Tác giả:
Trần Quốc Việt dịch
20-9-2021
Năm 2010, chế độ Castro của Cuba bắt đầu phóng thích những nhà báo và những nhà hoạt động nhân quyền, hầu hết họ đều đã bị giam cầm bảy năm trước trong cuộc đàn áp Mùa Xuân Đen khốc liệt đối với phong trào bất đồng chính kiến. Sau khi phóng thích, hầu hết những người tù đều bị lưu đày sang Tây Ban Nha. Nhưng tôi đã từ chối chấp nhận lưu vong như là cái giá của tự do. Do sự khước từ này tôi ở tù thêm một năm nữa, nhưng từ đó tôi có cơ hội chứng kiến sự can đảm và hy vọng bén rễ trong một nước vốn đã từ lâu đắm chìm trong sợ hãi và tuyệt vọng.
Ở Cuba, không có tự do ngôn luận hay hội họp. Những ai dám lên tiếng phản kháng những vi phạm của chính quyền đều có nguy cơ bị bắt giữ và còn tệ hơn thế nữa.
Cho nên ta phấn khởi vô cùng khi thấy những cuộc biểu tình chống chính quyền bùng nổ tự phát trên khắp Cuba vào mùa hè này. Hàng chục ngàn đồng bào tôi ở hơn 60 thị thành đã tham gia. Hầu hết những người xuống đường đều không phải là những người ủng hộ nhân quyền hay các nhà hoạt động dân chủ. Họ là những người Cuba bình thường: nam và nữ; trắng, đen và mestizo; trẻ và già; nông thôn và thành thị.
Ai ai dường như cũng đều biết đến một người biểu tình nào đó – có thể là người trong gia đình, hay hàng xóm, bạn bè hay người làm chung. Điều này đã góp phần phơi bày lời nói láo lố bịch của chính quyền khi cho rằng những người biểu tình là những tên lính đánh thuê được Mỹ tài trợ.
Chính quyền Cuba phản ứng theo cách của các nhà nước bất ổn, độc tài công an trị thường làm, là dùng đến bạo lực. Miguel Díaz-Canel, người đứng đầu chính phủ Cuba đã ra lệnh cho các công dân “chiến đấu” chống lại những người biểu tình và thúc giục những người trung thành cộng sản “bảo vệ” mãnh liệt cách mạng. “Chúng tôi kêu gọi tất cả những nhà cách mạng trên khắp cả nước, tất cả những người cộng sản, hãy xuống đường”, ông phát biểu trong bài diễn văn được truyền hình trên toàn quốc. “Mệnh lệnh chiến đấu đã được ban ra”.
Lực lượng an ninh Cuba và những người cộng sản dân sự đã đánh đập nhiều người biểu tình bằng dùi cùi và gậy gộc. Theo một ước tính, hơn 700 người hiện vẫn còn bị chính quyền giam cầm, và có lẽ hàng chục người bị bắt vẫn còn mất tích.
Tôi hỏi bạn bè trên khắp Cuba, trải nghiệm của họ về các cuộc biểu tình. Vài người kể lại, họ thấy những toán quân mặc sắc phục đen trang bị đầy đủ vũ khí của bộ nội vụ đột kích vào vùng họ ở, như thể chiến đấu chống lại cuộc nổi dậy vũ trang.
Một người bạn từ San Antonio de Los Banõs, thành phố phía nam Havana nơi xuất phát các cuộc biểu tình kể, anh đi xuống phố để biểu tình một mình, thì gặp một người bạn và bạn cùng với anh hô vang “Tự do!” Khi họ đến gần một công viên ở trung tâm thành phố, họ phấn khởi khi thấy “một đám đông phản kháng hô to những khẩu hiệu chống chế độ”.
Một người bạn ở Bauta, một thị xã nhỏ ở phía tây Havana, nói, thoạt đầu ông ngại tham gia biểu tình vì một trong ba con của ông nhiễm Covid-19, cho nên ông không muốn lây bệnh cho người khác. Nhưng bao suy tư về tương lai con cái đã khiến ông suy nghĩ lại. “Tôi cảm thấy tự hào [về việc tham gia biểu tình]”, ông nói, rồi buồn rầu nói tiếp, “Bây giờ tôi có thể chết được rồi”.
Vậy thật ra người Cuba biểu tình chống điều gì? Nhiều tổ chức truyền thông đã nhấn mạnh đến cách đối phó yếu kém của chính quyền đối với đại dịch Covid-19, đến tình trạng kinh tế tồi tệ của Cuba, đến việc thiếu thuốc men và thực phẩm căn bản. Nhưng nói thế không đúng. Những cuộc biểu tình này về cơ bản là chống lại sự đàn áp. Những người biểu tình đòi hỏi chính quyền độc tài, bí mật phải chịu trách nhiệm và phải minh bạch. Họ đòi tự do báo chí và tôn giáo từ một chính quyền được xây dựng trên nền tảng tuyên truyền và chủ nghĩa vô thần không bao dung.
Nói một cách đơn giản, những cuộc biểu tình là sự biểu lộ quyết tâm kết liễu chế độ cộng sản độc tài 62 tuổi của nhân dân Cuba. Theo một cuộc nghiên cứu, 74% các cuộc biểu tình chủ yếu liên quan đến những quyền dân sự và chính trị, còn 26% còn lại liên quan đến kinh tế.
Chế độ Castro thiết lập chính quyền Cuba theo mô hình của Liên Xô, và được Liên Xô viện trợ cho đến lúc Liên Xô sụp đổ. Giống như Liên Xô, Havana ra sức kiểm soát mọi khía cạnh cuộc sống của thần dân chế độ. Đây là một xã hội toàn trị đã khiến cho các công dân không tin tưởng lẫn nhau. Tuyệt vọng liệm kín lòng người. Ngay cả một lời thì thầm chống chính quyền cũng gây ra bao sách nhiễu, hành hung, bắt bớ, và mất việc làm, như đã từng xảy ra với tôi, một bác sĩ, và với vợ tôi, Elsa, một y tá, sau khi chúng tôi lên tiếng cách đây hàng chục năm chống lại những vi phạm của chế độ.
Trong một nước nơi tai vách mạch rừng này, người ta dễ dàng mất giọng. Nhưng điều ấy đang thay đổi. Chế độ đang suy yếu và nhân dân nhận thức được điều ấy. Hai khẩu hiệu thường nghe trong các cuộc biểu tình này là “Chúng tôi không sợ!” và “Chúng tôi không còn sợ nữa!” Trong suốt bao thập niên qua, điều tốt đẹp nhất mà người Cuba có thể mơ tưởng đến là, thoát ra khỏi nước. Nhưng bây giờ càng ngày càng có nhiều người trong chúng tôi đang nhận trách nhiệm tái tạo quê hương mình.
Các cuộc biểu tình bây giờ lắng dịu, nhưng quyết tâm tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn đã và đang nhen nhóm lên trong lòng nhân dân Cuba. Chúng tôi nhất định không lùi bước. Chúng tôi đang đi đúng đường và thuận theo chiều gió.
______
Oscar Biscet là bác sĩ và là người ủng hộ nhân quyền.
Đồng ý với tác giả là người trong cuộc nên tiếng nói rất thật, không bịa ra được !
Thế nhưng, cũng có “thế lực thù địch” ở ngoài lại nhanh nhảu biện hộ…rằng thì là mà
… vì nhân dân Cuba bất mãn với cách chống dịch virus Vũ Hán của “chú phỉnh” nên
mới biểu tình như vậy, chứ họ có đòi tự do gì đâu khi Cuba… đã tự do lắm rồi ???