Câu đối khóc bác Hồ Mậu Hòe

Hồ Bạch Thảo

24-8-2021

Ông Hồ Mậu Hòe. Nguồn: Gia đình người quá cố

Bác và tôi lớn lên tại xã Hữu Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Xã chúng tôi cũng có duyên với văn học. Nghe kể rằng, trước kia trong xã có ông thầy đồ hay chữ, bằng hữu bốn phương thường đến xướng họa văn chương. Có một nhà Nho tại xứ Nghệ đến thăm ông thầy, ông cho học trò đón tiếp tại cầu gỗ đầu làng và trương lên vế câu đối:

Bằng hữu đáo hữu bằng.

朋 友 到 有 朋

Câu xướng khá đơn giản, có nghĩa là “Bằng hữu đến thăm xã Hữu Bằng”; nhưng xét ra khó đối, vì phải tìm ra một cặp có âm tương phản nhau như “ bằng hữu, hữu bằng” để đối. Ngoài ra “hữu bằng” còn liên quan đến điển cố trong thiên Học Nhi, Luận Ngữ:

Hữu bằng tự viễn phương lai bất diệc lạc hồ!

[有 朋  自 遠 方 來  不 亦 樂 乎]

(Có bạn bè tri kỷ từ phương xa đến thăm không vui sướng hay sao!)

Nhất thời tìm ra được một điển cố thích hợp để đối, thật không phải là dễ; nên vị nhà Nho kia đành chịu thua cuộc, cắp ô trở về nhà.

Điển cố về “hữu bằng” còn liên quan đến lịch sử cận đại. Vào tháng 2 năm 1972, Tổng thống Nixon viếng thăm Trung Quốc, từ máy bay bước xuống phi trường, thấy khẩu hiệu giăng đầy trời, nhưng chỉ lặp lại một câu duy nhất từ Luận Ngữ:

Hữu bằng tự viễn phương lai.

有 朋 自 遠 方 來

Sau khi Thông địch viên dịch cho Tổng thống, chắc ông sẽ mừng húm; vì từ đây Trung Quốc là bạn Mỹ. Có nghĩa là Mỹ đánh, hay đàm tại Việt Nam, Trung Quốc sẽ không can thiệp; Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Mỹ cũng mặc kệ!

Hãy trở lại với “hữu bằng” ông chúng tôi, tức cụ Hồ Dụng Tài, thân phụ bác Hồ Mậu Hòe, có soạn một đôi câu đối để tại nhà thờ họ, dùng hai chữ cuối là hữu và bằng:

祖 業 宗 培 遺 康 必 有

Tổ nghiệp tông bồi di khương tất hữu,

仁 尊 義 舉 易 世 仰 朋

Nhân tôn nghĩa cử dịch thế ngưỡng bằng.

Dịch nghĩa:

Tổ nghiệp con cháu nhớ vun bồi, an khang ắt có,

Tôn nhân trọng nghĩa, đời nối đời ngưỡng vọng nơi bằng hữu.

Nhưng niềm mong ước “an khang ắt có” không đến với chúng tôi. Trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất tại miền Bắc, gia đình bị quy vào thành phần địa chủ; hai bác cháu phải chịu đựng đói khát, vượt Trường Sơn đi vào miền Nam. Tại nơi đất khách quê người, cả hai đều nên nhà cửa, vợ con.

Vào năm 1963, bác Hoè tham gia phong trào đấu tranh của Phật Giáo, với bút hiệu Quốc Tuệ, cùng với các bạn tâm huyết biên soạn và xuất bản quyển sách với nhan đề Công Cuộc Đấu Tranh Của Phật Giáo, khoảng 1000 trang.

Rồi biến cố 1975, lại một lần nữa bôn ba sang Hoa Kỳ. Gia đình tôi sang sau, riêng con gái Bạch Mai vượt biên, được gia đình cô Chân em nhà tôi, và ông bà Hòe nuôi cho ăn học; vào trường đại học Princeton, rồi tốt nghiệp Bác sĩ. Chúng tôi chịu ơn rất nhiều. Nay ông mất, xin kính cẩn dùng đôi câu đối kể lại cuộc đời đã trải qua:

Gần bảy mươi năm cũ, bác cháu vượt Trường Sơn, nơi quê người nên nhà cửa vợ con, tưởng rằng êm ấm mãi!

Sau bảy lăm tháng bốn, lại bôn ba Mỹ Quốc, chốn đất lạ hưởng dồi dào phước lộc, sao ông vội về trời?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Vào năm 1963, bác Hoè tham gia phong trào đấu tranh của Phật Giáo, với bút hiệu Quốc Tuệ, cùng với các bạn tâm huyết biên soạn và xuất bản quyển sách với nhan đề Công Cuộc Đấu Tranh Của Phật Giáo, khoảng 1000 trang.

    Rồi biến cố 1975, lại một lần nữa bôn ba sang Hoa Kỳ.” hết trích

    Tưởng hay lắm, hóa ra tiếp tay với lũ khốn phá nát 2 nền Cộng Hòa và sau đó chạy sang bám gót chân đế quốc. Cái nhục này nên chôn giấu chứ khoe ra làm chi ?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây