả ngày.

    Chúng tôi không ăn chặn
    Tiền cứu trợ cho dân.
    Không tăng thuế, tăng phí,
    Mà tăng cao, nhiều lần.

    Chúng tôi không tham nhũng,
    Không làm tăng nợ công.
    Nay mỗi người phải cõng
    Gần ba mươi triệu đồng.

    Chúng tôi không lén lút
    Đưa người nhà của mình
    Vào bộ máy nhà nước
    “Đúng luật, đúng quy trình”..
    .
    Chúng tôi, dân lương thiện,
    Không làm những điều trên.
    Sao lại là phản động
    Và chống phá chính quyền?

    Cái chúng tôi mong muốn
    Là đất nước chúng ta
    Có tự do, dân chủ
    Và xã hội hài hòa.

    Để làm được điều ấy,
    Cần phải có đổi thay,
    Đổi thay tận gốc rễ
    Bộ máy khủng hiện nay.

    Chúng tôi là như vậy.
    Có phản động hay không?
    Phản động thì bắn bỏ.
    Phản động là các ông.

    Nguồn Mạng.

  2. Tác giả PĐT dẫn các điều luật quá nhiều ! Tòa án cộng sản xét xử theo “Lịnh” chứ có theo luật đâu nào ?!
    Bà luật sư Ngô Bá Thành từng nói ( không nhớ rõ nguyên văn nên chỉ nói đại ý thôi ) , VN có một rừng luật nhưng chỉ xử theo “luật rừng ” .

  3. Cho phép tớ được phản biện nhà văn Phạm Đình Trọng

    “Tất cả chúng ta sắp bị bắt rồi”

    Not really. Nhìn lại mấy người đó coi, chả ai là đang hoặc nguyên là đảng viên cả . Tỷ lệ đảng viên được đưa vô tạm giữ vs non-đảng viên dám tới 1:5000, tức là đảng viên phải vượt quá sự chịu đựng của Đảng mới bị này nọ . Cỡ ố Cống hay bác Nguyễn Trung này nọ, should be A-OK. Trong khi non-đảng viên, tolerace của Đảng đ/v loại ngoan cố này thấp hơn nhiều . Nếu “chúng ta” là trí thức đảng viên nhà các bác … lo bò trắng răng . Cứ đào tạo ra cho Đảng thêm nhiều Bảo Ninh & Dạ Ngân, chả chuyện gì phải lo lắng .

    “Tự do ngôn luận với con người như không khí với sự sống”

    Not really. Nhà văn Nguyên Ngọc lập ra văn đàn độc lập để đăng những bài mang tính Đảng còn cao hơn cả báo Đảng . Tự do ngôn luận để vinh danh văn hóa cách mạng, cái “tự do ngôn luận” đó vẫn còn được bảo đảm muh. Có nghĩa ở VN, “tự do ngôn luận” is way overrated, hổng quan trọng lắm đâu . Tự do ngôn luận cỡ thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là tốt rồi .

    “Con người không thể thiếu quyền tự do ngôn luận”

    Not really. Theo Maslow thì “tự do ngôn luận” là cho bọn rửng mỡ chả bao giờ phải đi kiếm miếng ăn . Nếu tính về độ cần thiết, nó còn thấp hơn “hưởng thụ thụ động” của Marx nữa . And nope, “tự do ngôn luận” hổng được dùng để phân biệt con người & con thú, tất nhiên hổng cấm được các bác đem thứ đó ra nói vống lên .

    “chẳng có người Dân VN nào mà TRAO QUYỀN LỰC cho bọn TÀ QUYỀN cs”

    Có chớ . Kỳ cướp chính quyền đó . Lực lượng thật sự “cướp chánh quyền” của Cộng Sản chỉ khoảng chừng 1 trung đội, 1 nửa không võ trang, có nghĩa “cướp chánh quyền” đó đa số là do nhân dân, cụ thể là các trí thức nhà mềnh -i mean thế hệ cha ông của trí thức nhà mềnh . Cướp chánh quyền xong, dân đâu có giữ lại cho mình đâu, mà trân trọng trao lại cho Đảng, và Đảng các bác giữ rịt từ đó tới giờ . Cái loại trí thức đó dân xã hội chủ nghĩa gọi là “trí thức đấu tranh”, trở thành những tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo . Và họ noi theo thật, thế có chết không chưa . Ý dân ở đây là í chời -like in “chèng đéc ơi”- chứ hổng phải “ý Trời”. Trời cho VN 2 cơ hội, chính phủ Trần Trọng Kim & chính quyền Ngụy . Both times, đa số -nói cho rõ- dân mềnh đều nổi dậy lật đổ cả . Tới nước này Trời cũng đành than Đất -chứ hổng lẽ than với chính mình- luôn . Dân mềnh đã quyết thì ai có lòng, phụ vô 1 tay . Lịch sử đã sang trang thì hổng có lật lại được đâu . Đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào có nghĩa … gì thì tự hiểu lấy .

  4. Điều 117 và điều 331 Bộ Luật Hình sự 2015 đã ngang nhiên vô hiệu điều 25 Hiến pháp 2013.
    ĐƠN GIẢN THÔI NHÀ NƯỚC (CHUNG CHUNG) VIẾT RA HIẾN PHÁP NHƯNG CHÍNH QUYỀN DO CÔNG AN KHỐNG CHẾ VIẾT RA BỘ LUẬT HÌNH SỰ THÌ HIÊN PHÁP ĐỐI CÔNG AN LÀ TƠ GIẤY LỘN

  5. Nhìn tấm hình cứ ngỡ Đoan Trang như đang đi dạo ” ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó”
    Một bên đang cố gắng bảo vệ chế độ. Một bên đang cố găng chống lại chế độ. Nhưng cả 2 bên có một điểm chung là đều kính iu bác Hồ.

  6. Tựa đề tác giả đặt ra thiếu chính xác bởi lẽ quý vị đã bị bắt rồi, nhưng chưa bị nhốt thôi. Đáng lẽ phải đề tựa là “khi nào chúng ta bị nhốt”.

  7. Trích : “ Hiến pháp không những là những lời vàng danh dự, trang nghiêm của một nhà nước, một thể chế chính trị mà Hiến pháp còn là tiếng nói lịch sử khắc vào thời gian, là tiếng nói long trọng của một quốc gia với thế giới.

    Bọn TÀ QUYỀN csVN dùng Hiến Pháp để bịp bợm Thế Giới và những người Dân VN ngây thơ rằng : VN thời cs cũng có HP, có Luật, nhưng thực tế đối với bọn Tà Quyền HP chỉ là GIẤY LỘN. Bằng chứng là thằng Lú tuyên bố : CƯƠNG LĨNH ĐẢNG ĐỨNG TRÊN HIẾN PHÁP.

    Chính vì Cương lĩnh đảng đứng trên HP, nên mới có những điều luật quái đản CHỬI CHA HP.

    Anh PĐ Trọng viết : ” DÂN TRAO QUYỀN LỰC CHO CHÍNH QUYỀN ” . Tôi xin thưa với Anh :

    Kể từ khi bọn csVN CƯỚP Chính quyền trong tay CP hợp pháp Trần trọng Kim ( Tháng 8/1945) cho đến nay, chẳng có người Dân VN nào mà TRAO QUYỀN LỰC cho bọn TÀ QUYỀN cs.

    Bọn Tà Quyền csVN hình thành là do nội bộ đảng của chúng ( hoặc Chệt ) quyết định chia ghế cho nhau, chứ người Dân VN, thực tế là KHÁN GIẢ BẤT ĐẮC DĨ.

  8. Chúng không dám tự xưng đứng tên là chính quyền vô sản hay chính quyền cộng sản. Dù là gì thì lũ ác ôn ăn bò dát vàng không có một chút tính người nào để phán xét nhân dân hay an sinh cho nhân dân khỏi phải chết trên đường tìm đến đất nước có bò dát vàng

  9. Hình ảnh xét xử Phạm Đoan Trang
    – Trên cao là hình BÚA (để đập đầu) và LIỀM (để cắt cổ những người khác ý).
    Đó là Biểu tượng của chuyên chính vô sản và sức mạnh cơ bắp. Vô trí tuệ.
    – Bên dưới rặt những đảng viên là đảng viên.

Comments are closed.