Trái đất đang trải qua thời kỳ đầy biến động, và đó chỉ mới là sự khởi đầu

Nguyễn Ngọc Huy

18-7-2021

Tôi cố gắng để hạn chế việc phân tích và đưa những thông tin cực đoan trong bối cảnh ai cũng đang lo lắng về đại dịch Covid. Nỗi lo của chúng ta đôi khi đang rất gần đó là sẽ ăn gì vào tối nay; ngày mai sẽ còn tiền để mua các nhu yếu phẩm hay không. Giai đoạn này thật sự là một thời khắc khó khăn với đa số mọi người.

Tuy nhiên, việc biết được những gì đang diễn ra, tiên đoán những gì sắp tới để có kế hoạch dài hạn cho mình là điều cần thiết. Chính vì vậy, thông tin có thể khiến chúng ta lo lắng hơn. Nhưng, lo không thôi thì không đủ. Chúng ta cần biết, cần có dự định cho kế hoạch ngắn hạn và dài hạn của mình. Lo thôi! đừng lo quá!

Trong dịp cuối tuần này, hai quốc gia Châu Âu là Đức và Bỉ đang chịu đựng đợt lũ lụt lịch sử chưa từng có. Lũ lụt đã khiến 155 người Đức và 27 người Bỉ thiệt mạng chỉ trong 2 ngày qua. Con số này chưa dừng lại vì có đến hơn 1500 người đang mất tích.

Nước lũ gây sạt lở ở Đức. Ảnh trên mạng

Tôi tự hỏi sao kỳ quặc thế? Làm gì mà có đến hàng trăm người chết vì lũ lụt ở 2 quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới? Không thể phủ nhận họ có hệ thống cơ sở hạ tầng, nhà cửa kiên cố, họ có hệ thống cảnh báo thiên tai chính xác và thông minh số 1 thế giới. Sao lại như thế nhỉ? Câu trả lời là MƯA LỤT TRÁI MÙA và LƯỢNG MƯA LỚN CHƯA TỪNG THẤY.

Khi tìm hiểu về mùa lụt ở Đức, tôi thấy rằng vùng Cologne và biên giới giáp Bỉ có mùa mưa lũ từ tháng 12 cho đến tháng 4 năm sau. Năm nay, lụt bất ngờ vào giữa mùa hè và lũ lớn quá. Người dân chủ quan và trở tay không kịp với một lượng mưa quá lớn mà không hạ tầng nào chịu nổi.

Cách đây 2 tuần, Canada đối diện với đợt nắng nóng kinh hoàng. Ở một vùng ôn đới hầu như chỉ biết đến tuyết rơi và những mùa hè mát mẻ thì năm nay nhiệt độ khí tượng đột ngột tăng lên 49.6 độ C. Lưu ý, đó là nhiệt độ khí tượng được đo cách mặt đất 2m. Nhiệt độ thực tế ở môi trường có thể cao lên 60 độ C. Với mức nhiệt này, hơn 700 người ở Canada đã thiệt mạng vì nắng nóng.

Nóng kinh hoàng 49.6 độ C ở Canada. Ảnh: BBC

Và trong lúc này, ở Madagascar, một quốc đảo của Châu Phi đang phải trải qua tình trạng hạn hán kinh hoàng kéo dài hơn 1 năm nay. Báo cáo của Liên hiệp quốc nêu rõ: hơn 400.000 người đang rơi vào cảnh thiếu nước uống và thiếu lương thực. Đã có nhiều người chết vì đói và tình trạng hạn hán chưa có dấu hiệu dừng lại. Liên hiệp quốc cũng yêu cầu các quốc gia viện trợ khoản tiền hơn 70 triệu USD để cứu đói và cứu khát khẩn cấp cho quốc gia này.

Người dân Madagascar đối diện với hạn lịch sử khốc liệt nhất trong vòng 4 thập kỷ gần đây. Ảnh trên mạng

Nhưng nước xa thì không cứu được lửa gần và tiền cũng không mua được nước khi xung quanh không còn giọt nước nào để mua. Điều tồi tệ hơn, thiên tai rơi đúng vào lúc dịch bệnh đang bùng phát dữ dội. Đó là khủng hoảng kép mà loài con người, từ già đến trẻ, từ giàu đến nghèo đều đang phải đối mặt.

Thật điên rồ. Có những nơi nước không có để uống, và có những nơi mưa ngập cửa ngập nhà. Mưa và nắng vốn dĩ là hiện tượng tự nhiên từ xưa đã hình thành quy luật. Giờ đây, cái quy luật đó đang bị phá vỡ và trái đất đang ở một thời kỳ biến động khó lường. Và như thế, những dự báo xa của tôi có thể sẽ giảm đi phần chính xác.

Tôi vẫn thường hay nói về kịch bản biến đổi khí hậu, cố gắng đề cập đến nó một cách nhẹ nhàng. Nhưng tôi nhận ra, sự đề cập nhẹ nhàng đó có thể khiến chúng ta chủ quan và không thấy rõ được các rủi ro của hiện tại và tương lai. Đột ngột, Bất ngờ và Không theo quy luật là những điều dễ thấy nhất hôm nay và có thể trong tương lai. Những biến động đó mới chỉ là sự bắt đầu cho những chuỗi biến động cực đoan hơn trong tương lai.

Những bài sau tôi sẽ viết thêm về nguyên nhân, giải pháp và chúng ta cùng nhau có thể làm gì.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây