Biết gì từ thế sự trong chăn (Phần 1)

Nguyễn Đình Cống

9-6-2021

1- Giới thiệu

Khi tự ứng cử vào Quốc hội tôi có tâm sự: Thử len vào chốn bụi trần/ Để xem thế sự xoay vần làm sao.

Tôi hình dung thế sự bầu cử có một chiếc chăn trùm lên những người tự ứng cử. Tôi đã chui vào đó và thoát ra, biết trong chăn có nhiều rận, muốn chỉ ra để mọi người tìm cách tránh, mà trước hết giúp cho các Ban bầu cử thấy được để khắc phục.

Khi viết bài tôi tự nghĩ là với ý đồ trong sáng, thiện chí, nhưng phải đợi cho cuộc bầu cử 2021 được “Thành công rực rỡ” mới công bố, vì nếu đem phô ra trước ngày 23/5 dễ bị quy tội hoạt động phá hoại bầu cử, làm mất công các cán bộ an ninh, các tuyên truyền viên, các dư luận viên.

2- Hồ sơ ứng cử

Ứng viên phải làm 2 bộ hồ sơ, mỗi bộ gồm 4 loại: Đơn ứng cử, sơ yếu lý lịch, tiểu sử tóm tắt, bản kê khai tài sản, thu nhập. Ngoài văn bản bằng chữ, viết tay hoặc đánh máy, còn kèm thêm một số ảnh chân dung, dán vào hồ sơ và để rời. Mỗi loại hồ sơ phải được làm theo mẫu và được hướng dẫn khá chi tiết cách thực hiện một số mục.

Hồ sơ phải đươc UBND Phường, Xã ghi lời xác nhận, đóng dấu vào sơ yếu lý lịch. Ngoài ra còn cần đóng dấu giáp lai chỗ dán ảnh, giữa các trang trong một loại hồ sơ. Trước khi đóng dấu hồ sơ được nhân viên tiếp nhận, không những dò xem nội dung mà soi xét từng chữ cho đến các dấu chấm câu, các khoảng cách, chữ thường hay chữ hoa…, mọi thứ phải nhất nhất đúng theo mẫu hướng dẫn, nếu sai dù một dấu phẩy cũng phải làm lại.

Qua được khâu ở Phường, Xã mới được đem nộp lên cấp trên là tỉnh hoặc thành phố. Ở đây lại một lần nữa hồ sơ được cán bộ tiếp nhận soi xét kỹ hơn và không ít trường hợp phải làm lại từ đầu.

Bộ hồ sơ như thế vừa thiếu vừa rất lãng phí.

Thiếu “Chương trình hành động” (hoặc chương trình tranh cử), trình bày các công việc và cách thực hiện khi được trúng cử. Đó là những cam kết bằng giấy trắng mực đen chứ không phài là “Lời nói gió bay”.

Theo tôi, nếu không có Chương trình, kế hoạch thì đừng ứng cử hoăc nhận đề cử. Cử tri không nên bầu cho những ứng viên không có chương trình được làm cẩn thận hoặc chương trình không phù hợp.

Trong đơn ứng cử, thiếu một điểm quan trọng, đó là ứng viên được chọn đơn vị bầu cử. Hình như đây là sự cố tình của Ban bầu cử, không cho ứng viên chọn đơn vị bầu cử mà để Ban có toàn quyền sắp xếp nhằm đạt được mục đích của họ. Điều này là thiếu tôn trọng quyền ứng cử.

Lãng phí rất lớn vì mất rất nhiều công sức và thời gian để làm, để kiểm tra, để xác nhận, để tiếp nhận, lưu giữ và hủy bỏ một đống rất lớn hồ sơ không biết dùng để làm gì. Có ít nhất hai loại hồ sơ như vậy. Một là của những ứng viên bị hiệp thương loại ngay từ vòng đầu, không được đưa vào danh sách. Hai là hồ sơ kê khai tài sản và sơ yếu lý lịch của những ứng viên thất cử.

Ngoài lãng phí công sức, thời gian thì còn phải tiêu tốn một lượng giấy không nhỏ vì một số hồ sơ phải làm đi làm lại nhiều lần mới đạt yêu cầu, đặc biệt là đối với những người tự ứng cử.

Không hiểu được những người có trách nhiệm trong Ban bầu cử suy nghĩ như thế nào mà đề ra những nguyên tắc khá vô lý về hồ sơ, tạo ra sự lãng phí như vậy. Tôi đoán là đầu tiên một người có quyền hành nào đó, vì kém trí tuệ và lười suy nghĩ, bất chợt nghĩ ra tên 4 loại hồ sơ rồi lệnh cho cán bộ dưới quyền soạn ra mẫu để phổ biến. Mọi người cứ thế thi hành, không ai có ý kiến thêm bớt, không ai dám đề xuất sửa đổi. Không một ai làm phản biện. Việc như thế chắc đã qua trên chục kỳ bầu cử.

3- Vất vả khi làm hồ sơ ứng cử

Đó là nỗi vất vả của người tự mình làm hồ sơ, không nhờ hoặc thuê mướn được ai. Còn những người được Đảng và Mặt trận đề cử chắc sẽ nhẹ nhàng, đơn giản hơn nhiều, vì có người giúp.

Tôi tự tin, cho rằng với trình độ giáo sư thứ thiệt, đã viết rất nhiều sách báo các loại, thỉnh thoảng được khen có “văn hay chữ tốt” thì làm hồ sơ ứng cử chỉ là việc nhỏ. Vào mạng, tải xuống các biểu mẫu và hướng dẫn, xem kỹ rồi ngồi làm. Tuy rằng tôi gõ trên máy khá chậm, nhưng chưa hết một buổi sáng đã làm xong phần cơ bản, chỉ thiếu việc lập cái bảng khai quá trình công tác. Đúng ra không cần lập bảng cũng khai được, nhưng mẫu văn bản bắt phải thế.

Tôi nhờ con gái làm cái bảng ấy theo mẫu tôi đã làm nháp trên giấy. Con gái bảo rằng, để nó xem qua những phần tôi đã làm. Nó nguyên là hiệu trưởng trường mầm non vừa nghỉ hưu.

Nó nói, ba ơi, văn bản bây giờ phức tạp lắm, nó không giống như trên 20 năm trước thời ba còn đương chức đâu. Là hiệu trưởng con đã chết khổ vì mấy cái báo cáo hàng năm, phải làm đi làm lại đến gần kiệt sức vì bị thư ký của cấp trên đàn hạch hết lỗi này đến lỗi khác về quy chuẩn soạn thảo văn bản.

Nói rồi nó xem qua các hồ sơ tôi vừa làm và kêu lên: Nhiều lỗi về soạn thảo lắm ba ơi. Thôi để con nhờ cô Hảo, chuyên đánh máy các văn bản của trường đến giúp ba soát xét và hoàn chỉnh.

Cô Hảo vừa chỉnh sửa, vừa giảng cho tôi những nguyên tắc khắt khe phải tuân theo về soạn thảo văn bản. Những thứ đó từ trước đến nay tôi vẫn làm theo thói quen, miễn là gõ ra chữ, đọc được, hiểu ý. Tôi chỉ có thể dùng 2 ngón tay để gõ và gõ rất chậm, lại thường bị gõ nhầm.

Tôi yên tâm và tin tưởng hồ sơ đã được chuẩn bị chu đáo sau hai ngày làm việc cật lực, dò đi, sửa lại với sự giúp đỡ tận tình của “chuyên gia” Hảo, sẵn sàng đem đi xin xác nhận. Thế nhưng rồi còn phải làm lại nhiều lần.

4- Nỗi cực nhục khi xin xác nhận hồ sơ

Sáng ngày 6 tháng 3 tôi đem hồ sơ ra UBND phường xin xác nhận, với niềm tin chỉ một loáng là xong. Do đã làm tổ trưởng dân phố nhiều năm, tôi quen biết nhiều cán bộ ở UBND phường. Tuy vậy người tiếp tôi ở Văn phòng một cửa, mới vào làm, không biết tôi, nhưng có quen con gái tôi là hiệu trưởng trường mầm non, vừa là đại biểu Hội đồng Nhân dân và Đảng ủy viên. Tưởng thế cũng là có quan hệ. Nhưng cán bộ một cửa bảo tôi hãy mang hồ sơ về, vì văn phòng đang mất mạng không dây.

Tôi ngạc nhiên, hỏi, mất mạng thì liên quan gì đến việc xác nhận hồ sơ. Họ giải thích mà tôi không hiểu, đành ra về, để lại số điện thoại, khi nào có mạng thì họ gọi. Họ hứa sẽ gọi ngay cho tôi hoặc con gái tôi (họ đã có số ĐT của nó từ trước) khi vừa có mạng trở lại.

Sáng ngày 8 con gái nói là các chị ở văn phòng nhắn cho nó rằng đã có mạng, ông đem hồ sơ ra để xác nhận. Tôi đem hồ sơ ra, chị văn phòng chỉ xem qua, trả lại ngay vì hồ sơ không hợp lệ, người làm hồ sơ phải ký trước mặt cán bộ tiếp nhận chứ không được ký trước ở nhà. Tôi nằn nì, xin thông cảm, tôi xin lấy tờ giấy, ký trước mặt chị, chị so thấy hai chữ ký giống nhau thì được chứ gì.

Không, không được, không thể thông cảm cho ông như thế vì vi pham nguyến tắc. Tôi đành đi phô tô lại trang cuối cùng, mang đến ký trước măt chị một cửa. Cầm hồ sơ đi một lúc chị quay trở lại, nói rằng, hôm nay ngày 8 mà hồ sơ đề ngày 6, phải làm lại. Tôi lại nằn nì. Chị thông cảm, hồ sơ tôi làm ngày 6 mà, hôm đó tôi đã đem đến đây nhưng vì mất mạng. Chị “một cửa” nhất định không thông cảm, tôi đành đem về làm lại trang có mục ngày tháng.

Chiều ngày 8 tôi mang hồ sơ đến, cũng chỉ một lúc bị trả về làm lại. Lần này bị phát hiện hồ sơ không nguyên vẹn mà đã bị sửa chữa. Nguyên là tôi có dùng bút bi tô đậm lại cái dấu sắc ở cái tên CỐNG. Tôi đã gõ rất cẩn thận cái dấu sắc ấy, nhưng khi phô tô ra nhìn không được rõ, có thể nhầm thành CÔNG (không có dấu sắc), vì thế tôi dùng bút làm cho đậm thêm dấu sắc. Thế là vi phạm quy tắc, bị phát hiện lỗi gian lận, đành phải đem về làm lại.

Sáng ngày 9 tôi đem hồ sơ đến, lần này phải ngồi đợi khá lâu, tôi có thì giờ quan sát. Trong số khách đến giao dịch, có 2 người biết tôi, họ đến trước mặt, lễ phép, cung kính chào thầy và hỏi thăm. Đó là những sinh viên cũ, nay là các nhà doanh nghiệp. Tôi thấy họ đến giao dịch rất nhanh, chị một cửa tỏ ra thân mật, niềm nở chứ không có thái độ lạnh lùng như khi tiếp tôi.

Đợi khá lâu, trên 2 giờ, tôi được trả lại hồ sơ với nhận xét rằng phải làm lại hồ sơ vì tôi dùng từ không đúng. Ở lý lịch, mục 26, khai về vợ, tôi viết: Là thành viên Hội Phụ nữ Việt Nam, bị bắt sửa lại là: Hội viên Hội Phụ nữ Phường Kim Giang. Ở Tiểu sử, mục 21- Là đại biểu quốc hội khóa: tôi đề chữ Chưa, bị bắt đề lại chữ Không.

Lần này tôi không nhận lỗi và nhã nhặn thưa lại rằng tôi đã viết đúng. Mục 26 của lý lịch có hướng dẫn rõ ràng: Khai là thành viên của tổ chức nào. Thành viên nghĩa rộng hơn hội viên, và tổ chức ở đây là Hội phụ nữ Việt Nam chứ ở Phường chỉ có Chi hội. Ở mục 21, trong tài liệu hướng dẫn không có quy định rõ ràng, giữa hai chữ “không” và “chưa” tôi chọn chữ “chưa”. “Không” là không bao giờ, còn “chưa” là trong tương lai có thể có. Ở đây dùng “chưa” thích hợp hơn.

Chị một cửa nói rằng, chị là người giúp việc, quyền xác nhận ở chủ tịch ủy ban. Việc chữa hay không tùy tôi, nhưng chị ta ngại là không chữa thì chủ tịch sẽ không ký xác nhận.

Tôi nói không sao. Nếu vì điều này mà chủ tịch không ký thì tôi vui lòng chấp nhận, chứ tôi không sửa theo ý của chị hay của chủ tịch, tôi bảo vệ đến cùng ý mà tôi cho là đúng.

Tôi nhờ chị nói với chủ tịch câu sau: Nếu chủ tịch không ký thì tôi đành không ứng cử nữa, nhưng tôi sẽ công bố chuyện này lên mạng internet ngay lập tức.

Chị một cửa đành chịu, không ép tôi làm theo ý của chị, nhưng vẫn chưa thế xác nhận vì còn chờ ý kiến bên công an xác minh về các con tôi. Đành phải về chờ đợi tiếp.

Chiều ngày 9, công an báo phải khai lại vì lời khai về chỗ ở hiện tại của các con chưa chính xác. Con thứ ba chỉ khai thành phố và nước Hà Lan, không có số nhà và tên đường phố, con thứ tư khai đầy đủ số nhà, đường phố ở Hà Nội, công an bảo phải khai ở Đà Nẵng vì họ biết rõ nó đang ở Đà Nẵng. Tôi đưa hộ khẩu thường trú của nó ra, vẫn không được chấp nhận.

Tôi đòi gặp Chủ tịch phường để giải quyết. Thế là Phó Chủ tịch cùng CB công an và tôi đem nhau đến một phòng riêng để trao đổi. Tôi trình bày rằng, hộ khẩu thường trú của con tôi ở Hà Nội, nó vào Đà Nẵng làm ăn theo thời vụ, nay ở khách sạn này, mai thuê nhà chỗ nọ, các vị bắt tôi khai đúng số nhà nó đang ở, làm sao tôi khai được.

Thảo luận một lúc mọi người đành chấp nhận lời khai của tôi. Nhưng vẫn phải hỏi số nhà và tên đường phố của con thứ ba và khai lại.

Chị “một cửa” nhận xét: Ông ngang thật. Mọi người được chỉ dẫn là vui lòng làm theo, chị mới gặp tôi là người đầu tiên bảo vệ ý kiến của mình đến nghẹt thở.

Tôi nhẹ nhàng thưa rằng, trước mặt các chị là một giáo sư trên 80 tuổi, là người tự ứng cử Quốc hội, chứ không phải là một lão già kém trí tuệ, thiếu bản lĩnh, quen với việc ai bảo gì nghe vậy. Lão già đó không dễ bị người khác sai khiến đến mức phải cúi đầu, khom lưng làm theo ý người khác.

Tôi ngậm ngùi đem hồ sơ về, bảo con gái liên hệ với em để biết số nhà, tên phố ở nước Hà Lan.

Sáng ngày 10 hồ sơ mới được xác nhận, xong việc ở văn phòng một cửa, nhưng tôi vẫn chưa được giao trả vì chưa đóng dấu, cô văn thư đang phải lên UB quận vì việc gì đó.

Chiều ngày 10 mới đóng được dấu vào bản xác nhận lý lịch. Nhưng ngoài việc xác nhận và đóng dấu giáp lai giữa các trang của lý lịch thì còn cần đóng dấu giáp lai vào các ảnh dán ở tờ đơn. Thư ký văn phòng nhất định không chịu đóng, viện dẫn đó là việc không thuộc phạm vi trách nhiệm.

Chị “một cửa” nói rằng đã làm xong việc xác nhận hồ sơ. Tôi phải mấy lần đi lại giữa văn phòng một cửa và văn phòng đóng dấu, trình bày hết sức nhã nhặn nhưng không được. Không lẽ chuyện này tôi phải phản kháng lên chủ tịch, yêu cầu chủ tịch can thiệp.

Tôi lại vừa có ý nghĩ hay là đi nhờ một nơi nào có dấu đóng chẳng được, vì hình như qui định viết là phải đóng dấu giáp lai nhưng không nói rõ là dấu của cơ quan hoặc tổ chức nào.

Đang loay hoay thì chị “một cửa” thứ hai (có hai chị “một cửa”) nói rằng, ông đưa hồ sơ đây, cháu sẽ đi đóng dấu cho. Chỉ chưa đầy một phút đã có đủ các dấu đóng vào nơi cần thiết.

Tôi nhận hồ sơ, tỏ lòng cám ơn, nhìn vào mặt chị, thấy được ánh mắt thân thiện, thông cảm. Hình như chị thấy tôi mà nghĩ đến ông nội hoặc ông ngoại của mình.

Tôi nói, rất cám ơn cháu đã giúp ông. Cháu thấy ông quá vất vả có phải không. Dù vất vả hơn nữa ông cũng chịu được vì ông nhân cơ hội này mà rèn tập đức tính kiên nhẫn, chịu đựng. Suốt đời ông quen làm thầy dạy bảo người ta, nay phải chịu hành hạ cũng là để thử thách đức tính nhẫn nhịn và biết thông cảm với những thân phận dân đen. Ông không dám dạy bảo cháu, nhưng tiện đây ông đọc cho cháu nghe câu thơ của Nguyễn Trãi mà ông thường tâm niệm:

Làm người chớ cậy khi quyền thế.

 Lắm lúc bàn cờ tốt đuổi xe”.

Tôi đọc to câu ấy cho nhiều người nghe được. Và trong đầu lúc ấy bỗng nảy ra ý nghĩ về việc viết thêm mục “Học sử dụng quyền lực” trong quyển sách tôi đang sọan tháo có tên “Cùng học làm người”.

(Còn nữa)

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Bác Nặc Danh (comment ở trên) thật tuyệt vời.
    Sinh sau, mà nhận thức hơn hẳn tác giả bài này.
    Hy vọng con và cháu bác Nặc Danh sẽ tuyên bố “hơn hẳn” cha và ông chúng.
    Hậu sinh như thế mới khiến các bậc tiền sinh khâm phục

  2. Bác Cống sinh ra, lớn lên và sống với chế độ cọng sản từ nhỏ đến lớn, ngay cái học vị của Bác cũng ở trong cái lồng đó, thế mà bây giờ bác mới biết vậy à! Thế mà cũng bày đặt phản với biện! Tôi thì khác bác là sinh ra và lớn lên ở miền nam, nên ngay ngày 30/4/1975 tôi đã biết rõ như vậy rồi!

Comments are closed.