8-8-2021
Hết ngày hôm nay là tròn một tháng TP.HCM giãn cách chống dịch với Chỉ thị 16 (và 16+), giờ thử nhìn lại việc chống dịch của thành phố qua khâu: tổ chức thực hiện, tham mưu – giúp việc và ra quyết định xem có rút ra được bài học gì không?
1. Tổ chức thực hiện: Hôm qua (7/8) báo chí loan tin chủ tịch quận 8 (TP.HCM) đã ra quyết định đình chỉ công tác chủ tịch phường 15 và điều chuyển chủ tịch phường 16. Đồng thời, quận 8 cũng đã cử một phó phòng tại UBND quận về phụ trách phường 15 và một trưởng phòng tại UBND quận xuống lãnh đạo phường 16. Hai cán bộ bị đình chỉ, điều chuyển được cho là đã không không kịp thời tiếp nhận, giải quyết phản ánh của người dân cần hỗ trợ an sinh xã hội, y tế… trong công tác chống dịch Covid-19.
Sự kiện này nhắc nhở chúng ta hai điều. Thứ nhất, thành phố vừa có một sự thay đổi hệ trọng mà có lẽ ít người để ý đến đó là, từ 1/7/2021, TP.HCM chính thức thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị. Theo đó, thành phố chính thức bỏ chế độ HĐND cấp phường- quận ở 16 quận và TP Thủ Đức. UBND quận và phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng. Tức là, nếu trước đây việc bầu và miễn nhiệm chủ tịch phường-quận do cấp HĐND thực hiện, thì nay chủ tịch phường-quận sẽ là những công chức do chủ tịch quận-thành phố toàn quyền “quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác”.
Như vậy, lãnh đạo phường-quận sẽ là các công chức thuộc cấp của lãnh đạo thành phố. Và như thế, có thể nói lãnh đạo thành phố đang có trong tay một công cụ rất mạnh để điều hành, hơn hẳn các địa phương khác, nhất là trong một công việc đặc thù như chống dịch Covid-19 lần này.
Công cụ mạnh này càng có ý nghĩa hơn với điều thứ hai mà sự kiện hai lãnh đạo phường ở quận 8 bị kỷ luật nhắc nhở chúng ta, đó là về vai trò then chốt của cấp phường/xã trong khâu tổ chức thực hiện. Không phải tự nhiên mà cho đến nay, trên khắp cả nước, tất cả lãnh đạo bị kỷ luật vì “chống dịch không tốt” đều ở cấp phường/xã. Có thể nói không sợ quá lời rằng, mọi sự thành bại trong chống dịch mấu chốt quyết định thực tế nằm phường/xã.
Người dân giãn cách có nghiêm ngặt không? – Hỏi phường/xã. Việc xét nghiệm, truy vết khoanh vùng F0 có mau chóng hay không? – Hỏi phường/xã. Người dân có hoàn cảnh khó khăn có được cứu trợ kịp thời hay không? – Hỏi phường/xã. Tiêm chủng có đúng tiến độ, có an toàn hay không? – Hỏi phường/xã. F0 (và những người bị bệnh khác) có được đưa đi cấp cứu kịp thời hay không? – Hỏi phường/xã.
Một phường/xã được lãnh đạo, tổ chức tốt sẽ có thể đảm đương trách nhiệm để làm tốt tất cả các công việc chống dịch kể trên, ngược lại, dù chính sách có tốt đến đâu mà lãnh đạo, tổ chức ở cơ sở yếu kém thì mọi công việc sẽ bị đình trệ, và mọi kế hoạch, chính sách sẽ đổ bể.
2. Tham mưu – giúp việc: Trong khi phường/xã và trên đó là quận/huyện là các đơn vị chịu trách nhiệm chính trong tổ chức thực hiện thì các sở-ngành chuyên môn của thành phố đương nhiên phải là đầu mối chịu trách nhiệm tham mưu- giúp việc. Các chính sách chống dịch sai lầm hoặc chậm trễ cho đến nay của thành phố chắc chắn có trách nhiệm không nhỏ của các sở-ngành.
Chẳng hạn, Sở Công Thương/Sở Nông nghiệp phải bị truy hỏi: tại sao lại tham mưu cho TP đóng cửa “cái rụp” gần như toàn bộ hệ thống chợ đầu mối – chợ truyền thống mà không có một phương án thay thế hiệu quả nào (chẳng hạn, cho tiểu thương các chợ đăng ký bán và giao hàng online) trong khi biết hệ thống siêu thị-trung tâm thương mại chỉ cung cấp 30% nhu cầu thiết yếu trong điều kiện bình thường?
Hay Sở Lao động/Sở Thông tin phải bị truy hỏi: tại sao đến tận ngày 2/8 thành phố mới cung cấp số điện thoại đường dây nóng tập trung để hỗ trợ đăng ký/cấp giấy đi đường cho các cá nhân, tổ chức hoạt động thiện nguyện. Trong khi, đáng lẽ ngay từ đầu việc này đã phải được cơ quan tham mưu tính đến. Đáng ra ngay từ đầu thành phố không chỉ phải hỗ trợ đăng ký, cấp giấy thông hành mà còn phải ưu tiên tiêm vắc-xin, xét nghiệm định kỳ, và hỗ trợ điều phối để các tổ chức/cá nhân thiện nguyện hoạt động an toàn, thuận lợi và tìm đến đúng các địa chỉ cần cứu trợ.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều ví dụ có thể lấy ra để cho thấy công tác tham mưu-giúp việc của sở-ngành chuyên môn của thành phố trong thời gian qua là “rất có vấn đề”.
3. Ra quyết định: Trong khi sự yếu kém của việc tổ chức thực hiện ở cấp cơ sở và tham mưu-giúp việc của đội ngũ chuyên viên chỉ gây hệ quả hẹp trong phạm vi hẹp của nó thì những lổ hổng dẫn đến việc ra quyết sách sai lầm hoặc chậm trễ của lãnh đạo thành phố có thể gây ra hậu quả ở quy mô lớn và mức độ nghiêm trọng hơn nhiều. Thời gian qua lãnh đạo thành phố đã tỏ ra cầu thị trong việc trưng cầu, tiếp nhận ý kiến của các chuyên gia độc lập, đây là nguồn bổ sung tri thức quan trọng cho việc ra quyết định điều hành, tuy nhiên từng đó vẫn chưa đủ. Dường như vẫn còn có những lổ hổng lớn trong quá trình ra quyết định của lãnh đạo thành phố.
Ví dụ, ngay quyết sách mà hai ngày nay được cộng đồng rất hoan nghênh là “thành phố lo toàn bộ hậu sự cho người mất vì Covid-19”, cũng vẫn có vấn đề. Ngay sau khi báo chí loan tin về việc này, một bạn FB của tôi – chủ một trại hòm lớn ở thành phố, đã lập tức đặt nghi vấn về tính khả thi của nó.
Câu đầu tiên chị hỏi: “Sao các bác TP.HCM không mời chuyên gia về mai táng tư vấn”? – Rồi hỏi tiếp: “Các bác có các “đối tác” nhận show “to” này chưa? Các trại hòm hầu hết là doanh nghiệp tư nhân nhỏ, cơ sở truyền thống lâu đời, hộ kinh doanh cá thể, nhân lực lao động phổ thông, thời vụ… các bác có chắc bắt buộc được các “trại hòm” làm rồi tiền không biết chừng nào mới quyết toán không?”…
Việc thực hiện quyết sách này có êm xuôi hay không, hồi sau sẽ rõ. Tuy nhiên, ở quyết định này và cả ở quyết sách “3 tại chỗ – 1 cung đường” trước đó dường như đã hé lộ một lổ hổng lớn trong quá trình ra quyết định của thành phố, đó là: “thiếu tiếng nói của các đối tượng bị ảnh hưởng”. Giống việc các doanh nghiệp có lẽ đã không được tham vấn đầy đủ trước khi thành phố áp quy định “3 tại chỗ – 1 cung đường” trước đây, lần này các chủ trại hòm, những người thông thạo nhất, hiểu rõ nhất và cũng là một trong những đối tượng bị tác động nhiều nhất dường như cũng đã không được tham vấn đầy đủ trong quá trình thành phố ra quyết định.
Việc tham vấn, lắng nghe tiếng nói của các đối tượng chịu ảnh hưởng của các quyết sách thực tế không chỉ giúp cho quyết sách trước khi ban có được sự hiệu chỉnh hợp lý, mà quan trọng hơn đó còn là cách để tìm kiếm sự đồng thuận từ các đối tượng thực thi hoặc chịu ảnh hưởng. Sự đồng thuận nếu có được này, trong nhiều trường hợp là yếu tố tiên quyết giúp cho quyết sách được thực thi thành công.
Cuối cùng, mong thành phố sớm vượt qua cơn khủng hoảng đại dịch, còn bà con nhà mình thì nhớ luôn tuân thủ 5K, ngay cả khi đã chích đủ 2 liều vắc xin.
“..Có thể nói không sợ quá lời rằng, mọi sự thành bại trong chống dịch mấu chốt quyết định thực tế nằm phường/xã.” Xem ông “bánh mì” phường ở Khánh Hòa là biết, chưa kể lâu la của ông ta như công an, dân phòng cũng răm rắp làm theo, chẳng những vậy còn ra oai như sếp bu vào nạt nộ hăm dọa người dân!!! Thế nhưng mấy quan lớn ở trên có biết không? Chắc là biết nhưng chẳng làm gì, sống chết mặc bay tiền thày bỏ túi trừ phi cả CĐM lên tiếng!
“những lổ hổng dẫn đến việc ra quyết sách sai lầm hoặc chậm trễ của lãnh đạo thành phố có thể gây ra hậu quả ở quy mô lớn và mức độ nghiêm trọng hơn nhiều.”; “,đó là: “thiếu tiếng nói của các đối tượng bị ảnh hưởng”.”.
-“Ba khâu chống dịch” phải thực hiện theo chu trình sau: 1/Sở ban ngành tham mưu. 2/Lãnh đạo ra quyết định. 3/ Địa phương thực hiện. Sở ban ngành tham mưu cho lãnh đạo đã sai ngay từ đầu, lãnh đạo ra quyết sách theo hướng tham mưu sai của Sở ban ngành. Dù lãnh đạo có tham khảo ý kiến của các chuyên gia trước khi ra quyết sách nhưng quyết sách ra lại chưa tới, nửa vời, làm tới đâu cho sửa tới đó. Ca nhiễm, ca tử vong tăng chóng mặt từng ngày yêu cầu, đòi hỏi quyết sách đưa ra phải luôn đi trước: dự đoán đúng + giải pháp trúng. Do chưa đánh giá đầy đủ những rủi ro xảy ra khi ra quyết sách; đánh giá thì chủ quan, duy ý chí, phi khoa học, quan liêu, xa rời quần chúng dẫn đến hậu quả là tính đến sáng ngày 9-8, số ca nhiễm tại TPHCM là 123,891 ca, số ca tử vong là 2,744 ca, tỷ lệ ca nhiễm trên ca tử vong là 2,744 / 123,891 = 2.215%. Cao hơn tỷ lệ của Thế giới là 4,306,941 / 203,404,278 = 2.117%, của Mỹ là 633,115 / 36,543,231 = 1.733%. Xét về TP, tham mưu sai từ Sở Y tế là nguyên nhân chính đưa đến hậu quả trên .
“Dường như vẫn còn có những lổ hổng lớn trong quá trình ra quyết định của lãnh đạo thành phố.”
Cái này theo tôi là bệnh của cả hệ thống, không riêng gì địa phương nào, đúng là cấp thừa hành tại địa phương có tầm quan trọng cho thành bại của chính sách và bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân, nên cấp thừa hành cần phải giỏi về năng lực vận dụng, và tổ chức thực hiện. Nhưng còn cấp ra chỉ thị cần phải sạch sẽ và có tầm nhìn cả về sách lược và chiến lược trên phạm vi quốc gia, và có hiểu biết cụ thể, có suy luận rành rọt, sắc nét về hiện trạng quốc tế. Cái này thời Ba Đình bù trất, tuyệt đối thầy bói rờ mu rùa, chỉ có cái nhìn từ thời trong hang Pắc Bó, đâu đâu cũng chỉ thấy kẻ thù, hỏi sao đất nước không bấn loạn, người dân không sống trong hoảng hốt thường trực.