Bản tin ngày 21-6-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên đưa tin: Chiến đấu cơ Trung Quốc khóa mục tiêu, xua đuổi máy bay Mỹ ở Biển Đông? Hoàn Cầu Thời báo tiết lộ thông tin về vụ máy bay chiến đấu nước này xua đuổi máy bay quân sự nước ngoài ở Biển Đông hồi tháng 5/2020. Theo nguồn tin từ CCTV, một số máy bay quân sự nước ngoài bị phát hiện do thám sát TQ hồi tháng 5/2020, một lữ đoàn không quân thuộc Chiến khu Nam bộ đã được triển khai để đối phó.

Máy bay chiến đấu TQ tham gia cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đoạn video do CCTV đưa lên Twitter ngày 29/4. Ảnh chụp màn hình của báo Thanh Niên.

Phi công Lộ Cương thuộc lữ đoàn nói trên, khẳng định, đã xua đuổi thành công máy bay quân sự nước ngoài. Họ Lộ khoe khoang, đã lái máy bay chiến đấu Su-30 trên không phận Biển Đông, khóa mục tiêu và thực hiện hành động tấn công giả, buộc máy bay quân sự nước ngoài “không còn lựa chọn nào khác là phải rút lui”. Giới quan sát nhận định, khả năng “máy bay nước ngoài” là máy bay trinh sát của Mỹ.

VTC có clip: Trung Quốc thông báo tập trận 1 tuần ở Biển Đông.

Báo Thanh Niên có bài: Tàu sân bay Mỹ phối hợp cùng chiến hạm Singapore ở Biển Đông. Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indopacom) của quân đội Mỹ công bố một số hình ảnh về hoạt động phối hợp tàu chiến với Singapore ở Biển Đông ngày 17/6. Tàu sân bay USS Ronald Reagan và tàu tuần dương USS Shiloh của Mỹ phối hợp hoạt động với tàu hộ tống tàng hình Singapore RSS Intrepid (FFS 69), nhằm tăng cường năng lực, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quyền lợi của Mỹ cũng như lợi ích chung với các đồng minh trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Tàu chiến hạm Mỹ và Singapore phối hợp hoạt động ở Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ/TN

Mời đọc thêm: Hạm đội của hải quân Nga vừa làm gì ở biển Đông và gần Hawaii? (Soha). – Nhật kêu gọi châu Âu tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á (TT). – ASEAN cam kết duy trì một khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (TG&VN). – Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Ngoại trưởng Singapore (TTXVN). 

Chiến dịch “đốt lò”

Diễn biến mới về vụ án ông Tất Thành Cang và đồng phạm: Khởi tố thêm 6 cựu cán bộ Công ty Sadeco, VOV đưa tin. VKSND TP HCM phê chuẩn quyết định khởi tố thêm 6 người liên quan tới tội “Tham ô tài sản” trong vụ án cựu Phó Bí thư Thành ủy Tất Thành Cang và đồng phạm gây thiệt hại 1.103 tỉ đồng, xảy ra tại Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và các đơn vị liên quan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra công an thành Hồ ra quyết định khởi tố bị can Nguyễn Văn Minh, cựu Trưởng ban kiểm soát Sadeco để điều tra về hành vi “Tham ô tài sản”. Công an cũng khởi tố bổ sung đối với các bị can là cựu lãnh đạo, quan chức của Sadeco và IPC gồm, cựu Phó Tổng GĐ Sadeco Trần Đăng Linh; cựu Kế toán trưởng Sadeco Đỗ Công Hiệp; cựu Tổng GĐ IPC Trần Công Thiện; cựu Phó Tổng GĐ IPC Phạm Xuân Trung; cựu chuyên viên Văn phòng Thành ủy Huỳnh Phước Long, đều cùng tội danh.

Báo Pháp Luật TP HCM có bài phân tích vụ ông Tất Thành Cang: Khởi tố thêm các bị can tội tham ô. Vụ khởi tố bổ sung là diễn biến nối tiếp vụ VKSND TP HCM trả hồ sơ để công an thành Hồ điều tra bổ sung vụ án Sáu Cang và đồng phạm ở Sadeco, IPC ngày 3/6. Diễn biến cho thấy, công an thừa nhận “vai trò đồng phạm tham ô tài sản của các cá nhân cựu là Thành viên HĐQT và Ban kiểm soát Công ty Sadeco trong việc nhận tiền thù lao, khen thưởng của Công ty Sadeco” do phía VKS “gợi ý” trước đó khi trả hồ sơ. 

Chuyện thiệt hại trong vụ bán rẻ cổ phần của Sadeco cho Nguyễn Kim, CQĐT đã xác định giá trị một cổ phần của Sadeco là 162.571 đồng, chứ không phải 144.489 đồng như trước đó. Nghĩa là, thiệt hại của vụ án là hơn 1.103 tỉ đồng, nhiều hơn 160 tỉ đồng so với trước.

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi về vụ án liên quan ông Tất Thành Cang: Hơn 5 tỉ đồng tiền thù lao, quỹ khen thưởng của Sadeco bị tham ô ra sao? Về số tiền bị cho là tham ô của Sadeco, cơ quan điều tra xác định, bị can Tề Trí Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Sadeco nhiều lần ký duyệt chi quỹ cho các thành viên HĐQT, BKS dưới danh nghĩa chi kinh phí hoạt động hơn 5,3 tỉ đồng, nhưng không có chứng từ chứng minh, vào các dịp lễ, tết. Chỉ duy nhất lần chi thưởng Tết dương lịch 2017, hơn 413 triệu đồng, được chuyển về tài khoản Văn phòng Thành ủy, số còn lại đều chi cho cá nhân Dũng.

CQĐT kết luận, bị can Tề Trí Dũng là chủ mưu, bị can Hồ Thị Thanh Phúc, thành viên chuyên trách HĐQT Sadeco, giữ vai trò đồng phạm, giúp sức tích cực, tạo điều kiện để Dũng tham ô hơn 1,7 tỉ đồng. CQĐT không đả động gì đến vai trò của Sáu Cang trong vụ tham ô của Sadeco. 

Các tin trên báo “lề phải” cho thấy, công an càng điều tra dưới sự “gợi ý” của VKS, thì dấu ấn của Sáu Cang trong vụ sai phạm ở Sadeco, IPC ngày càng “nhạt” hơn, còn hành vi của các cựu thuộc cấp của Sáu Cang càng lúc càng được “tô đậm”. Nhìn lại lịch sử “biến hóa” của các kết luận điều tra trong vụ này:

Công an thành Hồ hoàn tất kết luận điều tra vụ ông Tất Thành Cang ngày 12/1, đúng 24 ngày sau khi Sáu Cang bị bắt tạm giam. Trong bản kết luận điều tra này, Sáu Cang được xác định là người “cầm trịch”, phải chịu trách nhiệm chính trong vụ bán rẻ cổ phần ở Sadeco. Ngày 10/3, sau gần 2 tháng “ngâm” hồ sơ, Viện KSND TPHCM trả hồ sơ vụ án Tất Thành Cang để xác định lại thiệt hại

Ngày 10/5, công an thành Hồ công bố kết luận điều tra bổ sung lần 1, ông Tất Thành Cang được đề nghị giảm nhẹ trách nhiệm. Lần này, công an “nhẹ giọng” hơn với Sáu Cang, cho rằng ông này phải chịu trách nhiệm, nhưng không phải “trách nhiệm chính”, đồng thời tô đậm vai trò của Tề Trí Dũng và đồng phạm trong vụ sai phạm. Ngày 3/6, VKSND TP HCM lại trả hồ sơ vụ án Tất Thành Cang cùng đồng phạm

Hôm nay, công an khởi tố thêm 6 người liên quan đến vụ án Sadeco, dù báo chí “lề phải” liên tục nhắc đến tên Tất Thành Cang, công an lại ít nhắc đến Sáu Cang mà nhấn mạnh vai trò “chủ động” của Tề Trí Dũng và đồng phạm trong vụ tham ô. Nhờ có màn “đá bóng” qua lại giữa công an và VKS thành Hồ, hơn 6 tháng sau khi Sáu Sang bị bắt tạm giam, VKSND TP HCM vẫn chưa thể ra cáo trạng truy tố “cánh tay đắc lực” một thời của anh Hai Nhựt, cựu Bí thư thành Hồ. 

***

Vụ đấu nhau liên quan đến Vũ “nhôm”, cũng xuất hiện diễn biến mới. CQĐT Bộ Công an vừa chuyển kết luận điều tra sang VKSND tối cao, đề nghị truy tố ông Nguyễn Duy Linh về hành vi nhận hối lộ của Vũ ‘nhôm’, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Ông Vũ Quốc Thắng, Phó Cục trưởng Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra, tức C01, của Bộ Công an, thông báo như vậy trong buổi họp báo về tình hình kết quả công tác 6 tháng đầu năm do Bộ Công an tổ chức chiều nay.

Ông Thắng nói, vào ngày 15/6, CQĐT đã ban hành quyết định khởi tố bổ sung vụ án nhận hối lộ liên quan đến Vũ “nhôm” và khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Duy Linh, cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo. Ngày 20/6, CQĐT đã có kết luận điều tra bổ sung chuyển sang VKSND tối cao đề nghị truy tố ông Nguyễn Duy Linh về tội nhận hối lộ, Phan Văn Anh Vũ về tội đưa hối lộ, Hồ Hữu Hòa về tội môi giới nhận hối lộ. 

Báo Thanh Niên dẫn lời đại diện C01 của Bộ Công an: Ông Nguyễn Duy Linh bị đề nghị truy tố kịch khung tội nhận hối lộ. Ông Linh bị cáo buộc nhận hối lộ trên một tỉ đồng và phải đối mặt với mức án “20 năm tù, chung thân hoặc tử hình”. Khả năng đây là hành động “rung cây dọa khỉ” đối với những nhân vật cấp cao hơn của Bộ Công an có dính líu đến vụ việc. Trước đó, cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng bị truy tố với tội danh có khung hình phạt lên tới tử hình, nhưng thoát án tử.

Báo Tuổi trẻ tự kiểm duyệt, khi đăng bài: Đề nghị truy tố ông Nguyễn Duy Linh ‘kịch khung’ vì nhận hối lộ của Vũ ‘nhôm’, nhưng sau đó đã sửa lại cái tựa thành: Đề nghị truy tố ông Nguyễn Duy Linh về hành vi nhận hối lộ của Vũ ‘nhôm’, cũng như cắt bỏ cụm từ này: “với khung hình phạt cao nhất tới tử hình”. Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ trước khi tự kiểm duyệt:

Trước đó, báo Tiếng Dân có bài viết độc quyền về vụ bắt giữ Nguyễn Duy Linh. Theo đó, ông Linh chính là “dê tế thần” trong vụ “đốt lò” nhắm tới đường dây lãnh đạo cấp cao của Bộ Công an có liên quan đến “đồng chí X”. Dù cựu Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Minh Chính hiện đã ngồi vững ghế Thủ tướng, còn ông Tô Lâm vẫn bám chắc ghế Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng vụ thanh trừng vẫn tiếp diễn, nên phe công an quyết định “thí quân” với Nguyễn Duy Linh, như một bước nhượng bộ “cái lò” của ông Trọng.  

Mời đọc thêm: Khởi tố thêm 6 người về tội tham ô tài sản trong vụ án ông Tất Thành Cang (GDTĐ). – Khởi tố thêm 6 người tội tham ô liên quan vụ án ông Tất Thành Cang (VNN). – Khởi tố thêm 6 người tội tham ô liên quan vụ án ông Tất Thành Cang và đồng phạm (VTC). – Cựu tổng cục phó Tổng cục Tình báo bị đề nghị truy tố (VNE). – Bộ Công an: Ông Nguyễn Duy Linh bị khởi tố về tội ”Nhận hối lộ” (TTXVN). 

Mời đọc lại: Hoàn tất kết luận điều tra sai phạm của ông Tất Thành Cang (NNVN). – Trả hồ sơ vụ bán 9 triệu cổ phần cho Nguyễn Kim giá rẻ liên quan ông Tất Thành Cang (TT). – Tiếp tục đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang và đồng phạm (PLTP). – Lại trả hồ sơ vụ án Tất Thành Cang cùng đồng phạm (SGGP). – Vì sao chưa thể ra cáo trạng truy tố ông Tất Thành Cang? (NLĐ). 

Tin giáo dục

Báo Giáo Dục VN có bài phỏng vấn ĐBQH Dương Thị Minh Ánh về vấn đề gian dối học thuật: “Người tài thật sự được trọng dụng thì gian dối học thuật tự biến mất”. Bà Ánh nói: “Người tài thật sự được trọng dụng thì gian dối học thuật tự biến mất. Khi đó những yếu tố quan hệ, bằng cấp đẹp nhưng năng lực kém sẽ không còn đất sống, người học muốn đạt được mục tiêu sẽ phải học thật và thi thật”.

Bà Ánh nói không sai, một nền giáo dục tôn trọng thực tài, thực học, sẽ đào thải những kẻ gian lận. Nhưng một nền giáo dục như vậy không thể tồn tại trong chế độ đảng trị ở VN. Bởi vì môi trường VN hiện tại “hồng hơn chuyên”, con đường thăng tiến trong các cơ quan nhà nước không phải bằng khả năng chuyên môn, mà qua “tư tưởng”, “lập trường”, “lý lịch đỏ” và các yếu tố “bôi trơn” khác. 

Chẳng hạn như, một người với cương vị nguyên thủ quốc gia, nhưng lúc thì phát biểu “ma-dze in Việt Nam”, lúc thì “cờ – lờ – mờ – vờ”, vậy mà vẫn được làm Thủ tướng, rồi Chủ tịch nước, một sự xúc phạm với những người học ngoại ngữ nghiêm túc ở VN.

Tương tự, một người làm luận án “tiến sĩ chân vịt” bị tố đạo văn, rồi hành xử như xã hội đen, tùy tiện bắt giữ, tống giam những người tố cáo ông ta, nhưng vẫn ngồi vững ghế Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, rồi được thăng tiến lên làm Tổng thư ký QH. Chừng đó là đủ thấy nền giáo dục ở VN không thể trọng dụng nhân tài, khi những nhân vật vừa không có tài, vừa không có đức còn ngồi vững ở những vị trí lãnh đạo cấp cao. 

VietNamNet đưa tin: Hiệu trưởng bị tố bớt xén tiền thưởng, ‘ém’ tiền hỗ trợ học sinh nghèo. UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, xác nhận, cơ quan chức năng huyện đang xem xét vụ sai phạm của Hiệu trưởng Đoàn Minh Lộc của Trường Tiểu học và THCS Xy và các đồng phạm.

Vụ việc xảy ra vào học kỳ 1 năm 2018-2019, khối lớp 9 của Trường THCS Xy có 22 HS thuộc diện hộ nghèo, được hỗ trợ 400 ngàn đồng mỗi em, nhưng các học sinh này lại không được nhận tiền hỗ trợ. Tháng 5/2020, có 60 HS “cháu ngoan Bác Hồ” được nhận mỗi HS 500 ngàn đồng từ số tiền của một ngân hàng trao tặng, tổng cộng 30 triệu đồng. Nhưng ông Lộc chỉ đạo giáo viên thu lại mỗi HS 400 ngàn đồng, các em HS chỉ còn lại 100 ngàn đồng/ mỗi em. 

Liên quan đến vụ cô giáo ở huyện Quốc Oai, TP Hà Nội, bị trù dập nhiều năm liền, báo Giáo Dục VN đặt câu hỏi: Cô Tuất bị bao nhiêu đơn thư, đoàn thanh tra huyện Quốc Oai xử lý như thế nào? Vụ cô giáo Nguyễn Thị Tuất, không chỉ Ban giám hiệu mà cả phụ huynh HS của Trường Tiểu học Sài Sơn B cũng tham gia “đấu tố” cô Tuất.

Trong năm học 2019 – 2020 và 2020 – 2021, nhà trường nhận tổng số 11 đơn kiến nghị của phụ huynh HS phản ánh “phẩm chất, đạo đức” của cô Nguyễn Thị Tuất, đề nghị trường không cho cô Tuất tiếp tục giảng dạy môn Lịch sử và Địa lý. Đoàn kiểm tra của UBND huyện Quốc Oai kết luận, việc tiếp nhận và giải quyết đơn của phụ huynh HS đối với cô Tuất chưa thực hiện đúng quy định, trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng.

Trước đó, UBND huyện Quốc Oai đã công bố kết quả thanh tra vụ cô giáo bị tố ‘trù dập’ ở Hà Nội. Theo đó, đoàn thanh tra của huyện này cho rằng trong 16 nội dung tố cáo của cô Tuất, có 5 nội dung đúng sự thật, 2 nội dung chỉ đúng một phần, còn lại là không đúng hoặc chưa đủ cơ sở để kết luận.

Cô Tuất được công luận ủng hộ vì cô đã trải qua “cuộc chiến” chống tiêu cực ở Trường Tiểu học Sài Sơn B trong nhiều năm liền. Cho nên, UBND huyện Quốc Oai phải ra kết luận thanh tra theo kiểu cố gắng không làm mất lòng cả 2 phía, không phủ nhận hết đơn thư tố cáo của cô Tuất, càng không xử ép BGH nhà trường. 

Mời đọc thêm: Dạy thật, học thật, thi thật vẫn là một thách thức lớn đối với ngành giáo dụcGiáo viên soạn giáo án 5512 khổ một, tổ trưởng chuyên môn khổ mười (GDVN). – Nỗi niềm chứng chỉ và câu trả lời của 2 Bộ trưởng Nội vụ (VNN). – Tố hiệu trưởng ‘ém’ tiền hỗ trợ học sinh nghèo: ‘Không dám…’ (ĐV).

Kết luận thanh tra vụ cô giáo tố bị trù dập: 7/16 nội dung tố cáo không đúng (PNVN). – Lãnh đạo huyện Quốc Oai nói gì về thông tin học sinh cầm gậy đánh cô Nguyễn Thị Tuất chưa đủ cơ sở? (DV). – Phú Yên: Yêu cầu xử lý nhóm nữ sinh đánh hội đồng bạn 2 lần trong ngày (Infonet). – Lần đầu tiên sinh viên thi học kỳ trực tuyến (PLTP). – Năm học ‘COVID-19’ đầy thử thách (Tin Tức). 

Vụ bà Nguyễn Phương Hằng vs VOV: Đình chiến?

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an: Bà Nguyễn Phương Hằng không liên quan vụ báo điện tử VOV bị tấn công. Trong cuộc họp báo của Bộ Công an chiều nay, tướng Tô Ân Xô thông báo, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, A05, đã xác định nhóm hacker thực hiện hành vi tấn công mạng vào báo điện tử VOV – Đài Tiếng nói VN, hoạt động rải rác từ Bắc vào Nam.

Trung tướng Xô lưu ý, “những thông tin trên mạng xã hội cho rằng vụ tấn công mạng báo điện tử VOV có liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng đều là suy diễn”. Trước đó, một số tài khoản mạng xã hội cho rằng, bà Phương Hằng thuê nhóm hacker tấn công vào báo điện tử VOV để đáp trả 2 bài báo phê phán các video livestream của bà Hằng, nhưng đến nay chưa có tài liệu nào chứng minh bà Hằng liên quan đến vụ việc này.

A05 đã khởi tố vụ án liên quan việc báo điện tử VOV bị tấn công, theo VietNamNet. Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó cục trưởng Cục A05 thông báo, đến nay đơn vị này xác định được một số đối tượng có liên quan. Cơ quan chức năng đã có quyết định khởi tố vụ án, trước mắt đã khởi tố một bị can liên quan đến việc tấn công báo điện tử VOV. Nhưng tướng Mạnh không nói rõ danh tính của bị can. 

Về phía bà Hằng, phu nhân của đại gia Huỳnh Uy Dũng, vẫn tiếp tục livestream chiều nay:

Như vậy, VOV và một số báo “lề phải” đang ở thế yếu trong vụ này. Họ là nhóm khơi mào vụ việc với mấy bài báo phê phán bà Hằng livestream. Giờ phía công an kết luận bà Hằng không liên quan, bà càng có lý do để tiếp tục livestream, nghĩa là mấy bài báo tìm cách “dạy đời” bà Hằng không có tác dụng gì. VOV có thể gỡ gạc lại chút thể diện nếu công an khởi tố được dăm ba “đối tượng”, nhưng “mục tiêu chính” của họ là bà Nguyễn Phương Hằng thì vẫn vô sự. 

Mời đọc thêm: Tướng công an nói về vụ hacker tấn công VOV (GDTĐ). – Vụ Báo điện tử VOV bị tấn công: Chưa có căn cứ xác định sự liên quan của bà Phương Hằng (TP). – Khởi tố vụ án, khởi tố một bị can vụ tấn công Báo điện tử VOV (CL). – Công an điều tra vụ bà Phương Hằng tố cáo bị nhiều tài khoản trên mạng vu khống, làm nhục (SGGP). 

***

Thêm một số tin: Campuchia yêu cầu VN giúp nhanh chóng hồi hương người Việt cư trú bất hợp pháp (RFA). – Chuyến bay có người nhiễm Covid, đội tuyển VN bị ảnh hưởng gì? (BBC). – Mỹ cảnh báo Trung Quốc sẽ bị cô lập nếu không hợp tác điều tra nguồn gốc COVID-19 (Tin Tức). – Mỹ coi ‘chuẩn bị đối thoại và đối đầu’ của Bắc Hàn là tín hiệu thú vị (NV).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây