Đông Sa
24-6-2021
Tiếp theo phần 1
Chúng tôi giã từ cụm tháp Dương Long khi mặt trời đã sụp nửa xuống đồi tây. Giữa hoàng hôn của đất trời u tịch có mấy hoàng hôn của kiếp người lặng lẽ bước xuôi con dốc nhỏ, lòng man man bùi ngùi nỗi hưng phế phù trầm…
Người xưa đã chẳng thế ư:
“Bóng tà dương ngựa đứng
Man mác nỗi hư vong
Lăng uyển làm chùa Phật
Cung đình thành ruộng cày
Núi tàn trơ cổ tháp
Nước cũ hiện thành hoang …”
(Tác giả Ngô thế Lân, thế kỷ18. Dẫn lại từ Ngô văn Doanh – Văn Hóa Cổ Champa, NXB VHDT năm 2002)
Người nay lại càng thê thiết hơn:
“Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi
Những đền xưa đổ nát dưới thời gian
Những sông vắng lê mình trong bóng tối
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than
…
Đây những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn
Muôn ma Hời sờ soạn dắt nhau đi
Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn
Lừng hương đưa rộn rã tiếng từ quy…
…
Những cảnh ấy trên đường về ta đã gặp
Tháng ngày qua ám ảnh mãi không thôi
Và từ đây lòng ta luôn tràn ngập
Nỗi buồn thương, tiếc, nhớ giống dân Hời”.
(Trích đoạn khổ 2, 3 và chót của bài Trên Đường Về trong thi tập Điêu Tàn của Chế Lan Viên).
Các sử gia ngày nay (kể cả Ta, Tây lẫn người Chiêm) đều thống nhất là người Champa lập quốc năm 192 theo Tây lịch. Cũng có tài liệu cho rằng Khu Liên là vị vua đầu tiên của Champa và vào các năm 100 và 137 Tây lịch, quân Khu Liên có các cuộc đánh phá thành Tượng Lâm (một trong các thành của xứ Giao châu).
Tôi chẳng có gì cãi lời các sử gia cả, nhưng nếu có một nhân vật Khu Liên với những hành tung như trên thì TÔI TIN rằng Champa đã có một tổ chức quốc gia kiểu gì đấy vào những năm đầu của Công Nguyên (sớm hơn năm 192 một, vài thế kỷ chăng?).
Rồi quốc gia Champa này qua các tên vương triều Lâm Ấp, Hoàn Vương, Indrapura và Chiêm Thành phù trầm, hưng phế tồn tại cho đến khi nào?
Có tác giả cho rằng sau cuộc viễn chinh của vua Lê Thánh Tôn năm 1471, Champa coi như chấm dứt sự tồn tại của mình như một quốc gia độc lập. Viết thế, với người có đọc kha khá sử Việt và Chiêm thì có thể hiểu được và chẳng có gì sai trật; nhưng “gọn quá”, có thể gây chút ít lệch lạc.
Sau năm 1471 vẫn còn tồn tai một Vương quốc Chiêm Thành có biên giới phía Bắc ở vùng đèo Cù Mông và biên giới phía Nam ở vùng Đồng Nai. Họ vẫn còn đầy đủ: Đất đai, dân, chính quyền, quân đội và ngoại giao độc lập.
(Dông dài thêm một chút: Chuyện vua Lê Thánh Tôn có thật sự đến đèo Cả, có thân hành viết bia trên Thạch Bi Sơn như sử cũ đã nêu, thì ngày nay còn nhiều tranh cãi. Lập luận bây giờ phần nhiều là không. Chỉ có một đội quân tiền phương của vua Lê vô đến Phú Yên làm thế xong, rút về Qui Nhơn).
Và nước Chiêm Thành đã bị thu hẹp chỉ còn độ một phần ba của chính họ hồi thế kỷ 12 này, đến cuối thế kỷ 16 vẫn còn đánh phá vùng biên giới Cam Bốt, không loại trừ tham vọng họ muốn tiến chiếm cả vùng Đông Nam bộ ngày nay. Ở phía Bắc, đối mặt với các Chúa Nguyễn, họ cũng làm điều tương tự. Bộ Thực Lục Tiền Biên chép cụ thể việc này.
Dấu chấm hết trên thực tế của vương quốc chỉ đến sau các cuộc đánh chiếm (do người Chiêm gây hấn trước) dưới thời các Chúa Nguyễn từ năm 1620 đến năm 1653 và Minh Vương Nguyễn Phước Chu “chốt hạ” vào năm 1692 bằng việc đánh chiếm Panduranga (vùng từ nam Phan Rang đến Phan Rí Chàm ngày nay) và đặt tên xứ này là trấn Bình Thuận. Tuy thế, qua năm sau, do khó khăn trong việc bình định, nên Chúa Nguyễn trả lại tự trị cho họ.
Từ năm 1693, họ mới là một tiểu vương triều trên danh vị, dẫu họ còn liên lạc với Trung Hoa và có tiếp một vài đoàn Tây phương. Đến năm 1832, dưới thời vua Minh Mạng, nhân sự biến Lê Văn Khôi, nhà vua dứt hẳn tiểu vương triều lệ thuộc này và năm 1833 là dấu chấm hết chính thức của đất nước Champa.
Dông dài lòng vòng như vậy chỉ để bảo vệ cái câu tôi “nói cho ngon” ở phần trước. Đất nước Champa đã từng tồn tại mười tám thế kỷ, với bao lớp sóng hưng suy trước khi mất hẳn tên trên bản đồ thế giới.
Tại sao thế? Đã có rất nhiều câu giải đáp. Hầu hết đều xác đáng. Nay tôi mạo muội nêu thêm mấy ý mà trộm nghĩ rằng, đã góp phần không nhỏ làm Chiêm Thành mất nước.
Đầu tiên là do họ dễ dàng từ bỏ không gian sinh tồn của mình, của chính dân tộc mình.
Tranh chấp, chiến tranh Chiêm-Việt tiếp diễn liên miên trong lịch sử. Từ khởi thủy lập quốc Lâm Ấp, họ đã đã nhiều lần tiến đánh Giao Chỉ với tham vọng chiếm được đồng bằng sông Hồng màu mỡ. Họ mạnh hơn lên vào thế kỷ 10 và cường thịnh nhứt vào thế kỷ 12, kéo dài đến cuối thế kỷ 14.
Về quân bị, họ cũng hùng hậu, đặc biệt thiện chiến về tượng binh và thủy quân. Họ cũng đánh bại quân xâm lăng Mông Cổ như ta vậy. Thủy quân Việt thời Lý, Trần đâu phải hạng vừa, nhưng vẫn “ngán” chiến thuyền Chiêm.
Chế Bồng Nga của họ là một vị vua anh hùng với ba lần đốt phá kinh thành Thăng Long và ghi một vết buồn cho lịch sử vua chúa Việt Nam: vua Trần Duệ Tông tử trận bởi Chế Bồng Nga năm 1377 trong trận tấn công của nhà Trần vào thành Đồ Bàn trong chiến dịch “phản kích tự vệ” sau mấy cuộc tấn công của Chiêm vương. Trần Duệ Tông là vị vua duy nhất trong lịch sử VN tử trận tại chiến trường khi thân chinh.
Vậy mà trong thời kỳ hưng thịnh nhất này họ lại dễ dàng giao đất cho ngoại bang nhiều nhất. Khởi đầu là năm 1059, họ dâng cho Đại Việt ba châu là Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh chỉ để… chuộc mạng ông vua Chế Củ. Vậy là biên giới Việt – Chiêm từ bắc Quảng Bình, phải dời vô nam Quảng Trị. Chiêm quốc mất một dải nguyên cả tỉnh Quảng Bình và hai phần ba của tỉnh Quảng Trị ngày nay.
Thêm một ông vua nữa xem đất đai của quốc gia như đồ trong túi là Chế Mân. Để cưới được Huyền Trân công chúa (năm 1306), ông dâng cho nhà Trần (đời Trần Nhân Tông) hai châu Ô, Lý và Đại Việt rộng thêm với Quảng Trị, Thừa Thiên, đến giáp với tỉnh Quảng Nam ngày nay.
Từ đây, họ suy yếu dần, cứ mỗi lần họ tính “nống ra” thì bị đánh bại, mất đất lần hồi, cho đến tiêu luôn là điều dễ hiểu.
Lại thêm, dân Việt suốt một dải miền Trung nhiều đời đã lưu truyền câu rằng: “Đất là của người Chàm, nhưng hễ người Việt di dân đến ở thì người Chàm bỏ đi”. Có thể họ ngại bị đồng hóa chăng?
Thế sao người Mãn chiếm Trung nguyên, rốt cuộc người Mãn chỉ còn cái đuôi sam, mọi thứ khác đều đã bị Hán hóa?
Dĩ nhiên sự thể này còn tùy vào “bản lãnh” và “đẳng cấp văn hóa” của từng dân tộc. Cái cốt lõi có lẽ là họ không có tình cảm gắn bó với quê hương, đất ở chưa “hóa tâm hồn” trong lòng họ; đất nước là của “ông vua” nào ở đâu đó mà họ chỉ biết qua làm xâu và nạp thuế. Chuyện đất nước chẳng liên quan gì đến họ. Chuyên đất nước đã có Bộ … lo. Bộ cống nạp cho người ta rồi thì mình … di dời!
***
Lễ tục “Cúng Đất” của dân Việt miền trung, từ Quảng Trị đến Phú Yên – Tôi ghi rõ là từ QuảngTrị với nhiều chứng liệu dân gian và Quảng Trị chính là đất 3 châu mà Chiêm vương Chế Củ đem dâng cho Việt quốc – chứ không phải tục Cúng Đất-Cúng-Bà-Hậu-Thổ chỉ có riêng ở Bình Định, Phú Yên thôi đâu. Cúng là để tỏ lòng biết ơn cái vụ “lấn chiếm đất” dễ dàng này chăng?
Tục này nay nhạt nhòa lắm rồi, trong đó việc cúng chung cả làng gần như mất hẳn. Chỉ còn cúng trong gia đình mà cũng chỉ ở thế hệ cha mẹ chúng tôi trở về trước thôi, lớp chúng tôi quên hết rồi, hơn nữa, còn đất đâu nữa mà Cúng.
Nhưng chuyện này cũng cần nên nhắc. Do là khoản mươi năm trước, nhờ có “chơi” với một vị thầy cúng, cao niên hơn ba tôi, được ông rủ dự Cúng Đất-Cúng Bà Hậu Thổ ở nhà ông, tôi loáng thoáng nghe trong lời khấn của ông có bóng dáng một vị nữ thần Hời.
***
Thế đấy, một dân tộc mà vua thì xem giang sơn gấm vóc của liệt tổ liệt tông như đồ chơi trong túi, dễ dàng dâng cho ngoại bang, dân thì chẳng màng bảo vệ không gian sinh tồn của mình thì diệt vong là tất yêu. Trách ai bây giờ?!
Chả bù với người Tàu. Đất người, biển người, họ ra rả quanh: “Đông-Nam-Á là không gian sinh tồn của Trung quốc”, “Biển Hoa Nam là quyền lợi cốt lỏi của Trung quốc”. Sao chẳng nghe ai nói Biển Đông theo công pháp cũng là quyền lợi cốt lõi củaViệt Nam? Nói thiệt, chứng tỏ thiệt dùm chút!
Ngoài cái tội tự làm yếu mình và giúp mạnh cho ngoại bang rồi dẫn đến diệt vong như trên thì Chiêm Thành còn vướng phải những khuyết điểm nặng nề khác làm cho họ mất tên trên bản đồ thế giới.
Đó là khuyết tật nội thân của cấu trúc xã hội. Đó là ý thức quốc gia của cả vua và dân đều không có. Người của bộ tộc Cau hay bộ tộc Dừa được thế lên làm vua, chỉ làm sao mau mau “qua bển báo cáo” và được vua Tàu sắc phong là đủ.
Tính CHÍNH DANH của vua, của nhà cầm quyền là được VUA TÀU SẮC PHONG. Chẳng cần lo chi quốc kế dân sinh. Suốt bao nhiêu đời vua chẳng định hình ra một nền kinh tế xương sống cho đất nước. Hết gây chiến, nghênh chiến, thì dốc sức dân xây tượng đài khu lưu niệm, ủa lộn, lo xây đền xây tháp… thì bảo sao đất nước không đi đến tiêu vong!?
Lẽ ra, nếu có đủ “đất” thì tôi nêu rõ dữ liệu, trình bày lập luận thuyết phục cho các ý kế tiếp vừa rồi. Nhưng xin lỗi bạn đọc, bài dài quá rồi, thôi đành cô đọng mấy ý như thế.
Đến đây tôi chỉ mong bạn chia sẻ cùng tôi, chút đỉnh nào đó, cái cảm giác: Kể chuyện buồn nước Chiêm sao lơ mơ cứ nghĩ chuyện mình.
Khái niệm quốc gia (nội hàm cơ bản bao gồm:một dân tộc,một lãnh thổ,môt chính quyền) hình như chỉ mới xuất hiện từ thế kỷ 16-17 gì đó ở Âu Mỹ sau khi các trào lưu tư tương dân chủ với các triết gia John Locke của Anh,Montesquieu,Jean Jack Rousseau của Pháp …Chứ về trước ý nghĩa quốc gia chưa bao giờ thấy trong quá trình lịch sử tiến hóa của nhân loại.Thời đại phong kiến lấy đât đai làm của cải riêng tư của vua chúa,khi nhà vua chiếm được đất dai lãnh thỏ của ai đó thì tự mình quản lý hoặc phân chia cho con cái hoàng tộc hoặc công thần làm lãnh chúa,còn khi vua thua trận thì phải nhường đất của mình cho kẻ chiến thắng.Vì vậy vai trò của công dân mờ nhạt trong chế độ phong kiến,cho nên khái niệm quốc gia chưa hình thành.
Giặc Ba đình nhún nhường với giặc Tàu chỉ cốt được yên ổn họp đại hội với nhau.
Biển Đông chúng không thiết, sẵn lòng dâng cho giặc Tàu mấy cái đảo hoang chim ỉa.
Chúng sẵn lòng mở đặc khu, cho giặc Tàu thuê đất 99 năm.
Chúng chỉ rình rang tổ chức đại hội, bầu cử này nọ tiêu tốn hàng ngàn tỷ tiền dân, chỉ cốt tranh quyền đoạt ghế sát phạt nhau.
“Bòn khố rách sắm dù sơn kiệu
Hút máu dân làm rượu làm trà”
Mặc cho dân khốn khổ vì dịch bệnh hoành hành, chúng chỉ chăm chăm với các dự án tượng đài, khu tưởng niệm là nơi chúng dễ dàng đục khoét quỹ công.
Đến năm 2045, hồn Việt còn không ?