Hộ khẩu – Định chế thọ 2377 tuổi

Đặng Đình Mạnh

1-7-2021

Hôm nay, ngày 01/07/2021, Việt Nam đã chính thức cho khai tử sổ Hộ Khẩu thường trú sau 2377 năm tồn tại định chế này kể từ Thương Ưởng, cha đẻ của chế định hộ khẩu thành luật pháp ban hành tại nước Tần (Trung Quốc) vào năm 356 trước công nguyên (TCN).

Thương Ưởng, tức Vệ Ưởng sinh năm 390 TCN, mất năm 338 TCN. Ông là nhà chính trị gia và là đại diện phái Pháp trị chủ nghĩa nổi tiếng (đối lập với phái Nhân trị chủ nghĩa). Với tư cách thừa tướng nước Tần của thời Chiến Quốc cộng với những đóng góp của bản thân với nước Tần, Vệ Ưởng được phong tước Thương quân, đất phong ở ấp Thương nên tên ông còn được gọi là Thương Ưởng.

Trước đó, đem bá đạo thuyết giảng được vua Tần là Tần Hiếu Công trọng dụng phong quan chức, nên năm 356 TCN, Thương Ưởng cho ban hành luật pháp. Trong đó, lần đầu tiên có các quy định quản lý người dân thông qua quan hệ gia đình, đặt nền tảng cho sự chế định hộ khẩu tồn tại suốt hơn 23 thế kỷ, như: Chia dân thành từng nhóm, năm hộ, mười hộ, phải kiểm soát nhau và bị ràng buộc vào nhau, lại ra lệnh ai không tố cáo kẻ gian thì bị chém ngang lưng; ai tố cáo kẻ gian thì cũng được thưởng ngang với người chém đầu quân địch; người che giấu quân gian bị phạt ngang với người đầu hàng quân địch…

Trước khi ban hành luật pháp, sợ dân không theo. Ông cho dựng một cây gỗ dài ba trượng ở phía cửa nam kinh thành, nói rằng ai có thể mang nó đến phía cửa bắc thì có mười lạng vàng. Dân không tin. Ông lại tăng lên năm mươi lạng thì có một người mang. Thương Ưởng bèn cho người đó năm mươi lạng để chứng tỏ mình không lừa dối. Sau đó ông mới ban bố luật pháp.

Áp dụng luật pháp một thời gian, xảy ra việc thái tử phạm pháp, giết người vô tội gây căm phẫn cho dân chúng. Thương Ưởng muốn lấy pháp luật trị thái tử, nhưng lại cho rằng thái tử là người sẽ nối ngôi cho nên không thể trừng trị, bèn trừng phạt cắt mũi thái phó của thái tử, chạm vào mặt thầy thái tử, còn thái tử bị truất phế, đuổi ra làm dân thường. Từ đó người Tần đều sợ mà răm rắp thi hành theo luật pháp.

Từ khi ban hành luật pháp, ngoài đường không nhặt của rơi, trong núi không có trộm cướp, nhà đủ người no, dân dũng cảm trong lúc chiến đấu vì việc công, khiếp sợ không dám đánh nhau vì việc riêng, làng xóm đều được bình an.

Năm 350 TCN, Thương Ưởng lại ban bố biến pháp lần thứ hai, ra lệnh cấm cha, con, anh em cùng ở chung một nhà; phân cư và hợp các làng, xóm nhỏ lại thành huyện, đặt chức quan lệnh và thừa, được tất cả ba mươi mốt huyện, bỏ bờ ruộng, đường thiên đường mạch, thống nhất hộc, thùng, quả cân, thước, tấc nhờ đó việc đánh thuế được tăng.

Ban hành luật pháp hà khắc và bảo đảm áp dụng luật pháp với sự cưỡng chế cao độ. Thế nên, ông được xem như là một trong số các đại diện của phái Pháp trị chủ nghĩa trong lịch sử pháp chế Trung Hoa. Điều đáng nói, cuối đời, ông đã chết thảm vì chính những quy định khắc nghiệt của mình.

Khi vua Tần Hiếu Công mất, thái tử kế ngôi nghĩ lại thù xưa, muốn bắt tội Thương Ưởng. Ông sợ hãi bỏ trốn đến nhà trọ, chủ nhà trọ nói theo phép của Thương Quân phải có giấy chứng nhận mới cho vào ở. Thương Ưởng bỏ đi, than về cái tệ hại của luật pháp mình ban hành. Sau đó, ông bị bắt và bị vua kế vị cho xe xé xác ông để thị uy, sau đó lại giết cả nhà của Thương Ưởng.

Ông mất năm 338 TCN, chỉ thọ 52 tuổi. Nhưng chế định hộ khẩu của ông thì quá thọ, chỉ bị khai tử vào ngày hôm nay, 01/07/2021, thọ đến 2.377 tuổi.

* Thực tế, chỉ sổ hộ khẩu bản giấy bị khai tử để “biến hình” ở một dạng khác: Hộ khẩu điện tử.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. 1/7/2021 sổ hộ khẩu vẫn chưa chết, mới chỉ nhập viện điều trị cho đến hết 31/12/2021 mới chịu hy sinh.
    Nhưng khái niệm HỘ KHẨU thì không bao giờ mất, chính quyền cọng sản VN mất định chế hộ khẩu coi như cụt cẳng giữa.
    Luật Cư trú năm 2020 nói bỏ “sổ hộ khẩu” (giấy) là để nâng HK lên một tầm cao, cuộc lùng sục coi bộ tinh vi hơn và thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vẫn là bất di bất dịch.

Comments are closed.