26-7-2021
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã kết thúc, bài cũng được chấm xong, nhiều tỉnh đã gửi kết quả về bộ chủ quản. Thi cử là chuyện hằng năm nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của cộng đồng dân chúng, nhất là của thí sinh và những nhà có con đi thi, dù thi cử ở xứ này càng ngày càng… tệ.
Môn thi được người ta để ý nhiều nhất là môn văn. Kể cũng lạ, văn chỉ hoa lá cành chứ không thiết thực cụ thể như mấy môn toán lý hóa ngoại ngữ, vậy mà điểm thi môn văn luôn thu hút sự tò mò của đám đông. Có lẽ mấy môn kia chấm đã có ba rem, cái mức cái mực rõ ràng, khó mà lệch trật được.
Còn văn thì, hì hì, hay dở cao thấp phần nhiều do thầy cô chấm. Lệch vài ba điểm là chuyện thường. Thầy này cho điểm 10, cô kia bảo chỉ trung bình, có khi đỏ mặt tía tai cãi nhau như mổ bò. Tôi từng dạy văn 2 chục năm nên thấu hiểu điều này. Tuy nhiên cũng phải nói, văn hay-dở thì bộc lộ ngay từ chữ từ dòng đầu tiên, vấn đề hay tới mức nào thôi.
Vừa rồi, báo chí nói nhiều về bài văn được điểm 10 của một thí sinh ở Quảng Nam. Khen nức nở, thậm chí còn dẫn lời ông giám đốc Sở GD trầm trồ nếu có thang điểm trên 10 cũng không ngần ngại cho thêm… vài điểm. Khiếp. Có nhẽ cậu ni giỏi thật, văn siêu. Báo Tuổi Trẻ còn ca ngợi cậu học giỏi văn tới mức chính cậu xin cô giáo cho… dạy các bạn trong tiết văn, và cô cũng đồng ý. Tôi thấy điều này hết sức bậy. Giỏi mấy thì giỏi nhưng cho một học trò không có nghề được đứng lớp thì có mà loạn trường học. Có phải trường Dục Thanh đâu mà ai cũng dạy.
Muốn biết bài văn có hay không, xứng đáng điểm 10, điểm tuyệt đối, hết chê, hết sảy con bà bảy… không, cần phải công bố rộng rãi cho công chúng đọc, nhất là những thầy cô dạy văn, người am hiểu văn học, người làm văn chương. Họ có nghề, có kiến thức, có máu văn chương, họ dễ đồng cảm với tác giả bài văn hơn. Và nhất là họ không bị chi phối bởi bệnh thành tích.
Dạo trước năm 1975 ở miền Bắc, ngoài các kỳ thi hết lớp 10 tốt nghiệp cấp 3 (THPT bây giờ), thi học sinh giỏi lớp 7, thi đại học, mỗi năm còn có kỳ thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Tỉnh thành nào cũng có lớp chuyên văn luyện gà nòi đi đá với gà bạn. Thi cấp huyện, cấp tỉnh thành, chọn những đứa giỏi nhất thi cả nước (thực ra chỉ tính tới vĩ tuyến 17, cứ gọi cả nước cho oai). Lọt vào top 3, giải nhất, nhì, ba văn toàn miền Bắc thì hãi lắm, vua biết mặt chúa biết tên, không khác chi trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa xưa.
Những bài văn đoạt giải, thậm chí cả giải khuyến khích, được Bộ Giáo dục hoặc Bộ Đại học cho xuất bản thành sách. Một thời gian dài, đó là những cuốn sách gối đầu giường của đám học trò, còn hơn cả Thép đã tôi thế đấy, Lôi Phong, Sống như anh… Nhiều đứa thuộc những bài có cách viết độc đáo. Tên tuổi những Nguyễn An Định, Trần Nho Thìn, Đỗ Tương Như, Nguyễn Văn Thạc, Cao Vũ Trân, Đoàn Đức Phương, Vũ Đức Nghiệu… cứ sáng lòa lòa. Học tập và làm theo mấy tấm gương ấy cũng đủ mệt, cần chi gương khác.
Phải công nhận họ có khiếu văn chương, không như đám đông cứ mở bài là “dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của ta”, kết luận thì “là một học sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, em nguyện đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tổ quốc cần”, trăm bài như một. Nói một cách công bằng, những bài văn hạng đỉnh kia, nhiều bài vẫn không thoát ra khỏi thứ tư duy gò bó, tình cảm đóng hộp, loanh quanh trong chủ nghĩa anh hùng cách mạng, yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, cuộc sống mới và con người mới, tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình, hiện thực cách mạng và lãng mạn cách mạng, Tố Hữu và Hồ Chí Minh…
Không bay vụt lên được. Nếu có hay, chỉ hơn ở cái tình của người viết, và cách viết. Tôi còn nhớ anh Cao Vũ Trân cùng khóa với tôi, ảnh làm bài thi thật khác biệt, trong khi học trò cả miền Bắc cắm cúi “dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước…” thì ảnh viết một lá thư gửi bạn Cuba, thể hiện tâm trạng thong dong “ao trường vẫn nở hoa sen/bờ ao vẫn chú dế mèn vuốt râu” (thơ Trần Đăng Khoa) năm đánh Mỹ, đoạt luôn giải nhất. Hầu như ai đọc cũng thích, kể cả người khó tính.
Vậy thì, những bài văn điểm tuyệt đối của cậu học trò xứ Quảng kia, của 2 thí sinh nữa người Thừa Thiên-Huế và Tiền Giang đạt điểm 10, ỡm ờ làm chi, bộ nên lập tức cho đăng thẳng lên mạng internet để mọi người cùng thưởng thức. Xưa chưa có mạng thì phải chờ in thành sách, nay 4.0 còn dấm dúi làm chi. Đừng để phát lộ như bài văn của thủ khoa trường sư phạm ở Sài Gòn năm ngoái, đọc xong cứ tưởng của người bị tâm thần hoặc tẩu hỏa nhập ma lý luận viết ra.
Thông cào (người sém đoạt giải khuyến khích đất cảng năm 1969 (lớp 7), được thưởng cái bút Con trâu dùng 3 năm mới hỏng)
Ngôn ngữ là tín hiệu để con người giao tiếp quan hệ nhau thuở sơ khai. Sinh vật nào cũng có nhu cầu và chức năng đó, càng cao cấp càng phức tạp, mà con người là cao nhất, phức tạp nhất.
Khi ngôn ngữ được tín hiệu hoá thành chữ rồi văn- chỉ có nơi con người phát triển, cao hơn các bộ tộc hoang dã xa ánh sáng văn minh, thì văn là hình thái khó hấp thụ nhất để diễn đạt ý thức và thực tế cuộc sống.
Từ đó, văn chương được xã hội xem là chuẩn mực của giá trị tinh thần, được coi trọng hơn võ; dù võ chính là yếu tố tạo nên quyền lực thuở ban sơ của loài người.
Bởi thế các xã hội nghìn xưa lấy thi cử văn chương làm công cụ sàng lọc để tuyển chọn người tài cầm quyền cai trị, song hành với võ nghệ, nhưng lại giành quyền lãnh đạo phái võ biền.
Văn võ, chứ không nói võ văn.
Hiện tượng sùng văn chương không chỉ xảy ra ở Á Đông, mà cả Âu châu cổ đại cho tới thời kỳ Phục Hưng, và chỉ nhượng bộ khoa học kỹ thuật thời hiện đại. Và chính thời nầy, văn chương dần bị loại trừ khỏi nguyện vọng giới trẻ ở học đường, thi cử; hiếm hoi có những tinh hoa văn học, và đã giảm đi chất lượng so với các thành quả văn học thời xa xưa…
Tóm lại, văn là môn khó nhất trong tất cả các môn ở học đường.
Vì khó nên môn văn bị hs ghét, sợ, tránh né, học một cách miễn cưỡng
Vì khó nên ngày càng ít người theo học ban văn và văn chương nói chung.
Vì thế sư phạm môn Văn bị chê, phải lấy điểm đầu vào và đầu ra đều thấp mới đáp ứng nhu cầu số lượng thầy cô giảng dạy; từ đó chất lượng giáo sinh thấp, giáo viên tốt nghiệp cũng thế.
Thầy nào trò nấy là hậu quả tất yếu. Và tương tác biện chứng diễn ra hàng năm: trò nào thầy nấy; ngày càng trầm trọng, thành một vấn nạn nhức nhối và bế tắc.
~~~
Liên hệ thực trạng trên với miền Nam trước 30/4/75.
Ban C (ban Văn chương sinh ngữ) và D (văn chương cổ ngữ) thời VNCH trào TT NĐD niên khoá 1959-1960 trở về trước, theo trải nghiệm bản thân, cũng gặp những khó khăn đặc trưng của môn văn chương. Nhưng chế độ thi cử tại miền Nam trước 30/4/75 rất gắt gao, không chạy theo chỉ tiêu áp đặt bởi Bộ QGGD; không có tuyên giáo trung ương đặt hàng theo yêu cầu chính trị.
Tỷ lệ đậu các kỳ thi TH đệ Nhất cấp, Tú Tài 1 và TT 2 chỉ hoạ hoằn 20% trở xuống, thường chỉ 17 – 18%; càng lên cao càng khốc liệt.
Riêng ban C đậu thấp khủng khiếp. 72 thí sinh ban C đậu đợt thi viết được 12 người; vào vấn đáp rớt thêm 3, chỉ còn 9/73. Cứ làm bài toán chia sẽ rõ tỷ lệ đậu. Đó là niên khoá 1959-1960 tại Quốc Học Huế, mà bản thân trải nghiệm.
Ban C không mấy người dám theo, vì học khó, thi khó, rớt như sung rụng.
Cả trường Quốc Học Huế, (không kể khối đệ tam, đệ nhị đàn em) gồm 18 lớp Đệ Nhất (12 bây giờ) ban B toán, 17 lớp ban A khoa học thực nghiệm, toàn con trai, thì chỉ có 2 lớp Đệ Nhất C, sĩ số chỉ có 36 hs/lớp, duy nhất gồm cả nam+nữ; nữ là từ học sinh lớp Đệ Nhất C Trung học Đồng Khánh gửi qua “nhờ” dạy, vì họ không thể mở lớp ban C, do không đủ sĩ số.
Nội dung và trình độ yêu cầu dạy và học môn Văn thời nầy cũng rất khác với tại miền Nam sau 30/4/75. (Tôi không biết gì về miền Bắc)
Đơn cử bậc Trung học đệ Nhất cấp (1954-57): vừa rời bậc tiểu học, hs lớp đệ Thất (=lớp 6) đã học các tác phẩm Văn học như Vè, Lục súc Tranh công, Bích Câu Kỳ Ngộ…(lâu quá không còn nhớ nổi); phải thuộc lòng thơ và làm luận có dẫn chứng. Lớp đệ Lục tôi quên khuấy!
Lớp đệ Ngũ (8) học Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn/Đoàn Thị Điểm dịch, thơ Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Tú Xương…;
và phải làm văn nghị luận luân lý và nghị luận văn chương.
Lớp đệ Tứ (9) học Truyện Kiều, Cung oán Ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, các tác phẩm của Tôn thọ Tường, Phan văn Trị; văn xuôi “Lời khuyên học trò” của Nguyễn Bá Học, “Giao lại Tuổi thơ” của Xuân Diệu, “Bình Ngô Đại cáo” của Nguyễn Trải…
và phải đọc thêm ở nhà nhiều sách “luận đề” do các học giả, nhà văn biên soạn bán ở các tiệm sách để tham khảo các cách hành văn đa dạng, hổ trợ khả năng làm hoàn chỉnh những bài nghị luận văn chương có dẫn chứng thơ, văn xuôi đã thuộc lòng; chuẩn bị cho kỳ thi Tốt nghiệp TH Đệ Nhất cấp, tức phổ thông cơ sở sau 75.
~~~
Một câu hỏi đặt ra: tại sao văn chương lại khó?
Từ đâu ra những người giỏi văn, và có thể từ đó có thể có những nhà văn (?).
Không ai dám lý giải hiện tượng nầy.
Hãy thử tò mò tìm hiểu.
Theo mô hình của Enneagram, các loại tính cách con người gồm người tình cảm, người tham vọng, cá tính, lý trí, trung thành, nhiệt tình, mạnh mẽ, ôn hoà.
Để không lao vào triết tâm lý học rối rắm, ta tạm qui ra cho đơn giản…
Từ thuở đầu cha mẹ sinh, lớn lên… con người đã có những tâm hồn, tâm lý bẩm sinh…
thực dụng, thực tế, mộc mạc, rõ ràng…
hoặc là mơ mộng, lãng mạn, phức tạp…
-Bẩm chất và cơ địa tâm hồn loại thứ nhất sẽ thích nghi với khoa học thực nghiệm, tính toán, logic thực dụng…
-Loại nói sau lọt vào những người mơ mộng, giàu tưởng tượng, thích tư duy trừu tượng, bay bổng sáng tạo…thích hợp với văn chương nghệ thuật…
Đó chỉ mới là cơ địa bẩm sinh.
Môi trường xã hội, chế độ giáo dục ràng buộc bởi mục tiêu chính trị của nó sẽ quyết định những con người đó sẽ thui chột, còm cỏi…hay thăng hoa, phát triển và sáng tạo trong lãnh vực họ được rèn luyện.
Văn học từ nền giáo dục khai phóng sẽ nở hoa trong các tác phẩm văn học nghệ thuật khi học sinh trở thành công dân trong chế độ tự do dân chủ tuỳ ý phát triển, du học, lượm hái kiến thức 10 phương.
Tự điển LaRousse có in trên bìa hình một phụ nữ cầm bông hoa có những cánh hoa đang bay, với dòng chữ Je sème à tout vent (Tôi gieo rắc theo mọi làn gió- nghĩa là khắp nơi, bốn phương, không chỉ ở nước Pháp quê hương của LaRousse)
Hình tượng logo phản ánh nền học thuật khai phóng, tự do, nhân bản… không bị kiểm duyệt bởi tuyên giáo trung ương hay TTTT !
Từ tấm bé ở bậc TH đệ Nhất cấp, học sinh non nớt cần phải bắt chước cách hành văn của người lớn, trong sách truyện, trong ca từ của các bản nhạc, là lẽ tất nhiên.
*Khuyến khích đọc sách là cả một chiến lược quốc gia. Nền văn hoá giáo dục nào không tạo được cảm hứng cho thế hệ trẻ làm điều này mà có được nhiều những nhà văn cự phách…là chuyện thần thoại!
Thuở nhỏ, hs miền Nam xưa đọc say mê hàng chục tiểu thuyết của Tự lực Văn đoàn: Nhất Kinh, Khái Hưng, Thạch Lam, Thế Lữ, Nguyễn thị Vinh, Hoàng Đạo, Nguyễn Tuân, Tú Mỡ, Xuân Diệu…
Ngấu nghiến cả tiểu thuyết ba xu của bà Tùng Long, Liêu trai Chí dị của Bồ Tùng Linh, kiếm hiệp của Kim Dung…xen lẫn sách Học làm người của Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê…
Và sách từ kho tàng những Truyện dịch các tác phẩm của Victor Hugo, Jack London, Earnest Hemingway, Jules Verne…
Kể ra không xuể, và xin nhấn mạnh, đây là đam mê của cậu học sinh lớp đệ Tứ.
Lên thời kỳ sắp phải thi tú tài 1 và 2 thì không còn thì giờ để đọc sách bá vơ như vậy nữa!
Tôi nghĩ đó là lý do để không sợ văn, dốt văn.
Không biết cách nào mầu nhiệm hơn…
Với tấm gương sáng ngời của “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” thì việc dân ta không tin tưởng vào những người chấm bài cũng không phải là chuyện lạ.