BTV Tiếng Dân
Bài thứ 4 trong loạt bài trên báo Thanh Niên về tình hình ở khu vực quần đảo Trường Sa, tháng 4.2021 – Kỳ 4: Tàu cá Trung Quốc xúm xít quanh bãi Ga Ven. Sau khi Philippines phát hiện sự hiện diện của hàng trăm tàu “dân quân biển” TQ ở khu vực Đá Ba Đầu, công luận quốc tế lên án, TQ làm dịu tình hình bằng cách để các tàu dân binh tản ra trong khu vực quần đảo Trường Sa, chỉ còn một ít tàu ở lại Đá Ba Đầu. Khu vực bãi Ga Ven là một trong các “điểm tập kết” của nhiều tàu dân binh TQ.
Tin cho biết, trong tháng 4/2021, vùng biển Nam Yết của huyện đảo Trường Sa tập trung hàng trăm tàu cá TQ neo đậu. Các công nhân hải đăng Nam Yết của VN cho biết, có thời điểm tàu cá TQ neo đậu hơn 200 chiếc ở khu vực giữa đảo Nam Yết với bãi Ga Ven. Các tàu có lượng giãn nước từ 450 đến 750 tấn, sử dụng hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu.
Báo Pháp Luật TP HCM dẫn tin từ hãng thông tấn Kyodo News: TQ thông qua luật tăng cường quyền lực cho lực lượng hàng hải. Truyền thông TQ xác nhận, Bắc Kinh đã luật hóa việc tăng cường quyền lực cho lực lượng chức năng hàng hải nước này, bằng cách thông qua dự thảo sửa đổi Luật An toàn Giao thông Hàng hải vào ngày 29/4 vừa qua, dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.
Luật sửa đổi sẽ cho phép Cục Hải sự TQ, thuộc Bộ GTVT, yêu cầu các tàu nước ngoài rời khỏi vùng biển mà TQ tuyên bố lãnh hải, nếu lực lượng an ninh hàng hải TQ đánh giá các tàu này có thể đe dọa an ninh của nước này. Cục Hải sự TQ còn có thể chặn các tàu nước ngoài xâm nhập vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh hải, nếu hành vi đó “không thuộc diện đi qua không gây hại” theo luật pháp quốc tế.
Trước đó, ngày 22/1, trong hội nghị ĐBND toàn quốc TQ lần thứ 25, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã ký lệnh ban hành Luật hải cảnh mới, cho phép lực lượng hải cảnh nước này dùng vũ khí nhắm vào tàu nước ngoài, luật này có hiệu lực từ ngày 1/2. Hơn 3 tháng sau khi họ Tập ký lệnh trao quyền nổ súng cho hải cảnh TQ, Bắc Kinh lại tiếp tục thông qua luật tăng quyền cho an ninh hàng hải.
Nội dung chính của Luật Hải cảnh mới và Luật An toàn Giao thông Hàng hải mới của TQ cho thấy, luật sau ra đời để hỗ trợ cho luật trước. Chẳng hạn như, khi tàu TQ phát hiện tàu nước khác trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò”, lực lượng an ninh hàng hải TQ sẽ dựa theo Luật An toàn GT mới để yêu cầu tàu nước ngoài rời đi, nếu tàu nước ngoài không rời đi thì khi đó tàu hải cảnh TQ có thể dựa vào luật hải cảnh để nổ súng.
Báo Thanh Niên đưa tin: Trung Quốc tăng cường sức mạnh đổ bộ tấn công ở Biển Đông. Đầu tháng 4/2021, Mỹ triển khai đến Biển Đông nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và nhóm tác chiến tàu sân bay trực thăng USS Makin Island để răn đe hoạt động của nhóm tàu sân bay Liêu Ninh của TQ. Sự kiện TQ vừa triển khai tàu sân bay Sơn Đông và tàu sân bay trực thăng Hải Nam xuống Biển Đông chính là bản “sao chép” chiến thuật phối hợp tàu sân bay và tàu sân bay trực thăng của Mỹ.
Tàu sân bay có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ tác chiến, nhưng tàu sân bay trực thăng thường chỉ tập trung vào tác chiến đổ bộ, do đặc trưng mang theo máy bay lên thẳng và tàu đổ bộ, đều để chở quân vượt biển. Trước khi tàu Hải Nam được đưa vào biên chế, TQ đã thể hiện sức mạnh đổ bộ không thể xem thường, với sự hiện diện của 3 tàu tấn công đổ bộ Type 071 là Ngũ Chỉ Sơn (987), Côn Lôn Sơn (998) và Trường Bạch Sơn (989), từng tập trận ở Biển Đông vào tháng 11/2020.
Báo Thanh Niên có bài: Tàu đổ bộ Mỹ trước thách thức đối phó Trung Quốc. Nghị sĩ Rob Wittman, thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ đề xuất, lực lượng đổ bộ của Mỹ trong tương lai sẽ tập trung vào các tàu cỡ nhỏ, bao gồm tàu đổ bộ hạng nhẹ: “Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng chúng ta khiến Trung Quốc phải đối phó nguy cơ tại nhiều nơi khác nhau, trong khi có thể di chuyển các khí tài. Chúng ta vẫn sẽ cần các tàu lớn để kết nối hậu cần, nhưng các tàu đổ bộ phải có thể di chuyển thiết bị và điều động các đơn vị thủy quân lục chiến một cách linh hoạt”.
VnExpress đưa tin: Mỹ tăng hoạt động do thám ở Biển Đông. Nguồn tin từ tổ chức Sáng kiến Thăm dò Biển Đông (SCSPI) công bố ngày 30/4, cho thấy, Mỹ đã thực hiện 65 chuyến bay do thám Biển Đông chỉ trong tháng 4/2021. Mỹ đã sử dụng 5 loại máy bay trinh sát trên khắp Biển Đông, thực hiện nhiều hoạt động từ tuần tra hàng hải tới thu thập tin tình báo.
Trong 65 nhiệm vụ nói trên, máy bay tuần thám P-8A Poseidon đảm nhận 43 nhiệm vụ, trong khi máy bay tương tự khác là E-8C Orion, thực hiện 5 nhiệm vụ. Cả hai máy bay này đều vừa có thể theo dõi hoạt động tàu nổi, vừa có khả năng tìm kiếm tàu ngầm bằng cách sử dụng thiết bị phát hiện bất thường.
VTC có bài: Vấn đề Trung Quốc bao trùm 100 ngày đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Biden. Ngay sau khi ông Biden nhậm chức, trong 3 tháng qua, chính phủ Mỹ đã liên tiếp áp đặt các lệnh trừng phạt đối với quan chức TQ, như cách hành xử của TQ đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, chính sách đối với Hồng Kông… Phía Mỹ cũng đưa ra các hướng dẫn mới để tăng cường tương tác và liên hệ với các quan chức Đài Loan, thực hiện các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông để răn đe TQ.
Mời đọc thêm: Úc tính tung đòn hiểm với Trung Quốc (NLĐ). – [ẢNH] Siêu tàu sân bay Châu Âu mang theo tiêm kích tàng hình tới Biển Đông (ANTĐ). – Mỹ gia tăng dàn ‘mắt thần’ do thám Biển Đông đối phó Trung Quốc (TG&VN). – Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cảnh báo lạnh gáy về xung đột Mỹ – Trung (VietTimes). – Mời đọc lại: Vì sao Mỹ liên tục đưa tàu chiến đến Biển Đông sau khi ông Biden nắm quyền? (VTC).