Không khí xã hội Việt đương thời

Thái Hạo

11-5-2021

Tôi bắt đầu ngạc nhiên cách đây chưa lâu, khi mới khoảng vài năm nay chú tâm quan sát kỹ thế giới internet và môi trường xã hội Việt Nam. Có rất ít những cuộc tranh luận nghiêm túc cả trong các vấn đề chính trị xã hội lẫn khoa học và nghệ thuật.

Chủ yếu là chạy theo sự kiện với những lời bình tán đầy cảm tính và tất nhiên thường không có mấy phẩm chất khoa học cũng như cơ sở vững chắc về lý lẽ. Ví dụ rất gần cho dễ nhớ, ngay một vụ “mẹ tôi chửi kẻ trộm” eo sèo suốt cả tuần nhưng lạ, không có mấy nhà khoa học lên tiếng. Những người có chuyên môn đang ở đâu? Vấn đề nằm ở năng lực hay vì một lý do gì khác mà cả vạn nhà giáo ngữ văn và nhà phê bình văn học không mấy ai chắp bút?

Ở Việt Nam, “tinh thần khoa học” là một cái gì rất xa xỉ. Người ta ngại đụng chạm, sợ mất lòng. Trong ban giám khảo của cuộc thi thơ ấy có những “cây bút lớn của văn học đương đại”, và tất nhiên là các vị giáo sư tiến sĩ có tên tuổi trong văn giới đều ít nhiều quen biết họ. Và thế là người ta né, họ chọn im lặng để tránh mất lòng nhau.

Môi trường khoa học ở ta vẫn là một kiểu quan hệ gia đình, bằng hữu; người ta sống với nhau bằng “cái tình” hơn là một thái độ khách quan. Tôi từng chứng kiến những vụ “trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết” trong các buổi bảo vệ luận văn. Chỉ vì ông thầy phản biện có thù với ông thầy hướng dẫn thì học trò lãnh đủ; bằng không thì ngược lại, nếu các ông ấy là “chỗ bạn thân” thì mọi việc sẽ nhẹ như lông hồng.

Trong “giới phản biện”, hay những người “bất đồng chính kiến”, “anh em dân chủ” cũng diễn ra một tình trạng vừa bi vừa hài. Riết rồi người ta không còn mấy sợ nhà cầm quyền nữa nhưng lại đâm ra sợ nhau. Người ta tự kiểm duyệt không những với quyền lực mà còn luôn phải dè chừng với “anh em”.

Trong các bài viết của mình, nếu thể hiện một tinh thần cầu thị và xây dựng mà không chê bai chửi bới chính quyền thì lập tức bị “anh em dân chủ” nghi ngờ. Nếu không thể hiện sự căm ghét Trung Quốc mà chỉ cần thể hiện một sự thiện cảm với Nho giáo thôi thì lập tức có thể bị chụp lên đầu cái mũ “Hán nô”. Thành ra, người ta luôn phải đương đầu với cả hai lực lượng: chính quyền và “anh em”. Dần, họ không dám viết cái mình thấy và cái mình nghĩ; họ bị cuốn đi đến thành thói quen; không còn mấy ai đủ bản lĩnh để nói tiếng nói của mình nữa.

Từ tất cả những cái kỳ quặc trên, trong xã hội hình thành hai trường phái: Phái im và phái chửi. Các nhà khoa học “hàn lâm, tháp ngà” thì im, đóng cửa ngồi nhà để hý hoáy viết một cái gì cho 300 trăm năm lẻ nữa; còn “anh em dân chủ” thì chửi văng mạng, và luôn sẵn sàng đập chết nhau nếu đứa bên cạnh nói khác mình.

Thành ra, xã hội Việt Nam ồn ào nhưng tuồng như im lặng; im lặng nhưng lại như thể rất sôi nổi. Nói rất nhiều nhưng chủ yếu là những tiếng ồn; im lặng nhưng không mấy suy tư…

Tôi còn nhớ, lúc bộ GD công bố chương trình mới (2018) rồi sau đó là hàng loạt văn bản hướng dẫn và quy định, tôi đã công khai ủng hộ. Những gì tôi đang cố gắng và khao khát làm đã tìm thấy những chiếc phao nhỏ có tính pháp lý về việc tự chủ chương trình, về giảm tải, về linh hoạt trong kiểm tra đánh giá, về đa dạng các phương thức giảng dạy…

Tất cả những cái này là rất đúng đắn, những ai đang muốn đổi mới giáo dục từ cơ sở thì chúng thật sự là một chỗ dựa. Tuy nhiên, khi tôi, để bảo vệ quan điểm và phương pháp giáo dục của mình, viện dẫn tới chúng thì đã có không ít các “nhà dân chủ” nhảy vào với lời lẽ kiểu “bắt quả tang” một tên “tay trong”. Khi tôi nói về Nho giáo với tinh thần gạn đục khơi trong hay những thứ hay ho mà người TQ đang có và giữ được thì lập tức người ta xô vào nói “đích thị Hán nô”.

Đầu óc đầy định kiến và thù hận mà muốn xây dựng một xã hội “tự do, dân chủ, nhân bản, khai phóng…” thì tôi không biết chúng ta sẽ lấy vật liệu gì để xây. Chẳng lẽ lại xây nhà bằng những viên xỉ than?

Tôi đã nhiều lần nói thẳng với bạn bè mình rằng, tôi biết miền Nam Việt Nam trước 1975 đã làm được nhiều thứ mà miền Bắc không làm được (cho đến tận bây giờ), miền Nam có nhiều điều đáng để học hỏi và tôn trọng; tuy nhiên, từ khi tôi chính thức viết bài trên cõi mạng tới giờ, mặc dù luôn luôn phê phán chính quyền đương thời nhưng tôi chưa từng viết một câu nào ngợi khen miền Nam VN như một biểu tượng hay mẫu mực cần vươn tới. Đơn giản vì đó không phải là hình mẫu mà tôi sùng bái. Không phải vì “anh em” yêu mến miền Nam mà tôi sẽ vì thế mà “viết cho vừa lòng nhau”.

Khi nào chúng ta thôi kiểm soát và xét nét nhau thì khi ấy ta mới đủ tư cách nói về bình đẳng hay dân chủ hay tự do. Không thể vì tôi nghĩ khác anh, anh liền quy kết tôi, miệt thị tôi, chụp mũ tôi v.v.. để xưng rằng mình là “nhà dân chủ” được. Thái độ ấy với thái độ của những người cộng sản thì có khác chi nhau?

Im lặng, vô hùa hay vị nể mà không đứng trên tinh thần khách quan và thái độ tôn trọng sự thật cũng như tôn trọng nhau thì việc nói về dân chủ cũng chẳng khác gì hơn một trò cười.

P/S: Giữa những tiếng ồn hay những miệng huyệt im lìm, may mắn vì vẫn còn những điều và những người đáng quý để chúng ta có niềm tin và những hi vọng cho một ngày mai đổi khác.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết của bác Thái Hạo đã gợi cho chúng tôi những suy nghĩ về việc viết lách , bình luận trên trang mạng . Thiển nghĩ , tham gia ” câu lạc bộ bình luận thời sự ” nầy là nét văn hoá rất hay . Vừa được giao lưu , vừa mở rộng tầm nhìn . Do vậy , ta cũng nên trung thực bày tỏ lập trường riêng , không tự ti mặc cảm , cũng không ” ỷ lại ” và tự xem mình như ” cây đa cây đề ” để có quyền phủ bóng , miệt thị , đồng thời sử dụng ngôn từ ” khiếm nhã ” với bạn viết khác. Cùng là người Việt ai ai cũng mong nước Việt , người Việt , ” đời đời mạnh cường , rạng danh thế giới ” ! Thấy người Việt thành công , mình cũng thấy tự hào . Đồng bào thọ tai ương , ta cảm thấy lòng dạ bất an ,” một con ngựa đau , cả tàu bỏ cỏ” . Điều kiện , hoàn cảnh sống của gia đình , xã hội và yếu tố chính trị dường như đã góp phần không nhỏ , ảnh hưởng đến quan điểm sống , trong đó có quan điểm chính trị ở mỗi người .(Người ở Đông Đức có thể không giống tư tưởng và lối sống Tây Đức trong một sớm một chiều , chẳng hạn) . Cho nên , chỉ có sự thật , lẽ phải , chân thành mới họa chăng , thuyết phục và ” khai phá thành trì của thành kiến ” ở mỗi cá nhân , thứ mà một nhà bác học lừng danh đã cho là “phá nó còn khó hơn phá vỡ hạt nhân nguyên tử ! ” Biết dựa trên thông tin đúng , đầy đủ . Biết khách quan và nhìn đa chiều trong bình luận . Trên tinh thần hữu hảo, tôn trọng khác biệt , nhưng không hề “hoà tan” . Đó là yêu cầu để ” câu lạc bộ ” đã dẫn được thành công và trung thực ,văn minh , lịch sự . Xin thưa và cảm ơn !

  2. Về ý nghĩa của bài này thì cũng na ná giống nhau trong cuộc trường chinh ” xã hội hóa dân chủ” hihi. Theo tớ thì chúng ta, những trí thức xhcn đảng đẻ, đảng bỏ, đảng để măc kệ thì chúng ta đã nàm được việc rất wan tọng, đó là ” chúng ta” đã hòa hợp, hòa giải, hòa tan với đảng từ hồi có bác Hồ tới giờ. Vì vậy chủ trương ” ôn hòa có học” trong tình thế ngày nay của nước Đảng, ta cần phải quyết liệt, phải kiên trì để giữ vững tinh thần đó trên cơ sở vững chắc là ” còn người thì mới còn ta”

  3. “Có rất ít những cuộc tranh luận nghiêm tục cả trong các vấn đề chính trị xã hội lẫn khoa học và nghệ thuật”

    “nghiêm túc” thì chưa có . Cũng không trách được, vì, như có ngừ đã nói, “phù hợp với trình độ dân trí”. Biết đủ là hạnh phúc, hổng nên đòi hỏi quá nhiều . Nhưng “nghiêm tục” (seriously vulgar) thì hơi bị thặng dư . Không phải là họ không cố gắng, nhưng … bít nàm thao được .

    “nhưng lạ, không có mấy nhà khoa học lên tiếng”

    Thôi i can du . Mấy nhà khoa học í mở miệng thì thiên hạ bít ngay là … Thà cứ im thì chả ai biết .

    “Ở Việt Nam, “tinh thần khoa học” là một cái gì rất xa xỉ”

    Hổng phải xa xỉ, mà cũng như “sự thật” & những thứ lăng nhăng khác, chúng hổng có giá trị lợi dụng nên chưa ai mún hòa hợp hòa giải với chúng . Vả lại mùa dịch, ai ở đâu ở đó . Đem sự thật, rùi tinh thần khoa học zìa, VN bục thì ai chịu trách nhiệm ?

    “không ít các “nhà dân chủ” nhảy vào với lời lẽ kiểu “bắt quả tang” một tên “tay trong”

    Là tác giả của 1 công trình về tư tưởng Hồ Chí Minh được giải thưởng của Tổng cục chính chị, tác giả hổng phải là “tay trong”. Vả lại “tay trong” thì đã nàm thao nào . Sống trong chăn mới biết mình là, lộn, hổng phải là rận .

    “Đầu óc đầy định kiến và thù hận mà muốn xây dựng một xã hội “tự do, dân chủ, nhân bản, khai phóng…” thì tôi không biết chúng ta sẽ lấy vật liệu gì để xây”

    Thim 1 phiếu chống “dựng lại cờ vàng”. Count me in.

    “Khi nào chúng ta thôi kiểm soát và xét nét nhau thì khi ấy ta mới đủ tư cách nói về bình đẳng hay dân chủ hay tự do. Không thể vì tôi nghĩ khác anh, anh liền quy kết tôi, miệt thì tôi, chụp mũ tôi v.v.. để xưng rằng mình là “nhà dân chủ” được”

    Rất đúng . Dư luận viên chỉ là những người khác chính kiến thui . Cần phải có thái độ cởi mở đ/v họ .

    “Im lặng, vô hùa hay vị nể mà không đứng trên tinh thần khách quan và thái độ tôn trọng sự thật cũng như tôn trọng nhau thì việc nói về dân chủ cũng chẳng khác gì hơn một trò cười

    Hahaha, you said it bruthah! Lý do của tớ khác, nhưng cùng cho ra 1 kết luận, đấu chanh -if we can call that- cho dân chủ -Hahahaha- hiện nay chỉ là 1 tấn hài kịch, hổng hơn cũng hổng kém .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây