Rác: Nhà nước hay dân sự?

Mai Quốc Ấn

23-4-2021

Rác được các công ty thu gom, đa phần là công ty nhà nước. Ở Tp.HCM có 24 quận huyện thì có 26 công ty thu gom rác. Rác thu gom được người dân trả phí hàng tháng và phí này chỉ có tăng chứ không giảm.

Rác sau khi thu gom được đưa ra bải rác. Chi phí xử lý rác do UBND các tỉnh thành trả bằng tiền thuế dân cho đơn vị xử lý tính theo tấn. Công ty VWS (bãi rác Đa Phước Tp.HCM) hiện nay đang xử lý mỗi tấn rác như vậy với giá 21USD, công nghệ là… chôn lấp. Lý do vì sao Đa Phước hay bất kỳ bãi rác chôn lấp nào cũng ô nhiễm, ảnh hưởng cộng đồng là rác chưa được người dân phân loại.

Chưa có cây bút môi trường nào lẫn người quản lý môi trường nào coi rác là nguyên liệu. Hễ là nguyễn liệu thì có tính đồng nhất, muốn đồng nhất thì cần phân loại và đã mất công phân loại thì người dân sẽ được hưởng/đổi thứ gì ngang giá từ rác đã phân loại, cần phải được minh định.

Người viết thú vị với ứng dụng “ve chai công nghệ” (VECA). Nó kết nối người bán nguyên liệu có tên rác đã được phân loại với người mua rác có nhu cầu tương ứng. Ứng dụng này được lập ra để thoả mãn quan hệ dân sự mua-bán rác của người dân căn cứ theo Luật Dân sự.

“Điều đặc biệt và là điểm khác so với nhưng ứng dụng gọi xe và giao hàng công nghệ hiện nay đó là mô hình của VECA không thu phí sử dụng nền tảng của bất cứ bên nào, cũng không thu chiết khấu.

Giá thu mua hiển thị trên app cũng do thị trường quy định, không do VECA đặt ra.

Để có thể phát triển bền vững, đại diện VECA cho biết: Khi khối lượng phế liệu qua vựa trong hệ thống đủ lớn, đơn vị sẽ thu mua phế liệu lại từ các vựa và kinh doanh đến các nhà máy tái chế.” (trích CafeBiz)

Nói thêm một chút, EU sau chiến tranh thế giới đến khoảng những năm 1960s cũng loay hoay với bài toán phân loại rác. Và họ để việc phát triển quan hệ dân sự về thu gom, xử lý rác giải quyết việc này. Doanh nghiệp nào cho người dân thấy dân được gì từ việc phân loại rác, doanh nghiệp ấy trúng thầu.

Ở Việt Nam, mỗi tỉnh có một “ông vua con” về xử lý rác. Số liệu 2018 cho thấy quốc gia có 63 tỉnh thành nhưng chỉ có 69 đơn vị được cấp phép xử lý rác. Trong đó có những công ty ma đã không còn hoạt động. Hài hước hơn, có công ty được nhà nước cấp giấy khen về xử lý rác xong đã lập tức bị cảnh sát môi trường phát hiện, xử lý về việc chôn rác thải độc hại.

Nhìn Châu Âu xanh sạch và Việt Nam ô nhiễm. Đọc các thông tin về việc các nước Bắc Âu tái sử dụng, tái chế đến 99% rác trong khi nước mình chỉ tái chế nổi 15-20%. Những hình ảnh và con số nói lên tất cả, rằng sự can thiệp của nhà nước về rác không hợp lý bằng quan hệ dân sự thu gom, xử lý rác.

Người viết từng phản ánh về việc có công ty xử lý rác của Pháp xin xử lý rác không lấy phí, nghĩa là không tốn thuế dân. Công nghệ của họ biến rác thành tiền. Nhưng sau nhiều năm bị hành là chính, công ty của Pháp ấy đã về nước bặt tăm. Nói thẳng, sự độc quyền về cấp phép xử lý rác tại quốc gia bản địa và luật minh bạch tài chính EU không cho phép họ “bôi trơn” khiến không thể triển khai dự án tại Việt Nam.

Có nghe thông tin hành lang là sau khi “đốt lò” các dự án nhà nước và các đại án đất đai; “những thanh củi” được chọn sắp tới sẽ có tên môi trường. Điều này cũng giống như việc Quốc hội “dọn đường” với Luật Bảo vệ môi trường cập nhật và bổ sung năm 2020 hay mới đây là phát biểu nhậm chức của Thủ tướng Phạm Minh Chính về 5 vấn đề lớn của quốc gia, trong đó có môi trường.

Nếu nhà nước dùng phương thức đó để mở đường cho câu chuyện dân sự về việc thu gom, xử lý rác thì đất nước mới hết ngập ngụa trong rác.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây