“Lối rẽ của một nền kinh tế” và tầm vóc một con người

Huy Đức

11-5-2021

Ông Nguyễn Đình Lương (trái) và tác giả. Ảnh: Quốc Phong

Năm 1995 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ chỉ là 300 triệu USD, năm 2020 là 77,08 tỷ USD. Nhưng, các con số không thể nói hết ý nghĩa của Hiệp định Thương mại Việt Mỹ (BTA Việt – Mỹ).

Trưởng đoàn Đàm phán BTA, ông Nguyễn Đình Lương (Luong Nguyen Dinh), đặt tên cho cuốn sách, gọi sự kiện này là “Lối Rẽ Của Một Nền Kinh Tế”. Trên thực tế BTA đã lột xác không chỉ nền kinh tế. Ký BTA với Mỹ có nghĩa là Việt Nam phải sửa 73 luật, phải dứt khoát với nền kinh tế kế hoạch hóa, phải chuyển từ một nhà nước chỉ chú trọng lợi ích nhà nước, chú trọng quốc doanh sang một nhà nước bảo vệ lợi ích người dân và đảm bảo dân doanh.

Trong quá trình đàm phán 5 năm, thế lực mà các nhà đàm phán Việt Nam phải đối đầu không phải là “đế quốc Mỹ” mà là sự trì trệ, bảo thủ bên trong. Những cái đầu thủ cựu và quyền lực ấy không chỉ gây biết bao khó khăn cho các nhà đàm phán mà còn đánh mất rất nhiều cơ hội của đất nước.

Một trong những yếu tố quyết định thành công của 5 năm đàm phán (có thể nói là công cuộc đàm phán có ý nghĩa nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại), là con người. Phó thủ tướng Trần Đức Lương đã quyết định đúng đắn khi chọn ông Nguyễn Đình Lương, thay vì một chính trị gia, làm trưởng đoàn. Ông Lương là một người lão luyện về chính trị nhưng ông không có tham vọng chính trị nào lớn hơn lợi ích lâu dài cho đất nước.

Tuần trước, trong một bữa ăn trưa do một anh hùng lao động thời kỳ đổi mới mời, có hai cựu bộ trưởng, một trung tướng về hưu và một cựu binh doanh nhân. Mọi người cho rằng, cựu binh doanh nhân này xứng đáng được phong anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Cựu binh doanh nhân, vốn là anh hùng lực lượng vũ trang được phong thời chiến tranh, khiêm tốn nói, “Thưa các anh, danh hiệu anh hùng là rất cao quý, nhưng tôi đã có trải nghiệm vinh quang đó, tôi nghĩ là chúng ta nên chính thức đề nghị phong danh hiệu anh hùng cho anh Nguyễn Đình Lương. Là doanh nhân, chúng tôi biết công của anh Nguyễn Đình Lương đối với các doanh nghiệp, với nền kinh tế là rất lớn”.

Mọi người có mặt trong buổi trưa hôm ấy, kể cả ông Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng Thương Mại, cấp trên trực tiếp của ông Nguyễn Đình Lương, đều tán thành. Tuy tất cả các thành viên có mặt hôm ấy đều không ai còn có quyền quyết định nhưng sự ghi nhận của họ đối với ông Lương cho thấy tầm vóc của ông.

Tôi ra ngoài gọi điện thoại cho ông Lương, thì ông cười ha hả, ông đang ở quê và hình như vừa hút xong điếu thuốc lào. Đã 20 năm nay, người hùng Nguyễn Đình Lương đã rũ hết mọi vinh hoa để vui vẻ sống như một lão nông vừa “cày xong thửa ruộng”.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Phải chặt đứt cái đuôi ” định hướng XHCN” rồi muốn rẽ phải rẽ trái thì tùy , còn như hiên nay chỉ có tỷ phú đỏphục tùng đảng và các nhóm lợi ích vinh thân phì gia mà thôi- người dân chỉ là công nhân làm thuê è cổ ra cho các ông chủ đỏ bóc lột .

  2. Ơn Giời, cậu đây rồi! Trên thế giới, có bao nhiêu nước đàm phán các hiệp ước kinh tế với Mỹ và với nhau ta!

Comments are closed.