Người thực thi pháp luật vi phạm pháp luật (Kỳ 2): Đòi cắt góc CMND

Nguyễn Thông

1-7-2021

Tiếp theo Kỳ 1

Những chuyện xung quanh cuốn sổ hộ khẩu, cả khi nó tồn tại lẫn lúc nó hết tác dụng đều chứng tỏ rằng bộ máy công quyền xứ này hành sự chẳng giống ai. Sự văn minh, dân chủ, công bằng ở ta vẫn còn nhiều xa lạ, chưa được tôn trọng, còn bị vùi dập bởi những đầu óc say quyền lực.

Dù họ có bỏ cuốn sổ hộ khẩu giấy kể từ hôm nay, 1.7.2021, thì chính sách quản lý con người bằng hộ khẩu kiểu Thương Ưởng vẫn chưa bị chôn vùi, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác, tinh vi hơn, thậm chí siết chặt hơn. Thực tế sẽ chứng minh điều này, không cần phải đợi lâu, chỉ 1 năm thôi sẽ thấy.

Tạm dẹp cuốn sổ và chính sách hộ khẩu tai ác ấy lại, để nói về một thứ khác, anh em, họ hàng với nó, là chiếc thẻ xác nhận công dân, còn gọi chứng minh nhân dân, chứng minh thư, căn cước công dân.

Không thể phủ nhận việc mỗi công dân phải có giấy tờ tùy thân. Nó được sinh ra để nhà cầm quyền quản lý hành chính, quản lý con người. Ở nước ta, vốn tồn tại rất nhiều loại sổ sách, tem phiếu, giấy tờ, thẻ này thẻ nọ, thì chứng minh thư là quan trọng nhất. Sổ hộ khẩu, sổ gạo, phiếu vải, bằng lái xe máy… có thể tới lúc nào đó không cần thiết, bị bãi bỏ, nhưng chứng minh thư thì không. Không có nó, không ai tự chứng minh được mình đang tồn tại hợp pháp. Nói rườm rà thế để khẳng định ai cũng phải có chứng minh thư/chứng minh nhân dân/căn cước công dân. Nếu vị nào phản đối, bảo rằng không cần, tôi đố các vị mua được vé máy bay chẳng hạn. Cũng đừng cãi, rằng có thể mua vé bằng hộ chiếu, bằng lái xe, thẻ đặc biệt, v.v.. Không có chứng minh thư thì làm gì có mấy thứ đó.

Theo thông lệ, mỗi tấm chứng minh thư/thẻ căn cước sẽ gắn với con người suốt cuộc đời, từ khi trưởng thành (đủ tuổi làm thẻ này) tới lúc chết. Thời Pháp thuộc, cũng như thời Việt Nam cộng hòa ở miền Nam, đều vậy. Nhưng thời cộng sản, họ cứ thích là lại thay đổi, có khi cái này chưa xong đã tòi ra cái mới. Vừa hành dân, vừa tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Cứ nói hơn chục năm trở lại đây, đang yên đang lành với chiếc chứng minh thư 9 số (có tên chứng minh nhân dân, mà cái tên này cũng rất vớ vẩn, chả nhẽ chỉ nhân dân mới cần chứng minh bản thân mình, còn cán bộ lãnh đạo cóc cần?), đùng một cái, họ đổi sang mẫu mới, CMND 12 số.

Mẫu mới chưa kịp phủ sóng, lẩy bẩy như Cao Biền dậy non, lại đùng phát nữa, đổi tiếp thành căn cước công dân mã vạch. Cứ tưởng như thế thì họ đắc chí rồi, nhưng không, bây giờ lại thúc dân phải đi đổi, làm mới căn cước công dân gắn chip. Mỗi lần thay đổi, đều ca ngợi ngất trời món đồ mới, và đèo theo vài câu về sự lạc hậu bất tiện của đồ cũ. Không ai dám chắc sau cái căn cước chip chip chip như vịt kêu này, họ có chịu dừng lại, hay sẽ tiếp tục “thích là nhích” sang thứ thổ tả gì nữa. Mọi chi phí cho những cuộc đổi thay đã có dân còng lưng gánh, nhà chức việc đâu cần quan tâm.

Cũng giống như hộ khẩu, công an cứ cái thói thứ gì liên quan tới mình là đòi thu hồi, không thu thì hủy hoại. Không hiểu ngành công an đã tự phong cho mình cái quyền cường hào địa chủ ấy từ khi nào. Như đã nói, họ chả cho không dân thứ gì nhưng lại tự đặt ra quyền sở hữu, tước đoạt. Chứng minh thư, thẻ căn cước, dù hết hạn, hết giá trị sử dụng thì vẫn là của dân, bởi dân phải bỏ tiền (phí, lệ phí) ra mua chứ đâu phải công an cho mượn. Vậy nhưng họ rất nhố nhăng, đòi thu hồi, đòi cắt góc.

Đó là hành vi chiếm đoạt tài sản, hủy hoại tài sản công dân một cách trắng trợn, bất chấp pháp luật. Đây không phải sự tự ý, thiên lôi chỉ đâu đánh đấy của cấp dưới, mà chính ông bộ trưởng công an Tô Lâm ký văn bản chỉ đạo. Lạ ở chỗ, cả một hệ thống cai trị chặt chẽ, đủ cả các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nhưng có mắt như mù, để cho những hành vi vi phạm pháp luật công khai tồn tại. Cứ đà này, hiệu trưởng cũng có quyền thu học bạ, cắt góc bằng tốt nghiệp của học sinh sinh viên; nhân viên ngân hàng có quyền xé sổ tiết kiệm; cơ quan bảo hiểm đòi thu thẻ bảo hiểm y tế hoặc sổ hưu… Rồi sẽ loạn.

Phải nhắc lại: Tất cả những sổ sách, giấy tờ, thẻ, hồ sơ… mà nhà chức việc cấp/bán cho dân thì đó là tài sản của dân. Dân muốn giữ, bảo quản hay vứt đi là thực hiện quyền chính đáng về tài sản. Những thứ không được dùng nữa chỉ hết hiệu lực về hành chính nhưng có giá trị về vật chất và tinh thần. Chúng là kỷ vật, là đồ lưu niệm, là thứ tư liệu cho mai sau, truyền cho con cháu. Tôi thử hỏi mấy ông thích thu hồi, thích cắt góc, nếu các ông là người đi tìm lại hồ sơ tư liệu về lãnh tụ, các ông có hài lòng khi tìm ra thứ bị cắt góc không. Chắc chắn là không.

Vậy thì “điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, ấy là chưa kể vi phạm pháp luật. Thực thi pháp luật mà lại trắng trợn vi phạm pháp luật thì không còn gì để nói.

Bình Luận từ Facebook