21-7-2021
Việt Nam đã cam kết sẽ không hạ giá đồng tiền của mình để tạo lợi thế một cách không công bằng cho các nhà xuất khẩu khi tìm cách xoa dịu căng thẳng về thặng dư thương mại ngày càng gia tăng với Hoa Kỳ.
Năm ngoái chính quyền Trump đã gán cho Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, và đe dọa áp đặt thuế quan sâu rộng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Chính quyền Biden đã đảo ngược chỉ định “kẻ thao túng” vào tháng 4, nói rằng họ không tìm được đủ bằng chứng cho thấy quốc gia này đang thao túng tiền tệ của nước mình, nhưng vẫn chưa hoàn thành quy trình có thể dẫn đến việc áp thuế.
Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã tăng cường tập trung vào Việt Nam khi nước này đã vươn lên; chỉ trong vòng một thập kỷ qua, từ một đối tác thương mại nhỏ trở thành nguồn nhập khẩu thứ 6 của Hoa Kỳ, chỉ sau Trung Quốc, Mexico, Canada, Nhật Bản và Nước Đức.
Việt Nam đã trở thành nguồn cung cấp đồ nội thất, thủy sản, máy tính, điện tử, may mặc và giày dép chính cho Hoa Kỳ.
Trong một tuyên bố chung hôm thứ Hai, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết: Ngân hàng Trung ương của Việt Nam nhắc lại rằng trọng tâm của khuôn khổ chính sách tiền tệ là thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Theo bản tuyên bố, Ngân hàng Trung ương Việt nam đã đồng ý cho phép đồng bạc Việt Nam di chuyển “phù hợp với tình trạng phát triển của thị trường tài chính và ngoại hối, và các nền tảng kinh tế”, Việt Nam cam kết không hạ tỷ giá hối đoái để tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu của mình.
Việt Nam cũng sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cần thiết cho Bộ Ngân khố (Mỹ) để tiến hành phân tích kỹ lưỡng và báo cáo về các hoạt động của Việt nam trên thị trường ngoại hối, như một phần trong báo cáo tiền tệ thường xuyên của Bộ Ngân khố cho Quốc hội Hoa kỳ.
“Tôi tin sự quan tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với những vấn đề này, theo thời gian, không những sẽ giải quyết những lo ngại của Bộ Tài chính (Mỹ), mà còn hỗ trợ sự phát triển hơn nữa cho thị trường tài chính Việt Nam, và nâng cao khả năng phục hồi tài chính và kinh tế vĩ mô của nước Việt.” Bà Yellen đã cho biết như vậy trong tuyên bố.
Vào tháng 12 năm ngoái, Bộ Tài chính thuộc chính quyền Trump cho biết Việt Nam đã liên tục can thiệp vào thị trường ngoại hối một chiều để hạn chế sự tăng giá của đồng bạc, và cũng đã tìm cách đạt được lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế thông qua việc lèo lái tỷ giá hối đoái.
Chính quyền Biden đã xóa nhãn (lèo lái) đó vào tháng 4, nhưng cho biết sẽ tiếp tục thảo luận với các quan chức Hà nội về các chính sách kinh tế và tiền tệ của Việt nam.
Trong tuyên bố hôm thứ Hai, bà Yellen và bà Hồng cho biết Hoa Kỳ và Việt Nam, là “đối tác đáng tin cậy với tình hữu nghị dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau,” và xác nhận họ đã cam kết duy trì hợp tác chặt chẽ giữa hai định chế.
Bà Hồng cho biết Ngân hàng Trung ương của Việt Nam sẽ tiếp tục quản lý tỷ giá hối đoái của mình “để bảo vệ hoạt động đúng đắn của thị trường tiền tệ và ngoại hối, thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, không tạo ra lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế.”
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai khen ngợi thỏa thuận và cho biết văn phòng của bà cũng sẽ giám sát việc Việt Nam thực hiện các cam kết.