4-8-2021
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 — phần 11 — phần 12 — phần 13 — phần 14 — phần 15 — phần 16 — phần 17 — phần 18 — phần 19 — phần 20 — phần 21 — phần 22 — phần 23 — phần 24 — phần 25 — phần 26
Sáng nay đang còn nằm ngủ nướng thì điện thoại của anh bạn điện hỏi thăm đã được chích ngừa chưa? Bạn bảo đang xếp hàng chờ vào mua hàng ở siêu thị chỗ chung cư Rạch Miễu gần nhà. Ra từ 4:30 sáng đã thấy người xếp hàng, đầu tiên là phải theo thứ tự để được hẹn giờ vào mua hàng. Đi sớm thế mà anh được hẹn 9:30. Đúng giờ, anh lại tiếp tục xếp hàng để vào siêu thị. Cũng một hàng dài, giờ đang chờ đây, không biết lúc nào mới đến lượt mình và cũng không biết lúc đấy có còn hàng hoá gì không nữa.
Hình dung ra cảnh anh mô tả, lại nhớ đến Sài Gòn sau 1975, thời bao cấp. Đi mua gạo, mua dầu lửa, mua thịt heo, mua nước mắm… cũng xếp hàng chẳng khác hôm nay. Nhưng bây giờ đang mùa đại dịch, cứ thấy tập trung đông người là ớn lạnh, không biết con virus quái ác đó có luẩn quẩn đâu đây. Cho nên đứng trong hàng người ngoài cái lo có hàng để mua khi đến lượt mình, còn canh cánh nỗi lo sợ lây bệnh.
Trên truyền hình, báo chí lúc nào cũng nghe, cũng thấy nói không thiếu hàng hoá, lương thực, thực phẩm. Hình chiếu lên những gian hàng đầy ắp, trái cây, rau củ tươi ngon, thịt heo, thịt bò tươi rói. Thế nhưng, có qua cầu mới hay, đi sớm, được vào sớm thì còn hi vọng chứ vào trễ thì xem như xong.
Thật sự là hàng hoá không thiếu nhưng cách thức cung ứng đã khiến cho thừa thành thiếu. Khi các chợ không được hoạt động, chị em tiểu thương đã thành lập những nhóm bán qua mạng, qua những trang: Tôi là dân Phú Nhuận, Tôi là dân Gò Vấp, Tôi là dân Bình Thạnh. Họ cũng có những trang chợ trên mạng.
Những tiểu thương này đã có nhiều kinh nghiệm và quen biết những đầu mối hàng hoá, rau củ, thịt thà nên họ có số lượng hàng không nhỏ, đủ cung cấp cho người dân, chủ yếu là cùng quận. Nhưng gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng hoá đến tay người tiêu dùng. Shipper chỉ chạy luẩn quẩn trong quận, ra khỏi quận gặp quá nhiều chốt chận. Mà mỗi chốt có mỗi cách hiểu vấn đề khác nhau, toàn giải quyết theo cảm tính nên mất rất nhiều công sức và thời gian.
Nếu giải quyết được khâu ách tắc này, tin rằng sẽ không còn những cảnh xếp hàng dài chờ đợi và thiếu nguồn hàng như ở các siêu thị được chỉ định. Nhu cầu ăn uống là quan trọng và cấp thiết trong những ngày giãn cách đối với mỗi hộ gia đình, cho nên việc mất quá nhiều thời gian để được mua hàng hoá gây nhiều khó chịu và ức chế trong dân.
Một điểm cần quan tâm nữa là trong các khu nhà trọ, trong những căn nhà thuê, mướn đa số hầu như không có hộ khẩu tại địa phương. Và theo nguyên tắc, họ sẽ không được phát phiếu đi chợ, thế nên họ không được quyền mua hàng như những công dân khác, đó cũng là điều thiệt thòi và bất công. Bởi họ cũng cần ăn, cần được sống như mọi người.
Bạn hỏi tôi về chuyện tiêm vaccine và bạn cũng nôn nao vì vẫn chưa được địa phương gọi chích dù đã làm giấy đăng ký. Bản thân bạn mới trên 50, không nằm trong diện ưu tiên thì cứ nên kiên nhẫn đợi chủ trương của thành phố sẽ chích cho tất cả mọi công dân trên 18 tuổi. Bạn sợ chích trễ thì sẽ bị tiêm thuốc Tàu, tôi bảo đọc báo đi, lãnh đạo thành phố đã nói với dân là chưa tiêm thuốc ấy vì đang chờ thời gian thẩm định. Đọc rồi tin hay không là tuỳ mỗi người nhé.
Nhưng qua đợt tiêm chủng ở thành phố những ngày gần đây, phải công nhận là tốc độ tiêm chủng của thành phố này đã đạt được con số đáng khen ngợi dù trước đó tiến hành và tốc độ có chậm, đôi khi rất rề rà. Đang lúc thiếu nhân lực, dịch bộc phát dữ dội, người nhiễm và người chết cao nhất cả nước, bị hạn chế về nhiều mặt trong việc hỗ trợ từ trung ương nhưng tốc độ tiêm chủng trên 100.000 liều một ngày là điều chứng tỏ sự nỗ lực rất lớn.
Theo ông Phó Chủ tịch thành phố Dương Anh Đức cho biết, Bộ Y tế cho phép TP Hồ Chí Minh tháo gỡ một số vướng mắc để tăng tốc tiến độ tiêm vaccine. Trong đó, Thành phố tổ chức tiêm chủng cho tất cả các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, nhưng vẫn duy trì ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền và đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm vaccine.
Ông Dương Anh Đức còn cho biết, trước đây, TP Hồ Chí Minh yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký đúng đối tượng được tiêm, nhưng lần này Thành phố không giới hạn đối tượng tiêm vaccine. Tất cả người dân đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh trên 18 tuổi đều được tiêm vaccine. “Việc tổ chức tiêm không quá ràng buộc vào các đối tượng nữa mà quan trọng chúng ta phải tiêm để tạo độ bao phủ nhanh. Các quận, huyện và thành phố Thủ Đức sẽ có nhiệm vụ tổ chức tiêm sao cho phù hợp, quy củ để cho việc tiêm vaccine này được kết thúc nhanh nhất có thể“.
Với việc mở rộng đối tượng được tiêm chủng, phấn đấu đến cuối tháng 8/2021, có khoảng 70% dân số thành phố (trên 18 tuổi) được tiếp cận vắc xin mũi 1. Đó là con số cần thiết để sớm ngăn chận sự bùng nổ của dịch bệnh. Tuy việc đăng ký và tổ chức nơi này nơi khác cũng còn một số điểm phải khắc phục, nhưng trong nhiều khó khăn về địa điểm, về nhân lực, về việc phân phối thuốc, thành phố đã tổ chức được việc tiêm chủng như những ngày gần đây là một nỗ lực đáng khen.
Được tiêm chủng càng sớm càng tốt là mong đợi thiết tha và chính đáng của người dân. Được chọn lựa và yêu cầu được chích loại thuốc mà mọi người tin tưởng cũng là một yêu cầu chính đáng không có gì phải bàn cãi. Nhiều người cứ cho rằng trong lúc đói thì không nên chọn lựa, phải giải quyết cơn đói trước đã. Thưa rằng chuyện đói và chuyện sinh mạng khác nhau. Khó có thể thuyết phục người ta chọn lựa thứ thuốc người ta không tin tưởng, cũng khó mà cưỡng ép khi người ta chưa thông.
Vaccine rất cần, cần lắm và ai cũng nhận thức điều đó. Nhưng cần, không có nghĩa là chấp nhận bất cứ thứ gì được ban phát. Dân có quyền được chọn lựa và họ tin tưởng và trách nhiệm với sự chọn lựa của mình. Nếu toàn quốc đều chích một loại thuốc giống nhau, mọi người, mọi tầng lớp đều tiêm chủng chỉ một loại thuốc, lúc đó sẽ không còn tranh cãi về việc chọn lựa. Lúc đó mới gọi là công bằng và bình đẳng.
***
Những ngày qua, đã có nhiều clip rất cảm động, rất đẹp lòng của nhiều cá nhân, tổ chức và có cả lực lượng công an, dân phòng ở các chốt xuất hiện trên mạng xã hội.
Một chị ở Phan Thiết dù chẳng giàu có gì, đem 120 triệu ra phân phát cho những người đi xe máy về quê.
Một người già gốc Quảng Nam bỏ tiền túi thuê hai chuyến bay cho những người đồng hương được về nhà.
Một anh đem chiếc SH của gia đình tặng cho một cậu shipper bị mất xe.
Hai vợ chồng đội mưa, chạy trên chiếc xe gắn máy đem cơm cho những người sống ở vỉa hè.
Một anh cảnh sát giao thông mở đường cho một sản phụ đi sinh.
Diễn viên Quyền Linh xông pha khắp chốn hỗ trợ cho người nghèo.
Những nhà hảo tâm đến với bốn người thợ xây dựng gốc Thanh Hoá đói ăn, chỉ ăn được mì tôm đã hai tuần vì thất nghiệp, không còn tiền và phương tiện về quê.
Một lời kêu gọi giúp cho một cô sinh viên bị mất cha không tiền mua quan tài để tiến hành tang lễ.
Và còn nhiều, nhiều lắm những cảnh đời và những vòng tay yêu thương mở ra trong cơn ngặt nghèo giữa đại dịch.
Cũng không thiếu những người giàu có lặng lẽ bỏ tiền giúp cho các bệnh viện có thêm máy thở, thêm thuốc men để chữa bệnh. Tất cả đều âm thầm, lặng lẽ làm, không khoa trương, không khoe khoang. Nhưng mọi người đều thấy rõ tình đồng bào của họ. Mọi người tri ân và vô cùng biết ơn.
Người Sài Gòn vốn rạch ròi, khí khái và trọng ơn nghĩa, sẽ không bao giờ quên ơn những người đã giúp mình. Bàn tay chìa ra lúc khó khăn có giá trị biết bao lần. Tấm lòng mở ra đúng lúc đem lại niềm vui và hạnh phúc cho biết bao người.
Lãnh đạo từ trung ương đến thành phố và đặc biệt là ở thành phố đã nhìn thấy những quyết định không hiệu quả và quyết tâm thay đổi. Đã thấy xịt khuẩn là chuyện vô ích. Đã thấy không nên chú ý đến con số người dính bệnh mà tập trung để giảm con số tử vong. Đã biết chọn lựa, phân biệt và đưa ra hướng giải quyết cho những F0 có triệu chứng và không triệu chứng để giảm tải cho các khu điều trị và bệnh viện. Giải phóng các khu cách ly, tránh tập trung những đối tượng F1. Giảm gánh nặng cho lực lượng y tế đã đến hồi kiệt sức.
Tin rằng với những thay đổi và có cách nhìn mới về biện pháp ngăn chặn dịch và nhanh chóng hoàn tất việc tiêm chủng toàn thành, thành phố sẽ sớm hồi phục.
Mong lắm Sài Gòn ngày bình phục. Mong lắm những ngõ hẻm, vùng sâu của thành phố này không còn ai phải đói. Mong lắm ngày Sài Gòn không còn cảnh khóc thương đưa tiễn người ra đi vì dịch bệnh. Mong chỉ viết về niềm vui và hân hoan chứ không còn những lời than đau đớn.
Và cũng mong một ngày rất gần, người Sài Gòn lại có nụ cười, cầm tay nhau, hôn nhau mà không còn e ngại con virus khốn nạn nữa.
_____
Một số hình ảnh:
Không cần đến những thứ gọi tên là lời có cánh, hay những loại thông điệp huênh hoang tô vẽ che giấu âm mưu, Những cử chỉ hết sức đơn sơ và chân thật ở trên các tấm hình đã nói lên tất cả tấm lòng của những người tâm niệm được lời bài học đối nhân xử thế của cha anh để lại : Miếng khi đói bằng gói khi no, của tuy tơ tóc nghĩa so ngàn vàng, hay Thi ơn bất cầu báo. Chính những hình ảnh này cho chúng ta hy vọng người Việt chân chính mãi mãi sẽ không bao giờ bị “tàu hóa” như âm mưu của ngọai bang phương bắc, qua cửa ngõ “ba đình” áp đặt xuống phương Nam