Tác giả: Pavan Shamdasani
Dịch giả: Trúc Lam
7-7-2021
Kiểm duyệt không thể tránh khỏi ở những đất nước vẫn còn bảo thủ cứng nhắc
TP HỒ CHÍ MINH – Sau khi ẵm giải thưởng đặc biệt của ban giám khảo tại Berlinale của Đức hồi tháng 5 cho phim “Vị” (Taste), bộ phim về một cầu thủ bóng đá người Nigeria sống ở Việt Nam, đạo diễn Lê Bảo mong đợi tối thiểu là một sự chào đón nồng nhiệt trở lại quê hương của mình.
Nhưng các nhà chức trách Việt Nam đã thẳng tay tát vào mặt anh bằng một khoản tiền phạt không chính thức – bề ngoài là do thiếu giấy phép chiếu – và hiện tại không có kế hoạch phát hành bộ phim trong nước.
Năm ngoái, bộ phim “Ròm” của Trần Thanh Huy kể về tội phạm và bạo lực, cũng chịu số phận tương tự. Phim này đoạt giải cao nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Busan của Hàn Quốc và sau đó bị phạt gần như ngay lập tức, cũng như bị buộc phải cắt bỏ rất lớn trong bộ phim, do cơ quan kiểm duyệt quy định. Ít ra phim này đã được chiếu trong nước.
Trần nói với Nikkei Asia: “Tôi mất tám năm để thực hiện bộ phim, đó là điều khó nhất mà tôi từng làm. Cho nên hoàn toàn đáng tiếc; cá nhân tôi phản đối việc kiểm duyệt dưới mọi hình thức, nhưng điều đó không thể tránh khỏi ở Việt Nam, nên chúng tôi không thể làm gì được“.
Việc kiểm duyệt phim không phải là điều mới mẻ đối với Việt Nam, nhưng bất chấp những hạn chế được nới lỏng trong thập niên qua từ các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia và Philippines, Hà Nội hầu như không thay đổi trong cách tiếp cận bảo thủ của mình đối với nghệ thuật dân túy. Cuối cùng, những hạn chế về điện ảnh bắt đầu trở thành tiêu đề toàn cầu, khi các nhà kiểm duyệt phải đối mặt với làn sóng mới của các nhà làm phim Việt Nam độc lập.
Những đạo diễn trẻ này mắc nợ các diễn viên Hollywood thời những năm đầu thập niên 1970, nhiều hơn là các bậc tiền bối trong nước. Sinh ra rất lâu sau chiến tranh và thường lớn lên ở phương Tây, sự hiểu biết về điện ảnh của họ được chọn lọc từ các đĩa DVD lậu, không bị kiểm duyệt.
Chuyển những ảnh hưởng đầy tham vọng thành những câu chuyện cá nhân đầy cảm hứng, phim của họ tương phản với nhiều vấn đề xã hội mà Việt Nam đương đại đang phải đối mặt, gồm truyền thống lạc hậu, bất bình đẳng giàu nghèo, chính trị giới tính và tình dục, cũng như các chủ đề gây tranh cãi khác đang được chính phủ theo dõi.
“Khi lệnh cấm vận của Mỹ được dỡ bỏ năm 1994, nó đã giúp Việt Nam về mặt kinh tế, nhưng nó cũng mang âm nhạc, thời trang, điện ảnh – đột nhiên chúng tôi có thể nắm lấy nhiều thứ hơn“, nhà làm phim Ash Mayfair nói. Mayfair là đạo diễn phim “Vợ ba”, năm 2018 được đề cử ba giải thưởng Independent Spirit trước khi xung đột với chính quyền địa phương. “Đó là một giai đoạn rất hy vọng ngay bây giờ và nó truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta khi thấy những người trẻ tuổi, có rất ít phương tiện, cố gắng tìm cách kể một câu chuyện“.
Đặc biệt, phim “Ròm” đã trở thành một biểu tượng của thế hệ trẻ Việt Nam về sự gan dạ và kiên trì của nó.
Trong 8 năm thực hiện – phim được quay từng phần khi có tiền – phim kể về những người lao động nợ nần chồng chất, chật vật trong các khu ổ chuột ở Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù bị buộc phải cắt những cảnh, cho thấy sự phát triển nhanh hàng loạt khiến người dân nghèo của thành phố biến mất như thế nào, bộ phim vẫn thu về 580 tỷ đồng Việt Nam (2,5 triệu đô la) tại phòng vé hồi năm ngoái – một trường hợp hiếm hoi của một bộ phim độc lập, thu hút được khán giả, ngay cả sau khi bị cắt bỏ.
Ông Trần [Thanh Huy] nói: “Tôi muốn làm những bộ phim nói lên sự thật, thể hiện nghị lực sống của Việt Nam và những người làm việc cho đất nước. Dù bị buộc phải kiểm duyệt phiên bản Việt Nam nhưng chúng tôi vẫn giữ được năng lượng đó. Và tôi nghĩ đó là lý do khán giả trong nước phản ứng rất tốt và đó là một thành công ở quầy bán vé”.
Không phải bộ phim nào cũng may mắn về mặt tài chính như Ròm, và một trong những thách thức lớn nhất mà các nhà làm phim mới này phải đối mặt là thu hút các nhà đầu tư: Một số hãng phim lớn của Việt Nam chỉ đặt cược an toàn vào doanh thu từ quầy bán vé – phim hài, kinh dị, các loại phim phù hợp với gia đình – và các sáng kiến tài trợ của chính phủ chủ yếu tập trung vào các bộ phim tuyên truyền. Những người làm việc bên ngoài hệ thống bị bỏ mặc với các thiết bị của họ, tìm kiếm các nguồn lực ở nước ngoài hoặc tự tài trợ.
Nhà làm phim Charlie Nguyễn cho biết: “Một phần thử thách là, nếu bạn muốn làm một bộ phim Việt Nam tử tế, bạn không thể trông chờ vào khán giả trong nước. Bạn phải có tâm lý này, rằng tôi đang kể những câu chuyện cho thế giới thấy. Bạn thấy mình đang ở trong một góc, không có nhiều sự hỗ trợ. Các nhà sản xuất quá sợ hãi để bật đèn xanh cho các dự án, cho nên bạn tự làm một mình. Cần nhiều sự tận tâm và trì chí – mà không phải ai cũng có thể làm được“.
[Charlie] Nguyễn là người có công trong hành trình sản xuất bộ phim “Ròm”. Ông đã cố vấn cho Huy và hỗ trợ phân phối – phần lớn là vì ông đã từng làm việc này trước đó. Thường được gọi là cha đỡ đầu của nền điện ảnh đương đại Việt Nam, tác phẩm võ thuật độc lập của ông, “Dòng Máu Anh Hùng”, ra mắt năm 2007, được đặt tựa đề phù hợp, mở cống tháo nước và truyền bá cho một bối cảnh phim Việt thật sự. Ông Nguyễn nói: “Ở đây không có sự phân phối, không có rạp chiếu phim với nhiều phòng chiếu riêng, cả nước có khoảng 20 rạp”.
Năm 2013, Nguyễn lại nổi bật trên các mặt báo, khi bộ phim về xã hội đen Phố Tàu của anh “Bụi đời Chợ Lớn”, bị chính quyền cấm chiếu một cách bỉ ổi. Trong bối cảnh truyền thông xoay quanh việc bộ phim sắp ra mắt, các quyết định được đưa ra dựa trên những tranh cãi, chứ không phải nội dung thật của bộ phim.
Nguyễn nói: “Chúng tôi đã trở thành một con chuột lang. Chúng tôi đã giải quyết tất cả các mối quan tâm của chính phủ, nhưng mọi người đang sử dụng bộ phim để tấn công hội đồng kiểm duyệt. Các tờ báo chạy trang nhất nói rằng, họ đã đi quá xa, và sau đó các tờ báo khác nhảy vào để thúc đẩy làn sóng chú ý – và hội đồng kiểm duyệt cảm thấy bị tấn công. Nó không còn về bộ phim nữa; hội đồng kiểm duyệt đại diện cho chính phủ – và chính phủ không thể sai, vì vậy họ đóng cửa nó để ngăn chặn vụ bê bối“.
Bộ phim chưa bao giờ được phát hành chính thức, nhưng cơn bão truyền thông mà nó tạo ra vẫn được coi là một ví dụ nguy hiểm về sự can thiệp của bộ máy quan liêu, lặp lại nửa thập niên sau với sự ra mắt của bộ phim “Vợ ba” của đạo diễn Mayfair. Dựa trên những kinh nghiệm của chính bà cố của cô [Mayfair] và lấy bối cảnh ở vùng nông thôn thế kỷ 19, bộ phim theo chân một cô dâu tuổi teen bước vào cuộc hôn nhân đa thê, với một chủ đất giàu có.
Sau khi giành được nhiều giải thưởng trên khắp thế giới, phim “Vợ ba” thậm chí còn được chấp thuận toàn bộ bởi các nhà kiểm duyệt địa phương. Nhưng khi truyền thông trong nước đặt câu hỏi về cảnh sex của diễn viên chính chưa đủ tuổi, các nhà kiểm duyệt lại dò xét và nhà làm phim quyết định né tránh mọi vấn đề bằng cách rút bộ phim khỏi các rạp chiếu phim của Việt Nam, chỉ sau 4 ngày công chiếu.
Mayfair nói: “Họ yêu cầu chúng tôi tiết lộ toàn bộ quá trình và có Trời mới biết điều đó có nghĩa là gì, vì nó có thể bị trì hoãn vô thời hạn. Hệ thống này hoàn toàn tùy tiện, không có hướng dẫn cụ thể – vì vậy nó trở thành sự cân bằng mong manh giữa những gì chúng tôi muốn thấy về xã hội Việt Nam và những hạn chế mà chúng tôi đang đối mặt, với tư cách là người kể chuyện”.
Sự cân bằng có thể là chìa khóa để tồn tại trong hệ thống vô thời hạn này, như nhà làm phim Leon Lê đã chứng thực qua phim “Song Lang”, sản xuất năm 2018, tác phẩm đầu tay của anh. Một câu chuyện tình kỳ lạ vào thập niên 1980, giữa một người đòi nợ và một ca sĩ cải lương Việt Nam, Lê thừa nhận đã tự kiểm duyệt kịch bản để giảm bớt bất kỳ trục trặc chính trị nào có thể xảy ra.
Lê nói: “Vấn đề là, bạn không thể tách rời Việt Nam với chính trị. Làm thế nào bạn có thể kể bất kỳ câu chuyện nào về Việt Nam mà hoàn cảnh chính trị không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân? Nó đã được thêu dệt nên. Để kể những câu chuyện đó, nhận được sự đồng tình, bạn cần có quan hệ tốt với chính quyền. Nếu không, làm việc bao nhiêm năm đó sẽ chẳng có ích gì khi không bao giờ nhìn thấy ánh sáng ban ngày?”
Mặc dù được giới phê bình đánh giá cao và hàng chục giải thưởng quốc tế, nhưng bộ phim không thu được kết quả tốt, đặc biệt với khán giả Việt Nam – và mọi người đều đồng ý rằng, cho đến khi các nhà làm phim độc lập được chỉ ra rõ ràng về những gì có thể và không thể chiếu trên màn ảnh Việt Nam, điều đó dường như khó xảy ra, rằng sự thành công từ nghèo hèn trở nên giàu có của “Ròm” sẽ sớm được lặp lại.
Nhưng đừng nhầm, không ai trong thế hệ hiện tại đang né tránh những câu chuyện thử thách.
Phần tiếp theo của Thuy (Huy?) trong phim “Ròm” là về cái chết trong thùng xe [container] ở Vương quốc Anh năm 2019, trong đó 39 người Việt Nam đã bỏ mạng, Mayfair hiện đang tài trợ cho một câu chuyện tình lãng mạn chuyển giới, và Lê viết kịch bản cho một bộ phim quan hệ chính trị Việt Nam – Trung Phi, lấy bối cảnh thập niên 1970. Trong khi đó, Nguyễn đang trở lại với vai trò cố vấn, với một nền tảng đầu tư trực tuyến sắp ra mắt, nơi khán giả có thể giúp tài trợ cho các bộ phim độc lập.
Điềm báo về mọi thứ đang biến đổi như thế nào, có thể thấy trong phim “Vị” của Lê Bảo. Đạo diễn phim [Lê Bảo] không nói chuyện với chúng tôi về bài báo này, nhưng bạn bè của anh nói rằng, anh ấy không hề có kế hoạch phát hành bộ phim ở Việt Nam. Những sự phản đối như thế có thể là những điềm báo thật sự của sự thay đổi.