RSF kêu gọi các nước có biện pháp trừng phạt nhắm vào chính trị gia Việt Nam

RSF

Hiếu Bá Linh chuyển ngữ

17-12-2021

Lời người dịch: Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) kêu gọi cộng đồng quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào các chính trị gia Việt Nam, những người chịu trách nhiệm về bản án không thể chấp nhận được, kết tội Phạm Đoan Trang. Sau đây là bản dịch:

Ngày 15-12-2021, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) ra một Thông cáo báo chí, trong đó bày tỏ sự bàng hoàng trước bản án tù dành cho nhà báo Phạm Đoan Trang. Một tòa án ở Hà Nội hôm qua đã tuyên phạt cô 9 năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Với bản án này, nhà cầm quyền Việt Nam muốn bịt miệng một nhà vận động tự do báo chí hàng đầu ở Việt Nam và thế giới. RSF đã trao tặng cô Trang Giải thưởng Tự do Báo chí, hạng mục Đặc biệt Hiệu quả, tại Berlin năm 2019.

Những luận chứng mơ hồ mà tòa án ở Hà Nội sử dụng để biện minh cho phán quyết này không đánh lừa được ai cả”, Giám đốc điều hành tổ chức Phóng viên Không Biên giới Christian Mihr nói. “Cơ quan tư pháp hành động theo lệnh của Đảng Cộng sản với mục đích duy nhất là trừng phạt một nhà báo vì đã tìm cách cung cấp thông tin cho người khác. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào các chính trị gia Việt Nam, những người chịu trách nhiệm về bản án không thể chấp nhận được kết tội Phạm Đoan Trang. Nhà báo can đảm phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện“.

Trong phiên tòa chỉ kéo dài vài giờ tại Tòa án Nhân dân Hà Nội, Phạm Đoan Trang bị kết án theo Điều 117 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án từ bảy đến tám năm tù, nhưng nữ thẩm phán Chử Phương Ngọc đã tuyên phạt cô chín năm tù với lý do hành vi của cô là “nguy hiểm cho xã hội” và “thực hiện với mục đích cố ý xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Cô Trang bị bắt tại nhà ở TPHCM vào ngày 6 tháng 10 năm 2020, sau đó cô bị giam hơn một năm mà không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Cô được chuyển đến một trại tù vào ngày 19 tháng 10 năm 2021. Phiên tòa ban đầu đáng lẽ được diễn ra vào ngày 4 tháng 11, nhưng đã bị hoãn lại vào phút cuối, vài ngày sau khi 8 chuyên gia Liên Hiệp Quốc ra một tuyên bố chung vào ngày 25 tháng 10, kêu gọi trả tự do cho cô.

RSF đã phát động một chiến dịch quốc tế đòi trả tự do cho cô ngay sau khi cô Trang bị bắt vào năm 2020. Chẳng hạn, hồi tháng 4 năm 2021, những nhân vật khác từng đoạt Giải thưởng Tự do Báo chí RSF đã thể hiện tình đoàn kết của họ với Trang trong một video do RSF phổ biến. Trong số đó có nhà báo Ấn Độ Swati Chaturvedi và nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ Can Dündar. Cách đây một năm, RSF đã tổ chức một chiến dịch tương tự với các nhà làm truyền thông Việt Nam và những người bạn của Trang lưu vong ở nước ngoài.

Trong danh sách xếp hạng tự do báo chí, Việt Nam đứng hạng thứ 175 trong số 180 nước. Ít nhất 43 người làm truyền thông hiện đang phải ngồi tù ở Việt Nam.

Bình Luận từ Facebook