BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên đưa tin: Nhật kêu gọi ‘thận trọng quan sát’ việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông. Trong bài phát biểu hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói với các nghị sĩ Liên minh châu Âu, rằng tên lửa đạn đạo, quyết định gia tăng ngân sách quốc phòng và hoạt động quân sự hóa của TQ ở Biển Đông cần được “quan sát thận trọng” để “gìn giữ hòa bình”.
Bộ trưởng Kishi lưu ý, sự an toàn của Biển Đông cũng quan trọng đối với các nước châu Âu vì 1/3 giá trị thương mại thế giới và khoảng 40% thương mại của các nước châu Âu đi qua vùng biển này. Bộ trưởng Kishi cũng cảnh báo, Luật Hải cảnh mới của TQ cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng chống tàu nước ngoài, căng thẳng dâng cao ở biển Hoa Đông và Biển Đông do luật này là “không thể chấp nhận”.
Báo Tuổi Trẻ có bài về vụ TQ xâm phạm không phận Đài Loan ngày 15/6: Trung Quốc tập ném bom trải thảm phía đông Đài Loan? Ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng thuộc Tổ chức Rand Corporation ở Mỹ cảnh báo, vụ xâm phạm cho thấy “sự sẵn sàng chiến đấu theo điều kiện thực tế” của Không quân TQ.
Ông Grossman phân tích, trong các vụ xâm phạm trước đó, máy bay quân sự TQ chỉ đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) Đài Loan một khoảng thời gian ngắn rồi quay đầu về đại lục. Nhưng lần này, máy bay ném bom TQ đã đi sâu vào ADIZ, vòng xuống cực nam và áp sát bờ biển phía đông Đài Loan, cho thấy khả năng TQ thực hành kịch bản ném bom 2 căn cứ không quân ở Đài Đông và Hoa Liên.
RFI có bài phỏng vấn LS – nhà báo Lưu Tường Quang về tình hình ở Nam Thái Bình Dương: Thế thượng phong sẽ thuộc về Úc hay Trung Quốc? Ông Quang cảnh báo: “Nước Úc là một lục địa lớn, chưa từng bị quân ngoại nhập xâm lăng. Nếu bây giờ Trung Quốc, một quốc gia không đồng hành với nước Úc, và giả sử có một trận chiến nào đó xảy ra, miền Bắc nước Úc cũng sẽ bị ảnh hưởng, bị đe dọa bởi sức mạnh quân sự của Bắc Kinh. Sức mạnh quân sự đó tiến gần hơn khi Bắc Kinh thiết lập được những cơ sở không xa lục địa Úc Châu gọi là để phát triển kinh tế với khả năng nhằm sử dụng về mặt quân sự”.
Báo Thanh Niên có bài phân tích tình hình Biển Đông: ngòi nổ trong quan hệ Trung Quốc – Indonesia. Chuyên gia Emirza Adi Syailendra, tại Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore nhận định, lâu nay Indonesia duy trì tình trạng không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng một phần vùng kinh tế đặc quyền (EEZ) của nước này xung quanh quần đảo Natuna ở phía nam Biển Đông bị “đường lưỡi bò” của TQ “liếm” trúng. Cho nên, Indonesia ngày càng trở nên cảnh giác đối với những vụ tàu TQ xâm nhập EEZ kể từ vụ đụng độ năm 2016.
VOA có clip: Việt Nam lập Hải đội dân quân ‘bảo vệ chủ quyền biển đảo’.
Mời đọc thêm: Chuyên gia: Trung Quốc dần sẵn sàng tấn công thực tế đảo Đài Loan (PLTP). – Báo Trung Quốc ‘khoe’ ảnh chiến hạm khai hỏa khi tập trận ở Biển Đông (TN). – Mỹ tung thêm chiêu ngăn hải quân Trung Quốc lộng hành (Infonet). – Hành trình Canada không còn ‘né tránh’ vấn đề Biển Đông (TG&VN). – Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia: Phải nhìn vào thực tế các vấn đề ở Biển Đông (VOV).
Các vụ “ăn” đất
Liên quan đến vụ sai phạm quản lý đất ở Bình Dương vừa bị UBKTTƯ nêu ra trong kỳ họp thứ 4, báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Lãnh đạo Bình Dương để mất ‘đất vàng’ ra sao? Vụ Tổng công ty 3-2 để xảy ra các vi phạm trong việc góp vốn, chuyển nhượng khu đất 43ha của dự án khu đô thị Tân Phú và khu đất 145ha để làm dự án sân golf. Sai phạm liên quan tới gần 200ha đất đều có trách nhiệm của cơ quan chủ quản là Tỉnh ủy Bình Dương.
Tổng công ty 3-2 góp 30% vốn bằng quyền sử dụng đất 145ha vào Công ty Tân Thành để kinh doanh sân golf với 2 đối tác Hàn Quốc. Nhưng 2 đối tác Hàn Quốc đã rút khỏi liên doanh khi chưa góp đủ vốn. Lãnh đạo Tổng Công ty 3-2 đã dùng thủ thuật mua bán lòng vòng để “biến hóa”, chuyển nhượng qua lại, khiến 2 cổ đông cuối cùng sở hữu mảnh đất 145ha là Công ty TNHH Phát Triển và Công ty cổ phần Hưng Vượng.
Báo Tiền Phong có bài: ‘Màn ảo thuật’ biến 188ha đất công thành đất tư khiến loạt lãnh đạo Bình Dương bị xử lý. Tin cho biết, cả 2 khu đất 43ha và 145ha nói trên đều thuộc Khu liên hợp công nghiệp – đô thị – dịch vụ Bình Dương, được UBND tỉnh Bình Dương giao lại cho Tổng Công ty 3-2 quản lý. Riêng khu đất 43ha được giao cho tư nhân vào năm 2012, nhưng áp dụng mức giá năm 2006, khiến nhà nước thất thoát khoảng 106 tỉ đồng.
Với khu đất 145ha, quá trình giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng không qua hình thức đấu giá. Mảnh đất được giao năm 2013 nhưng áp dụng mức giá năm 2006, gây thất thoát ngân sách trên 659 tỉ đồng. Vụ sai phạm khiến gần 200ha “đất vàng” của nhà nước rơi vào tay tư nhân với giá rẻ mạt, đã đưa một loạt lãnh đạo, quan chức của tỉnh Bình Dương và Tổng Công ty 3-2 vào “lò”.
Trước đó, báo Thanh Niên có bài về vụ bất thường giao đất ‘vàng’ ở Bình Dương: Cho thuê đất giá 30 đồng/m2. Vụ này không liên quan đến 2 mảnh đất 43ha và 145ha kia, mà xảy ra ở 2 khu công nghiệp Mỹ Phước 1 và Mỹ Phước 2. UBND tỉnh Bình Dương đã cho phép Tổng công ty Becamex IDC ký các hợp đồng thuê đất 50 năm, lần lượt với đơn giá 30 đồng/m2 và 153 đồng/m2 “là điều hết sức bất thường”.
Đất ở khu Mỹ Phước 2 vốn được quy hoạch cho các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp, nhưng UBND tỉnh Bình Dương đã “móc ngoặc” với chủ đầu tư, cho phép xây các dự án bất động sản như khu trung tâm thương mại, khu nhà ở thương mại. Các công trình này đã được xây dựng xong và bán hàng chục năm nay, nhưng vướng thủ tục pháp lý nên bị bỏ hoang, khiến đất bị lãng phí ở nơi lẽ ra là khu công nghiệp.
Báo Thanh Niên đưa tin: Khánh Hòa chi 565 triệu đồng thẩm định lại giá đất nhiều dự án sai phạm. UBND tỉnh Khánh Hòa thông báo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân vừa ký văn bản đồng ý kiến nghị của Sở TN-MT tỉnh về chủ trương, kế hoạch thực hiện xác định giá đất đối với các dự án có sai phạm bị UBKTTƯ “điểm mặt” vào ngày 30/8/2019.
Trước đó, vào ngày 3/6, Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa có báo cáo đề xuất tỉnh bổ sung kinh phí thuê đơn vị tư vấn thẩm định lại giá đất của 9 dự án có sai phạm đã được TƯ chỉ ra. Theo đề xuất, dự toán kinh phí thẩm định lại giá đất các dự án này tới khoảng 565 triệu đồng, chi từ nguồn tiền ngân sách. Nghĩa là, cần hơn nửa tỉ từ ngân sách chỉ để xét lại giá đất các dự án sai phạm, chứ chưa khắc phục sai phạm.
VnEconomy có bài về tình hình sai phạm ở TP.HCM: Nhiều sai phạm về đất đai cần xử lý. Kết quả thanh tra gần đây của Thanh tra Chính phủ cho thấy, UBND thành Hồ chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng đất và giao cho Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc 5 làm chủ đầu tư xây dựng chung cư theo quy hoạch không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, là không đúng quy định của pháp luật. Do chủ đầu tư chậm triển khai dự án, TTCP đề nghị UBND thành Hồ xem xét thu hồi dự án theo quy định.
TTCP còn chỉ ra, một số doanh nghiệp đã thuê đất trong các khu công nghiệp của thành Hồ, nhưng không khai thác, sử dụng, dẫn đến lãng phí hơn 53.000 m2 đất. Trong đó, khu công nghiệp Hiệp Phước của Công ty Hùng Vương để lãng phí gần 42.000 m2, khu công nghiệp Lê Minh Xuân của Công ty Đầu tư VN lãng phí hơn 7.200 m2.
Mời đọc thêm: Sai phạm đất đai ở Bình Dương: Thoái vốn, nộp tiền khắc phục hậu quả hàng trăm tỷ đồng (VNN). – Sai phạm đất đai tại Bình Dương: Xin trả lại 145ha ‘đất vàng’ cho Nhà nước (TT). – Những khu ‘đất công’ thành ‘đất ông’ gây thất thoát ngân sách khủng ở Bình Dương (TP). – Bất thường giao đất ‘vàng’ ở Bình Dương: Mang cả đất công viên, giao thông… cho doanh nghiệp phân lô — Bà Rịa – Vũng Tàu: Bao chiếm hàng chục ngàn mét vuông đất dự án (TN). – Hải Phòng rào tôn, chuẩn bị cưỡng chế khu đất quốc phòng bị lấn chiếm (LĐ). – Tập đoàn Sơn Hải được giao hơn 5.700m2 đất để xây khu đô thị 2.200 tỷ tại Quảng Bình (VNF).
Tin nhân quyền
Vụ đàn áp nhân quyền ở báo Apple Daily: Cảnh sát Hong Kong bắt một tổng biên tập, bốn lãnh đạo, BBC đưa tin. Cảnh sát Hồng Kông vừa ập vào bắt giữ tổng biên tập và 4 lãnh đạo khác của tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily, với cáo buộc vi phạm luật an ninh quốc gia. Apple Daily là tờ báo thường xuyên chỉ trích giới lãnh đạo Bắc Kinh, tờ báo này thuộc sở hữu của “ông trùm truyền thông” Hồng Kông Jimmy Lai, là người cũng bị bắt và bị bỏ tù với một loạt tội danh liên quan đến chính trị, nhân quyền.
Tin cho biết, cảnh sát cũng đến nhà riêng của Tổng biên tập Ryan Law, Tổng GĐ Cheung Kim-hung của công ty mẹ Next Digital, GĐ vận hành Chow Tat-kuen, GĐ xuất bản của Apple Daily, Chan Pui-man và GĐ Cheung Chi-wa, rồi bắt giữ họ. Phía cảnh sát không nêu tên những người bị bắt nhưng xác nhận là 5 người đã bị bắt vì “câu kết với lực lượng ngoại bang hoặc có yếu tố nước ngoài để gây nguy hại cho an ninh quốc gia”.
VOA có bài về vụ bắt bớ ở Hong Kong: Cảnh sát đột kích tòa soạn Apple Daily theo luật an ninh quốc gia. Quan chức An ninh Hồng Kông John Lee gọi tòa soạn báo này là “hiện trường vụ án” và cho rằng hoạt động này nhằm vào những người sử dụng nghề báo như một “công cụ gây nguy hiểm” cho an ninh quốc gia.
Phát biểu của ông Lee làm dấy lên lo ngại về quyền tự do báo chí ở Hồng Kông. Ông Lee không đi vào chi tiết về hàng chục bài báo mà cảnh sát nói rằng họ đang nhắm tới, nhưng nói rằng 5 người đã bị bắt vì âm mưu “lợi dụng công việc báo chí” để kích động “các lực lượng nước ngoài”.
Mời đọc thêm: Cảnh sát Hong Kong khám xét tòa soạn báo, bắt giữ tổng biên tập (Zing). – Cảnh sát Hong Kong khám xét tòa soạn, bắt giữ Tổng biên tập Apple Daily (PLTP). – Năm lãnh đạo báo Hong Kong bị bắt vì luật an ninh quốc gia (TP).
***
Thêm một số tin: Hoãn ngày xử nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh và đồng phạm (RFA). – Các nhà sản xuất ô tô Thái Lan lo ngại về chuẩn khí thải mới của Việt Nam (BGT). – Điện Kremlin ca ngợi việc Nga-Mỹ đạt thỏa thuận về kiểm soát vũ khí (TTXVN). – Kim Jong-un thừa nhận tình trạng lương thực ‘căng thẳng’ tại Bắc Hàn (BBC). – Mỹ-Nga : Trao đổi « mang tính xây dựng » giữa Biden và Putin — Vladimir Putin và 5 đời tổng thống Mỹ : Hai thập niên thăng trầm (RFI).