Mừng ngày “Nhà giáo việt nam”

Trương Nhân Tuấn

19-11-2021

Ngày 20 tháng 11 là ngày “nhà giáo Việt Nam”. Ý nghĩa của ngày này là gì? Theo các trang dữ liệu mở trên internet, ngày “thầy giáo VN” lấy hứng từ “hiến chương quốc tế” của các nhà giáo tổ chức tại Ba lan năm 1949, mục đích nhằm chống lại lề lối giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng một nền giáo dục tiến bộ.

Đợt “cách mạng văn hóa”, ở VN cũng như ở TQ, thập niên 50 thế kỷ trước, mục đích là chống lại “lề lối giáo dục tư sản, phong kiến” đồng thời “xây dựng một nền giáo dục tiến bộ”.

Kết quả ra sao, đọc lại lịch sử mọi người hẵn phải “rợn da gà”. Thầy giáo thuộc giai cấp “trí”, tức là giai cấp đứng đầu bốn giai cấp (trí, phú, địa, hào) cần phải tiêu diệt. Biết bao nhiêu thầy giáo, cô giáo đã phải bỏ mạng oan uổng, bằng những phương pháp nhục nhã, dưới sự hành hạ của những đứa “học trò yêu dấu” ngày xưa.

Văn hóa truyền thống “tôn sư trọng đạo” của Á Đông tồn tại từ ngàn năm bỗng chốc tiêu tan.

Bên Trung Quốc, có những giáo sư đại học danh tiếng đã bị sinh viên làm nhục, trói tay, kéo lê dưới đất cho tới chết.

Không biết từ bao giờ ngày này lại trở thành ngày “tôn sư trọng đạo”. Tức là ngày học trò nhớ ơn thầy giáo.

Ngày nhà giáo bị bạc đãi, “thê lương” như vậy có nên “ăn mừng” hay không? Theo tôi, ngày này nên là ngày thầy giáo, cô giáo ngẫm lại, tự vấn lại mình.

“Bốn ngàn năm dân không chịu lớn”, thực ra là chỉ mới vài thập niên nay thôi, dân không chịu lớn, cũng như VN là một quốc gia ngoại lệ không chịu phát triển.

Tại cha mẹ hay tại thầy cô?

Tới năm 1975, miền nam VNCH vẫn còn “trên cơ” rất xa (về giáo dục) so với các nước lân bang như Nam Hàn, Thái Lan, Đài Loan… Dĩ nhiên ta không thể phủi ơn bọn Tây thực dân đã xây dựng sẵn nền tảng hạ tầng. Hệ thống giáo dục, từ tiểu học lên tới đại học, từ trường ốc cho tới chương trình, giáo khoa, sư phạm… đều được tổ chức bài bản. Bằng cấp của VNCH thời đó, như kỹ sư, bác sĩ, luật sư… được các nước tiên tiến công nhận.

Tất cả những thứ đó, sau năm 1975, bị liệt vào “giáo dục tư sản”, bị tiêu diệt, xóa bỏ, nay không còn vết tích.

Thầy giáo, cô giáo… hiện nay nghĩ gì về hiện tượng cử nhân tốt nghiệp ra trường thất nghiệp dài dài? Có người phải giấu bằng cấp, xin đi học nghề, để hy vọng có được việc làm.

Dĩ nhiên không phải lỗi hoàn toàn của người làm công tác giáo dục. Nhưng khi một người thầy nhìn đám học trò mà mình dạy dỗ phải lao nhao thất nghiệp, những gì mình dạy cho chúng đều không chút hữu dụng. Ta có thể đòi hỏi những đứa học trò đó phải “nhớ ơn” mình không?

Tôi cũng nghĩ rằng, không thiếu những bậc trưởng thượng về giáo dục ở VN hiện nay, đang vui vẻ trước những quà tặng cũng như những lời chúc tụng của học trò, lại là những đứa trẻ ngày xưa đã đấu tố thầy giáo, cô giáo nó cho đến chết.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Ngày nhà giáo bị bạc đãi, “thê lương” như vậy có nên “ăn mừng” hay không?”

    Yes. Them totally deserve it.

    “Văn hóa truyền thống “tôn sư trọng đạo” của Á Đông tồn tại từ ngàn năm bỗng chốc tiêu tan”

    Còn nguyên vẹn luôn . Mác-Lê-Hồ vẫn là tư duy chủ đạo tại VN, “trọng đạo” tới cỡ đó thì thui luôn . Phạm Toàn, người chủ xị nhóm làm sách giáo khoa cho miền Nam được giải phóng, được mọi người quý trọng, được giải thưởng Phan Chu Trinh cao quý về giáo dục . Hồ Ngọc Đại áp dụng chủ nghĩa Mác vô giáo dục, cũng được giải Phan Chu Trinh cao quý về giáo dục luôn . “tôn sư trọng đạo” Mác-Lê thế thì còn chê chỗ nào! Thiệt tình …

Comments are closed.