Những cái bẫy “đạo đức” của truyền thông

Lâm Bình Duy Nhiên

8-8-2021

Trên Facebook, có không ít người nổi tiếng, trí thức, cấp tiến,… like và chia sẻ rầm rộ những statut về câu chuyện cảm động cứu người trong tâm dịch, mới thấy chẳng cần gì ghê gớm, chính quyền này vẫn có thể “chinh phục trái tim” người dân một cách dễ dàng, không nhọc sức.

Những câu chuyện đạo đức, nhân ái và cao thượng được miêu tả bằng ngòi bút của bộ máy tuyên truyền, của những kẻ được cho là có “sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng mạng – KOLs” trong các chiến dịch truyền thông nhằm định hướng dư luận, lèo lái họ sang những khía cạnh khác, bớt “nóng“ hơn.

Thay vì chỉ tập trung về những mặt tiêu cực, tệ hại của chính quyền trong cơn đại dịch thì những câu chuyện đẫm nước mắt về tình người, về sự hy sinh cao cả,… bỗng chốc khiến dư luận trở nên lắng đọng hơn, trầm tĩnh hơn, vị tha và cảm thông hơn đối với những biện pháp phòng chống dịch của nhà nước. Trong bao khó khăn nhưng chính quyền và đội ngũ y tế vẫn không ngừng “chiến đấu” để giành lại mạng sống cho từng người. Những câu chuyện cảm động, ly kỳ như trong thần thoại được ghi lại và cẩn thận chia sẻ. Tất cả, dĩ nhiên có một chủ đích được soạn sẵn bởi một đội ngũ KOLs và những nhà báo “thâm niên” trong xã hội. Có chủ đích một cách có hệ thống, chứ không đơn giản là “sự bốc đồng” của một cá nhân nào đó.

“Hãy quên đi chính mình. Hãy nhìn xã hội xung quanh. Bao mạng người đang được cứu sống, bao tấm gương cao đẹp vẫn đang được diễn ra ngay trong tâm dịch. Không có chỗ cho chủ nghĩa cá nhân. Hãy vì tập thể, vì cộng đồng. Hãy vững tin vào sự lèo lái của đảng, của nhà nước. Dẫu có nhiều khó khăn chồng chất, nhưng chính phủ vẫn đang hết sức chiến đấu vì dân,…”

Đó là những khẩu hiệu truyền truyền ẩn chứa đằng sau mỗi câu chuyện được đăng và chia sẻ trên báo chí và mạng xã hội.

Và dĩ nhiên, cộng đồng, ít nhiều, đã bị rơi vào cái bẫy “đạo đức”, những cú lừa của hệ thống truyền thông!

Mượn đạo đức để đạt được mục đích vì nhà nước thừa biết người dân vốn tôn trọng, đôi khi một cách mù quáng, những giá trị nhân văn ấy. Tiếc thay, đó là đạo đức của sự dối trá và chẳng có gì lạ khi sự dối trá lại trở nên “chuyện thường ngày ở huyện” và lên ngôi trong cuộc sống đời thường tại Việt Nam.

Đâu đâu cũng giả dối, “vàng thau lẫn lộn” không biết đâu mà lường. Một xã hội với các chân giá trị bị đảo lộn, xới tung một cách có chủ đích, bịp bợm và thâm hiểm. E rằng, đó mới chính là vấn nạn và thảm họa cho cả dân tộc này!

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây