Ba Sinh
8-9-2021
Một F0 tại Bệnh viện Dã chiến Thu dung Số 7 (BVDC7), TP Thủ Đức, kể trong bức xúc: Các F0 chưa chuyển nặng tại đây không có thuốc uống, kể cả thuốc cảm, thuốc ho, nhức đầu, họ không được cấp thuốc gì hết, có thuốc gì tự mang thì uống thuốc nấy.
Không chỉ thiếu thuốc, khi F0 vào đây, họ không có gì khác ngoài một căn phòng trống, không giường, phải nằm sàn, không chăn chiếu, phải tự trải bằng vải, chăn, áo mang theo, không mùng chống muỗi, không quạt chống nóng, không có nước uống sẵn, phải lấy nước từ vòi đun sôi để uống, bình điện nấu nước tự mang, có toilet nhưng không có giấy vệ sinh, không có xà bông, giẻ lau chùi, ly uống nước… có đồ dùng gì thì do bà con tự mang đi.
Có thể trước đây khác, có thể không phải là tất cả, nhưng có nhiều phòng, nhiều căn, nhiều khu ở BVDC7, ngay trong những ngày này, trước và sau Quốc Khánh 2/9/2021, tình hình là như thế.
Tối 1/9/2021, báo Tuổi Trẻ đưa bản tin: “Đừng để F0 kêu cứu còn ngành y tế báo cáo thuốc luôn sẵn sàng”, bài báo có đoạn nói: “Sau khi kiểm tra thực tế, ghi nhận hạn chế, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết ngân sách TP đảm bảo mua đủ thuốc điều trị cho F0 tại nhà”. Đó là tin vui, vì thành phố có đủ ngân sách mua thuốc cho F0, nhưng tin cũng buồn vì họ đang nói về F0 tại nhà. Phải chăng chính quyền các cấp tin rằng F0 tại các bệnh viện dã chiến là đang rất ổn và không thiếu thốn gì?
Thực ra, F0 điều trị tại nhà “sướng” hơn F0 tại các Bệnh viện Dã chiến nhiều lần. Lý do: F0 cách ly tại nhà được ở trong môi trường quen thuộc, có phòng riêng, có giường, quạt, toilet riêng, có người nhà chăm sóc, đang là đối tượng được ưu tiên chú ý. Trong khi đông đảo F0 tại BVDC – trong đó có cả nhiều người già đi đứng không vững vàng, có cả các phụ nữ đang mang thai phải tự lo – họ sống chung đụng trong những phòng nhỏ dành cho 3 người, một căn 3 phòng có đến 9-10 người ở, chia nhau 2 toilet, họ không có chút riêng tư nào, không có tiện nghi gì đáng kể ngoài ổ điện, vòi nước, họ phải đeo khẩu trang 24/24 trừ khi ăn, chỉ được di chuyển ra đầu cầu thang lấy phần ăn, rồi vào phòng, không được qua các dãy phòng, xuống sân chung cư, hoặc các khu vực khác. Tại đây cũng không có căn-tin bán đồ dùng cá nhân, thân nhân muốn đến tiếp tế thì lại không có giấy đi đường, shipper bị cấm đến 31/8 mới được hoạt động hạn chế trở lại.
Người F0 kể tiếp: “Có người sốt nóng các kiểu, có người ho sù sụ, có người ăn vào ói mửa liên tục, cố kêu xin nhưng vẫn không có thuốc hay biện pháp y tế gì hỗ trợ”. Điều này tiếp tục cho thấy BVDC7 quá tải, các F0 ở đây không được hỗ trợ điều trị cho Covid-19 hay cho bệnh nền khác. Có vẻ “phác đồ” duy nhất ở đây là: Xét nghiệm khi F0 nhập viện, nếu chưa nặng thì cứ chờ, đến 7-8 ngày sau xét nghiệm lần nữa, nặng thì chuyển lên, còn trong khi chờ đợi thì tự lo, vì BVDC quá tải.
Bài báo Tuổi Trẻ nói trên cho biết, hiện có nhiều ca F0 tử vong tại nhà, và nguyên nhân có cả “việc thiếu can thiệp sớm của lực lượng y tế, khi F0 chuyển nặng đưa lên thì không còn khả năng cứu chữa.” Nếu các F0 tại BVDC cũng “thiếu can thiệp sớm của lực lượng y tế” thì số chuyển nặng chắc chắn sẽ tăng, dẫn đến quá tải, và những ca tử vong vốn dĩ có thể tránh.
***
Khi thị sát khu phòng trọ gần UBND TP Thủ Đức, thủ tướng Chính đã yêu cầu dán lên từng phòng trọ ba số điện thoại nóng đế dân biết “KHI ĐÓI GỌI AI, KHI ỐM GỌI AI, KHI BỊ TẤN CÔNG GỌI AI.” Rất mong các F0 hiện đang ở BVDC7, và các BVDC khác, cũng có thể gọi số nóng và nhận được những giải pháp nóng phù hợp.
Rất mong tình trạng quá thiếu thốn đến độ bi đát của các F0 nêu trên sẽ được các cơ quan, báo đài kiểm tra gấp, và thông tin đến được với ông Chính, ông Mãi, và gần nhất là đến được với UBND TP Thủ Đức, mà trụ sở chỉ cách BVDC7, và nhiều BVDC khác ở Phường An Khánh, vỏn vẹn 3 cây số.
Dấu hiệu vỡ trận?