Cách chạy chữa cho cuộc sống mòn

Tuấn Khanh

10-12-2021

Không phải ai cũng biết là vài trăm năm trước, giới y học phương Tây có một cách cứu người đuối nước rất bất ngờ: đút ống thổi vào hậu môn để bơm sức sống vào trực tràng giúp nạn nhân tỉnh lại. Những bác sĩ thời đó, hoặc thổi hơi của thuốc lá vào ruột, hoặc ra sức thổi tận tình.

Chuyện khó tin như có thật này từng được đăng tải trên tạp chí chuyên Y khoa Boston Medical and Surgical Journal (Giờ thì được biết đến với tên là tạp chí The New England Journal of Medicine) trong số tháng 1 năm 1897. Tác giả bài viết là Julius Bonello ở Peoria, Illinois, nói phương pháp này giúp chữa nhiều thứ, nhưng với những nạn nhân chết đuối là thú vị nhất. Pháp là nước đầu tiên áp dụng kỹ thuật này, theo sau là giới y học ở Anh Quốc.

Ảnh tư liệu

Dĩ nhiên, dó là chuyện của thế kỷ 19. Con người văn minh hiện nay khi đọc lại những y văn cũ hầu như đều bật cười và nói rằng chuyện khó tin như vậy nhưng không hiểu sao có lúc giới bác sĩ lại tin tưởng tuyệt đối đến vậy. Nghĩ lại, thì cũng thật khó nói, vào những lúc tận cùng với hy vọng mông muội cứu sống một người sắp chết, người ta đã cố làm tất cả, chỉ để mong níu lại sự sinh tồn mà thôi.

Nhưng đôi khi, chuyện như vậy vẫn có thể xảy ra vào thời đại hôm nay.

Ảnh trên mạng

Chuyện mới đây ở Thanh Hoá là một ví dụ. Cô gái nhỏ dại dột vào tiệm thời trang và lấy cắp chiếc áo, giá 160.000 VNĐ, dẫn đến chuyện bị ông bà chủ làm nhục. Cách làm quá đáng của người chủ khiến dân cư mạng bất bình dẫn đến việc lấy cắp của cô gái ấy trở thành chuyện sai nhỏ hơn câu chuyện sai lớn đang lấp đầy mắt mọi người. Thế rồi, ăn theo sự kiện, Tỉnh đoàn Thanh Hoá, Thành đoàn Sầm Sơn và nhà trường lại “đến bệnh viện trao quà, động viên” cho cô gái này, vốn đang bị quá căng thẳng trước sự cố do mình khởi đầu gây ra.

Trong những bức hình được phô ra đầy tự hào về chuyện “động viên” này, người ta thấy rõ nhất là màu áo xanh của Đoàn thanh niên cộng sản. Bức hình như lời nhắn nhủ “chúng tôi luôn xông xáo và có mặt hữu ích ở tuyến đầu”. Loại trừ các ý nghĩa ngớ ngẩn của sự kiện, cách làm cũng không khác gì phương thức “bơm hơi hậu môn” của thế kỷ 19, nhưng không phải để cứu ai khác, mà để cứu chính mình với bộ dạng đã chết lâm sàng từ nhiều năm nay.

Sinh viên tình nguyện Nghệ An xếp hàng dài tạo “dải phân cách sống”. Ảnh: Phạm Hòa.

Đây không phải là lần đầu tiên, hình ảnh của đoàn thanh niên được “bơm” như vậy. Còn nhớ vào năm 2012, đoàn thanh niên cộng sản cũng có phong trào kỳ lạ là đưa đoàn viên ra làm dải phân cách sống trong dịp thi Trung học phổ thông Quốc gia. Bất kể nắng mưa, giới đoàn viên nam nữ thay nhau nắm tay đứng làm làn đường, mà theo giải thích của một thanh niên ở trường đại học Bách Khoa là “nếu không hành động như vậy, tình trạng tắc đường sẽ xảy ra nghiêm trọng. Thí sinh bước khỏi phòng thi lộn xộn, rất dễ bị tai nạn. Người nhà và sĩ tử cũng khó tìm thấy nhau trong biển người”.

Có thể những đoàn viên ấy được “bơm” suy nghĩ về cách sống như vậy là phục vụ và dâng hiến, nhưng giới phụ huynh cũng như tất cả những người có tinh thần bình thường trên đất nước ai cũng đều thấy khó chịu bởi trò mị dân, vô bổ và chủ đích “bơm hơi” để cứu hình ảnh của đoàn thanh niên trong giai đoạn nhạt nhoà của tổ chức này.

Gần đây, cũng đã có những vụ bê bối lùm xùm kháo nhau trên mạng về chuyện làm từ thiện cho người khó khăn, bị phong toả lúc đại dịch nhưng công sức thì của bá tánh, còn những chiếc áo xanh thì chen chân chụp ảnh, đứng nhận là phần mình.

Với sự ra đời, được tính là vào năm 1931 cho đến nay, đoàn thanh niên cộng sản đã có 90 tuổi đời – tuổi đủ lớn và để nhìn thẳng mặt nhau và đặt câu hỏi là đoàn thanh niên tồn tại để làm gì và cho ai? Trong mọi điều lệ và nhiệm vụ của đoàn thanh niên cộng sản, lúc nào câu nói “phấn đấu và phục vụ vì lý tưởng của Đảng và Bác Hồ”, thì rõ là tổ chức này là thành phần ngoại vi của đảng cầm quyền, vậy ngân sách nuôi dưỡng và hoạt động của tổ chức này đang tự tiện được trích từ tiền thuế của nhân dân Việt Nam, có thể gọi là bất hợp pháp hay không?

Sau năm 1975, người dân miền Nam được biết đến tổ chức này, và thanh thiếu niên thì bị cưỡng ép tham gia bởi có những ràng buộc hành chính vô lối, chẳng hạn như phải có đoàn viên thì mới được thi hay tốt nghiệp đại học. Những năm ở học đường sau năm 2000, dù không còn bắt buộc, nhưng hầu như các cuộc vận động vào đoàn đều mang tính thúc ép, vì xã hội không có tổ chức chính trị nào khác để lựa chọn. Bất kỳ ai ở miền Nam, cũng đều có thể có được những kinh nghiệm khó chịu về điều này.

Câu chuyện Tỉnh đoàn Thanh Hoá hớn hở chớp thời cơ “động viên” cô bé 16 tuổi vừa phạm sai lầm trong đời mình – kiểu đánh đu theo dư luận – diễn tả cho thấy sự tuyệt vọng của tổ chức này. Đã quá co cụm trong đời sống ngày càng vô nghĩa của mình, nên họ không còn đủ suy nghĩ đúng về giới hạn của đạo đức và lẽ phải. Ngoài các chương trình được tổ chức rùm beng và mị dân như hưởng ứng giờ trái đất, tổ chức nhặt rác, mít tinh hưởng ứng chính sách… thì việc xông vào xã hội qua các sự kiện bề nổi, cũng không khác gì cách chữa “bơm hơi”, duy trì cho sự tồn tại của mình.

Với con số khoảng 6,4 triệu đoàn viên trong cả nước, đây quả là một tổ chức không nhỏ. Nghĩ lại, việc “đút ống thổi bơm hơi” để cứu vãn cho hình ảnh tập hợp có được ý nghĩa của ngần ấy người, đặc biệt là với dân tộc và quê hương Việt Nam, ắt các nhà lãnh đạo tổ chức này cũng vô cùng mất sức.

_____

Tham khảo:

https://zingnews.vn/toi-khong-ung-ho-tinh-nguyen-vien-xep-hang-duoi-nang-40-do-post555253.html

Không thể xóa bỏ tổ chức Đoàn thanh niên

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Trong đỉnh dịch không hề thấy bóng áo xanh, khi chuyện trộm cắp lên ngôi thì đu “trend”. Thế hệ trẻ của đảng dĩ nhiên phải noi gương đảng, chỉ thế thôi, không giúp ích gì cho dân nhưng dân buộc phải nuôi!!!

  2. Đảng, chủ sở hữu của đoàn, cũng đang tồn tại nhờ tự bơm thổi đấy thôi. Hơn nửa thế kỷ xây dựng, chỉnh đốn, cái ngôi nhà chắp vá ấy rệu rã thêm rệu rã, lụn bại thêm lụn bại. Việc đoàn thanh niên vô hồn thoi thóp sống cũng là chuyện đương nhiên.

    • Nhìn hình ảnh tỉnh đoàn trao quà: tay phải trao, tay trái bợ cánh tay phải, tôi thấy ‘kì sao sao’; nhớ lại cách đây khoảng 10 năm cũng (bắt đầu ?) có lối cấp dưới bắt tay cấp trên dị (hợm): tay phải bắt tay sếp, tay trái bợ cườm tay phải của mình.
      Hình như đó là cách nịnh bợ kín đáo một cách lộ liễu, mình cũng không biết đó là ‘phát minh’ của ông bà nào, không biết bây giờ có phổ biến không ?
      Cô tỉnh đoàn ngày nay làm vậy thì chắc cách bắt tay như thế vẫn còn !?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây