Bản tin ngày 22-6-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Báo Thế Giới và VN đưa tin: Mỹ lên ‘Kế hoạch Thái Bình Dương mới’ nhắm trọng tâm vào Trung Quốc. Cố vấn quốc phòng Ely Ratner, phát biểu trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, rằng “một thế trận tiền phương tác chiến đáng tin cậy” là điều cần thiết để “răn đe, và nếu cần thiết, sẽ được sử dụng để chống lại viễn cảnh tạo sự đã rồi”, trong tình hình Lầu Năm Góc đang xem xét xây dựng một “lực lượng thường trực” ở Tây Thái Bình Dương.

Ông Ratner giải thích, một lực lượng như vậy sẽ cần “các khái niệm tác chiến mới, các lực lượng hiện đại và sẵn sàng trực chiến có chất lượng cao, cùng các đồng minh và đối tác có đủ năng lực để đảm nhận thành thạo vai trò chiến đấu của họ”.

TS Jerry Hendrix, nhà phân tích các vấn đề chiến lược, nhận định, lực lượng thường trực như vậy sẽ là một “sự răn đe vì nó thể hiện sự thống nhất của các bên trong nỗ lực chống lại các mối đe dọa thái quá của Trung Quốc đối với khái niệm tự do biển cả và tự do thương mại thông qua các yêu sách lãnh hải rộng lớn của mình”.

VTC có bài: Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc xây dựng hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển. Ảnh vệ tinh chụp mũi đất Vinh Thành ở tỉnh Sơn Đông cho thấy địa điểm phòng thủ được xây dựng trong 3 giai đoạn từ năm 2010, gồm 4 bốn vị trí bắn, được xây dựng trên sườn đồi hướng ra biển. Các vị trí có boongke gần như trực tiếp phía sau, với các mảng tường chắn ở phía trước. 

Ảnh vệ tinh cho thấy chuỗi công sự phòng thủ bờ biển được xây dựng ở mũi đất Vinh Thành, tỉnh Sơn Đông, TQ. Ảnh: Google Earth/VTC

Mời đọc thêm: Hơn cả năm, báo Trung Quốc mới khoe chuyện ‘chặn được máy bay Mỹ’ (TT). – Rạn san hô có thể thổi bùng xung đột Mỹ – Trung (Zing). – Kỳ 1: Dự án Biển Đông 01- nơi mà lòng yêu nghề và tình yêu nước đã được thể hiện (PetroTimes). – Một lần đến Trường Sa (TH). – Những chiến binh trong lòng Biển Đông (TP).

Sai phạm trong quản lý đất

VnExpress đưa tin: Ông Tất Thành Cang bị khởi tố trong vụ bán rẻ 320.000 m2 đất. Vụ này khác với vụ sai phạm ở Sadeco, là vụ bán rẻ cổ phần của doanh nghiệp nhà nước, không liên quan đến đất; còn đây là vụ bán rẻ 320.000 m2 đất ở huyện Nhà Bè trái thẩm quyền, sai quy định, liên quan đến Công ty Tân Thuận. Ngày 5/6/2017, Công ty Tân Thuận đã đồng ý chuyển nhượng khu đất có vị trí đắc địa cạnh sông Sài Gòn cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. 

Khu đất Quốc Cường Gia Lai mua của Công ty Tân Thuận có vị trí đẹp. Ảnh: Quỳnh Trần/VNE

Thời điểm khu đất này được bán, TP HCM trống vị trí Bí thư Thành ủy do ông Đinh La Thăng “được” Bộ Chính trị điều động làm Phó ban Kinh tế TƯ, chính là thời điểm ông Thăng chuẩn bị vào “lò”, còn ông Nguyễn Thiện Nhân chưa về TP HCM. Thành ủy thành Hồ lúc đó do Phó bí thư Thường trực Tất Thành Cang điều hành. Cùng với Sáu Cang, hai cựu Phó chánh Văn phòng Thành ủy là Phạm Văn Thông và Phan Thanh Tân cũng bị khởi tố. 

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Ông Tất Thành Cang chỉ đạo gì ở dự án 32ha đất ở Phước Kiển? Thời điểm bán đất, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lúc đó là ông Tất Thành Cang đã chỉ đạo, chấp thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận được chuyển nhượng phần đất đã đền bù, công trình đã đầu tư tại dự án Khu dân cư Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai. Quá trình chuyển nhượng đất được xác định là có sai phạm. 

Báo Lao Động có bài về vụ “chảy máu” đất công tại Khu Công nghệ cao TPHCM: Có dấu hiệu tham nhũng. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống bình luận vụ trục lợi trên 62 ha đất công ở Khu Công nghệ cao: “Họ đứng ra xin thuê hơn 62 hecta đất công trên danh nghĩa là xây nhà cho chuyên gia thuê ở, tuy nhiên sau đó họ tổ chức bán thu lợi bất chính là hành vi vi phạm pháp luật và là một việc làm không công bằng cho những người dân bị thu hồi đất”.

Ông Tống phân tích: “Ngay cả hành vi họ ký hợp đồng thuê nhà với người mua nhà thời hạn 50 năm, thì cũng không đúng. Bởi theo quy định, những căn biệt thự đấy có thể hiểu giống như nhà khách – chuyên gia này vào thuê ở vài năm rồi đi, sau đó chuyên gia khác vào thuê. Đằng này họ cho thuê 50 năm, thế ở vài năm không làm việc nữa, thì anh vẫn chiếm dụng cái nhà đó luôn, những chuyên gia khác đến làm việc thì lấy đâu nhà để ở?”

Phía sau bức tường dự án ở khu công nghệ cao là một sự thật trái ngược với những thông tin được ghi bên ngoài. Ảnh: Huân Cao/ LĐ

Vụ bán rẻ đất ở Hà Nội: Nhiều bất thường trong vụ hơn 18ha “đất vàng” được đấu giá “siêu rẻ” tại huyện Gia Lâm, báo Thanh Tra đưa tin. Đó là khu đất toạ lạc tại vị trí đắc địa ở thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, có tổng diện tích hơn 18,7 ha, lại được đấu giá với giá khởi điểm “siêu rẻ”, bình quân chỉ khoảng 8,4 triệu đồng/m2, quá thấp so với giá đất thị trường. Một khu “đất vàng” đã được bán rẻ mạt cho Tập đoàn Thiên Minh Đức. 

Khu đất TQ5 có vị trí vô cùng đắc địa, giao cắt, tiếp giáp với nhiều tuyến đường lớn và xung quanh là các khu đô thị trọng điểm của huyện Gia Lâm, nhưng bị bán rẻ. Ảnh: Thanh Tra

Mời đọc thêm: Công an TP HCM khởi tố ông Tất Thành Cang do sai phạm tại 32 ha đất Phước Kiển (NLĐ). – Dự án 32ha đất Phước Kiển liên quan ông Tất Thành Cang bị bán rẻ ra sao? (TP). – “Chảy máu” đất công tại Khu Công nghệ cao TPHCM: Nỗi đau từ thu hồi đất“Chảy máu” đất công tại Khu công nghệ cao TPHCM: UBND TPHCM yêu cầu xử lý (LĐ).

35 dự án nhà đất công vi phạm tại Khánh Hòa: Gần 1.000 tỉ đồng chưa được thu hồiChính quyền thua kiện vì lấy đất đã giao dân giao địa phương (TT). – Nóng tình trạng chiếm đất trái pháp luật để đòi đền bù ở Bà Rịa – Vũng Tàu (VTV). – Bình Định: Ngang nhiên sử dụng đất không đúng quy định tại Khu tái định cư Tân Thanh, trách nhiệm thuộc về ai? (DV). 

Cập nhật tin Miến Điện

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: EU và Anh trừng phạt 8 quan chức chính quyền quân sự Myanmar. Theo nguồn tin từ hãng AFP, Liên minh châu Âu (EU) vừa thêm 8 quan chức của chính quyền quân phiệt  Miến Điện và 3 công ty có liên quan đến quân đội vào danh sách đen vì dính líu đến cuộc đảo chính ngày 1/2 và trấn áp biểu tình. Các cá nhân và tổ chức bị EU áp lệnh trừng phạt sẽ bị đóng băng tài sản và cấm thị thực. 

Danh sách trừng phạt mới gồm các Bộ trưởng các Bộ Nội vụ, An ninh, Tài chính, Tài nguyên thiên nhiên và Giao thông vận tải của Miến Điện. EU cũng thêm các doanh nghiệp đá quý và gỗ do chế độ quân phiệt Miến quản lý vào danh sách đen nhằm tìm cách cắt các nguồn thu chính cho nhà cầm quyền ở Miến. Tổng số cá nhân và thực thể ở Miến bị EU trừng phạt lên tới 35, từ khi EU bắt đầu áp đặt lệnh trừng phạt hồi tháng 3/2021.

Tình hình khủng hoảng kinh tế ở Miến: Myanmar thiếu tiền mặt, ngân hàng quyết không in thêm, theo Zing. Tình trạng bế tắc khó được giải quyết sớm, bởi Ngân hàng TƯ Miến không có ý định bơm thêm tiền mặt ra thị trường, do lo ngại tình trạng lạm phát và người dân ồ ạt đổi tiền sang đô Mỹ. Còn người lao động và các doanh nghiệp đều yêu cầu được thanh toán bằng tiền mặt, nên Miến càng thiếu tiền, hoạt động kinh doanh và đời sống của người dân Miến càng gặp khó.

Tại trụ sở ngân hàng Kanbawza ở TP Yangon, người gửi tiền có thể rút tiền với hạn mức tương đương 30.000 USD, nhưng phí rút tiền đến 6,5% số tiền được rút. Người dân và giới doanh nghiệp đều lo rằng, một khi đã gửi tiền mặt vào ngân hàng, họ sẽ không thể rút ra, nên họ liên tục tìm cách rút tiền.

Người dân ở TP Yangon vạ vật xếp hàng chờ được rút tiền. Ảnh: AFP/Zing

Trong khi đất nước chìm ngập trong bế tắc chính trị và kinh tế, lãnh đạo quân phiệt Miến chỉ lo bắt tay với thế lực độc tài: Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing lên đường thăm Nga, theo An Ninh Thủ Đô. Lãnh đạo tối cao của chế độ quân phiệt Miến đi dự hội nghị an ninh theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Nga. Đây là chuyến công du nước ngoài thứ 2 của Thống tướng Min Aung Hlaing kể từ cuộc đảo chính 1/2. 

VTC có clip: Myanmar phản đối nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Zing dẫn lời một số LS của cựu cố vấn nhà nước dân chủ Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi: Lời nhân chứng ở phiên tòa sai sự thật. Bà Min Min Soe, một trong những LS của bà Aung San Suu Kyi, cung cấp thông tin về phiên tòa ngày 21/6, ở thủ đô Naypyidaw, một số lời khai chống lại bà Aung San Suu Kyi là không đúng sự thật. Bà Suu Kyi đã “đã quan tâm lắng nghe trong toàn bộ quá trình điều trần và cho chúng tôi biết lời khai nào là không đúng sự thật, lời khai nào cần được kiểm tra chéo”.

Mời đọc thêm: Anh, EU lại trừng phạt Myanmar (TG&VN). – EU và Anh bổ sung nhiều cá nhân và tổ chức của Myanmar vào danh sách trừng phạt (Tin Tức). – Trong khi Anh-EU trừng phạt, Nga bắt tay hợp tác với Myanmar (GT). – Myanmar mua xe tăng chủ lực T-90 từ Nga? (ANTĐ). – Bà Suu Kyi cảm ơn người dân chúc mừng sinh nhật (Zing). – Dịch ĐNA: Indonesia tái bùng phát nguy hiểm, Myanmar báo động cao (PLTP). – Số ca mắc mới COVID-19 ở Myanmar tăng mạnh, cao nhất từ sau cuộc đảo chính (TP).  

***

Thêm một số tin: Vì sao người dân Sài Gòn kêu gọi tẩy chay vải thiều Bắc Giang? (RFA). – Hơn 200 người từ Mỹ về tố bị khách sạn ép cách ly để ‘làm tiền’ (NV). – Lào trao quyền kiểm soát lưới điện quốc gia cho TQ trong 25 năm ra sao? (BBC). – AP: Em gái lãnh tụ Triều Tiên chế nhạo quan chức Hoa Kỳ, bác bỏ cơ hội đàm phán (VOA). 

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây