Con kiến leo cành đa…

Lưu Trọng Văn

18-7-2021

Theo nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với tỉnh miền núi, vùng cao quy mô dân số đạt chuẩn 900.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 8.000km2 trở lên. Đối với các tỉnh còn lại phải đạt chuẩn quy mô dân số 1,4 triệu người trở lên, diện tích tự nhiên từ 5.000km2 trở lên.

Đối với các thành phố trực thuộc trung ương quy mô dân số đạt chuẩn là 1,5 triệu người trở lên, diện tích tự nhiên đạt 1.500km2 trở lên.

Xét theo tiêu chuẩn này khoảng 20 tỉnh sẽ phải bị xáo trộn vì sáp nhập hoặc mở rộng.

Đó là Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, TP Đà Nẵng, Ninh Bình, TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Thái Bình, Nam Định do không đạt chuẩn về diện tích.

Đó là Bắc Kạn, Lai Châu, Lao Cai, Điện Biên, Ninh Thuận, Cao Bằng, Kon Tum, Đăk Nông, Quảng Trị vì không đạt chuẩn dân số.

Tiêu chí để xác định một tỉnh là diện tích và dân số là điều không thể hiểu nổi với thời đại 4.0 cùng chuyên môn hoá và phân công hoá hiện nay.

Lai Châu diện tích quá lớn đã phải tách ra Điện Biên để “dễ quản lý hơn”. Bây giờ có khi lại nhập lại để cho đủ dân số.

Đúng là con kiến lại leo cành đa…

Để xảy ra tình trạng không ổn định, hết nhập lại tách lại nhập, gây tốn kém khủng khiếp tiền mồ hôi nước mắt của dân mà hiệu quả đã rõ và chắc chắn vẫn sẽ là vô ích là do trình độ quản trị quốc gia quá kém và chất lượng QH quá non không có thước đo chuẩn mực nào hết.

Lấy tiêu chí diện tích và số dân của mô hình quản lý cũ đã lạc hậu để áp chuẩn cho xác lập địa lý hành chính hôm nay và cho cả tương lai là điều khó chấp nhận được.

Tư duy phát triển hiện đại vẫn giữ bản sắc văn hoá riêng hôm nay và tương lai phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng dân cùng chất lượng thể chế, chứ không phải số lượng dân, cũng như phần nào phụ thuộc chất lượng tài nguyên đất chứ không phải diện tích đất.

Một đất nước phát triển không hề phụ thuộc quy mô quốc gia, tỉnh theo diện tích và dân số thế nào, mà hoàn toàn phụ thuộc quy hoạch kinh tế quốc gia với chuỗi kinh tế vùng-đa trung tâm-đa mũi nhọn và chất lượng nhà quản lý cùng mô hình quản lý dân chủ, sáng tạo và hệ thống luật pháp tiên tiến.

Việc làm đầu tiên của QH và CP là phải thiết kế được từng thế mạnh dựa trên tiềm năng vùng, tài nguyên vùng, vị trí địa lý vùng, bản sắc vùng, thế mạnh dân cư vùng để quy hoạch thế mạnh kinh tế vùng liên kết đa trung tâm, đa mũi nhọn ngành nghề, công nghệ.

Trên đường ray của định hướng phát triển này mới sắp xếp tính toán các tiêu chí mô hình quản lý hành chính các tỉnh, huyện, thành phố phù hợp kinh tế phát triển vùng, đa trung tâm, đa mũi nhọn công nghệ đã xác lập.

Ví dụ, vùng chỉ trồng rừng và làm giàu từ tài nguyên rừng thì quy hoạch vùng liên kết các tỉnh có đất đai rừng và dân cư thích hợp trồng và bảo vệ rừng thì cần gì dân cư đông?

Các nhà quản lý đã đi ngược quy trình quản lý hiện đại mà cái đích là phát triển kinh tế, xã hội.

Với tầm nhìn nhăm nhăm xây dựng mô hình quản lý theo diện tích và số dân, kiến nghị của Bộ Nội vụ về sáp nhập tỉnh là một bước lùi chứng minh sự yếu kém trước những thay đổi toàn diện của thế giới theo mô hình quản lý mềm với công nghệ 4.0 lấy hạt nhân là chất lượng dân và chất lượng nhà quản lý.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Sau 75, nhập tỉnh …. không hiệu quả… tách tỉnh (trả về ranh giới thời Pháp) … nay nhập tỉnh. Chẳng qua ểể .. kinh doanh …. ngân sách !

Comments are closed.