Sài Gòn ngày phong tỏa thứ tư: Nỗi lo còn đó

Đỗ Duy Ngọc

13-7-2021

Tiếp theo phần 1 — phần 2phần 3

Tôi vốn là người lạc quan, trong những tình huống ngặt nghèo nhất của cuộc đời tôi vẫn luôn vững lòng tin. Khi Sài Gòn bùng phát dịch và trải qua những chuỗi ngày giãn cách và phong toả thành phố, tôi vẫn tin thành phố sẽ qua được cơn bệnh nặng, sẽ trở lại sinh hoạt bình thường trong thời gian sớm nhất. Thế nhưng, với những tin tức dồn dập mấy hôm nay, tôi lại lo.

Trước tiên là cách thức và các biện pháp của chính quyền để đối phó với dịch bệnh. Hình như càng ngày càng rối. Bác sĩ Trương Hữu Khánh, người lâu nay thường trả lời thắc mắc về virus Vũ Hán cho dân Sài Gòn, bây giờ đã phải thốt lên: “Cuộc chiến này đúng là khốc liệt , khi nhìn khuôn mặt tất cả nhà quản lý đều thấy sự lo toan đến phờ phạc“.

Đúng, các lãnh đạo đang lo, lo ghê lắm nhưng tiếc thay họ lại không đi đúng hướng. Để ngăn chận dịch không thể chống bằng nghị quyết, Không thể thiếu những ý kiến của các nhà chuyên môn và cũng không thể bỏ qua các kinh nghiệm của các nước. Có những việc chúng ta làm sai cách nên đưa đến hậu quả và tốn kém.

Việc phun thuốc sát trùng thật sự không có tác dụng diệt virus chỉ khiến cho không khí càng ô nhiễm hơn và tốn kém. Tổ chức xét nghiệm toàn dân cũng thế vì người đến lấy xét nghiệm âm tính có thể ngay sau đó bị lây nhiễm mầm bệnh. Có thể vì tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc vì tập trung đông người mà lây bệnh.

Tình trạng ở sân Phú Thọ và ở chợ Bình Điền đã cho thấy rõ điều đó. Và rồi sau đấy tờ giấy xác nhận âm tính trở thành giấy thông hành chỉ có hiệu lực trong vài ngày, khiến cho việc đi lại khó khăn và một dịp cho những kẻ trục lợi. Hơn nữa nó lại gây tốn kém cho dân, đôi ba ngày lại phải đi xét nghiệm để có giấy kết quả mong có lá bùa để di chuyển kiếm ăn. Khi tờ giấy chứng nhận âm tính trở thành giấy thông hành thì việc tầm soát không còn nằm trong lãnh vực của y tế nữa mà nó mang một giá trị hành chánh vô nghĩa. Như thế nó vừa phản khoa học vừa ngăn cản việc đi lại và kiếm sống của người dân. Một lối ngăn sông cấm chợ mới.

Cứ phát hiện một người dương tính là kéo theo hàng chục, hàng trăm người liên quan gọi là F1, và luôn cả F2. Thế là người nhiễm bệnh vào bệnh viện, người F1 vào khu cách ly. Biện pháp này mới đầu có vẻ thích hợp khi số người dương tính trong một ngày chỉ vài ba người. Thế nhưng khi số người mắc bệnh lên đến con số ngàn như hiện nay ở Sài Gòn và con số F1 lên đến vài chục ngàn thì sẽ vỡ trận vì không còn chỗ chứa.

Ở đợt 1 và đợt 2 của dịch bệnh, người bị cách ly ít, được tập trung trong các doanh trại quân đội, những khu nhà vốn là nơi sinh hoạt của hàng trăm, hàng ngàn người nên có đủ điều kiện để sống. Lại được chăm sóc ăn uống, thuốc men chu đáo, được quân nhân và tình nguyện viên phục vụ hàng ngày. Bây giờ ở Sài Gòn người bị cách ly quá đông, không còn chỗ để chứa nên trở thành nhếch nhác và cũng là ổ dịch.

Những clip đưa lên gần đây cho thấy rõ điều đó. Một khu cách ly ở trong một trường tiểu học ở phường 7, quận 8 cho thấy hàng núi rác, người bị cách ly già trẻ lớn bé nằm dưới sàn nhà, không có người quản lý, bệnh không có ai quan tâm.

Một clip khác cho thấy hàng dãy xe bus và xe cứu thương xếp hàng chờ đưa người lên một chung cư ở quận 12 nhưng không sắp xếp được vì đã quá tải. Một clip khác nữa quay một khu cách ly ở quận 2, cũng trong một chung cư chưa xây xong, thiếu thốn mọi phương tiện, không giường, không thuốc men khi cần thiết. Nó còn tệ hại hơn là các trại tạm cư của thời chiến tranh.

Và trước cảnh nực nội trong mùa hè nhưng không có một phương tiện gì để giải quyết, một người bạn của tôi, trước đây là một tour guide của một công ty du lịch lớn, giờ bị thất nghiệp nhưng động lòng bèn kêu gọi mọi người hỗ trợ để mua vài chục chiếc quạt máy giúp cho những người bị cách ly.

Thật ra những người gọi là F1 đó vẫn là những người có nguy cơ nhiễm bệnh chứ chưa phải là người bệnh. Việc gây nhiễm cho người khác là rất nhỏ cho nên cách ly họ trong điều kiện không được chăm sóc và thiếu phương tiện sinh hoạt như thế là phản khoa học. Ăn uống, thuốc men không chu đáo, những người bị cách ly tập trung lại rất dễ yếu sức đề kháng, bệnh tật dễ nảy sinh.

Theo nguyên tắc, đúng ra là nên chia nhỏ thành phần này để có thể quản lý và theo dõi, ta lại tập trung nên nguồn bệnh lây lan. Những con số đã cho thấy đa số người nhiễm bệnh đều nằm trong khu cách ly. Ta nên học các nước trong các cơn bùng phát dịch, họ yêu cầu những người đã nhiễm bệnh cách ly tại nhà có sự giám sát của các cơ sở y tế. Một việc làm đúng và ít tốn kém cho ngân sách. Đôi khi chính vì những lộn xộn, tắc trách của cách ly tập trung cộng với lối truyền thông thiếu rõ ràng, khiến cho dân hoang mang hơn là con số người mắc bệnh mỗi ngày.

Gần đây, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã đề ra biện pháp cách ly tại nhà nhưng lại được viết ra bởi các ông quan bàn giấy, không nắm rõ thực tế của xã hội. Theo chỉ thị này, muốn cách ly tại nhà phải có một số điều kiện nghe qua chẳng hợp lý chút nào. Trước hết phải là nhà ở riêng lẻ, nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập. Nghe là không ổn rồi, nhà ở Sài Gòn chen chúc nhau, nhất là ở các xóm lao động, nhiều nhà còn chung vách lấy đâu ra nhà riêng lẻ như thế?

Lại thêm phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nếu nhà có nhiều tầng thì sử dụng một tầng riêng biệt để thực hiện cách ly y tế. Các ông đang mơ đã lên thiên đường cộng sản rồi à? Dân ta còn nghèo lắm các ông ơi, các ông sang chảnh, ở trong nhà như vậy nên các ông cứ tưởng dân ta giờ ai cũng có nhà như các ông sao?

Chưa hết, các ông còn đòi cạnh phòng cách ly y tế phải có một phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện việc khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe. Ô hô! Nằm mơ giữa ban ngày.

Cũng chưa hết nữa, còn phải đảm bảo khép kín, có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn. Trong phòng cách ly phải có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người cách ly tự giặt….

Thôi, tôi không kể thêm nữa dù còn nhiều yêu cầu xa xỉ các ông còn đòi hỏi. Toàn nói chuyện trên mây dù đang ngồi dưới đất. Để thoả mãn những điều kiện trên, hỏi mấy người đáp ứng được.

Bộ thì yêu cầu quá đáng như thế trong khi khu cách ly tập trung của nhà nước thì đến cái chổi quét nhà, miếng giấy đi vệ sinh còn không có mà xài, rác ngập lối đi, cơm thì bữa sống, bữa khê, món ăn nhạt nhẽo dù chi phí cho các bữa ăn một ngày là 80.000 đồng, ngân sách chịu.

Nói tóm lại, khi chúng ta không đủ điều kiện để phục vụ cách ly tập trung, dù biết tập trung như thế là thành ổ nhiễm thì cách tốt nhất là cho cách ly tại nhà. Không nên bắt người F1 tập trung ồ ạt vì cơ bản vào tập trung thì khả năng nhiễm bệnh tăng lên và thực tế đã chứng minh điều đó.

Ta có khẩu hiệu” Chống dịch như chống giặc”. Nghe rất hay nhưng nghĩ kỹ nó rất vô lý và thiếu nhân văn. Dịch và giặc là hai cái khác nhau hoàn toàn. Giặc có thể nhìn thấy, có thể nhận biết còn dịch virus thì vô hình vô ảnh, nó lơ lửng trong không khí, biết đâu mà chống như chống giặc.

Và từ khẩu hiệu đó, người nhiễm bệnh cứ bị xem như giặc, mấy đợt trước bị đem ra bêu rếu trên báo, trên mạng. Giờ thì không còn vậy nhưng người bệnh vẫn bị kỳ thị và xa lánh. Không nên xem họ là tội phạm vì bản thân họ cũng đâu muốn mình là người mắc bệnh. Kết án người nhiễm bệnh là hành vi thiếu nhân văn.

Nếu cần, cũng nên cho phép người nhiễm bệnh không triệu chứng được cách ly tại nhà có sự theo dõi của cơ quan y tế. Khi bệnh bộc phát nặng thì đưa vào bệnh viện để chữa trị. Hiện nay hàng ngàn người nhiễm bệnh nằm trong các bệnh viện nhưng cũng chưa được chữa trị gì, vì cũng chưa có các dấu hiệu nguy hiểm. Vừa tốn kém vừa gây bất an trong dân.

Sáng nay nhìn cảnh hàng ngàn người và xe chen chúc nhau ở các trạm ở Gò Vấp mà giật cả mình. Kiểu như thế thì bao giờ mới chống được dịch. Nhìn hình thấy anh công an mồ hôi ướt áo mà thương. Chúng ta tự làm khổ nhau, tự lan truyền bệnh cho nhau một cách vô ý thức. Nhưng khổ một cái là, tuy phong toả người ta phải đi làm việc. Chặn đường xét giấy thì kẹt là lẽ đương nhiên rồi.

Một ngày phong toả là một ngày thiệt hại biết bao nhiêu, khổ sở cho dân biết bao nhiêu. Nếu không ý thức được thì giãn cách sẽ tiếp tục, thiệt hại vẫn tiếp tục và nỗi khổ lại kéo dài ra. Lãnh đạo thì luống cuống, loay hoay, người dân thì nhiều người thiếu ý thức nên mọi chuyện rối như tơ vò. Không phải vì trình độ dân trí nữa, rất nhiều người không phải không có trí nhưng vẫn tìm đủ mọi cách để được ra đường trong ngày phong toả.

Không nói đến những người cần phải đi làm việc, đến cơ quan, công sở, nhà máy. Cũng không nói đến những người vì kế sinh nhai nên cũng phải len lén ra đường để kiếm ăn, nếu không thì chưa chết vì virus thì đã chết vì đói. Ở đây muốn nói tới những người không có việc gì cũng muốn ra đường, kẻ thì chạy chơi cho biết Sài Gòn vắng vẻ thế nào, người thì để tập thể dục vì quen rồi, không tập không được, người lại bảo mua vật dụng, thăm người quen, người vì cuồng cẳng ra đường như một thói quen đưa đến những xô xát, tranh cãi không đáng có với người thi hành phận sự.

Tôi xem clip công an đứng chờ anh chàng coi thường mọi thứ cứ ung dung tập thể dục và không mang khẩu trang mà nóng hết cả mặt. Vừa xem thường luật pháp vừa thiếu ý thức.

Thế là dịch bệnh lại có dịp lan truyền vì những người thiếu ý thức. Nhìn cảnh ấy mà lo, mà buồn, mà tự hỏi rồi không biết bao giờ mới hết dịch. Nhiều chuyên gia phát biểu rằng chỉ có vaccine và vaccine mới có thể ngăn chận dịch bệnh. Thế nhưng với số lượng vaccine phân phối hạn chế cho thành phố như hiện nay cũng như phương cách và chọn lựa đối tượng như đang làm thì dịch bệnh sẽ còn kéo dài. Không thể là trận cuối cùng như một lãnh đạo thành phố đã tuyên bố. Chống dịch cần khoa học chứ không cần tuyên ngôn và khẩu hiệu. Cũng không thể bắn pháo lệnh mở màn phong trào thi đua để chiến đấu với con virus.

Mới đây Bí thư thành phố đã gặp gỡ và lắng nghe các nhà chuyên môn tham vấn. Một việc đáng ra phải làm ngay từ đầu những ngày chớm dịch thay vì các quan ngồi bàn mãi với nhau. Nhưng thôi, có còn hơn không. Mong thành phố sẽ có những biện pháp mới hợp lý hơn khi tham khảo các ý kiến của các nhà khoa học và cũng mong các nhà chuyên môn nên nói thẳng, nói thật suy nghĩ của mình để đẩy lui được con virus quái ác và thành phố này sớm trở lại cuộc sống bình thường như vốn có.

____

Một số hình ảnh:

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Anh ta tập thể dục một mình trong công viên thì lây nhiễm cho ai và tại sao phải mang khẩu trang khi chỉ một mình ?

  2. Yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn cách ly tại nhà cho các khu cách ly tập trung, nếu không có điều kiện như thế thì DẸP, DẸP…Ăn rồng cuốn, nói rồng leo, làm như mèo mửa!!!

Comments are closed.