Thư ngỏ thứ hai gởi ông Vũ Thành Tự Anh: Cá nhân ông và Fulbright, bên nào nặng hơn?

Blog RFA

Gió Bấc

26-8-2021

Hồi đầu tháng này tôi đã có một Thư ngỏ gửi ông nhân sự kiện ông được mời làm Tổ trưởng Tổ Tư vấn cho UBND TP.HCM về phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế (1).

Giống như nhiều người, trong Thư ngỏ ấy tôi cũng đã bày tỏ băn khoăn về dự báo mà theo đó, ông và “Nhóm Fulbright” dự báo đợt dịch sẽ kết thúc vào tháng 8 (2). Song khác với nhiều người, tôi không trách mà chỉ lấy làm tiếc vì nghiên cứu – dự báo mà ông lại dựa vào số liệu do Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM cung cấp.

Tôi cũng cho rằng không thể xem dự báo sai là nguyên nhân của thảm trạng hiện nay ở TP.HCM. Bởi có thiện cảm đặc biệt với Fulbright, tôi chỉ hy vọng ông và “Nhóm Fulbright” rút kinh nghiệm khi lựa chọn dữ liệu để nghiên cứu và dự báo…

Thưa ông Vũ Thành Tự Anh,

Đó cũng là lý do tôi thật sự bất ngờ khi ngày 23 tháng 8, ông đưa lên facebook của ông “Cải chính về dự báo Fulbright” (2) và ngay sau đó, “Cải chính về dự báo Fulbright” được báo Nhà Đầu Tư đăng lại (3) rồi sau đó, cả ông lẫn Nhà Đầu Tư cùng lẳng lặng đục bỏ “Cải chính về dự báo Fulbright”!

Theo tôi biết, “Cải chính về dự báo Fulbright” xuất hiện vì Bác sĩ Trương Hữu Khanh nêu nhận xét về dự đoán sai đã đề cập như thế này: “Fulbright đoán sai thì gọi là ful đen xì, hay là fulb wrong, hay fulb left” (4).

Tôi tin nếu trang facebook của Bác sĩ Khanh không có gần 400.000 người theo dõi và nhận xét của Bác sĩ Khanh về dự báo sai của Fulbright không có hơn 13.000 người “like”, khoảng 2.000 bình luận và có tới 286 người chia sẻ thì ông đã không viết “Cải chính về dự báo Fulbright”.

Trong “Cải chính về dự báo Fulbright” ông giải thích thế này: “Cuối tháng 6 vừa qua, UBND TP và Sở TTTT cần dự báo dịch bệnh và nhờ tôi giúp. Do Fulbright không có chuyên môn này nên tôi đã giới thiệu hai nhóm nghiên cứu độc lập ở hai ĐH của Úc giúp cung cấp kết quả dự báo. Nhưng khi Sở TTTT báo cáo Ban chỉ đạo thì Sở gọi đó là ‘Nhóm nghiên cứu Fulbright’ mặc dù trước đó Sở đã được giới thiệu đầy đủ về cả hai nhóm và hiển nhiên vì các bạn ấy ở 2 ĐH của Úc nên không thể thuộc về ĐH Fulbright”.

Thưa ông Vũ Thành Tự Anh,

Nếu điều ông nêu là sự thật thì tại sao đến bây giờ ông mới cải chính? Tại sao suốt thời gian vừa qua ông giữ im lặng để Sở TTTT TP.HCM và báo chí Việt Nam mượn danh nghĩa “Nhóm nghiên cứu Fulbright” như một dự báo có bảo chứng để trấn an công chúng vốn đang hết sức hoang mang về tương lai do tác động của đại dịch? để một thời gian dài mà không đính chính?

Nội dung cải chính của ông còn dẫn đến hậu quả tai hại hơn? Vì sao Fulbright không biết, hoặc không phản đối khi có tổ chức gắn tên của mình vào nghiên cứu – dự báo không phải của mình, đặc biệt khi nghiên cứu – dự báo đó lại sai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở vừa đào tạo, vừa nghiên cứu về học thuật vốn được xem là hết sức nghiêm túc, đúng mực như Fulbright? Fulbright không lên tiếng vì… ngại hệ thống công quyền hay vì… ngại ông – nhân vật lãnh đạo của Fulbright tại Việt Nam?

Đáng buồn là câu chuyện đến đây vẫn chưa kết thúc. Một facebooker khác – ông Trần Đình Thu – công bố một phát hiện khác: Fanpage của Trường Chính sách công Đại học Fulbright công bố, chính ông – Vũ Thành Tự Anh – là Trưởng nhóm Nghiên cứu phân tích dự báo đánh giá và nêu giải pháp cho nghiên cứu dự báo này (5).

Thưa ông Vũ Thành Tự Anh,

Trước đây, khi Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn góp ý, Việt Nam không nên tập trung truy quét, cách ly F0 mà cần chú ý hạn chế lây làn, bảo toàn lực lượng y tế, giảm thiểu tử vong, ông đã phê phán rất gay gắt: “Trong điều kiện bình thường, tôi sẽ không bình luận. Nhưng vì những nhận định sai lầm này có thể dẫn tới những nhận thức không đúng đắn cho công chúng và các nhà làm chính sách; và trong bối cảnh dịch bệnh đang leo thang ở Việt Nam, những nhận định sai lầm này có thể trở nên nguy hiểm, thậm chí phải trả giá bằng sinh mạng, vì vậy tôi buộc phải bình luận” (6).

Gần đây, khi “Cải chính về dự báo Fulbright”, ông giải thích “Fulbright không có chuyên môn” về nghiên cứu – dự báo dịch bệnh nên phải cậy đến “tinh thần dấn thân của hai nhóm bạn đồng nghiệp (ở Úc) đã làm việc không kể ngày đêm giúp TP dự báo dịch, rất tiếc là vì việc này mà các bạn bị liên lụy”. Ở hai thời điểm mà khoảng cách chỉ non tháng, liệu có nên xem phản ứng và tuyên bố hết sức mâu thuẫn ấy là… bình thường?

Thưa ông Vũ Thành Tự Anh,

Nếu tôi nhớ không lầm, ngoài việc là Tổ trưởng Tổ Tư vấn  cho UBND TP.HCM về phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, ông còn được chọn làm thành viên của Nhóm chuyên gia kinh tế tư vấn cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên cho Tổ Tư vấn của Thủ tướng… Những yếu tố đó có khiến ông thay đổi và mâu thuẫn với hành xử cần thiết của một trí thức, một nhà giáo và thành viên của một trong những cơ sở giáo dục – nghiên cứu học thuật vừa được tin cậy, vừa được kính trọng như Fulbright Việt Nam? Tôi tin ông hiểu vì sao Fulbright Việt Nam được tin cậy và kính trọng.

Trong “Cải chính về dự báo Fulbright”, ông khẳng định “xin chịu trách nhiệm cá nhân chứ Fulbright không hề liên quan”. Tuy nhiên chỉ một ngày sau, ngay cả việc “xin chịu trách nhiệm cá nhân” ấy cũng bị chính ông loại bỏ. Tôi tin chẳng riêng tôi mà nhiều người mong được nhìn thấy Fulbright Việt Nam như một mẫu mực về đào tạo và nghiên cứu học thuật chứ không phải là nơi được lãnh đạo hoặc có những thành viên chẳng khác gì các “đồng chí” đang nghễu nghện ở xứ này để rồi trong tương lai cũng y hệt những cơ sở đào tạo khác. Nếu thực sự muốn “Fulbright không liên quan”, ông nên tự xử ông ạ!

Chú thích

(1) https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/open-letter-to-vu-thanh-tu-anh-08012021142127.html

(2) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=6156618697742409&id=100001830205620

(3) https://nhaquanly.vn/tien-si-vu-thanh-tu-anh-len-tieng-ve-nhom-fulbright-du-bao-tphcm-dich-se-ket-thuc-vao-thang-8-a5428.html

(4) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=3035359190119741&id=100009370694566

(5) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=4479867528735552&id=100001370467846

(6) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=5930519647018983&id=100001830205620

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Bổ sung:
    Phần trước, tôi không đề cập tới khả năng dự báo của Nhóm Fulbright để thào luận, vì ngay từ khi biết tin nhóm được thành lập, tôi không bao giờ tin là nhóm sẽ hoạt động hữu hiệu để giải quyết các vấn đề này, vấn đề chính cho toàn ngành y tế là lỗi hệ thống, thể chế và tuyên truyền chớ không phải là lỗi điều hành hay cá nhân. Nếu thái độ bất nhất của ông VTTAnh trong lúc điều hành như tác giả nêu ra, cho dù có đính chánh hay không, cũng không thể giải quyết các vấn đề khó khăn trong dự báo như hiện nay.

  2. Không nên hy vọng nơi Ông Vũ Thành Tự Anh và Nhóm nghiên cứu Fulbright, vì cả hai không có phép lạ trước tình hình hiện nay. Ai có thể mang lại một giải pháp cho tình thế thì nên liên hệ để gây tiếng vang. Thực tế là gì? Quần chúng và bịnh nhân đổ lỗi cho chính quyền là bất lực và kiêu ngạo và chính quyền chỉ trích ý thức tuân thủ kém cỏi của quần chúng trong việc chống dịch. Tuy nhiên, sự cáo buộc nhau lại bỏ qua những gì đang thực sự xảy ra, chính quyền chỉ quan tâm đến vai trò tuyên truyền chính trị mang màu sắc chiến đấu để xoa dịu tình hình sôi bỏng. Không. Chống dịch không phải là chống giặc. Huy động phương tiện quân đội giải cứu là đúng đắn, ở Ý và ở Đức cũng đã tận dụng cách khẩn cấp này khi phải giải tán và di chuyển các nhà dưởng lão và chôn cất trong quy mô lớn. Không nước nào cần đến kinh tế gia tư vấn cho vấn đề tình trang khẩn cấp. Fulbright ở Mỹ cũng không giúp cho Mỹ được gì hết. Không nước nào tuyên truyền chống dịch như kiểu của Việt Nam

  3. Một người có hiêu biết nên đặt kết qủa của công việc chứng minh cho hiểu biết, đừng vội bốc phét sau đó lại tự bôi lem nhem cái sự bốc phét của mình. Hãy đặt mục tiêu kết qủa của công việc trong học hỏi thay cho danh, lợi, nếu muốn làm người tìm hiểu biết.

  4. Trước đây, khi Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn góp ý, Việt Nam không nên tập trung truy quét, cách ly F0 mà cần chú ý hạn chế lây làn, bảo toàn lực lượng y tế, giảm thiểu tử vong, ông đã phê phán rất gay gắt: “. Hết trích

    GS Nguyễn Văn Tuấn nói rất đúng và người bình thường có chút hiểu biết cũng đồng ý, vậy mà cha nội này kịch liệt chỉ trích, chẳng hiểu hắn học được những gì mà có những suy nghĩ sai và ngờ nghệch đến thế. Không trung thực thì còn gì là trí thức.

  5. Việt Nam có các bậc trí thức như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Tụy, Trần Huỳnh Duy Thức…

    Chứ không chỉ có những loại như Tương Lai, Vũ Thành Tự Anh…

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây