Cần thận trọng khi kêu gọi lãnh đạo tiêm vắc-xin Sinopharm làm gương

Nguyễn Vi Yên

14-8-2021

Có không ít ý kiến kêu gọi các lãnh đạo chính trị nên đứng ra tiêm vắc-xin Sinopharm để làm gương, như một cách thuyết phục công chúng chọn tiêm loại vắc-xin này.

Đề xuất này dựa trên hai giả định. Thứ nhất, khi một lãnh đạo chọn tiêm vắc-xin Sinopharm, đồng nghĩa với việc vị lãnh đạo ấy thừa nhận rằng vắc-xin này tốt, hoặc ít nhất là nó đủ an toàn cho cơ thể, có thể chấp nhận được. Điều này dẫn đến giả định thứ hai, rằng khi các lãnh đạo chính trị lấy bản thân mình ra để chứng thực một loại vắc-xin là an toàn, công chúng sẽ thấy thuyết phục để tiêm theo.

Đây là một kỹ thuật rất phổ biến trong tuyên truyền chính trị, gọi là tuyên truyền chứng thực (testimonial propaganda): Các chính trị gia sử dụng chính mình, hoặc kêu gọi các cá nhân nổi tiếng hoặc có chuyên môn, đứng ra xác nhận chất lượng hay hiệu quả của một sản phẩm/chính sách, nhằm xây dựng niềm tin trong công chúng, từ đó thuyết phục công chúng ủng hộ sản phẩm/chính sách ấy.

Tính đến hiện tại, tôi chưa thấy một chính trị gia nào ở Việt Nam sử dụng kỹ thuật này để vận động công chúng tiêm vắc-xin Sinopharm, dù dư luận liên tục kêu gọi. Tuy nhiên, nếu có một vị nào đó đứng ra tiêm thật, thì chúng ta nên suy xét thận trọng, hơn là cảm thấy hài lòng.

Bởi lẽ, tuyên truyền chứng thực thường được coi là một dạng thao túng (manipulation) tinh vi, khi nó tác động đến tâm lý của công chúng, khiến họ hành động mà không đánh giá các nguy cơ một cách đủ kỹ lưỡng. Điều này, trong ngắn hạn, tất nhiên là nguy hiểm. Câu hỏi đặt ra là: thứ nhất, người đứng ra chứng thực có đủ thẩm quyền và chuyên môn để chứng thực không, và thứ hai, họ sẽ chịu trách nhiệm ở mức nào nếu lời chứng thực ấy có vấn đề? Tức là, nếu một vị lãnh đạo chọn tiêm một loại vắc-xin, điều đó có chứng minh rằng loại vắc-xin ấy đủ an toàn? Nếu loại vắc-xin ấy không đủ an toàn, họ sẽ chịu trách nhiệm ra sao?

Về dài hạn, việc sử dụng tuyên truyền chứng thực càng có hại ở chỗ, sự tín nhiệm vào các chính trị gia – chứ không phải bản thân chất lượng sản phẩm/chính sách – được đem ra làm phương tiện thuyết phục công chúng. Mối quan hệ giữa người dân và chính quyền chỉ nên được coi là lành mạnh khi nó được thành lập trên cơ sở thông tin minh bạch và trách nhiệm giải trình, chứ không phải là trên cơ sở tín nhiệm đơn thuần. Cổ vũ cho lối tuyên truyền chứng thực là cổ vũ cho một loại giao tiếp chính trị bằng hình thức hơn là bằng thực chất.

Thay vì đi tìm cách trả lời cho câu hỏi “làm sao để kêu gọi người dân tiêm vắc-xin Sinopharm?”, tôi cho rằng, các nhà truyền thông chính trị nên giải quyết câu hỏi “làm sao để người dân có hiểu biết tốt nhất về các loại vắc-xin, từ đó đưa ra lựa chọn tốt nhất cho chính mình và xã hội?”

Thông tin về các loại vắc-xin càng đầy đủ và minh bạch, cách truyền tải càng dễ hiểu và dễ tiếp cận cho mọi nhóm công chúng, thì người dân sẽ có thể tự xem xét và đưa ra quyết định dựa trên đánh giá của mỗi người. Cách tiếp cận này vừa thể hiện sự tôn trọng đối với sự tự chủ của công dân, vừa cổ vũ cho các hành động dựa trên cơ sở lý tính (thay vì cảm tính).

Không có kỹ thuật truyền thông nào tốt hơn việc sử dụng sự thật.

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Người tàu giỏi trí trá, biết có cái gì trong lọ vác mua tàu mà chích. Nếu nó bỏ virus Lao Ái vào thì toi vì sung sướng. Bỏ virus bò điên chó dại vào thì .. thảnh người dại !

  2. nhờ chích vacxin Nanocovac của VN mà mấy hôm nay thằng Vũ Đức Đam đã câm mõm không còn thấy lên Tivi nổ nửa. Đề nghị bọn quan to của VN chích vacxin Tàu , chứ không phải nước muối, để làm gương cho dân chích theo.

  3. Tác giả lý luận đúng. Nhưng liệu nhà cầm quyền cho chịu thành thật KHAI BÁO với các ÔNG CHỦ – BÀ CHỦ đang làm chủ tập thể hay không?
    Điều tai hại nào sẽ xảy ra khi nhà càm quyền dùng kỹ thuật thông tin FAKE NEWS để lèo lái, dẫn dụ quần chúng tin theo sự ĐỊNH HƯỚNG của nhà cầm quyền?
    Tác giả đã đặt vấn đề theo kiểu ĐẶT CÁI CÀY PHÍA TRƯỚC CON TRÂU! Ở vị trí này cái cày có thể phát huy được tác dụng của nó không?
    Nếu nhà cầm quyền VN là một CHÍNH QUYỀN vì nước, vì dân trong một thể chế TỰ DO DÂN CHỦ PHÁP TRỊ thì vấn đề của tác giả đâu cần phải được đặt ra?
    Khi viết bài này, tác giả đã có HÀM Ý TỐT về nhà cầm quyền, về cái chế độ độc tài toàn trị hiện tại của VN?

  4. Úi ùi ui… chúng nó lăn quay chết hết, nước đảng bơ vơ à.
    Cảm ơn lời nhắc nhở ” đảng sụp” nhá
    Con bò cũng phải quỳ lạy

  5. Tác giả chớ lo bò trắng răng.
    Các chính trị gia Việt Nam không đủ tri thức và lòng dũng cảm để tự mình chứng thực điều gì.
    Tất nhiên là loại trừ mấy cái trò tắm biển và xơi hải hản để chứng minh nước biển sạch. Trò diễn ấy quá lố.

  6. Dường như có câu nói lừng lẫy của ai đó mà nhiều người muốn chối bỏ: “Sự thật sẽ giải thoát chúng ta.”

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây