BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Báo Giao Thông có bài: Bảo vệ ngư dân khi Trung Quốc cấm đánh cá trên Biển Đông. Sau khi TQ đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, một số độc giả của báo Giao Thông bày tỏ sự phản đối hành động xâm phạm chủ quyền VN.
Có độc giả kêu gọi các cơ quan chức năng VN giúp ngư dân bảo vệ “quyền lợi hợp pháp của mình trên ngư trường”, nhưng bảo vệ cách nào khi mà ở trên biển, ngư dân thường phải đơn độc đối đầu với các lực lượng tàu có vũ trang của TQ; còn ở trên bờ, các lãnh đạo VN bận lo “hữu nghị” với chúng?
VTC có clip: Trung Quốc không có quyền cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Tàu hàng đụng chìm tàu cá rồi bỏ đi, mặc 3 ngư dân nhảy xuống biển cầu cứu. Sáng nay, Đồn biên phòng Cửa Đại, thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam xác nhận, họ vừa cứu vớt 3 ngư dân tàu cá ở Quảng Nam, bị tàu không rõ danh tính, đâm chìm trên biển.
Sự việc xảy ra vào lúc 2h sáng nay, tàu cá QNa 0332 TS của thuyền trưởng Trần Văn Tuấn, trên tàu còn có 2 thuyền viên. Khi đến vị trí cách Cù Lao Chàm khoảng một hải lý về hướng Đông, thì bị một tàu không rõ số hiệu đâm vào mạn phải, làm chìm tàu. Ba ngư dân trên tàu ôm phao nhảy xuống biển kêu cứu, nhưng con tàu không rõ danh tính đó vẫn tiếp tục hành trình.
Mỹ và ASEAN khẳng định phối hợp, đóng góp duy trì hòa bình ở Biển Đông, theo báo Tuổi Trẻ. Trong cuộc họp trực tuyến Đối thoại ASEAN – Mỹ lần thứ 34, tổ chức hôm qua, quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ Atul Keshap khẳng định, Tổng thống Joe Biden coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP), mong muốn tăng cường hợp tác cùng ASEAN để giải quyết các thách thức đang đặt ra.
Bộ Ngoại giao VN cho biết: “Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, ASEAN và Mỹ khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ, đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới vốn tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn và còn diễn biến phức tạp, đáng quan ngại”.
Báo Tiền Phong đưa tin: Tàu sân bay Trung Quốc kết thúc tập trận ở Biển Đông. Người phát ngôn Cao Tú Thành của Hải quân TQ xác nhận, tàu sân bay Sơn Đông của TQ, đã hoàn thành cuộc tập trận vừa qua tại Biển Đông. Họ Cao lên giọng: “Chúng tôi hy vọng thế giới bên ngoài có thể nhìn nhận [cuộc tập trận của tàu Sơn Đông] một cách khách quan và hợp lý. Hải quân PLA sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận tương tự theo kế hoạch thường xuyên”.
Bộ Quốc phòng TQ tuyên bố: “Hàng không mẫu hạm sinh ra không phải ‘để ở nhà’ và việc hoạt động xa nhà sẽ là điều diễn ra thường xuyên”. Thế lực bành trướng Bắc Kinh khẳng định, các cuộc tập trận của Hải quân TQ ở Biển Đông đều “hợp pháp”, nhằm mục đích bảo vệ “chủ quyền và an ninh quốc gia”. TQ cũng khẳng định sẽ còn lặp lại các hoạt động tập trận của hai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông.
Mời đọc thêm: Anh, Mỹ cam kết bảo đảm tự do hàng hải tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Tin Tức). – “Chính quyền Tổng thống Biden coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN” (VnEconomy). – Mỹ – Nhật liên thủ, quyết chặn đứng lực lượng tàu ngầm Trung Quốc (KT). – Trung Quốc theo dõi sát động thái của Mỹ về Đài Loan, chỉ sau một bình luận (VietTimes). – Môi trường Biển Đông đe dọa trực tiếp đến an ninh nghề cá (TĐ). – Tàu hàng đâm chìm tàu cá, mặc 3 ngư dân cầu cứu (ĐV).
Phiên “tòa bỏ túi” trong vụ Nhật Cường
Trên danh nghĩa, phiên tòa xử các bị cáo trong vụ Nhật Cường về tội danh trong lĩnh vực kinh tế, gồm buôn lậu và cố tình làm sai quy định kế toán. Nhưng phiên tòa này có yếu tố chính trị, vì cựu Tổng GĐ Nhật Cường Bùi Quang Huy chính là người đứng đầu “sân sau” của cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ở VN, các phiên tòa chính trị thường là “tòa bỏ túi”, nên chỉ sau 2 ngày xét xử, các bị cáo đã “được” nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án.
Báo Hà Nội Mới đưa tin: Các bị cáo vụ Công ty Nhật Cường nói lời sau cùng. Sáng nay, HĐXX của TAND TP Hà Nội cho phép 14 bị cáo trong vụ Nhật Cường nói lời sau cùng. Hầu hết các bị cáo đều bật khóc và xin tòa giảm nhẹ hình phạt. Các bị cáo khẳng định, họ là những người làm công ăn lương, ông chủ Huy nói gì thì họ làm nấy, đến khi vướng vòng lao lý thì họ đều cố hợp tác với cơ quan điều tra. Phiên tòa bước vào phần nghị án, sẽ tuyên án vào ngày 10/5, tức thứ Hai tuần sau.
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi về bản chất của đại án Nhật Cường: Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ? “Kẻ ăn ốc” chính là ông chủ Nhật Cường, là người dựa vào mối quan hệ với Chung “con” để biến Nhật Cường, từ một cửa hàng sửa chữa điện thoại, trở thành doanh nghiệp bao trọn các gói thầu dịch vụ công của TP Hà Nội. Còn “người đổ vỏ” là những người làm công, chỉ làm theo lệnh cấp trên, lại lãnh án nặng vì Bùi Quang Huy đã bỏ trốn.
Báo Giao Thông đặt câu hỏi: Bùi Quang Huy bỏ trốn ảnh hưởng thế nào đến việc xét xử vụ Nhật Cường? LS Đặng Văn Cường cho rằng, kẻ chủ mưu Bùi Quang Huy hiện vẫn bỏ trốn không ảnh hưởng gì đến việc xét xử vụ án: “Trong trường hợp này, cơ quan tố tụng sẽ tiến hành tách vụ án ra để xét xử sau”. LS Nguyễn Thanh Điệp thừa nhận rằng, nếu bắt được ông chủ Nhật Cường thì việc xét xử sẽ thuận lợi hơn.
Việc bắt Bùi Quang Huy có cần thiết không thì những tay công an đang ra sức truy lùng ông chủ Nhật Cường biết rõ hơn mấy vị LS được chỉ định để trả lời báo “lề phải”. Lời khai của một số bị cáo cho thấy, chỉ riêng vấn đề buôn lậu, Bùi Quang Huy có những thủ thuật mà ngay cả cấp dưới cũng không biết, chưa nói đến mối quan hệ với Chung “con”.
Trước đó, phiên tòa xét xử ông Nguyễn Đức Chung vào ngày 11/12/2020 cũng diễn ra rất chóng vánh, liên quan đến vụ trộm “tài liệu bí mật nhà nước”, nhưng tất cả đã kết thúc chỉ trong một buổi sáng, với án tù 5 năm cho cựu Chủ tịch Hà Nội. Các đồng phạm khác lãnh án từ 18 tháng tới 4,5 năm tù.
Đến lượt phiên tòa xử vụ Nhật Cường cũng diễn ra khá nhanh. Ngày 5/5, bắt đầu xử thì hôm nay 7/5, các bị cáo đã “được” nói lời sau cùng, chỉ một ngày sau khi họ khẳng định chính Bùi Quang Huy mới là kẻ trục lợi chính. Các bị cáo giải thích phương pháp đưa hàng lậu về VN, nhưng HĐXX không đề cập gì đến thông tin về các quan chức, cán bộ đã ra tay “bảo kê” để một đường dây buôn lậu ngang nhiên hoạt động ngay tại TP Hà Nội, từ năm 2011 đến giữa năm 2019.
Mời đọc thêm: Vụ Nhật Cường: Bùi Quang Huy cầm đầu đường dây buôn lậu quy mô lớn (TTXVN). – Bị cáo vụ án Nhật Cường gây thiệt hại 30 tỷ đồng (VNE). – Vụ án Nhật Cường: Ông chủ bỏ trốn, nhân viên khóc ròng xin khoan hồng (TP). – Xét xử vụ Nhật Cường buôn lậu: Nhiều bị cáo khóc khi nói lời sau cùng (KT). – Các bị cáo trong vụ án Công ty Nhật Cường xin giảm nhẹ hình phạt (SGGP). – Bị cáo vụ Nhật Cường: “Bố mẹ già đau xót khi hai anh em đối diện án tù” (VOV). – Nữ giám đốc Tài chính Nhật Cường nhắn nhủ chồng “ra tù sẽ là người vợ tốt hơn” (NLĐ).
Tin nhân quyền
BBC đưa tin: NXB Tự do lên tiếng vụ cộng tác viên bị khởi tố vì phát hành sách ‘chống phá’. Đại diện NXB Tự do đã gửi email đến BBC, khẳng định ông Nguyễn Bảo Tiên, người vừa bị công an tỉnh Phú Yên loan tin bắt giữ và khởi tố, là cộng tác viên của mình, rằng ông vô tội và ông chỉ đang “thực thi các quyền được công nhận trong các Công ước quốc tế mà chính quyền Việt Nam đã ký kết”.
NXB Tự do cũng cho biết, họ nghi ngờ ông Tiên đã bị bắt giữ 18 tháng trước, chứ không phải mới bị bắt ngày 5/5 như báo chí “lề phải” loan tin. Đại diện NXB Tự do cho biết: “Khoảng tháng 11, 12/2019, chúng tôi liên tục nhận được thông báo từ độc giả – những người bị an ninh câu lưu thẩm vấn – báo về việc an ninh đang điều tra ‘một đường dây làm sách ở Phú Yên’. Từ những thông tin này, chúng tôi biết anh Tiên đã bị bắt và Cơ quan An ninh đang tìm cách đổ hoàn toàn trách nhiệm cho anh về các hoạt động của NXB Tự Do”.
Đây là toàn văn tuyên bố của NXB Tự do về vụ CTV Nguyễn Bảo Tiên bị khởi tố. Chuyện lạ là, phía NXB Tự do biết ông Tiên đã bị bắt từ cuối năm 2019, nhưng họ giữ im lặng suốt 18 tháng qua. Sau khi báo “lề phải” đưa tin vụ bắt giữ, họ mới lên tiếng. Cho dù ông Tiên chỉ là cộng tác viên, nhưng ông bị bắt vì liên quan tới NXB Tự Do, ông cần được công luận biết đến.
***
“Lời hứa” đã quá nhàm, đến hẹn được mang ra lặp lại: Lãnh đạo Việt Nam hứa sẽ sửa đổi Luật Đất đai, theo VOA. Sáng qua, khi vận động bầu cử ở TP Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hứa với cử tri rằng, “sửa luật đất đai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ”. Ông Minh tiếp tục hứa: “Dự kiến, luật này sẽ trình ra Quốc hội khóa XV, trong cuối năm nay hay đầu năm sau”.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nói: “Trong Luật Đất đai hiện hành của Việt Nam, đất đai theo định nghĩa thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý là một khái niệm hết sức mơ hồ, dẫn đến việc rất nhiều người lợi dụng chức quyền để thu tóm đất đai và phân phối một cách vô tội vạ, dẫn đến việc rất nhiều người dân mất đất”. Luật mơ hồ, qua nhiều năm vẫn chưa được sửa, giúp quan chức thu tóm đất đai, biến VN thành “cường quốc dân oan”.
Mời đọc thêm: Nhà Xuất bản Tự do nghi ngờ công an Phú Yên giam giữ trái pháp luật người đưa sách 18 tháng qua — Mạng xã hội VNBrands.vn bị tước giấy phép hoạt động 8 tháng (RFA). – Vụ xe hơi VinFast: Luật sư ‘bị công kích’ trong cuộc chiến pháp lý (BBC). – Thanh niên bị phạt tiền vì “xúc phạm quốc kỳ” trên mạng Tik Tok (RFA). – Hồng Kông: Mỹ kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho 4 nhà đấu tranh dân chủ (RFI).
Người Mỹ gốc Á bị tấn công, tăng mạnh
Sau những lời kích động của ông Trump chống di dân, hay gọi virus corona là “Chinese virus”, “Kung flu” sau khi đại dịch bùng phát, hơn một năm qua, số người Mỹ gốc Á liên tục bị tấn công, bất kể đó là người gốc Việt, Hàn, hay Tàu… vì những kẻ cực hữu da trắng cho rằng, chính người gốc Á mang virus này vào Mỹ.
Số liệu về tội ác thù hận người gốc Á tại Mỹ: Nạn nhân Việt Nam chiếm 8,3%, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Liên minh “Stop AAPI Hate”, liên minh quốc gia nhằm giải quyết sự phân biệt đối xử chống lại người Mỹ gốc Á xác nhận, số lượng các tội ác đối với người gốc Á được báo cáo đã tăng hơn gấp đôi chỉ trong vòng một năm. “Stop AAPI Hate” cho biết, từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021, các vụ tấn công được báo cáo đã tăng từ 3.795 lên 6.603, chưa tính đến các vụ hành hung không được ghi nhận.
Cũng theo “Stop AAPI Hate”, mức tăng 54% mỗi năm về số vụ, 4.193 vụ xảy ra vào năm 2020 và 2.410 vụ thù hận xảy ra vào năm 2021, cho thấy sự cấp thiết phải nâng cao nhận thức về làn sóng tội phạm thù hận đang diễn ra ở Mỹ. Về tỉ lệ, 43,7% nạn nhân của các vụ tấn công thù hận vào người gốc Á là người TQ. Tỉ lệ các vụ tấn công người Hàn Quốc, Philippines và VN lần lượt chiếm khoảng 16,6%, 8,8% và 8,3%.
VOA đưa tin: Một người Mỹ gốc Việt bị hàng xóm đâm chết vì không mang khẩu trang. Ông John Huỳnh, một người gốc VN, 29 tuổi, sống ở bang Washington, đã bị Ian Patrick Williams, 25 tuổi, đâm chết ngày 25/4/2021, ở thành phố Seattle.
Hồ sơ tòa án cho biết, vụ việc xảy ra vào khoảng 7g30 tối 25/4/2021, ông John Huỳnh vừa ra khỏi nhà cùng vợ và 2 người bạn, thì gặp người hàng xóm. Ian Williams đã đưa ngón tay giữa lên, nên nhóm người dừng lại để nói chuyện phải trái. Theo lời các nhân chứng, ông Huỳnh hỏi: “Anh muốn nguyền rủa chúng tôi hay có ý vẫy chúng tôi lại?” Và John Huỳnh bị Williams đâm chết.
Mời đọc thêm: Bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á, người châu Á ở Mỹ tăng mạnh (TP). – Dự luật chống lại tội ác nhằm vào người Mỹ gốc châu Á: Không dung thứ cho hận thù (HNM). – Ở Mỹ, nhân viên y tế gốc Á vừa chống dịch vừa chống phân biệt chủng tộc (VOA). – Quà đặc biệt mừng Ngày Lễ Mẹ: Xuống đường chống ‘Asian Hate’ (NV).
***
Thêm một số tin: Gạo ngon ST25 bị nhượng bản quyền cho Nhà nước (RFA). – Việt Nam ghi nhận người đầu tiên tử vong sau tiêm vắc xin Covid-19 (VNN). – Việt Nam: Dịch Covid-19 bùng phát trong cộng đồng tại hơn chục tỉnh thành — Vac-xin Covid-19: Mỹ muốn bỏ quyền bảo hộ sáng chế, châu Âu dè dặt, ngành dược phản đối — Covid-19: Ấn Độ ủng hộ việc đình chỉ bảo hộ sáng chế vac-xin (RFI).
Tàu thì lạ, hèn hạ thì quen. Đây là dấu ấn và tư duy mà đảng của ông Nguyễn Phú Trọng thực thi xưa nay.