Hồ Bạch Thảo
21-4-2021
Tiếp theo phần 1-52
53. Vua Trần Duệ Tông
Niên hiệu: Long Khánh [1373-1376]
Ngài tên húy là Kính, con thứ 11 của vua Minh Tông, em vua Nghệ Tông. Mẹ là Đôn Từ hoàng thái phi; sinh ngày mồng 2 tháng 6 năm Khai Hựu thứ 9 [30/6/1337]. Khi Nghệ Tông lánh nạn, việc cần vương quân lính, khí giới đều do công sức của nhà vua cả, vì thế Nghệ Tông nhường ngôi cho. Vua trị vì 4 năm, thọ 41 tuổi.
Tháng giêng, năm Long Khánh thứ 1 [24/1 đến 22/2/1373] (Minh Hồng Vũ thứ 6). Tôn thượng hoàng Nghệ Tông làm Quang Hoa Anh Triết thái thượng hoàng đế; truy tôn Thục đức hoàng hậu làm Thuận từ hoàng thái hậu. Thượng hoàng khi mới lên ngôi, bà nguyên phi là Huệ Ý phu nhân mất ở phủ Kiến Xương [Thái Bình], truy phong làm Thục Đức Hoàng hậu; đến đây, nhà Vua được nhường ngôi, lại truy tôn làm Hoàng thái hậu.
Năm trước triều đình nhà Minh bắt lỗi việc Dương Nhật Lễ chết, vua Nghệ Tông tự tiện lên ngôi, không thông báo cho biết; nên ra lệnh tuyệt giao không nhận cống vật. Đến nay sự việc tạm dàn xếp, Minh Thái Tổ đồng ý cho vua Nghệ Tông dùng ấn của vua cũ; lúc này việc vua Duệ Tông lên ngôi chưa báo cho nhà Minh biết:
“Tháng giêng năm Hồng Vũ thứ 6 [24/1-22/2/1373]. Tháng này Trần Thúc Minh [Trần Nghệ Tông] nước An Nam sai bầy tôi là bọn Đàm Ứng Ngang dâng biểu tạ tội, cống phương vật và xin phong tước. Đàm Ứng Ngang khẩn khoản trần tình rằng Vương trước Nhật Kiên bị bệnh mất, Thúc Minh tránh tiếng lánh bên ngoài, rồi được người trong nước lập lên. Thiên tử phán rằng:
‘Nhật Kiên mất, người trong nước hãy lo tang phục, Thúc Minh tạm dùng ấn của Vương trước để trông coi công việc, đợi khi giữ yên được lãnh thổ, cai trị ổn thỏa nhân dân, sau đó sẽ xét. Mệnh Trung Thư hạ lệnh Hành tỉnh Quảng Tây thuật rõ ý như vậy, để dụ nước này. Ban cho bọn Ứng Ngang lụa là, vải bố cho y phục mùa hè, rồi sai về”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 145)
Tháng 2, cho đặt ra sổ sách các quan văn, quan võ.
Lập bà phi họ Lê làm hoàng hậu. Hoàng hậu là em con nhà chú của Quý Ly, trước kia đã phong làm Hiển Trinh thần phi, đến đây lập làm Gia Từ hoàng hậu.
Tháng 8, bổ sung quân đội, tu tạo thuyền chiến. Nhà vua thấy người Chiêm Thành hay vào xâm lấn, nên sai sửa sang việc võ, ý muốn chính mình cầm quân đi đánh.
Ra lệnh cho quân và dân quyên thóc, rồi ban cho phẩm tước có đẳng hạng khác nhau.
Thi tuyển lại viên, bổ làm duyện lại ở Nội Lệnh sử.
Cũng vào tháng 8, Sứ giả Chiêm Thành đến triều Minh báo tin Chế Bồng Nga dẹp được bọn cướp biển Trung Quốc, tịch thu nhiều chiến lợi phẩm; Minh Thái Tổ đánh giá cao thành tích này, nên ban thưởng rất hậu:
“Ngày 29 tháng 8 năm Hồng Vũ thứ 6 [16/9/1373]
Quốc vương Chiêm Thành Ha Đáp Ha Giả [Chế Bồng Nga] sai bọn bầy tôi Dương Bảo Ma Ha, Bát Đích Duyệt Văn Đán dâng biểu, cống phương vật. Lại tâu rằng bọn giặc bể Trương Nhữ Hậu, Lâm Phúc tự xưng là Nguyên soái cướp phá trên biển, bị Quốc vương đánh bại. Bọn Nhữ Hậu bị chết trôi. Bắt được 20 chiếc thuyền biển, 7 vạn cân tô mộc, cùng tên giặc Ngô Đệ Tứ, đem đến hiến. Thiên tử vui lòng, mệnh ban cho Vương nước này 40 tấm lụa là, lụa văn ỷ; cho Sứ giả 2 tấm lụa là, 4 tấm lụa văn ỷ, 1 bộ y phục, 1 vạn 2000 đồng tiền; những người đi theo được ban thưởng có phân biệt”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 146)
Sứ giả Chiêm Thành lại đến triều Minh báo tin chiến thắng nước Đại Việt. Vua Minh tiếp tục khuyên hai phía bãi binh:
“Ngày 12 tháng 11 năm Hồng Vũ thứ 6 [26/11/1373], nước Chiêm Thành sai sứ tâu: ‘An Nam dùng binh xâm lăng, nước thần nhờ uy linh của thiên triều, đánh bại chúng tại biên giới. Nay kính cẩn sai sứ báo tin chiến thắng.’
Thiên tử nói với các quan tại Trung Thư Tỉnh rằng: ‘Các nước hải ngoại cách trở núi biển, mỗi nước lo tự phòng thủ biên giới, lâu lâu mới đến triều đình. Năm ngoái An Nam dâng biểu tâu rằng Chiêm Thành xâm phạm biên giới, năm nay Chiêm Thành lại tâu tiếp là An Nam quấy nhiễu biên cương. Hai nước đều thờ triều đình, không rõ hai bên ai đúng ai sai. Nay sai người đến dụ hai bên nên bãi binh để yên dân, không được xâm lấn lẫn nhau.’
Vẫn ban cho Quốc vương Chiêm Thành cùng Sứ giả lụa văn ỷ, rồi sai trở về nước”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 146)
Vào cuối năm Hồng Vũ thứ 6, Sứ giả nhà Minh mượn đường đến nước Miến Điện, lúc qua nước ta bị trở ngại vì quân Chiêm Thành đang đánh phá, đành phải trở về:
“Ngày 18 tháng 11 nhuần năm Hồng Vũ thứ 6 [1/1/1374], bọn Điền Nghiễm đi sứ nước Miến nhưng không đến nơi được, bèn trở về. Nước Miến tại vùng tây nam Vân Nam; giáp giới với nước Bát Bách và nước Chiêm Thành, còn được gọi là Miến Điện. Đời Nguyên rất thịnh, sau khi bình Thịnh Lộc Xuyên, nước Miến bèn phụ thuộc. Thiên tử nghe rằng nước này từng nạp cống cho nhà Nguyên, nên sai Điền Nghiễm, cùng Trình Đẩu Nam, Trương Vỉ, Tiền Cửu Cung mang chiếu thư đi sứ. Bọn Nghiễm đến An Nam, gặp lúc Chiêm Thành mang binh đến tấn công, đường trở ngại không lưu thông, phải lưu lại 2 năm tại đây, không đi tiếp được. Ban chiếu gọi trở về, chỉ có Nghiễm về được, còn những người khác chết trên đường”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 147).
Tháng 2, năm Long Khánh thứ 2 [14/3 đến 12/4/1374] (Minh Hồng Vũ năm thứ 7) bắt đầu đặt khoa thi tiến sĩ. Trước đây, khoa Thái học sinh, cứ 7 năm một lần thi, số đậu chỉ lấy 30 người thôi. Đình thí, số lấy đỗ không có lệ đặt nhất định; phàm tam quán thuộc quan Thái học sinh, thị thần học sinh, tướng phủ học sinh và những người có tước phong đều được vào thi cả. Đến đây mới bắt đầu gọi là khoa tiến sĩ; ban cho Đào Sư Tích người phủ Thiên Trường [Nam Định] đậu Trạng nguyên, Lê Hiến Phủ người phủ Khoái Châu [Hưng Yên] đậu Bảng nhỡn, Trần Đình Thâm người phủ Sách Giang [Hải Dương] đậu Thám hoa, La Tu người huyện Thuần Hựu, [Thanh Hóa] đậu Hoàng giáp; tiến sĩ cập đệ và các đồng cập đệ gồm 50 người, đều cho ăn yến và ban áo mũ, xuất thân có đẳng hạng khác nhau.
Tháng 3, đào các sông ở Thanh, Nghệ. Ra lệnh cho dân ở Thanh, Nghệ đào các sông, đến cửa biển Hà Hoa thuộc huyện Kỳ La [Hà Tĩnh] thì thôi.
Đáp lại chiếu thư của Minh Thái Tổ cho phép tiếp tục dùng ấn vua cũ; vua Nghệ Tông sai Sứ sang nhà Minh cảm ơn, nhân dịp dâng biểu nhường ngôi cho em là vua Duệ Tông:
“Tháng 3 năm Hồng Vũ thứ 7 [13/4-11/5/ 1374], tháng này Trần Thúc Minh [Trần Nghệ Tông] nước An Nam đã nhận được chiếu thư cho phép dùng ấn của Vương trước để trị việc nước; bèn sai Chánh Đại phu Nguyễn Thời Trung đến cống phương vật, dâng biểu tạ ơn. Lại xưng rằng vì tuổi già nên xin cho em là Đoan (1) thay thế. Lời xin được chấp thuận”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 148)
Sau đó, Vua Duệ Tông lại cử 1 phái đoàn sang triều Minh cảm ơn: “Ngày 29 tháng 5 năm Hồng Vũ thứ 7 [9/7/1374], Trần Đoan [vua Trần Duệ Tông] sai quan là bọn Lê Tất Tiên dâng biểu tạ ân. Mệnh ban cho lụa là và vải bố. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 149).
Tháng 8, cho đặt thêm quân hiệu. Trước kia quân Túc vệ chỉ có các quân Tứ Thiên, Tứ Thánh, Tứ Thần. Đến đây, đặt thêm các quân Uy Tiệp, Bảo Tiệp, Long Dực, Thần Dực, Điện Hậu. Tuyển những dân đinh khoẻ mạnh, phân ra ba hạng, sung vào các quân hiệu ấy. Ai cũng phải xăm trán để làm dấu ghi, như: quân Túc vệ thì trán xăm hoa; quân mới đặt thêm thì xăm trán đồ đen. Còn Thiên Trường, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Bình, và Thuận Hóa đều có quân hiệu, đặt đại đội trưởng và đại đội phó để cai quản.
Về phía nhà Minh, để tỏ ra ân sủng đối với việc Chiêm Thành bắt giặc biển, vua Minh đặc cách thưởng thêm:
“Ngày 4 tháng 8 năm Hồng Vũ thứ 7 [11/9/1374], Thiên tử phán bảo quan Trung Thư Tỉnh rằng:
‘Mùa thu năm ngoái Quốc vương Chiêm Thành sai sứ là Dương Bảo Ma Ha, Bát Đích Duyệt Văn Đán đến cống, chỉ ban cho lụa văn ỷ, lụa là đáp lại; còn công bắt giặc thì chưa thưởng. Nay gần ngày sứ trở về nước, có thể sai người mang đồ vật đem cho. Liền sai Tuyên sứ Kim Cừ mang rượu Thượng Tôn, cùng 24 tấm văn ỷ dệt kim tuyến, lụa là, đến Quảng Đông giao cho sứ nước này là Dương Bảo Ma Ha, Bát Đích Duyệt Văn Đán mang về để tặng Quốc vương”.
(Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 149)
Nhằm duy trì bản sắc phong tục nước ta, vua Duệ Tông xuống chiếu cho quân và dân không được mặc áo, chải đầu theo thời tục người phương Bắc, và bắt chước tiếng nói của các nước Chiêm, Lào.
Mùa đông, tháng 10, dùng Trần Thúc Ngạn, con trai của Thượng hoàng làm Tư đồ coi trấn Thái Nguyên; Tư đồ Nguyên Đán coi việc quân trấn Quảng Oai [Sơn Tây].
Tháng giêng, năm Long Khánh thứ 3 [1/2 đến 2/3/1375] (Minh Hồng Vũ năm thứ 8), dùng Lê Quý Ly làm tham mưu quân sự.
Sai Quý Ly tuyển trong họ tôn thất và trong các quan viên lấy những người am tường võ nghệ, tinh thông thao lược, bổ làm quân tướng.
Đặt lại các lộ, các phủ ở Hoan Châu, Diễn Châu và Lâm Bình. Đổi Hoan Châu làm lộ Nhật Nam và các lộ Nghệ An Nam, Bắc, Trung; đổi Diễn Châu làm lộ Diễn Châu; phủ Lâm Bình làm phủ Tân Bình [Quảng Bình]. Sai Đào Lực Đinh và Hà Tử Công đem dân sở tại sửa sang đường sá, từ lộ Cửu Chân đến huyện Hà Hoa [Kỳ Anh, Hà Tĩnh], ba tháng làm xong.
Vào tháng 6, nhà Minh ban dụ qui định 3 năm triều cống một lần:
“Ngày 6 tháng 6 năm Hồng Vũ thứ 8 [4/7/1375], Trần Đoan [Duệ Tông] nước An Nam sai bọn Thông Nghĩa Đại phu Nguyễn Nhược Kim đến triều yết, xin cho biết kỳ hạn tiến cống. Thiên tử mệnh quần thần bàn, tất cả đều tâu rằng thời xưa nước chư hầu đối với Thiên tử hàng năm làm lễ sính nhỏ, ba năm lễ sính lớn; các phiên bang và nước xa xôi thì một đời gặp một lần. Vì vậy quan Trung Thư Tỉnh được lệnh dụ các nước An Nam, Cao Ly, Chiêm Thành rằng:
‘Kể từ nay 3 năm đến triều cống một lần, nếu các Vương muốn đến cống một đời một lần thì cũng được”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 151)
Tháng 8, nhằm chuẩn bị đánh Chiêm Thành, nhà vua ra lệnh tuyển lính. Binh lính, người nào già yếu thì thải ra; chọn lấy những dân đinh khỏe mạnh để bổ sung. Phàm những người ngụ cư làm thuê ở Thanh Hoá và Nghệ An đều lấy vào quân đội.
Hạ chiếu cho những nhà giàu ở các lộ nộp thóc vào nhà nước, rồi ban cho phẩm tước có đẳng hạng khác nhau.
Vào tháng 10, sứ Chiêm Thành sang cống triều Minh, vua Thái Tổ ban cho Chế Bồng Nga y phục kim tuyến:
“Ngày 11 tháng 10 năm Hồng Vũ thứ 8 [4/11/1375], Quốc vương Chiêm Thành Ha Đáp Ha Giả sai bầy tôi Bảo Khuê Trại Tây Na Bát Đích dâng biểu cống sản vật địa phương. Ban cho Vương nước này cùng Sứ giả y phục văn ỷ dệt kim tuyến và các vật có sai biệt”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 151).
Tháng 4, năm Long Khánh thứ 4 [19/4 đến 18/5/1376] (Minh Hồng Vũ năm thứ 9) mùa hạ. Vì cớ sắp làm lễ hội thề ở đền Đồng Cổ nên quy định chế độ về thuyền, xe, kiệu, tàn lọng, áo, mũ và đồ nghi trượng.
Tháng 5, quân Chiêm Thành vào cướp phá Hoá Châu.
Tháng này cống sứ nước ta đến triều Minh trước kỳ qui định, nên Vua Minh lại đưa chỉ dụ qui định 3 năm cống một lần:
“Ngày mồng 1 tháng 5 năm Hồng Vũ thứ 9 [19/5/1376], Trần Đoan [vua Trần Duệ Tông] nước An Nam sai bọn Thông Nghĩa Đại phu Lê Á Phu đến triều cống phương vật. Thiên tử bảo quan Trung Thư Tỉnh rằng các nước ngoại Di cách núi ngăn sông, nếu triều cống không định kỳ thực mệt nhọc kẻ xa xôi, không thỏa đáng. Năm ngoái An Nam đến xin cho biết kỳ hạn tiến cống, đã ra chỉ dụ hoặc 3 năm, hoặc một đời một lần; nay lại sai sứ đến, thực là vô vị trái ý Trẫm. Hãy dụ rằng các phiên bang ngoại quốc đáng theo thường chế 3 năm cống một lần thì không phiền; sứ thần hạn số chỉ 3 hoặc 5 người, cống vật không cần quá hậu, chứng tỏ lòng thành kính là được rồi”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 153)
Tháng 10, nhà Vua duyệt binh ở sông Bạch Hạc [Sơn Tây], chuẩn bị mang quân đi đánh Chiêm Thành:
“Thấy người Chiêm Thành hay vào lấn cướp, nhà vua bàn định chính mình cầm quân đi đánh. Ngự sử trung tán là Lê Tích dâng sớ can rằng:
‘Binh đao là thứ hung dữ, không nên tự chính nhà vua dấy quân đi đánh, huống chi bây giờ nội nạn vừa mới được yên, Chiêm Thành dầu không giữ lễ làm tôi, nhưng cũng chỉ nên sai tướng đi hỏi tội, chứ nếu xa giá thân chinh, thì theo ngu kiến, thần tưởng không nên’.
Ngự sử đại phu là Trương Đỗ cũng can rằng: ‘Chiêm Thành chống lại mệnh lệnh nhà vua, tội nó đáng phải giết, không dung thứ được; nhưng nước nó ở tít cõi tây, có núi sông hiểm trở. Ngày nay, bệ hạ mới lên ngôi, chính lệnh và giáo hóa chưa thấm khắp đến phương xa, tưởng nên trau sửa văn đức để cho nó theo về với mình. Nếu nó không theo, bấy giờ sẽ sai tướng đi đánh cũng chưa muộn nào’.
Trương Đỗ ba lần dâng sớ lên can, nhưng cuối cùng nhà vua vẫn không nghe. Liền đó nhà vua sai quân và dân ở Thanh Hoá và Nghệ An tải năm vạn thạch lương thực đến tích trữ ở Hoá Châu. Lại rước Thượng hoàng đi điểm duyệt quân đội ở Bạch Hạc giang. Mọi việc này đều là chuẩn bị để đánh Chiêm Thành”. Cương Mục – Chính Biên – Quyển 10.
Tháng 12, nhà vua đích thân làm tướng, đi đánh Chiêm Thành:
“Trước đây, Đỗ Tử Bình vào trấn giữ Hóa Châu; chúa Chiêm là Chế Bồng Nga đưa 10 mâm vàng để dâng triều đình. Tử Bình ăn chặn, giấu đi, lại nói dối rằng: Bồng Nga kiêu ngạo, khinh nhờn, vô lễ, nên đem quân đi đánh. Bấy giờ nhà vua mới quyết tâm thân chinh. Thống lĩnh 12 vạn quân từ kinh đô xuất phát, nhà vua sai Lê Quý Ly đốc sức dân ở Nghệ An, Tân Bình, Thuận Châu và Hóa Châu vận tải lương thực để cung cấp cho quân sĩ. Khi đến cửa biển Di Luân [huyện Bình Chánh, Quảng Bình], nhà vua sai các quân sĩ vượt biển mà đi, còn mình thì đem bộ binh tiến theo ven bờ biển. Khi đến cửa biển Nhật Lệ [huyện Phong Lộc, Quảng Bình], đóng doanh trại ở đấy hơn một tháng để luyện tập quân sĩ”. Cương Mục – Chính Biên – Quyển 10.
Tháng giêng, năm Long Khánh thứ 5 [9/2 đến 9/3/1377] (Minh Hổng Vũ thứ 10). nhà vua kéo quân vào đánh Chà Bàn [Đồ Bàn], bị thua, mất tại trận. Bọn đại tướng là Đỗ Lễ và Nguyễn Nạp Hòa, hành khiển là Phạm Huyền Linh đều chết trận cả. Ngự câu vương Úc đầu hàng Chiêm Thành:
“Quan quân đến Thị Nại cảng (2), tiến lên Cầu Đá (Thạch Kiều), đóng lại ở động Ỷ Mang. Bồng Nga dựng lũy bằng tre gỗ ở ngoài thành Chà Bàn, sai bầy tôi là Mục Bà Ma ra trá hàng, nói rằng Bồng Nga đã chạy trốn, chỉ để thành bỏ ngỏ đó thôi, nên mau tiến quân kẻo lại lỡ cơ hội. Nhà vua tin lời, sai gấp tiến quân. Đại tướng Đỗ Lễ can rằng:
‘Theo binh pháp, đánh lấy thành là sự bất đắc dĩ. Kẻ kia đã nói xin hàng, thì ta nên lấy việc cho nước nó được an toàn là hơn cả. Vậy ta hãy cho một tay thuyết khách cầm thư đi hỏi tội để dò hư thực, theo như mưu chước Hàn Tín đánh phá nước Yên (3) ngày trước, chẳng phải khó nhọc mà được nên công. Vả, tình ý của kẻ địch khó suy lường được. Vậy tôi xin bệ hạ hãy xét kỹ’.
Nhà vua nói rằng: ‘Ta mặc áo giáp bền, cầm võ khí sắc, gội gió, tắm mưa, trèo non, lội suối, len lỏi đi sâu vào đất giặc, không ai dám đương đầu với ta. Thế là cái cơ trời giúp ta đó. Huống chi bây giờ vua nước nó sợ bóng sợ gió, chạy trốn xa, không có tinh thần chiến đấu. Việc binh quý hồ nhanh chóng, nếu để chậm trễ không tiến quân thì là trời cho mà mình không nhận; rồi ra nếu nó tráo trở, dù có ăn năn thì sự đã rồi! Nhà ngươi thực là kiến thức đàn bà!’.
Nhà vua liền sai lấy áo đàn bà mặc cho Đỗ Lễ (4). Rồi đoàn quân cứ nối đuôi nhau như xâu cá mà tiến lên. Giặc nhân cái đà thuận tiện, thình lình đổ ra tập kích, cắt ra từng tốp: Quan quân tan vỡ nặng nề. Nhà vua bị vây hãm, chết tại trận. Bọn đại tướng Đỗ Lễ và Nguyễn Nạp Hoà cùng hành khiển Phạm Huyền Linh đều bị chết cả. Ngự câu vương, tên là Úc, đầu hàng giặc, được giặc gả cho con gái. Đỗ Tử Bình cầm hậu quân, không đến cứu viện. Lê Quý Ly nghe tin bại trận, vội trốn về.
Ngày hôm ấy, ở kinh đô đương ban ngày, trời tối sầm lại; chợ búa, hàng quán phải đốt đèn đuốc mà mua bán. Thượng hoàng sai đem chiếc xe tù đi bắt Tử Bình. Khi Tử Bình về qua phủ Thiên Trường, người ta đua nhau chưởi mắng, lấy gạch ngói ném vào xe tù Tử Bình. Thượng hoàng xuống chiếu trị tội hắn, miễn cho tử hình, nhưng phạm tội đồ, bắt đi làm lính”. Cương Mục – Chính Biên – Quyển 10.
Cùng thời điểm này, Minh Thực Lục xác nhận Vua Duệ Tông tử trận như sau: “Ngày 28 tháng giêng năm Hồng Vũ thứ 10 [8/3/1377], Trần Đoan [vua Trần Duệ Tông] nước An Nam mang binh giao tranh với Chiêm thành, bị đại bại tại đất Chiêm Thành. Đoan tử trận. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 153).
Thượng hoàng Nghệ Tông thấy Vua Duệ Tông chết vì việc nước, bèn cho con trưởng là Kiến Đức đại vương Hiện lên nối ngôi, xưng là Giản Hoàng. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Khâm Minh nhân hiếu hoàng đế tức là Đế Hiện.
Chú thích:
1. Tên vua Trần Duệ Tông xưng với nhà Minh là Trần Đoan.
2. Cảng Thi Nại: Ở địa giới hai thôn Hương Mai và Chánh Thành, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định bây giờ.
3. Hàn Tín đánh phá nước Yên: Thời đại Hán Sở, nước Yên [Hà Bắc], nước Triệu [Sơn Tây] là hai nước vừa lớn vừa mạnh ở gần nhau. Đại tướng nhà Hán là Hàn Tín sau khi phá được nước Triệu, thế quân lừng lẫy. Hàn Tín đem quân đóng ở địa đầu nước Yên, đưa thư hiểu dụ; vua Yên sợ, xin hàng.
4. Lấy áo đàn bà mặc cho Đỗ Lễ. Có ý chê Đỗ Lễ nhút nhất.